Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Hai, 2 tháng 11, 2020

Đừng để nỗi xấu hổ của bộ phận những người làm luật trở thành nỗi nhục của cả Quốc hội

 

Đừng để nỗi xấu hổ của bộ phận những người làm luật trở thành nỗi nhục của cả Quốc hội

Trần Tuấn

2-11-2020

DỰ LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG (SỬA ĐỔI): ĐỪNG ĐỂ NỖI XẤU HỔ CỦA BỘ PHẬN NHỮNG NGƯỜI LÀM LUẬT TRỞ THÀNH NỖI NHỤC CỦA CẢ QUỐC HỘI KHÓA XIV KỲ HỌP 10!

Dự luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) do Bộ Tài nguyên-Môi trường chủ trì soạn thảo từ hơn một năm nay. Đang được thảo luận tại kỳ họp Quốc hội lần này. Dự kiến ngày 11/11 tới đây, sẽ có phiên thảo luận toàn thể chốt thông qua!

Các bạn cần đọc dự luật này! Và phải là phiên bản dự thảo lần thứ 7 mà các đại biểu Quốc hội đang bàn.

Bởi không nói, ai cũng hiểu tầm quan trọng của luật “bảo vệ môi trường” và hậu quả lớn thế nào khi tình trạng “luật rởm” tồn tại!

Tôi đã nghiên cứu, và hôm nay, đã có bài phản biện trình bày tại tọa đàm chuyên gia do ba bên: Nhóm hành động vì Công lý – Môi trường – Sức khoẻ (JEH). Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) và Liên minh Phòng Chống Bệnh Không Lây Nhiễm Việt Nam (NCDs-VN), phối hợp tổ chức.

KIẾN NGHỊ QUỐC HỘI DỪNG KHÔNG THÔNG QUA

Đó là một trong 3 kiến nghị chính tôi nêu.

Bởi nếu dự luật với nội dung như thế được thông qua, tôi đánh giá, nỗi xấu hổ của bộ phận soạn thảo và thẩm định dự luật này sẽ chuyển thành nỗi nhục cho Quốc hội khóa XIV, và là một thất bại đau đớn của giới trí thức có tâm nước Việt!

Xấu hổ, bởi hơn năm trời làm luật, mà đến định nghĩa khái niệm cơ bản nhất- khái niệm “môi trường”- còn hiểu lệch lạc ghi vào mục 31 điều 3 chương 1 của dự luật!

Xấu hổ, bởi cố đọc hiểu cho được khung logic phát triển dự luật, thì phát hiện ra, nội dung dự luật không tuân thủ được phân nửa các nguyên lý cơ bản phải đảm bảo của một luật môi trường thế kỷ 21! Mà phần “non nửa” có theo, ưu ái đánh giá lắm, cũng phải dừng ở mức đánh giá “chỉ gọi là cho có, nửa vờii”! Nói ra chỉ thêm buồn!

Xấu hổ, bởi làm luật môi trường lúc này, mà không dám đề cập tới các mục tiêu “môi trường sinh thái”, “hệ sinh thái”, “sức khỏe môi trường”, “sức khoẻ sinh thái”, “một sức khoẻ”…

Xấu hổ, bởi dự luật hiện hành chính là bằng chứng sống động về “thế là toi cơm”: Trợ giúp quốc tế trong 15 năm qua, cùng ngân sách nhà nước, tới hàng trăm triệu đô la Mỹ có dư, để thúc đẩy ba bộ: Tài nguyên Môi trường-Nông Nghiệp Phát triển Nông thôn- Y tế “ngồi với nhau” phối hợp hành động cho mục tiêu bảo vệ sức khoẻ con người trong cách đề cập “lồng ghép, đồng bộ hóa” các biện pháp can thiệp chính sách tạo nên hiệu quả đồng thời “ba trong một” – bảo vệ sức khoẻ con người đi liền với bảo vệ sức khoẻ môi trường cho các sinh thể động, thực vật, vi sinh vật khác trong hệ thống môi trường sinh thái Việt nam… thế mà soạn dự luật “bảo vệ môi trường” trong suốt 216 trang, 175 điều, Bộ Tài-Môi và cả hai bộ liên quan, không hề đả động tí ti nào đến “một sức khoẻ”, hay chí ít “sức khoẻ môi trường” như mong đợi!

Thật là vỏ hến đổ sông đổ biển!

ĐỪNG ĐỂ VIỆC LÀM THẤT ĐỨC CỦA MỘT THIỂU SỐ TRỞ THÀNH “NỖI NHỤC CỦA ĐA SỐ!

Xấu hổ sẽ biến thành nỗi nhục cho Quốc hội, nếu “thông qua” một dự luật “bảo vệ môi trường” trong đó tồn tại bao thủ thuật tinh vi dành quyền lực cho nhóm thủ lợi tiếp tục “khai thác” môi trường nước Việt, như đã từng diễn ra trong thời gian qua!

Xấu hổ của những kẻ làm luật, thẩm định luật sẽ biến thành nỗi nhục cho trí thức có tâm nước Việt, khi để Quốc hội thông qua dự luật tồn tại bao câu chữ chỉ để dùng vô hiệu hóa vai trò phản biện của các nhà khoa học, các tổ chức độc lập phi vụ lợi…

Chỉ đơn cử một “nhức nhối” để bạn đọc tham khảo: Vai trò của y tế dự phòng nói riêng và của ngành y nói chung, bị “xuống cấp” không còn là chủ thể “đầu tầu” đánh giá tác động của môi trường lên sức khoẻ cộng đồng, “bị hãm” trong “bảo vệ môi trường bệnh viện” mà thôi! Quyền của Bộ Tài nguyên Môi trường giờ trùm sang cả xác định “ảnh hưởng sức khoẻ” của các yếu tố môi trường! Bằng chứng, Điều 63. “Bảo vệ môi trường trong hoạt động y tế và kiểm soát tác động của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe con người” mục 4, nêu như sau:

“Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết việc vận chuyển, xử lý chất thải y tế; kiểm tra, thanh tra, đánh giá và xử lý các yếu tố vật lý, hóa học, sinh học trong môi trường liên quan đến bệnh tật; xây dựng và công bố giới hạn của các yếu tố vật lý, hóa học, sinh học trong môi trường có tác động đến sức khỏe con người; quản lý, chia sẻ, trao đổi, công bố thông tin về các chất ô nhiễm và các yếu tố vật lý, hóa học, sinh học trong môi trường có tác động đến sức khỏe con người”.

Những người có trách nhiệm soạn dự luật này, cả người có trách nhiệm thẩm định dự luật này, không “lầm lẫn” đâu, khi đưa nội dung trên vào luật!

Thảo nào, các nhà khoa học y tế dự phòng, y học, y tế công cộng trên thế giới thông qua Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra bằng chứng “Amiang gây ung thư”; “rượu bia” là căn nguyên gây tâm thần, ung thư gan, tai biến tim mạch, và liên quan tới hàng trăm bệnh khác; thuốc lá điện tử gây nghiện nhanh hơn, nặng hơn, và cũng gây bệnh nguy hiểm chả khác thuốc lá thông thường…! Nhưng tôi đã chứng kiến trong quá trình làm luật và chính sách liên quan tới sức khoẻ cộng đồng ở Việt nam, lại tréo ngoe không thiếu lãnh đạo làm chính sách của các bộ công thương, tư pháp, tài chính, tài nguyên môi trường… và cả Ủy ban khoa học-công nghệ- và môi trường của quốc hội, cứ “khăng khăng” bác bỏ kết luận khuyến cáo của Bộ Y tế, của WHO… và ngang nhiên đưa ra “bằng chứng khoa học”: Rượu bia có lợi cho sức khoẻ! Amiang không gây bệnh!… Bộ công thương vừa rồi còn trình Thủ tướng kế hoạch cho bộ này chủ trì “nghiên cứu đánh giá tác động sức khoẻ của thuốc lá điện tử” ở Việt nam..

Cha ông ta vẫn dạy: Sức khỏe là quý nhất!

Có lẽ vì thế, mà Bộ Tài nguyên Môi trường soạn thảo dự luật bảo vệ môi trường, đã cố giành cho mình quyền và trách nhiệm: ”… xây dựng và công bố giới hạn của các yếu tố vật lý, hóa học, sinh học trong môi trường có tác động đến sức khỏe con người; quản lý, chia sẻ, trao đổi, công bố thông tin về các chất ô nhiễm và các yếu tố vật lý, hóa học, sinh học trong môi trường có tác động đến sức khỏe con người”?

Các đại biểu Quốc hội có hay?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét