Hà Nội lại… khủng hoảng rác
Lãnh đạo thành phố Hà Nội vừa chỉ đạo hệ thống công quyền các cấp xem xét, xử lý trách nhiệm nhà thầu lo chuyện dọn rác ở hai quận Tây Hồ và Nam Từ Liêm…
Trước đó chừng một tuần, một số tờ báo ở Việt Nam cho biếta, cư dân nhiều khu vực thuộc hai phường Yên Phụ (quận Tây Hồ) và phường Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm) đã cũng như đang lao đao, khốn khổ vì phải sống chung với rác…
Những đống rác lớn ứ đọng hàng chục ngày, bốc mùi nồng nặc, không chỉ khiến môi trường sống ô nhiễm nặng nề, nguy hại cho sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông vì đường đi, lối lại bị thu hẹp, sinh hoạt thường nhật bị đảo lộn…
Các viên chức phụ trách chính quyền địa phương giải thích, nguyên nhân dẫn tới tình trạng tồi tệ như vậy là vì nhà thầu được chọn để thu dọn rác chậm trả lương cho công nhân vệ sinh nên họ không chịu thu dọn rác (1)…
Đáng lưu ý là tình trạng vừa kể diễn ra cả tuần nhưng toàn bộ hệ thống công quyền từ phường, quận đến thành phố vẫn “án binh bất động”. Chỉ đến khi một số tờ báo công bố rộng rãi những phóng sự mô tả sự khốn khổ của dân chúng địa phương, lãnh đạo thành phố Hà Nội mới chỉ đạo UBND các quận Tây Hồ, Nam Từ Liêm phối hợp với các Sở Tài Chính, Sở Xây Dựng, Sở Tài nguyên – Môi trường “xử lý thông tin báo chí nêu liên quan đến ô nhiễm môi trường do tồn đọng rác tại các quận Tây Hồ và Nam Từ Liêm” (1)…
Quản trị – điều hành đô thị theo kiểu chờ tin, bài mới chỉ đạo phối hợp để… xử lý thông tin báo chí nêu có lẽ chỉ có thể tìm thấy tại… Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung!
***
Rác đã cũng như đang là vấn nạn trầm kha của tất cả các đô thị tại Việt Nam sau khi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam khởi động tiến trình…“công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước” và Hà Nội chính là điển hình.
Người ta ước đoán, mỗi ngày, Hà Nội thải ra khoảng 6.500 tấn rác và chúng được mang đến chôn tại Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) hoặc Xuân Sơn (huyện Sơn Tây). Cả hai đều sắp hết chỗ chôn lấp và sẽ phải đóng cửa giống như năm bãi rác trước đó (3).
Cách nay hàng chục năm, nhiều chuyên gia môi trường ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam đã từng khuyến cáo nên tổ chức phân loại rác, áp dụng công nghệ xử lý rác, nếu không sẽ không còn đất để chôn (4) nhưng vì nhiều lý do, tất cả những khuyến cáo ấy đều… mở đường cho giới hữu trách dẫn việc xử lý rác vào lối khác. Ví dụ Hà Nội quyết định đầu tư cho ba nhà máy đốt rác phát điện mà không cần phân loại, bất kể chuyên gia cảnh báo, đốt rác theo… công nghệ đó sẽ tán phát vào không khí nhiều độc chất nguy hại.
Ba nhà máy xử lý rác của Hà Nội thành điện năng vẫn đang còn trong giai đoạn xây dựng và Hà Nội tiếp tục loay hoay với thực trạng mà cả dân chúng lẫn báo giới gọi là… khủng hoảng rác!
Cứ vài tháng, cư dân sống quanh Nam Sơn – bãi rác lớn nhất lại dựng lều, đặt chướng ngại vật, chặn không cho xe tải mang rác đến đổ. Lần… khủng hoảng rác gần nhất xảy ra hồi hạ tuần tháng trước, khiến cả Hà Nội ngập ngụa trong rác. Cũng đến lúc đó, ông Vương Đình Huệ, Bí thư Hà Nội mới thú nhận: Các cấp, ngành liên quan chưa thực sự tâm huyết, chưa hết trách nhiệm với dân, còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, công tác phối hợp cũng chưa hiệu quả (5).
***
Dẫu thực tế quản trị – điều hành Hà Nội cho thấy, thành phố này rất khó thoát khỏi tình trạng… khủng hoảng rác, đó là chưa kể đến hàng loạt vấn nạn trầm kha khác (chẳng hạn: giao thông, ô nghiễm khói bụi, ngập lụt,…) nhưng thiên hạ vẫn thấy các viên chức hữu trách hết sức hồn nhiên trong đánh giá, nhận định Hà Nội cả ở hiện tại lẫn tương lai. Ví dụ: Hà Nội đang vươn mình từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành một thành phố hiện đại, xứng tầm là Thủ đô và có vị thế trong khu vực và thế giới…
Ví dụ: Hà Nội sẽ sớm trở thành đô thị hoạt động hiệu quả, bền vững, có tính cạnh tranh cao so với trong nước và khu vực. Ví dụ: Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển xứng tầm, khẳng định vị thế không chỉ là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học – kỹ thuật quan trọng của cả nước, mà còn là một trong những trung tâm kinh tế, du lịch, thương mại, dịch vụ của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương…
Kinh hơn, theo ông Vương Đình Huệ, Bí thư Hà Nội: Trong thời gian tới, Hà Nội phải đổi mới căn bản và toàn diện công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch nhằm phát triển đô thị theo hướng thông minh, bền vững (6).
Chú thích
(6) http://thanglong.chinhphu.vn/ha-noi-phat-trien-thu-do-theo-huong-khang-trang-hien-dai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét