Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Hai, 30 tháng 11, 2020

Cập nhật tin: Bê bối ở đại học Đông Đô

 

Cập nhật tin: Bê bối ở đại học Đông Đô

BTV Tiếng Dân

Về chuyện Bộ GD&ĐT bị nghi ngờ tiếp tay cho ĐH Đông Đô làm bằng giả, thì Bộ GD&ĐT khẳng định sẽ xử lý cá nhân, tập thể có liên quan đến vụ bằng giả ở ĐH Đông Đô, báo Thời Đại đưa tin. Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết sáng nay, “Bộ này chưa nhận được văn bản kết luận chính thức của Cơ quan điều tra Bộ Công an về vụ án cấp bằng giả của Đại học Đông Đô, các đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để làm rõ thông tin và bản chất của vụ việc”.

Bộ GD&ĐT khẳng định, đã yêu cầu các cơ sở đào tạo sau đại học rà soát lại thông tin về đầu vào và đầu ra của các học viên sau đại học để có căn cứ xử lý. Bộ này cũng hứa hẹn sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan điều tra để xác minh thông tin và xử lý theo quy định những trường hợp đã sử dụng bằng giả của ĐH Đông Đô.

Báo Giao Thông dẫn lời ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: “Dùng bằng giả Đại học Đông Đô để thăng tiến cũng là dạng tham nhũng”. Nghị Nhưỡng nói: “Tiến thân bằng sự dối trá (sử dụng bằng giả) là hành vi không thể chấp nhận được, hành vi này không chỉ vi phạm đạo đức trắng trợn mà có thể vi phạm cả pháp luật… Bởi chính vì có tấm bằng giả đó mà những người này đã được hưởng lương cao hơn so với khi chưa có bằng giả”.

VTC dẫn lời một số chuyên gia bình luận vụ 55 “thiến sĩ” dùng bằng giả ĐH Đông Đô: Đề nghị tước tư cách tiến sĩ, thậm chí truy tố hình sự. TS Lê Viết Khuyến, từ Hiệp hội các trường ĐH, Cao đẳng VN cho rằng, “dù là vô tình hay cố ý sử dụng bằng giả ngôn ngữ Anh để thi tuyển/làm điều kiện bảo vệ luận án tiến sĩ thì các trường đều phải vô hiệu hoá giá trị của tấm bằng này ngay lập tức”.

LS Tạ Hồng Thái nhận định, để xử lý 55 trường hợp sử dụng văn bằng 2 ngôn ngữ Anh giả để tham gia thi tuyển hoặc làm điều kiện bảo vệ luận án TS, công an phải xác định rõ và có đầy đủ bằng chứng, chứng minh 55 người này cố tình mua bán bằng giả. Nhưng điều đó không khó vì ĐH Đông Đô từ đầu đã tổ chức học và thi lấy bằng theo kiểu “chép bài, làm cho có, tất cả đều sẽ vượt qua”.

Infonet có bài: “Dấu hỏi” danh tính 55 người dùng bằng giả ĐH Đông Đô để bảo vệ luận án tiến sĩ. Một giảng viên ĐH nặc danh bình luận: “Một người làm nghiên cứu khoa học mà gian dối thì không thể chấp nhận được…  Phải công khai danh tính 55 cán bộ đã mua bằng giả để phục vụ cho việc làm luận án tiến sĩ này, xem hiện nay họ đang công tác ở đơn vị nào, đảm nhiệm vị trí gì, nếu cần thiết thì đề nghị xử lý kỷ luật và xử lý hình sự vì tội mua bán bằng giả”. Hiện vẫn chưa thấy có báo đài hoặc cơ quan nào công khai danh tính của họ, dù chỉ một trường hợp, trong số 55 người mua bằng.

VTC có clip về vụ bằng giả tại Đại học Đông Đô: Nên công khai danh tính 55 công chức mua bằng?

Lý do không thể công khai danh tính người mua bằng trong vụ bằng giả tiếng Anh trường ĐH Đông Đô: Nhiều người mua bằng là cán bộ chủ chốt, có “uy tín”, theo trang Kiểm Tin. Cụ thể, “trong số này, có người là cán bộ chủ chốt của một số cơ quan ở Hà Nội, có người là giảng viên đào tạo một trường đại học thuộc ngành tư pháp. Theo Cơ quan điều tra, các trường hợp sử dụng văn bằng 2 đều là những người giữ vị trí chủ chốt trong các cơ quan, ban, ngành, phần lớn đang làm thạc sĩ, nghiên cứu sinh để nâng cao trình độ”.

Báo Pháp Luật TP HCM đặt câu hỏi: Những ai đã được cấp bằng giả ở Đại học Đông Đô?Cơ quan ANĐT Bộ Công an thông báo, đến thời điểm phát hiện sai phạm, ĐH Đông Đô đã cấp bằng cử nhân ngôn ngữ Tiếng Anh văn bằng 2 cho 626 trường hợp, nhưng công an chỉ xác định và làm việc được với 217 trường hợp, trong đó có 1 người đã chết. Nghĩa là có 409 người sử dụng bằng giả vẫn chưa bị phát hiện.

Trong số 217 trường hợp nói trên, có 193 người được cấp bằng không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc không đủ điều kiện cấp bằng, 23 người có tham gia học nhưng do ĐH Đông Đô chưa được cấp phép đào tạo nên không có giá trị. Về số người dùng bằng giả chưa bị phát hiện: “Những người này hiện không thể xác định là ai, đang làm việc ở đâu, sử dụng bằng hay chưa… Điều này có thể dẫn tới hệ lụy các tấm bằng không có giá trị nêu trên được chủ nhân sử dụng vào các mục đích khác nhau mà không bị phát hiện”.

Mời đọc thêm: Sai phạm tại Trường ĐH Đông Đô: Cần xem xét những cá nhân sử dụng văn bằng 2 (TT). – Đại học Đông Đô cấp bằng giả: Bộ GD&ĐT nói gì? (PLTP). – ĐH Đông Đô cấp bằng giả: Bộ GD-ĐT khẳng định xử nghiêm (ĐV). – 55 người dùng bằng giả của Đại học Đông Đô để làm luận án tiến sĩ (RFA). – Cán bộ dùng bằng giả của ĐH Đông Đô bảo vệ tiến sỹ có khả năng dính án tù? (DT). – Từ vụ Đại học Đông Đô, đại biểu Quốc hội đề nghị rà soát cán bộ ‘man trá bằng cấp’ (TP). Mời đọc lại: ‘Mua bằng’ của Trường đại học Đông Đô đều là ‘người có uy tín’ (TN).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét