Cái kết dành cho “sư quốc doanh” Thích Phước Ngọc
Thu Hà
26-11-2020
Sau khi cưỡng chiếm miền Nam tháng 4/1975, đảng CSVN cho ra đời cái gọi là “Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam”. Từ đó, Phật giáo Việt Nam chuyển sang giai đoạn đau thương và lắm bi hài.
Nhiều bậc chân tu bị bắt giam, tù đày tra tấn. Số khác thì ngả theo “bên thắng cuộc”, tình nguyên trở thành “sư quốc doanh”, biến chùa chiền thành “chùa quốc doanh” làm tay trong, tay ngoài cho nhà nước cộng sản.
Đại đức Thích Phước Ngọc, thế danh là Phạm Văn Cung, sinh ngày 28/2/1982 tại xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, thuộc thế hệ hậu sinh như thế.
Thích Phước Ngọc xuất gia năm 1993 tại Tổ Đình Phước Hậu (Vĩnh Long), là đệ tử của cố Hòa thượng Thích Lưu Đoan, được ban pháp danh là Thích Phước Ngọc, tự là Pháp Lạc.
Từ năm 2000 – 2005, Thích Phước Ngọc du học và hoạt động Phật sự tại Thụy Điển, Đan Mạch, Anh Quốc.
Từ năm 2006, ông về lại Việt Nam, được Giáo hội Phật giáo Việt Nam bổ nhiệm Trụ trì Chùa Phước Quang (tiền thân của ngôi chùa này là trường Trung – Tiểu học Bồ Đề Khánh Anh do cố Hòa thượng Thích Thiện Hoa sáng lập.
Năm 2007, Thích Phước Ngọc được Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cử làm Uỷ viên Ban Hoằng Pháp Trung ương.
Ông sáng lập, xây dựng, khánh thành Trung tâm Cô nhi viện Phật giáo Suối nguồn tình thương, theo quyết định số 1780/QĐ-UBND của Chủ tịch Vĩnh Long, năm 2012.
Ngày 14/11/2016, Tổ chức Hồng Thập Tự quốc tế (The International Union Red Cross) đã tôn vinh và trao huy chương vì những đóng góp của ông đã làm thay đổi tích cực những vấn đề nhân loại: Môi trường, sức khỏe, hòa bình, nhân đạo.
Từ năm 2019 ông là Thành viên Tổ chức Phát triển Kỷ lục người Việt toàn cầu (VietWorld), kiêm Trưởng ban Đối ngoại Hội đồng Viện Kỷ lục Việt Nam.
Từ ngày 20/9/2019, ông là Đặc phái viên quốc tế tại Uỷ ban tuyên dương khen thưởng Giáo dục Phật giáo Chính phủ Sri Lanka (International envoy to Sri Lanka government Buddhist Commendation Committee), với đạo hiệu Master Dhammananda Thero, theo quyết định của Bộ Giáo dục Chính phủ Nước Cộng hòa XHCN Dân chủ Sri Lanka.
Đầu năm 2020, ông được Ủy ban điều hành Trung tâm trẻ em Isuru Sevana Sri Lanka cử đảm đương vị trí chủ tịch Trung tâm Isuru Sevana theo Quyết định ngày 16/02/2020 của Bộ Chăm sóc Trẻ em thuộc Nội các Chính phủ Sri Lanka.
Hình ảnh, tên tuổi của ông từng được xuất hiện trên trang nhất báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân… vì ông lấy tiền tỷ của thập phương cúng cho chùa, đem phân phát cho các gia đình chính sách, thương binh, liệt sĩ, mẹ VNAH, những người năm xưa đã ném lựu đạn vô chùa chiền, khách sạn, quán bar… và giết người vô tội, đẩy dân tộc này đến bến bi thương. Đổi lại, ông nhận được vô số bằng khen, tôn vinh công trạng.
Thế nhưng, đã là “sư quốc doanh” thì tránh sao được sự đố kỵ, tranh giành quyền lực và ảnh hưởng từ các “đồng chí” sư khác. Vậy là nổ ra thưa kiện, đơn thư tố cáo, dàn cảnh, đánh nhau, mượn bàn tay của pháp luật nhằm tiêu diệt đối thủ.
Những mạnh thường quân, đạo hữu thân tín ngày nào ủng hộ vô điều kiện hàng chục tỷ đồng để tôn tạo chùa, xây Suối nguồn Tình thương, khuyết trương đạo pháp… thì nay bị xúi giục, trở mặt, quay lại tố cáo Đại đức Thích Phước Ngọc.
Vụ việc ông bị tố cáo ‘lừa đảo chiếm đoạt tài sản’, từ tháng 2/2019 do một số cá nhân ngụ ở TP Hà Nội thông qua người đại diện là ông Nguyễn Ngọc Trường Sơn, sinh 1975, ngụ quận Thủ Đức, thành Hồ, gửi đơn “tố giác tội phạm đối với ông Phạm Văn Cung” đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Long, là đỉnh điểm câu chuyện.
Nhận đơn tố giác vào tháng 2/2019, sau một thời gian điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Long ra quyết định “tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin tội phạm”.
Sau đó, bên thưa kiện vẫn tiếp tục tố cáo, đến ngày 3/4/2019, Thượng tá Huỳnh Văn Em, Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Long ra quyết định phục hồi việc giải quyết nguồn tin.
Ngày 2/5/2019, Thượng tá Huỳnh Văn Em ban hành Thông báo số 32 kết quả giải quyết nguồn tin tội phạm. Thông báo số 32 cho rằng, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Long ra quyết định không khởi tố vụ án do hành vi của ông Phạm Văn Cung không cấu thành tội phạm.
Tuy nhiên, lúc này những kẻ giấu mặt ở Giáo hội Phật giáo đã ép Đại đức Thích Phước Ngọc phải trả chùa, ra đi để tránh bị truy tố, với lời hứa hẹn sẽ để ông an toàn.
– Ngày 28/10/2919, đại đức Thích Phước Ngọc làm đơn xin từ nhiệm trụ trì.
– Ngày 18/11/2019, Giáo hội Phật giáo Vĩnh Long bãi nhiệm chức danh trụ trì của ông.
– Ngày 17/8/2020, Giáo hội Phật giáo Vĩnh Long đồng ý cho ông rời khỏi Giáo hội.
– Ngày 23/9, Hội đồng Trị sự – Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có thông báo chính thức cho Đại đức Thích Phước Ngọc (tức Phạm Văn Cung) hoàn tục, về gia thất và xóa tên trong danh sách tăng ni ở tỉnh Vĩnh Long.
Tưởng trả chùa, ra đi là yên thân, Thích Ngọc Phước đã nhầm. Chế độ cộng sản và những trùm sư quốc doanh ngồi ở Giáo hội không thể để ông nhởn nhơ ngoài đời như thế.
Chiều 25/11/2020, ông Phạm Văn Cung (tức Thích Phước Ngọc, cựu trụ trì chùa Phước Quang, kiêm giám đốc cô nhi viện Suối nguồn tình thương, thị trấn Tam Bình, huyện Tam Bình) bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra hành vi ‘lừa đảo chiếm đoạt tài sản’ theo điều 174 BLHS năm 2015, có khung hình phạt cao nhất lên đến 20 năm, hoặc tù chung thân.
***
Còn nhớ hồi tháng 3/2019, âm mưu thu tóm ngôi chùa ngàn tỷ mang tên chùa Ba Vàng, mà Thượng toạ Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trung ương Giáo hội, Trưởng Ban trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh và Đại đức Thích Trúc Thái Minh trụ trì chùa Ba Vàng đã “đánh nhau” ác liệt. Kết quả phần thắng nghiêng về đại biểu Quốc hội Thích Thanh Quyết.
Có điều, sư Thích Trúc Thái Minh nhờ sự chống lưng của một số Uỷ viên Bộ Chính trị đảng Cộng sản, nên ông chỉ bị bãi nhiệm tất cả các chức vụ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhưng vẫn giữ cương vị trụ trì chùa Ba Vàng. Thích Phước Ngọc thì không có được cơ may như thế.
Vậy đó, cái giá phải trả cho quãng đời làm “sư quốc doanh” ở Việt Nam không rẻ chút nào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét