Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2020

Bản tin ngày 18-11-2020

 

Bản tin ngày 18-11-2020

BTV Tiếng Dân

Tin Biển Đông

Dự đoán tình hình Biển Đông, báo Tuổi Trẻ có bài: Tình hình Biển Đông khó ‘hạ nhiệt’ trong năm 2021. Ông Gregory Poling, GĐ chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) phân tích: “Những hành động của Trung Quốc trong năm 2020 đã càng khiến giới chính trị ở Mỹ tin rằng Bắc Kinh sẽ không trỗi dậy một cách hòa bình… Do đó, năm 2020 đã chứng kiến căng thẳng leo thang, và điều này sẽ tiếp tục vào năm 2021”.

Còn GS Carl Thayer cho rằng, các thành viên ASEAN nên công nhận và gia nhập cam kết đối với các khuôn khổ về điều chỉnh hành vi trên biển như Bộ quy tắc phòng ngừa đâm va trên biển (COLREG) 1972, Công ước về an toàn sinh mạng con người trên biển (SOLAS) 1974 hoặc Công ước về trấn áp các hành vi bất hợp pháp xâm phạm an toàn hành trình hàng hải (SUA) 1988.

Đáp lại hành động của TQ nhằm quân sự hóa Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Canada phản đối xây đồn bốt trên các điểm tranh chấp ở Biển Đông, theo báo Thanh Niên. Bộ trưởng Harjit Sajjan kêu gọi “tất cả các nước tuân thủ UNCLOS và phản đối các hành động đơn phương làm leo thang căng thẳng khu vực, phá hoại sự ổn định ở Biển Đông; phản đối sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, cải tạo đảo trên diện rộng, xây dựng đồn bốt trên các điểm tranh chấp và sử dụng chúng cho các mục đích quân sự”.

Zing đưa tin: Quan chức Mỹ báo động về các đội tàu cá trái phép từ Trung Quốc. Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Feith – chuyên trách các vấn đề khu vực, chính sách an ninh và vấn đề đa phương thuộc Vụ Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương nhận định: “Tình trạng này khớp với kiểu hành xử mà chúng tôi đã nhận thấy ở Trung Quốc – từ đánh bắt cá bất hợp pháp trên các vùng biển, đến sự hủy hoại môi trường biển tại Biển Đông”.

Còn ông David Hogan, quyền GĐ Phòng Bảo tồn Biển, Cục Khoa học, Môi trường Quốc tế và Đại dương của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Tàu cá mang cờ Trung Quốc đã đánh bắt bất hợp pháp ở vùng đặc quyền kinh tế của nhiều quốc gia ven biển trên toàn cầu, từ Tây Thái Bình Dương đến Trung Thái Bình Dương, đến cả bờ biển châu Phi và Nam Mỹ”.

Lại thêm sản phẩm có “đường lưỡi bò”: Game Trung Quốc có bản đồ hình lưỡi bò đã bị gỡ bỏ, theo báo Pháp Luật TP HCM. Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, thuộc Bộ TT&TT thông báo, Google và Apple vừa gỡ bỏ trò chơi điện tử là ‘Chuyến du lịch vòng quanh thế giới của bé gấu trúc’ trên kho ứng dụng Google Play và App Store, theo yêu cầu của Chính phủ VN vì game này gắn bản đồ có đường lưỡi bò.

Mời đọc thêm: Mỹ-Nhật Bản lên tiếng về hành động của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (TG&VN). – Canada phản đối xây đồn bốt ở Biển Đông (VNE). – Australia và Nhật Bản quan ngại về tình hình Biển Đông (VOV). – Một máy bay mất tích, Đài Loan dừng bay toàn bộ tiêm kích F-16 (TN). – Phẫn nộ game Trung Quốc chèn bản đồ chứa “đường lưỡi bò” vào nội dung (DT). – Gỡ bỏ game gấu trúc dành cho trẻ em có bản đồ ‘lưỡi bò’ (TT). 

Mưa lũ, bệnh tật, rừng biến mất, nước biển dâng cao…

Hậu quả của đợt mưa lũ dai dẳng và bão chồng bão chưa từng có tiền lệ: Bệnh Whitmore tăng ở miền Trung, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Bệnh viện Trung ương Huế xác nhận, từ đầu tháng 10 đến giữa tháng 11/2020, BV này ghi nhận 28 trường hợp mắc bệnh Whitmore, con số tăng đột biến so với trung bình hằng năm. Trong đó, khoảng 50% bệnh nhân là người dân Thừa Thiên – Huế, còn lại là các bệnh nhân từ các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị…, đều là các tỉnh chịu thiệt hại nặng từ mưa lũ lịch sử.

Tin cho biết: “Số lượng ca bệnh Whitmore có liên quan chặt chẽ và tỉ lệ thuận với lượng mưa hằng năm và đặc biệt tăng cao sau lũ lụt do sự phát triển mạnh mẽ của vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei”. Bệnh Whitmore do trực khuẩn gram âm Burkholderia Pseudomallei gây ra. Vi khuẩn này có trong đất, nước bẩn hay tại các cánh đồng và các vùng nước tù đọng, có thể lây lan sang người và động vật từ các nguồn ô nhiễm.

VTC có clip: Bệnh whitmore tăng đột biến ở miền Trung sau mưa lũ triền miên.

“Mất bò mới lo làm chuồng”: Ba dự án đề xuất lấy rừng tự nhiên bị từ chối, theo VnExpress. Đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ này vừa bác bỏ đề xuất của UBND tỉnh Ninh Bình, muốn chuyển mục đích sử dụng hơn 38 ha rừng để thực hiện dự án khai thác mỏ đá vôi. Một dự án chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án nhà máy điện gió ở Bình Thuận và dự án đường giao thông ở Quảng Nam cũng bị từ chối.

Bộ NN&PTNT đã nhận ra vai trò của rừng tự nhiên, nhưng đã muộn. Vài ngày trước, báo Thanh Niên có bài: Rừng nguyên sinh còn nguyên vẹn của Việt Nam chỉ còn 0,25%. Năm 2019, Việt Nam có 14,6 triệu ha đất có rừng, độ che phủ đạt gần 42%. Nhưng cả nước VN, chỉ có 0,25% khu vực có rừng nguyên sinh còn nguyên vẹn. Chính những khu rừng nguyên sinh mới có tác dụng phòng chống bão lũ bởi hệ thống rễ bám dày trong đất từ hàng chục đến hàng trăm năm, hiện còn lại không bao nhiêu.

Rừng đã ít lại còn bị phá, như ở Gia Lai: Tan hoang rừng huyện Ia Grai, theo báo Người Đưa Tin. Một người dân ở xã Ia Bă phản ánh, xã này đang nhức nhối tình trạng phá rừng, lâm tặc ngang nhiên mang cưa xăng vào rừng đốn gỗ trái phép giữa ban ngày. Chủ tịch UBND huyện Ia Grai Lê Ngọc Quý hứa hẹn hôm nay rằng: “Tôi đã chỉ đạo cho lực lượng chức năng của huyện đang trên đường vào hiện trường xử lý triệt để, tuyệt đối phải ngăn chặn tình trạng khai thác gỗ nói trên”.

Nhiều gốc cây mới bị đốn hạ. Ảnh: NĐT

***

Diễn biến tình trạng nóng lên toàn cầu: Sông băng ở Greenland tan nhanh hơn dự báo, làm tăng mực nước biển, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Tin từ hãng AFP cho biết, nghiên cứu được công bố hôm qua, cho thấy “ba sông băng lớn nhất tại Greenland gồm Jakobshavn Isbrae, Kangerlussuaq và Helheim – với lượng băng tan có khả năng nâng mực nước biển toàn cầu lên khoảng 1,3 mét – đang tan chảy nhanh hơn mức dự báo tồi tệ nhất”.

Các nhà khoa học phát hiện, sông băng Jakobshavn Isbrae đã mất hơn 1.500 tỉ tấn băng từ năm 1880-2012, trong khi sông Kangerlussuaq và Helheim lần lượt mất 1.400 tỉ tấn và 31 tỉ tấn băng từ năm 1900-2012. Lượng băng tan chảy đã khiến mực nước biển toàn cầu tăng thêm hơn 8mm.

Nghiên cứu mới cho thấy các sông băng lớn nhất tại Greenland tan chảy nhanh hơn dự báo. Ảnh: AFP/TT

Mời đọc thêm: Bệnh Whitmore bùng phát ở miền Trung do mưa lũ (VNE). – Báo động bệnh Whitmore tăng đột biến tại miền Trung (NLĐ). – Người mắc bệnh Whitmore tăng đột biến sau mưa bão ở Miền Trung(PLTP). – Bộ Nông nghiệp phản đối 3 dự án ‘phá’ rừng tự nhiên (TT). – Thủy điện Thượng Nhật tích nước trái phép: Đề nghị rút giấy phép hoạt động điện lực (TN). – Kinh hãi với những núi rác khổng lồ trên bãi biển Đà Nẵng sau bão (TP). – Carbon Dioxide làm gia tăng các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt ở Úc (MTĐT). – Hội Chữ Thập Đỏ: Mối họa biến đổi khí hậu còn lớn hơn cả Covid-19 (RFI). – Biển băng Bắc Cực vẫn ấm(FB Sam Carana).

Cập nhật tin bầu cử Mỹ

Báo Thế Giới và VN đưa tin: Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chúc mừng ông Biden. Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết, Thủ tướng Modi đã gửi lời chúc mừng tới Tổng thống Mỹ vừa đắc cử Joe Biden “trong một thông điệp trên mạng xã hội từ sớm sau khi các kênh truyền hình Mỹ dự đoán ông là người thắng cử ngày 3/11 dù đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump từ chối thừa nhận thất bại”.

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời Thủ tướng Ấn Độ: chiến thắng của ông Biden ‘cho thấy sức mạnh dân chủ Mỹ’.  Trong thông điệp chúc mừng chiến thắng của ông Biden, ông Modi tái khẳng định cam kết quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước: “Thủ tướng Modi nồng nhiệt chúc mừng Tổng thống đắc cử Biden, miêu tả điều này là minh chứng cho sức mạnh và sự bền bỉ của truyền thống dân chủ tại Mỹ”.

Tân tổng thống Biden bổ nhiệm loạt cố vấn Nhà Trắng tương lai, VnExpress đưa tin. Hôm qua, ông Biden đã công bố danh sách 9 trợ lý sẽ hỗ trợ ông khi tiếp quản Tòa Bạch Ốc từ ông Trump. Một số tên tuổi đáng chú ý: 

Jen O’Malley Dillon, người quản lý chiến dịch của ông Biden, sẽ đảm nhận vị trí phó chánh văn phòng tòa Bạch Ốc; Steve Ricchetti, cố vấn lâu năm của ông Biden sẽ trở thành cố vấn tổng thống, dân biểu Cedric Richmond, từng là đồng chủ tịch quốc gia cho chiến dịch tranh cử của Biden và là người hồi năm 2011 đã lấy được ghế của dân biểu Cao Quang Ánh ở quận hạt 2, bang Louisiana, sẽ làm cố vấn cấp cao kiêm GĐ Phòng Tiếp dân của tòa Bạch Ốc.

Đài NBC có clip: Ông Biden, bà Harris phát biểu về tình hình kinh tế

Cùng với việc từ chối thất bại trong cuộc chạy đua vào tòa Bạch Ốc, qua những phát ngôn thiếu căn cứ, ông Trump không thực hiện việc bàn giao cho chính quyền mới, trong đó có việc ngăn không cho nhóm chuyển tiếp của ông Biden được nhận tin tình báo, nhưng vô ích. Diễn biến mới ở Mỹ : Biden và Harris được cập nhật thông tin tình báo, theo RFI.

Tin cho biết: “Tổng thống Trump chặn các quỹ liên bang tài trợ cho việc này. Ông cũng ngăn cản tổng thống tân cử tham gia vào các buổi họp báo cáo tình hình hàng ngày của các cơ quan tình báo. Dù vậy thứ Ba 17/11, lần đầu tiên Joe Biden và Kamala Harris vẫn nhận được báo cáo tình hình an ninh quốc gia, nhưng từ phía các chuyên gia phi chính phủ”.

Không chấp nhận thất bại, ông Trump ngày càng mất kiểm soát: Mâu thuẫn về bầu cử, ông Trump sa thải Giám đốc an ninh mạng, theo VnEconomy. Trước khi bị sa thải, ông Christopher Krebs, GĐ Cục An ninh mạng và hạ tầng thuộc Bộ An ninh nội địa Mỹ khẳng định, không có bất cừ bằng chứng nào cho thấy cuộc bầu cử 2020 bị can thiệp. Đáp lại, ông Trump viết trên Twitter cho rằng ông Krebs đã đưa ra một tuyên bố “rất không chính xác” về tình hình an ninh của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020.

Ông Christopher Krebs, GĐ Cục An ninh mạng và hạ tầng thuộc Bộ An ninh nội địa Mỹ. Ảnh: Reuters/ VnEconomy

Zing có bài tổng hợp các kiểu tin vịt rất phổ biến trong cộng đồng phe ông Trump: Những bẫy tin giả phổ biến trong bầu cử Tổng thống Mỹ 2020. Phổ biến nhất là tin vịt cho rằng phiếu bầu cho ông Biden tăng đột ngột sau một đêm, còn lý do là: “Điểm khác biệt lớn nhất ở cuộc bầu cử năm nay là sự gia tăng đáng kể số phiếu bầu qua thư ở nhiều bang, cũng như quy trình kiểm phiếu không đồng nhất giữa các bang”.

Một tin vịt khác: “Cử tri được phát bút đặc biệt khiến máy quét không dò ra thông tin”. Phe Trump cho rằng, vì vụ này mà bang Arizona vốn là “thành trì Cộng Hòa” nay lại đổi màu sang Dân Chủ. Giám đốc Cơ quan Bầu cử bang Arizona Sambo Dul đã khẳng định, vụ việc chỉ là “tưởng tượng” và mọi phiếu bầu đều được kiểm, đếm.

Mời đọc thêm: Dự đoán chính sách đối ngoại của ông Biden qua các chuyến công du nổi bật (TG&VN). – Ông Biden lập đội Nhà Trắng mới, chọn một loạt quan chức cấp cao(VNN). – Mỹ: Chậm chuyển giao quyền lực có thể làm COVID-19 xấu thêm (PLTP). – Ông Trump mừng hụt, hạt Wayne của Michigan bất ngờ xác nhận kết quả bầu cử(TT). – Tổng thống Trump liên tiếp bổ nhiệm, sa thải các quan chức cấp cao (TN). – Trump sa thải lãnh đạo cơ quan an ninh bầu cử (VNE). – Gia đình ông Trump có thể sống ở đâu sau khi rời Nhà Trắng (Zing). 

***

Thêm một số tin: Hai Bộ GTVT và Bộ Công an tranh quyền ở Quốc hội: dấu hiệu tốt hay “quyền anh, quyền tôi”? (RFA). – Các nhà báo Phạm Chí Dũng và Nguyễn Tường Thụy nói gì từ trại giam? (BBC). – Chủ doanh nghiệp ‘nghĩ đến nhảy lầu’ vì không được làm đúng pháp luật (TT). – Mark Zuckerberg bị Thượng nghị sĩ Mỹ chất vấn vì ‘cúi mình’ trước chính phủ Việt Nam(VOA). 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét