Cháy ngầm
20-11-2020
Mùa đông 1985, Eduard Shevardnadze, lúc đó là Bộ trưởng Ngoại Giao Liên Xô chia sẻ với Gorbachev, tân Chủ tịch Liên Xô, “mọi thứ đã bị ung thối và phải cần thay đổi”. Gorbachev cũng đã nhận ra điều đó và họ đã hợp tác để thúc đẩy những thay đổi cấp bách qua các cải tổ kinh tế chính trị (Perestroika) và công khai hóa các hoạt động thông tin ngôn luận (Glasnost).
Perestroika có lý do vì vào thời điểm đó Liên Xô đang chịu đựng sự suy thoái kinh tế như giá dầu thô giảm xuống mức thấp kỷ lục, chi phí chiến tranh Afghanistan, chạy đua vũ trang vô cùng tốn kém với Mỹ, nuôi một đạo quân hiện dịch trên bốn triệu người v.v. nhưng tại sao phải tiến hành đồng thời với Glasnost?
Liên Xô thập niên 1980 mặt ngoài khá “ổn định”. Ngoại trừ nhà trí thức lớn Andrei Sakharov đang bị lưu đày ở Gorky, tại Liên Xô không có một phong trào dân chủ nào nổi bật có khả năng thách thức sự cai trị của đảng CS.
Nhưng Gorbachev biết sự băng hoại của văn hóa xã hội Liên Xô không biểu hiện qua các phong trào, qua vài nhân vật bất đồng chính kiến mà trong mọi mặt, mọi ngõ ngách của đời sống.
Nhiều năm sau, Gorbachev trả lời câu hỏi này: “Cái khuôn mẫu Soviet thất bại không chỉ ở mức độ kinh tế xã hội mà thất bại ở mức độ văn hóa. Trong xã hội Liên Xô, các tầng lớp người dân, các thành phần có học, thành phần trí thức đã từ chối một chế độ không tôn trọng quyền làm người, trấn áp người dân cả về vật chất lẫn tinh thần.”
Không chỉ tại Liên Xô mà Trung Cộng cũng vậy.
Năm 1989, Trung Cộng đã bước một bước khá dài trên con đường “tự diễn biến” về cả kinh tế lẫn xã hội. Năm 1978, khi Đặng Tiểu Bình thúc đẩy Bốn Hiện Đại Hóa do Chu Ân Lai đề ra từ 1963, lợi tức tính theo đầu người Trung Quốc chưa đến 100 dollars và nhiều khu vực còn chìm trong đói khát. Mười năm sau lợi tức đầu người đã tăng gấp ba lần và Trung Cộng tạm gọi đã bước qua khỏi thời kỳ nghèo đói. Về mặt quốc tế, họ Đặng mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều nước trong đó có những nước cựu thù như Mỹ, Nhật và hòa hoãn với Liên Xô.
Trung Quốc trong giai đoạn 1989 cũng trong thời kỳ “ổn định” nhưng biến cố Thiên An Môn bùng nổ giữa sự ngạc nhiên của tập đoàn cai trị Bắc Kinh.
Sau biến cố Thiên An Môn, giới cai trị Trung Cộng áp dụng chính sách “bế môn tỏa cảng” về mặt tự do nhân quyền và văn hóa xã hội. Hệ thống tuyên truyền đã từng bước chuyển hướng nhận thức của các thế hệ trẻ Trung Quốc từ yêu tự do dân chủ thời 1989 sang chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Giáo sư Zheng Wang, người đã dạy tại một số đại học Trung Cộng viết trên tạp chí Time, rằng ông rất ngạc nhiên ngay cả những sinh viên ưu tú nhất cũng biết rất ít về sự kiện Thiên An Môn mới xảy ra vài năm trước trong khi biết rất chi tiết cuộc kháng chiến chống Nhật cách đây trên 70 năm.
Trung Cộng hiện đang trong thời kỳ “ổn định” nhưng qua chính sách bưng bít thông tin tuyệt đối hiện nay tại Trung Cộng cho thấy Tập Cận Bình cũng biết một Thiên An Môn khác có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Tại Bắc Hàn, mục tiêu thuần hóa dân tộc do ba đời độc tài họ Kim chủ trương, diễn ra suốt hơn 70 năm nhưng vẫn không và sẽ không bao giờ thắng được sự đối kháng trong lòng người. Nếu có cơ hội dù nguy hiểm bao nhiêu, người dân Bắc Hàn vẫn sẽ vượt thoát.
Điều đó chứng minh, không bao giờ có “ổn định” trong một xã hội độc tài toàn trị.
Sức phản kháng trong từng con người luôn âm ỉ cháy. Cách thể hiện ở mỗi người mỗi khác nhưng giống như những cành hướng dương, khát vọng của con người dù là ai đều hướng tới tự do.
Yếu tố chính tác động vào sự sụp đổ của Liên Xô, hệ thống CS tại châu Âu và sẽ diễn ra tại Trung Cộng cũng như Việt Nam chính là nội lực phát xuất từ xã hội, kết quả của các phong trào xã hội và sự chuyển hóa không ngừng của xã hội.
Cuộc chiến xói mòn từng mảng của chế độ độc tài đang diễn ra từng giờ, từng phút và phần thắng đang nghiêng dần về phía người dân.
Mỗi người Việt yêu tự do và yêu quê hương, thay vì ngồi chờ mặt trời rồi sẽ mọc, hãy thắp lên một ngọn nến bằng khả năng và điều kiện của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét