Chiến dịch “đốt lò” và các vụ “ăn đất”
BTV Tiếng Dân
Vị lãnh đạo được mệnh danh “một ghế hai đít”, “thoắt ẩn thoắt hiện”, mà lâu nay dư luận lo lắng, không biết còn đủ sức để nắm giữ hai chức lãnh đạo cao nhất không, lại xuất hiện. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hôm nay chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo (Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng). Tổng – Chủ Trọng nêu ý kiến về một số vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi từ sau Phiên họp thứ 17 đến nay.
Ban Chỉ đạo hối thúc khẩn trương kết thúc điều tra 5 vụ đại án, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin. Đó là: 1. Vụ án buôn lậu, rửa tiền xảy ra tại Công ty Nhật Cường; 2. Vụ án cố ý làm trái luật đầu tư công trình xảy ra tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi; 3. Vụ án gây thất thoát tài sản công xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI); 4. Vụ án cố ý làm trái luật đầu tư công trình ở Công ty Gang thép Thái Nguyên; 5. Vụ án buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, lợi dụng chức vụ, quyền hạn xảy ra tại Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, Công ty VN Pharma.
VTV có clip về buổi họp sáng nay: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Ban Chỉ đạo về chống tham nhũng.
Cả 5 vụ án nói trên đều là các đại án kinh tế, chính trị để lại hậu quả lớn, được dư luận đánh giá rằng, nếu đem ra xử “nghiêm minh” thì chắc chắn có tác động đến chế độ. Nhất là vụ án sai phạm tại Công ty gang thép Thái Nguyên, liên hệ đến Tập đoàn xây lắp luyện kim TQ. Trong vụ này, Công ty Gang thép Thái Nguyên bị xác định đã chi sai đến 39 triệu Mỹ kim để nhập đồ dỏm từ TQ.
Hồi tháng 2/2019, Thanh tra Chính phủ đã chuyển kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý, đồng thời kiến nghị Thủ tướng thu hồi khoản tiền thanh toán cho bên TQ tới hơn 13 triệu Mỹ kim. Dĩ nhiên là cả đề nghị xử lý sai phạm và kiến nghị đòi tiền từ “bạn vàng” đều chưa tới đâu, dù gần 2 năm trôi qua.
Về vụ án Nhật Cường, BBC đặt câu hỏi: Thấy gì về chính trị VN qua vụ Tướng Chung bị truy tố? Nhà nghiên cứu Lê Văn Sinh bình luận: “Khi so sánh vụ việc này với vụ làm lộ bí mật nhà nước trong vụ án Dương Chí Dũng trước đây và vụ tham nhũng đất đai gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và kéo dài ở Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh, thì thấy rằng người ta mạnh tay trừng phạt người này mà nương nhẹ với người kia. Luật pháp không có vùng cấm xem ra chỉ là câu khẩu hiệu”.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo thống nhất khẩn trương hoàn thành xét xử sơ thẩm 5 vụ án trọng điểm, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Đó là 5 vụ án khác, dư luận quan tâm nhưng khả năng gây ảnh hưởng đến chế độ thấp hơn so với 5 vụ đại án nói trên.
Năm vụ án trọng điểm này là: 1. Vụ án vi phạm quy định đấu thầu xảy ra tại CDC TP Hà Nội; 2. Vụ án sai phạm đất đai xảy ra tại Tổng công ty Sabeco; 3. Vụ án cố ý làm trái luật đầu tư công trình xảy ra tại PVB; 4. Vụ án gây thất thoát tài sản công xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh; 5. Vụ án sai phạm xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á.
Thông Tấn Xã VN có đồ họa liệt kê cả 10 vụ án, gồm 5 vụ đại án kinh tế, chính trị vẫn chưa kết thúc điều tra và 5 vụ án trọng điểm vẫn chưa hoàn thành xét xử sơ thẩm: Khẩn trương hoàn thành xét xử sơ thẩm 5 vụ án trọng điểm.
Nhìn lại chiến dịch “đốt lò” năm 2020, Tổng – Chủ Trọng thông báo, đã kỷ luật 8 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, theo Zing. Bài báo không nêu tên của 8 vị cán bộ này mà chí nói rằng: “Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 8 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý có sai phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo”.
Mời đọc thêm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ trì họp Ban Chỉ đạo về chống tham nhũng (TTXVN). – Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đẩy nhanh việc hoàn tất điều tra, xét xử các án tham nhũng lớn trước Đại hội 13(RFA). – Khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm vụ Nhật Cường, gang thép Thái Nguyên(TN). – Khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm vụ Nhật Cường, SAGRI và 3 đại án khác(Thanh Tra). – Kỷ luật 8 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (TP). – Kỷ luật 8 cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý(VTC).
Các vụ “ăn đất”
Báo Tiền Phong đặt câu hỏi: Hàng chục triệu m2 đất cổ phần hóa được các ông lớn ‘hô biến’ thế nào? Các con số thể hiện rủi ro xảy ra sai phạm đất đai trong hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ở VN: “Từ 66 doanh nghiệp nhà nước, thành phố Hà Nội đã cổ phần hóa với 383 điểm đất, tổng diện tích trên 5.576.000 m2. Bên cạnh đó còn có hàng trăm doanh nghiệp trung ương trên địa bàn cổ phần hóa đang quản lý trên 4.565.000 m2 đất”.
Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị UBND TP Hà Nội thu hồi hàng chục héc ta đất, yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý các sai phạm được phát hiện qua kiểm toán. “Có dự án KTNN đã chuyển hồ sơ cho cơ quan công an để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật”. Có tới 9 doanh nghiệp thuê 21 điểm đất, với tổng diện tích 221.843 m2 đã hết thời hạn thuê đất theo hợp đồng, nhưng TP làm ngơ.
Trang The Leader có bài: Sai phạm về đất đai hơn 17.931ha tại Đắk Nông. Thanh tra tỉnh Đắk Nông phát hiện sai phạm về đất đai với diện tích lên tới 17.931,77 ha do các chủ rừng buông lỏng quản lý, để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp trồng cây, hoa màu. Sở TN&MT Đắk Nông cho biết, “hầu hết đơn vị được thanh tra đều có vi phạm trong quản lý, sử dụng đất như thiếu trách nhiệm để rừng bị phá, đất bị lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích, tranh chấp đất đai với diện tích lớn”.
Chuyện ở huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng: 12 cán bộ lấn chiếm đất công, huyện không xử lý, theo báo Lao Động. UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ ra, UBND huyện Cát Tiên có dấu hiệu thoái thác trách nhiệm, buông lỏng quản lý đất đai tại địa phương, để một số hộ dân, cán bộ, công chức lấn chiếm đất công, nhất là phần diện tích đất thuộc tuyến kênh N2 cũ.
Năm 1997, UBND huyện Cát Tiên đã thu hồi đất của một số hộ dân và bàn giao cho Ban Quản lý dự án xây dựng quản lý. Đến năm 2011, để xây dựng quảng trường Phạm Văn Đồng và khu tái định cư Lô 2, quan chức huyện này đã sử dụng một phần diện tích thuộc tuyến kênh chính N2 cũ. Một số cán bộ, công chức đã tranh thủ lấn chiếm đất, san lấp mặt bằng, còn Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên làm ngơ.
Mời đọc thêm: DN nhà nước có trăm miếng đất vàng, ‘mồi ngon’ khi cổ phần hóa (VNN). – Công an vào cuộc việc ‘trùng khớp’ trong đấu giá khu đất 80.000m2 ở Côn Đảo(CafeLand). – Diễn tiến mới vụ canh tác gần 30 năm, 60ha đất bỗng “lọt” vào quỹ đất công (DT). – Ngồi tù vì làm con dấu giả hàng trăm hồ sơ đất (PLTP). – Bất thường trong việc giao đất làm dự án King Bay 125 ha ở Đồng Nai (TP). – Ông Nguyễn Văn Đính: ‘Đất nhiều làng xã tuần trước khảo sát, tuần sau giá đã tăng dựng ngược’ (VNF). – Giám đốc Sở TNMT tỉnh Bình Định thông tin về việc “cấp nhầm đất” ở huyện Vân Canh?(DV).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét