Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Năm, 5 tháng 11, 2020

Triết học pháp lý và tư duy đạo đức: Viết cho Tiên – Viết cho bà con vùng lũ và cho tất cả

 

Triết học pháp lý và tư duy đạo đức: Viết cho Tiên – Viết cho bà con vùng lũ và cho tất cả

Luật sư Đặng Bá Kỹ

Những ngày qua, cho đến thời điểm hiện tại, khi nhiều người vẫn còn mải mê tranh luận xem việc làm từ thiện của ca sỹ Thủy Tiên là hợp pháp hay không - thì Thủy Tiên, cùng bà con vùng lũ, và các cơ quan chính quyền, những người có trách nhiệm, những người lính quân đội, vẫn đang phải "Quần nhau" với lũ, khắc phục thiên tai trước muôn vàn khó khăn, thiếu thốn ..... Và nghe đâu, một trận bão mới đang từ Biển Đông hướng về...

1. Xưa nay, trước một sự việc, hiện tượng - việc mỗi con người, có một quan điểm khác nhau, từ đó dẫn đến việc tranh luận, vẫn thường hay xảy ra. Điều đó là hết sức bình thường. Sẽ là bất bình thường, khi toàn nhân loại đều chung một suy nghĩ! 

2. Cho nên, mấu chốt và trọng tâm của vấn đề là ở chỗ: Những người đang tranh luận là - Họ tranh luận vì Ai? Vì điều gì? Nhằm hướng đến mục đích nào? 

3. Khởi nguồn - Nhiều cuộc tranh luận, đều bắt đầu từ ý tốt của các bên! Tuy nhiên, trong quá trình tranh luận, một số người vì bảo vệ cái tôi của mình, cho quan điểm của mình, đã rời xa đi mục đích tốt đẹp ban đầu, và dần bị mất kiểm soát, trở thành một thái cực khác - Đó là điều không nên xảy ra. 

4. Và có lẽ như, đâu đó - Việc tranh luận chuyện từ thiện hợp pháp hay không đã trở thành "chiến trường", mà ở đó, nhiều người tham gia, chỉ để nhằm bảo vệ quan điểm của họ, hơn là việc bảo vệ Thủy Tiên, bảo vệ bà con vùng lũ, bảo vệ một xã hội nhân văn. 

5. Bài viết "Ca sỹ Thủy Tiên và Từ thiện luôn hợp pháp" (*) của tôi, sau khi đăng tải, đã thu hút hàng ngàn lượt tương tác và chia sẻ. Có một số người có dẫn chiếu những quan điểm khác, và đề nghị tôi cho ý kiến. Nhưng tôi khẳng định rằng: Tôi không có nhu cầu tranh luận! 

6. Việc tranh luận nó sẽ không mang lại bất kỳ một giá trị phổ quát nào - Khi ở đó người ta cố tình mặc định không chấp nhận quan điểm của nhau. Và cũng là khi ở đó, những giá trị cốt lõi về tình đồng loại, đã bị bỏ qua. Những vấn đề pháp lý dưới góc độ quy định của điều luật, đã nói đủ, không cần nhắc lại ở đây.

7. Nhưng dù nói gì đi nữa, đứng trên lập trường nào, một xã hội nhân văn, một đất nước văn minh, thì không thể có chuyện cứu giúp, hỗ trợ người khác khi khó khăn là không hợp pháp, hay bị hạn chế bằng cách này hay cách khác.

8. Và dù có viện bất kỳ lý do gì và nguyên nhân nào: Một hệ thống pháp luật phát triển, thì càng không thể có chuyện cứu giúp người trong cơn hoạn nạn là đặc quyền của người này, và cấm đoán với người khác. 

9. Luật pháp văn minh, hiện đại ít khi sai - chỉ có người ta hay luận giải và hiểu sai về nó! Và càng không thể nói rằng pháp luật cần can thiệp, để tránh việc từ thiện bị lợi dụng. Vì đây là hai vấn đề khác nhau. Đến ngay Đức Phật - Nhà chùa còn bị lợi dụng, thì huống chi những sự việc khác. Nhưng đâu vì thế mà hoạt động Phật giáo bị cấm, không pháp luật nào quy định: Ai mới được quyền xuất gia. Do đó, cần phân biệt việc giám sát, kiểm soát với việc cấm đoán.

10. Cuối cùng - Hãy luôn nhớ rằng: Pháp luật ở chân rễ cội nguồn là để bảo vệ Con Người, bảo vệ xã hội, trước những hành vi xâm hại. Nơi nào có bất công, có điều ác - ở đó mới cần có sự góp mặt của luật pháp. Còn khi Con Người, đang yêu thương, đùm bọc lẫn nhau - Nơi đó pháp luật sẽ không có lý do gì để cấm đoán....

------

Tôi sẽ không viết tiếp về câu chuyện của Thủy Tiên - vì còn nhiều bài viết pháp lý khác, mà bà con đang cậy nhờ. Nhưng chắc chắn rằng, nếu có một "cuộc chiến" pháp lý nổ ra, thì tôi sẽ sát cánh bên cạnh những người làm thiện nguyện chân chính. Đó không chỉ là vấn đề chuyên môn, mà còn vì trách nhiệm, vì lẽ phải, vì công lý, và vì giá trị cốt lõi của một xã nhân văn: Sống ở đời, cần có lương tâm và lòng nhân ái! 

Viết tại Sài Gòn, ngày 22/10/2020 - Luật sư: Đặng Bá Kỹ

(*) Xin xem:

Ca sĩ Thủy Tiên và từ thiện luôn hợp pháp

LS. Đặng Bá Kỹ

Cho tới thời điểm hiện tại, lũ lụt vẫn đang hoành hành, tàn phá ở Miền Trung. Chính trong những lúc nguy nan như vậy, mới thấy tình cảm đồng bào, nhân dân hướng về nhau thật lớn lao! Rất nhiều bà con ở khắp mọi miền Tổ quốc, cũng như Hải ngoại, đã đóng góp tiền bạc, vật tư, nhu yếu phẩm.... giúp người dân Miền Trung trong cơn hoạn nạn. Một trong số đó, phải kể đến việc ca sỹ Thủy Tiên, đã kêu gọi được hơn 105 tỷ đồng đóng góp của nhân dân, giúp bà con vùng lũ. 

Tuy nhiên, có một số "chuyên gia pháp lý", đã viện dẫn vài quy định pháp lý, cụ thể là Nghị định 64 năm 2008 "Nghị định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo"của Chính phủ. Và đã căn cứ vào việc Nghị định này chỉ cho phép một số tổ chức nhất định, được phép kêu gọi ủng hộ giúp khắc phục thiên tai - đã đi đến kết luận rằng: Việc ca sỹ Thủy Tiên kêu gọi và nhận tiền để làm từ thiện là không đúng quy định của pháp luật hiện hành, là không hợp pháp! 

Tác giả xin khẳng định ngay rằng: Lập luận pháp lý vừa nêu là hoàn toàn sai lầm, phiến diện và vớ vẩn. Trong bài viết này, tác giả sẽ luận giải các khía cạnh pháp luật có liên quan để bà con tham khảo:

I. XÁC ĐỊNH QUAN HỆ PHÁP LUẬT

Bản chất của việc Nhân dân quyên góp tiền bạc, tài sản để giúp Bà con vùng lũ, đó chính là việc: tặng, cho tài sản (tiền, hiện vật như nhu yếu phẩm v.v.), đây là một loại giao dịch dân sự phổ biến - là một quan hệ pháp luật Dân sự. 

Trong giao dịch tặng cho tài sản này, có sự xuất hiện của 03 loại chủ thể: 

1. Thứ nhất: Những người quyên góp tiền bạc, vật chất khác - Được gọi là Bên tặng cho tài sản.

2. Thứ hai: Bà con nhận cứu trợ tiền bạc, nhu yếu phẩm - Được gọi là Bên nhận tặng cho tài sản. 

3. Thứ ba: Nhóm những người kêu gọi và trực tiếp đi tới vùng lũ như ca sỹ Thủy Tiên hay những người khác - Được gọi là Bên trung gian nhận vận chuyển và giao tài sản. 

Nó đơn giản như việc ông A tặng cho ông B một chiếc xe máy, nhưng thay vì trực tiếp trao cho nhau, thì ở đây ông A nhờ ông C chuyển giúp. Y chang như vậy, không có gì khác cả. 

Như vậy, trong vụ việc này, quan hệ pháp luật được hình thành giữa các bên là quan hệ pháp luật dân sự. Và giao dịch dân sự giữa các bên là giao dịch tặng cho tài sản.

II. QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT ĐƯỢC ÁP DỤNG

Như trên đã phân tích, quan hệ pháp luật được hình thành giữa các bên là quan hệ pháp luật dân sự. Do đó, quan hệ pháp luật này sẽ do Luật Dân sự điều chỉnh. 

Bộ luật Dân sự 2015 quy định: "Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng".

Trong khi đó việc kêu gọi ủng hộ và từ thiện của Thủy Tiên, cũng như những hội nhóm thiện nguyện khác, không bị quy định nào của Luật cấm, nên không có gì là trái luật, và đương nhiên không trái đạo đức xã hội. Không những vậy, việc tặng cho tài sản là hợp pháp. 

Cần nhớ rằng: Nghị định 64 mà các "Chuyên gia pháp lý" nêu trên, là văn bản do Chính phủ ban hành, chỉ là văn bản dưới luật. Trong khi Bộ Luật Dân sự quy định rõ: "Không vi phạm điều cấm của Luật" - Tức phải là văn bản do Quốc hội ban hành, mới có giá trị cấm. Hay nói cách khác, không thể viện dẫn bất kỳ quy định nào của Nghị định 64, để nói rằng Nghị định này cấm, nên không được làm. Vì Bộ luật Dân sự do Quốc hội ban hành có giá trị pháp lý cao hơn Nghị định của Chính phủ.

Do vậy, việc kêu gọi bà con, ủng hộ đồng bào vùng lũ của Thủy Tiên hay bất kỳ ai khác, là một hành động hợp pháp, đầy tính đạo đức và rất nhân văn, thể hiện tình cảm tương thân tương ai của nhân dân ta. 

Giả định rằng, nếu có ai đó lợi dụng việc kêu gọi từ thiện, để rồi sau đó trục lợi cá nhân, thì đây là một câu chuyện khác, một vấn đề khác, không phải là điều chúng ta đang bàn đến. Cho nên, cần phải tách bạch và phân biệt đúng bản chất pháp lý của các vấn đề khác xa nhau. Và dù nhìn từ góc độ nào, tư duy pháp lý hay triết học đạo đức, thì việc từ thiện, ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau trong khó khăn, hoạn nạn, luôn luôn là giá trị nhân ái cốt lõi của nhân loại. 

Đ.B.K.

Nguồn: Fb Luật sư Đặng Bá Kỹ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét