Bá quyền kết thúc như thế nào? (Phần 3)
Tác giả: Alexander Cooley và Daniel H. Nexon
Dịch giả: Trần Ngọc Cư
Số tháng 7-8/2020
Chấm dứt chế độ độc quyền bảo trợ của phương Tây
Trung Quốc và Nga không phải là các quốc gia duy nhất đang tìm cách làm cho chính trị thế giới thuận lợi hơn đối với các chế độ phi dân chủ và ít chịu phục tùng bá quyền Mỹ. Kể từ năm 2007, việc cho vay của “các nhà tài trợ lừa đảo” trên thế giới, chẳng hạn như Venezuela giàu dầu mỏ đã đưa ra khả năng rằng sự hỗ trợ không ràng buộc như vậy có thể làm suy yếu các sáng kiến viện trợ của phương Tây vốn được thiết kế để khuyến khích các chính phủ thực hiện cải cách tự do.
Kể từ đó, các công ty cho vay của nhà nước Trung Quốc, như Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, đã mở các dòng tín dụng đáng kể trên khắp châu Phi và các nước đang phát triển. Do hậu quả của khủng hoảng tài chính năm 2008, Trung Quốc đã trở thành một nguồn cho vay và tài trợ khẩn cấp quan trọng cho các quốc gia không thể tiếp cận hoặc bị loại khỏi các tổ chức tài chính phương Tây. Trong cuộc khủng hoảng tài chính này, Trung Quốc đã đưa ra hơn 75 tỷ đô la cho các khoản vay trong các giao dịch năng lượng cho các quốc gia ở Mỹ Latinh — Brazil, Ecuador, và Venezuela— và cho Kazakhstan, Nga và Turkmenistan ở Khu vực Á-Âu.
Trung Quốc không phải là nước bảo trợ thay thế duy nhất. Sau Mùa xuân Ả Rập, các quốc gia vùng Vịnh như Qatar cho Ai Cập vay tiền, cho phép Cairo tránh chuyển sang Quỹ Tiền tệ Quốc tế trong thời gian hỗn loạn. Nhưng Trung Quốc cho đến nay vẫn là quốc gia tham vọng nhất về vấn đề này. Một nghiên cứu của AidData cho thấy tổng số viện trợ nước ngoài của Trung Quốc từ năm 2000 đến 2014 đạt 354 tỷ đô la, gần tổng số 395 tỷ đô la của viện trợ Mỹ. Trung Quốc kể từ đó đã vượt qua các khoản giải ngân viện trợ hàng năm của Hoa Kỳ. Hơn nữa, viện trợ của Trung Quốc làm suy yếu các nỗ lực của phương Tây để truyền bá các chuẩn mực tự do.
Một số nghiên cứu cho thấy rằng, mặc dù các quỹ của Trung Quốc đã thúc đẩy sự phát triển ở nhiều quốc gia, nhưng chúng cũng đã gây ra tham nhũng trắng trợn và các lề thói của chế độ ô dù. Ở các quốc gia vừa trỗi dậy từ chiến tranh, như Nepal, Sri Lanka, Sudan và Nam Sudan, viện trợ tái thiết và phát triển của Trung Quốc đã chảy vào các chính phủ chiến thắng, giúp họ tránh khỏi các áp lực quốc tế buộc họ phải đáp ứng các đòi hỏi của kẻ thù trong nước và áp dụng các mô hình hòa bình và hòa giải tự do hơn.
Sự kết thúc độc quyền bảo trợ của phương Tây đã chứng kiến sự trỗi dậy đồng thời của những người theo chủ nghĩa dân túy dân tộc chủ nghĩa cuồng nhiệt ngay cả ở các quốc gia được gắn chặt vào quỹ đạo kinh tế và an ninh của Hoa Kỳ. Những người như Thủ tướng Hungary Viktor Orban, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tự coi mình là những người bảo vệ chủ quyền trong nước chống lại sự phá hoại của thế giới tự do. Họ bác bỏ những lo ngại của phương Tây về sự sụp đổ dân chủ ở nước họ và nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của mối quan hệ kinh tế và an ninh của họ với Trung Quốc và Nga. Trường hợp của Philippines, Duterte gần đây đã chấm dứt một hiệp ước quân sự hai thập niên với Hoa Kỳ sau khi Washington hủy visa của cựu cảnh sát trưởng quốc gia, người bị cáo buộc vi phạm nhân quyền trong cuộc chiến tranh đẫm máu và gây tranh cãi của Philippines về vấn đề ma tuý.
Tất nhiên, một số trong những thách thức cụ thể này đối với lãnh đạo Hoa Kỳ sẽ trở nên tồi tệ vì chúng xuất phát từ việc thay đổi hoàn cảnh chính trị và tính khí của các cá nhân lãnh đạo. Nhưng việc mở rộng các lựa chọn để thoát ra khỏi khu vực của các nước bảo trợ, tổ chức và các mô hình chính trị thay thế hiện nay dường như là một đặc điểm thường trực của chính trị quốc tế. Các chính phủ địa phương được rộng chỗ để điều động. Ngay cả khi các quốc gia này không chủ động chuyển đổi các thế lực bảo trợ, khả năng này có thể cung cấp cho họ đòn bẫy lớn hơn. Do đó, Trung Quốc và Nga có tự do hành động hơn để tranh giành quyền bá chủ của Hoa Kỳ và xây dựng các trật tự thay thế.
Các chế độ chuyên quyền đã tìm ra cách để hạn chế hoặc thậm chí loại bỏ tầm ảnh hưởng của mạng lưới vận động xuyên quốc gia của phe tự do và các tổ chức phi chính phủ có đầu óc cải cách. Cái gọi là các cuộc cách mạng màu trong thế giới hậu Xô Viết trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này và Mùa xuân Ả Rập những năm 2010-11 ở Trung Đông đã đóng một vai trò quan trọng trong quá trình này. Chúng gây báo động cho các chính phủ độc tài và phi tự do vốn ngày càng coi việc bảo vệ nhân quyền và thúc đẩy dân chủ là mối đe dọa đối với sự sống còn của họ. Đáp lại, các chế độ này đã ngăn chặn ảnh hưởng của các tổ chức phi chính phủ có liên hệ nước ngoài. Họ áp đặt các hạn chế chặt chẽ trong việc nhận tiền từ nước ngoài, cấm các hoạt động chính trị khác nhau và chụp mũ một số nhà hoạt động nhất định là “tay sai nước ngoài”.
Một số chính phủ hiện tài trợ cho các tổ chức phi chính phủ của riêng mình vừa để ngăn chặn áp lực tự do hóa trong nước vừa thi đua với trật tự tự do từ ngoài. Chẳng hạn, để đáp lại sự ủng hộ của phương Tây đối với các nhà hoạt động trẻ tuổi trong các cuộc cách mạng màu, Điện Kremlin đã thành lập nhóm thanh niên Nashi để vận động thanh niên ủng hộ nhà nước. Hiệp hội Chữ thập đỏ Trung Quốc, tổ chức phi chính phủ lâu đời nhất Trung Quốc, đã cung cấp vật tư y tế cho các nước châu Âu giữa đại dịch COVID-19 như một phần của chiến dịch quan hệ công chúng theo bài bản cẩn thận. Các chế độ này cũng sử dụng các nền tảng kỹ thuật số và phương tiện truyền thông xã hội để phá vỡ cuộc vận động và hô hào chống chính phủ. Một cách tương tự, Nga cũng đã triển khai các công cụ như vậy ở nước ngoài trong các hoạt động thông tin và xâm nhập phá hoại các cuộc bầu cử tại các quốc gia dân chủ.
Hai sự phát triển đã giúp thúc đẩy bước ngoặt phi tự do ở phương Tây: Cuộc Đại suy thoái năm 2008 và cuộc khủng hoảng tị nạn ở châu Âu năm 2015. Trong thập niên qua, các mạng lưới phi tự do — nói chung chứ không phải chỉ cánh Hữu — đã thách thức sự đồng thuận của giới cầm quyền ở phương Tây. Một số tổ chức và nhân vật chính trị đặt nghi vấn về giá trị của việc tiếp tục làm thành viên trong các tổ chức lớn của trật tự tự do, như Liên minh châu Âu và NATO.
Nhiều phong trào cánh hữu ở phương Tây nhận được cả sự hỗ trợ về tài chính lẫn khuyến khích tinh thần từ Moscow, vốn ủng hộ các hoạt động “kinh tài đen tối” nhằm thúc đẩy các lợi ích đầu sỏ hẹp hòi ở Mỹ và các đảng chính trị cực hữu ở châu Âu với hy vọng làm suy yếu các chính phủ dân chủ và nuôi dưỡng các đồng minh tương lai. Tại Ý, đảng chống nhập cư Lega hiện là đảng được lòng dân nhất bất chấp những tiết lộ về âm mưu giành sự hỗ trợ tài chính bất hợp pháp từ Moscow. Ở Pháp, Tập hợp Dân tộc, vốn có lịch sử ủng hộ Nga, vẫn là một thế lực mạnh mẽ của chính trị trong nước.
Những sự phát triển này lặp lại đường lối mà các phong trào “chống lại trật tự” đã giúp thúc đẩy sự xuống dốc của các thế lực bá quyền trong quá khứ. Các mạng lưới xuyên quốc gia đóng vai trò quan trọng trong cả việc duy trì lẫn thách thức các trật tự quốc tế trước đó. Ví dụ, các mạng lưới Tin lành đã giúp làm xói mòn sức mạnh của Tây Ban Nha khi châu Âu bắt đầu bước vào thời kỳ hiện đại, đáng chú ý nhất là bằng cách hỗ trợ cuộc nổi dậy của Hà Lan trong thế kỷ XVI. Các phong trào tự do và cộng hòa, đặc biệt là trong bối cảnh các cuộc cách mạng trên khắp châu Âu vào năm 1848, đã góp phần phá hoại Đồng thuận châu Âu [the Concert of Europe], theo đó các Đại cường cố gắng quản lý trật tự quốc tế trên lục địa này trong nửa đầu thế kỷ XIX.
Sự trỗi dậy của các mạng lưới xuyên quốc gia phát xít và cộng sản đã giúp tạo ra cuộc đấu tranh quyền lực toàn cầu trong Thế chiến II. Các phong trào chống trật tự đã đạt được quyền lực chính trị ở các quốc gia như Đức, Ý và Nhật Bản, khiến các quốc gia này phá vỡ hoặc ra sức tấn công các cấu trúc hiện hữu của trật tự quốc tế. Nhưng ngay cả các phong trào chống trật tự ít thành công hơn vẫn có thể làm suy yếu sự gắn kết của các thế lực bá quyền và các đồng minh của họ.
Không phải mọi phong trào phi tự do hay cánh hữu phản đối trật tự do Hoa Kỳ lãnh đạo đều tìm cách thách thức sự lãnh đạo của Hoa Kỳ hoặc quay sang coi Nga như một tấm gương của chủ nghĩa bảo thủ văn hóa mạnh mẽ. Tuy nhiên, các phong trào này đang giúp phân cực hóa chính trị trong các nền dân chủ công nghiệp tiên tiến và làm suy yếu sự hỗ trợ cho các định chế của trật tự quốc tế. Một trong số những phong trào này thậm chí đã chiếm được Nhà Trắng: Chủ nghĩa Trump, một xu hướng được hiểu rõ ràng nhất là một phong trào phản đối trật tự với một phạm vi xuyên quốc gia nhắm vào các liên minh và quan hệ đối tác có vị trí trung tâm đối với bá quyền Hoa Kỳ.
(Còn nữa)
______
Tác giả: Alexander Cooley là Giáo sư Chính trị học Ngạch Claire Tow tại Barnard College và là Giám đốc Viện Nghiên cứu Harriman tại Columbia University. Daniel H. Nexon là Phó Giáo sư tại Phân khoa Chính quyền tại Trường Nghiệp vụ Nước ngoài Edmund A. Walsh tại Đại học Georgetown. Hai ông là tác giả cuốn “Exit From Hegemony: The Unraveling of the American Global Order“ (Chấm dứt bá quyền: Sự rã rệu của trật tự toàn cầu Mỹ).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét