Lũ lụt, sạt lở liên tiếp xảy ra ở miền Trung, căn nguyên được chỉ ra là do phá rừng làm thủy điện “cóc”, chuyển rừng tự nhiên thành rừng trồng,… Và dễ thấy nhất là hiện tượng bạt núi, phạt đồi làm các siêu dự án khu du lịch tâm linh, biệt thự, thành những mối họa treo lơ lửng trên đầu dân, khi những khối đất đá, hồ nước có thể đổ sụp đè chết họ bất cứ lúc nào.
Lúc này đây, ở Khánh Hòa, núi Chín Khúc – một trong những ngọn núi lớn nhất TP Nha Trang bị thay đổi hiện trạng để thi công dự án bất động sản kết hợp khu du lịch tâm linh. Người Nha Trang ví ngọn núi như đang bị “xẻ thịt”.
Núi Chín Khúc có chiều cao khoảng 500 m so với mực nước biển. Từ đỉnh núi có tầm nhìn trọn vẹn đường bờ biển và vịnh Nha Trang. Từ chân núi cũng có thể dễ dàng kết nối với trung tâm thành phố qua đại lộ Võ Nguyên Giáp và đường Phong Châu.
Với vị trí thuận lợi này, Công ty TNHH sản xuất và xây dựng Khánh Hòa (Công ty Khánh Hòa) đã xin UBND tỉnh Khánh Hòa cấp đất để làm dự án khu biệt thự sinh thái rộng khoảng 200ha.
Sau đó, Công ty Khánh Hòa lại xin thêm gần 380ha đất nữa để làm một dự án tâm linh trên đỉnh núi Chín Khúc, qua đó nâng tổng diện tích dự án lên 513ha.
Sau khi được chấp thuận về chủ trương, doanh nghiệp này tiến hành đào đắp, xẻ núi làm đường, khiến núi Chín Khúc bị “cạo trọc” nham nhở trên đỉnh, phục vụ dự án Cửu Long Sơn Tự, gồm quần thể chùa, gian hàng trưng bày vật phẩm…
Theo Zing.vn, đây được coi là một trong những dự án tâm linh lớn nhất Việt Nam, chỉ kém hơn một chút quần thể chùa Bái Đính (Ninh Bình) rộng 700ha.
Công ty Khánh Hòa cho biết sẽ cho dựng một tượng phật cao 153m trên đỉnh núi Chín Khúc. Hiện tại, phần đỉnh núi này đã được san bằng gần như toàn bộ, gần như không còn cây cối mọc như trước kia. Công ty thừa nhận dự án Cửu Long Sơn Tự trên đỉnh núi Chín Khúc chưa có đánh giá tác động môi trường.
Theo báo cáo gửi UBND tỉnh Khánh Hòa, trên núi Chín Khúc hiện có 7 dự án và các đề xuất dự án, gồm: Khu đô thị trên đồi của Đất Lành; Cửu Long Sơn Tự và khu cáp treo, bãi đậu xe; Khu kinh tế trang trại Vĩnh Trung; Khu biệt thự và sinh thái Đất Lành; Khu đô thị City View; Khu tái định cư Đất Lành; Khu dân phía Tây khu tái định cư Đất Lành.
Tuy nhiên, Sở Kế hoạch và Đầu tư Khánh Hòa cho biết ngoài dự án Biệt thự sông núi Vĩnh Trung, đơn vị này chưa có hồ sơ của dự án khác ở núi Chín Khúc.
Cũng tại TP Nha Trang, từ năm 2019, tại khu vực núi Chụt (phường Vĩnh Trường và Vĩnh Nguyên), hàng loạt các công trình biệt thự, nhà phố vượt tầng, trái quy hoạch nghiễm nhiên tồn tại.
Đó là dự án Ocean View Nha Trang. Ông Nguyễn Việt Hùng – Giám đốc Công ty TNHH TM – DV Thiên Nhân II (chủ đầu tư Ocean View Nha Trang) đang bị truy nã.
Sở Xây dựng Khánh Hòa cho biết, dự án có diện tích xây dựng là 51.594m2 và diện tích rừng phòng hộ là 21.256m2, được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch vào năm 2011 với với 5 khu, trong đó khu A, B, C, D gồm 69 lô biệt thự, tầng cao xây dựng từ 1-3 tầng. Riêng khu F (khách sạn và căn hộ) xây dựng 25 tầng.
Tuy nhiên, 37 lô đã xây dựng xong thì phát hiện 16 lô xây dựng sai quy hoạch, 13 lô chưa kiểm tra được, có tình trạng phá đá, nổ mìn san lấp mặt bằng. Theo tìm hiểu, hầu hết các công trình sai phạm là do vượt chiều cao quy địnhh (4-8 tầng) và sai mật độ (80-100% diện tích).
Cũng tại khu vực núi Chụt, một dự án khổng lồ có tên Anh Nguyễn Ocean Front Villas Nha Trang cũng thực hiện cải tạo mặt bằng núi, xây dựng đường xá, công trình, được quảng cáo “dành cho giới siêu giàu”. Chủ đầu tư là Công ty TNHH Anh Nguyễn.
Theo giới thiệu, Anh Nguyễn Ocean Front Villas là khu phức hợp biệt thự, căn hộ dịch vụ và trung tâm thương mại, tọa lạc tại số 36-38 đường Trần Phú (đoạn vòng núi Chụt), phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang.
Dự án được quy hoạch trên tổng diện tích 118.897,2m2, trong đó đất thương mại là 49.147,7m2, gồm 3 dự án thành phần: Khu biệt thự Ocean Front Villas, khu căn hộ Ocean Front Condominium và tòa nhà phức hợp Ocean Front AquaMarine Suite Apartment.
Trong đó, phân khu căn hộ dịch vụ Ocean Front Condominium nằm trên khu đất 4.825,7m2, chiều cao 8 tầng với 203 phòng. Tầng thượng của khu căn hộ còn được bố trí bể bơi.
Phân khu Ocean Front AquaMarine Suite Apartment gồm 9 tầng với 169 căn hộ, kèm nhà hàng, rạp chiếu phim, bể bơi,…
Anh Nguyễn Ocean Front Villas ken đặc 79 căn Villas, bố trí bể bơi vô cực trên sườn núi.
Theo lãnh đạo UBND phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang, dự án này đã được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp phép từ hơn 10 năm trước, từng nổ mìn phá đá.
Hiện nay, dự án vẫn ngổn ngang các hạng mục thi công, các công trình, tòa nhà, hồ bơi trên vách núi, phía dưới là đường giao thông, các khu dân cư hiện hữu…
TP. Nha Trang không phải “chưa thấy quan tài”, vì đã có hàng chục người chết và mất tích khi bể bơi của khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú trên đỉnh núi Hòn Xện bị vỡ vào 18/11/2018.
Nhưng tới nay, cả chính quyền vẫn để mặc các điện đài, biệt thự tráng lệ, đắt tiền chễm chệ trên đỉnh núi?
Họ không thấy “đổ lệ”, có phải vì quan tài tập thể là để cho dân?
Đại nạn lũ lụt miền Trung cũng như nhiều thảm họa khác của dân tộc đều phát xuất từ sự thối nát nội bộ trong đảng CSVN, do độc tài độc đảng sinh ra.
Thật vậy, xây dựng thiếu điều nghiên hằng loạt đập thủy điện, phá rừng diệt cây để rồi kết bè, kết đảng hầu công quỹ chui vào túi tham quan, gỗ tốt dựng nhà cho cán bộ chóp bu, là nguyên nhân lớn nhất gây nên tang tóc cho dân nghèo miền Trung.
Nhất là khi các đập thủy điện hay công trình xây cất hạ tầng cơ sở như đường sá, cầu cống do các nhà thầu Trung Quốc trúng gói thầu, thì giá bị thổi phồng đôi khi gấp 10 lần giá cả trên thị trường quốc tế, chất lượng công trình thấp vì bòn rút, thời hạn hoàn tất kéo dài và tiền đút lót cho phe nhóm cực cao.
Tuy nhiên, sự tham nhũng thối nát gây chết chóc tang thương chỉ thuộc phạm vi nhỏ. Trên bình diện lớn hơn về ngoại thương, kinh tế và chủ quyền dân tộc, thì sự tổn thất của quốc gia còn gấp vạn lần.
Đó là nguyên nhân tại sao một dân tộc kiêu hùng suốt 2 ngàn năm lịch sử, dưới sự cai trị của đảng, lại dễ dàng nhượng Ải Nam Quan, nửa thác Bản Giốc, Hoàng Sa, một phần Trường Sa, nhiều vùng lãnh hải và thềm lục địa của tổ tiên cho Trung Quốc như thế?
Câu trả lời dĩ nhiên là vì cấp lãnh đạo chóp bu trong đảng đã bán rẻ cho CSTQ hầu đút vào túi riêng hiện kim và quyền lực.
Trong một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chính, nhân dân sẽ có một hay nhiều chính đảng đối lập với chính quyền, một nền tư pháp hoàn toàn độc lập và một hệ thống báo chí tư nhân hùng mạnh giám sát chính quyền.
Trong bối cảnh đó, không một chính đảng hay chính quyền nào có thể bán rẻ quyền lợi của dân tộc hoặc lãnh thổ và lãnh hải của tổ tiên.
Chứng cứ hiển nhiên nhất đảng CSVN bán nước cho CSTQ trên phương diện ngoại thương nằm ở 1 sự kiện khách quan đau lòng.
Đó là trong nhiều thập niên, đảng CSVN đã dung túng cho một cán cân thương mại hoàn toàn thiên vị cho Bắc Kinh, khiến nhân dân và các doanh nghiệp Việt Nam “tặng không” cho CSTQ hằng trăm tỷ Mỹ Kim.
Thật vậy, theo thông tấn xã Reuters, năm 2019 trong giao dịch thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ thì Việt Nam thặng dư kim ngạch $46.98 tỷ và trước đó 1 năm là thặng dư $34.87 tỷ.
Tuy nhiên cũng vào năm 2019, trong giao dịch thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam thì Việt Nam thâm thủng kim ngạch $34.04 tỷ và trước đó một năm là thâm thủng $24.15 tỷ.
Cán cân thương mại Việt- Trung hoàn toàn mất thăng bằng như thế mà đảng CSVN không hề có những biện pháp cấp bách để cân bằng.
Sự kiện trên chỉ có thể giải thích được là: đảng CSVN một mặt đã là một tay sai vô điều kiện cho CSTQ, và mặt khác bị đảng CSTQ hoàn toàn khống chế. Thêm vào đó hàng ngũ đảng CSVN nhận được những lợi nhuận khổng lồ từ đảng CSTQ hầu duy trì sự thâm thủng mậu dịch này.
Chỉ trên căn bản cán cân thương mại giữa 2 quốc gia mà thôi thì Trung Quốc được nhiều quyền lợi hơn nếu duy trì thực trạng.
Trong khi đó Việt Nam sẽ không phải lỗ hằng trăm tỷ Mỹ Kim nếu chấm dứt tình trạng này.
Điều trên có nghĩa là trên nguyên tắc, Việt Nam sẽ có thế mạnh nếu vùng lên thương thuyết đòi cân bằng hóa cán cân thương mại.
Sau đó, thay vì sử dụng số kim ngạch thặng dư với Hoa Kỳ để “cúng dường” cho CSTQ, thì dùng số tiền này để giúp các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng tính cạnh tranh quốc tế, hầu sau đó thoát khỏi sự lệ thuộc vào người láng giềng khổng lồ và mang tính đế quốc bá quyền này.
Thật vậy, nếu CSVN chấp nhận thương thuyết với CSTQ thăng bằng hóa cán cân thương mại, thì trong thập niên qua, chúng ta đã có thể dành dụm được hằng trăm tỷ Mỹ Kim, giúp đỡ cho các doanh nghiệp Việt Nam trên các phương diện chiến lược sau đây:
1. Huấn nghệ nhân sự cho các doanh nghiệp Việt Nam;
2. Nghiên cứu và phát triển sản phẩm;
3. Tìm kiếm, đa diện hóa và phát triển thị trường;
4. Quảng cáo trên toàn cầu các sản phẩm và dịch vụ Việt Nam.
Được như thế thì các doanh nghiệp Việt Nam mới cạnh tranh trên toàn thế giới và đất nước phát triển thành con rồng Châu Á.
Với hằng trăm tỷ Mỹ Kim trong tay, cấp cứu nạn lụt miền Trung hoàn toàn nằm trong khả năng của chính phủ, mà không cần dòm ngó đến số tiền của danh ca Thủy Tiên quyên góp hầu cứu trợ đồng hương miền Trung.
Tệ hại hơn nữa là đàn anh CSTQ, sau khi được CSVN cúng dường hằng trăm tỷ Mỹ Kim lại được tên đàn anh này ưu ái tặng lại số tiền “vĩ đại” 100 ngàn Mỹ Kim để cứu trợ đồng bào miền Trung, trong khi Nam Hàn cứu trợ 300 ngàn, Đài Loan 400 ngàn, Liên Hiệp Âu Châu 1,5 triệu và Hoa Kỳ 2,1 triệu Mỹ Kim.
Tuy nhiên, với độc tài độc đảng, quyền lực tuyệt đối đem lại sự tha hóa tuyệt đối, đảng CSVN đã trở thành một khối u ác tính của dân tộc.
Chỉ có một cuộc đại phẫu thuật dứt khoát, bứng tận gốc rễ khối u ác tính này, thì dân tộc mới có cơ hội sống còn và vương lên.
Bão tràn vào miền Trung vần vũ đáo hồi liên tục gần cả tháng nay. Dân miền Trung như kiến bò trên miệng chảo, nguy nan, sợ hãi, đau khổ tận cùng. Mới hôm qua, đội cứu hộ đào một cái xác nhỏ lên khỏi đống đất đá. Thiên thần vùi trong bùn, mẹ trẻ gào thét vang cả đất trời. Đau nỗi đau mất con lấy gì bù đắp, đứa con ấp ôm bị vùi lấp tức tưởi.
Bão tố vô tình nhưng chính quyền thì vô trách nhiệm.
Ngày 30/5/2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ký Quyết định 649/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch phòng chống thiên tai quốc gia đến năm 2020. Ông Dũng vui lòng cho tôi và nhân dân cả nước xem bản kế hoạch chi tiết, chứ cái kế hoạch chung chung kèm theo Quyết định này tôi làm cũng được cần gì ban bệ tốn cơm vậy?
Ai ở nhà chung cư đều biết một chuyện, chung cư phải có phương án phòng cháy công khai cho các hộ dân được biết. Thi thoảng, cảnh sát phòng cháy còn yêu cầu tất cả dân của chung cư tập dợt nếu có cháy ứng phó như thế nào. Cháy tầng 1 ứng phó sao? Cháy tầng 10 ứng phó sao? Đó chính là xây dựng kịch bản phòng cháy.
Bão lũ, thiên tai cũng có kịch bản chủ động phòng chống, lượng mưa 50mm như thế nào? Gió cấp 6-7 ứng phó làm sao? Cấp 17 kèm mưa lớn, xả lũ di dời, ứng phó ra sao? Cái đó gọi là kịch bản chủ động Phòng chống và Ứng phó với thiên tai, bão lụt. Nếu ông chỉ biết ký mà không kiểm tra thì ông vô trách nhiệm quá! Ông Phó Thủ tướng ạ!
Ông có biết tại sao ông lại là Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai không? Vì ông là Phó Thủ tướng. Ông có một cái quyền tối thượng trong hoàn cảnh này đó là quyền ra Công lệnh. Công lệnh là cấm cãi. Đầu mùa bão lũ, ông đến Huế sao ông không chỉ đạo Bộ Tài chính xuất kho ứng cứu? Không yêu cầu Bộ Nông nghiệp trình kịch bản phòng chống thiên tai? Hôm qua, dân Nghệ An kêu cứu, các đoàn cano được huy động, xuồng ghe dân cùng Quân đội phối hợp đi cứu người. Ông có biết Bộ Tài chính vẫn chưa xuất hàng cho Nghệ An không?
Bộ Tài chính vô trách nhiệm hay quên trách nhiệm? Bộ Nông nghiệp cũng thế? Chủ tịch tỉnh cũng quên mất cái quyền đánh công văn hỏa tốc đề nghị được cấp phát phương tiện cứu hộ, cứu nạn? Ông là Trưởng ban chỉ đạo kiêm Phó Thủ tướng, ông quên luôn hả? Cả hệ thống quên hay vô trách nhiệm? Đi chống bão cứu người hay đi làm màu chụp ảnh?
Ông Bộ Tài chính bây giờ ì rồi. Tôi cũng cạn lời với cái cơ quan làm Tờ trình hơn 6 ngày xong chờ “quy trình” mới cấp áo phao, xuồng cứu hộ, phao cứu sinh… Ông Tài chính làm gì cũng chờ Thủ tướng ký duyệt thấy thương lắm. Nghệ An ngập chắc ổng lại chờ Thủ tướng dù ổng có quyền xuất hàng khẩn cấp. Tôi sợ nhất là ổng không bao giờ mua đủ hàng để xuất luôn đó chứ?
Ông Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông là cơ quan chủ quản của cái Tổng Cục phòng chống thiên tai xài nghìn tỷ mỗi mỗi năm. Kịch bản phòng chống thiên tai đâu? Bảng nghiên cứu địa chất khi có thiên tai xảy ra đâu? Bây giờ ra rả nền đất yếu là yếu thế nào? Yếu thế Lào hay thế Campuchia? Mưa bữa nay thì mai cảnh báo sạt lở. Ủa rồi kịch bản các cấp độ đâu mà chờ “ý trời”?
Ông đi thị sát bão lũ rồi bộ đàm đâu? Sao xài toàn di động vậy? Máy thu phát sóng ngắn đâu? Không có máy thu phát sóng ngắn xài điện thoại, cúp điện toàn vùng rồi không có máy thu phát sóng ngắn khu vực thì xài cái gì để truyền tin cho dân? Có trang bị máy thu phát sóng ngắn cho dân từng khu vực chưa? Ví dụ như mỗi thôn/ làng có từ 1-2 cái chẳng hạn? Có tập huấn cho dân phải làm gì trong bão lũ, sạt lở hay không? Tiêu lệnh bắt buộc phải có của từng khu vực đâu? Phương án chi tiết ứng cứu khẩn cấp đâu?
Cả trăm ngàn tỷ đầu tư cho việc Nâng cao nâng lực phòng chống thiên tai có đòi lại được không? Vì trước mắt hiệu quả quá tệ.
Các vị có quyền nói tôi quy chụp các vị nhưng với điều kiện hãy trả lời đủ hết các câu hỏi của tôi đi. Từ trên xuống dưới, từ lớn tới nhỏ, cả một hệ thống đã làm việc ra sao? Bao nhiêu nhân mạng đã mất? Bao nhiêu làng mạt bị cô lập? Những ngôi làng bị cô lập, dân trong trong đó đang thế nào? Sống chết, đói no, sinh tồn đau khổ khó khăn, ai cứu được họ bây giờ, họ vật lộn với sống chết ai biết?
Dân kẻ giàu người nghèo, đóng thuế là để xây dựng Tổ quốc, là khi lâm nguy có một khoản dùng, đóng thuế là một loại nghĩa vụ để chăm lo cho đồng bào nơi khó khăn, không ai muốn đồng bào mình đau thương. Vậy những đồng tiền thuế của Nhân dân tích cho Nhân Dân đang ở đâu mà bây giờ Nhân dân đau với Nhân dân? Kẻ miền xuôi, khóc cho đau thương của người miền ngược, kẻ Nam người Bắc rưng rức với khúc ruột miền Trung.
Không vô trách nhiệm có hệ thống, có tổ chức thì làm gì có cái thảm cảnh này? Rồi có truy tố các vị được không? Đau thương, tổn thất của dân ai chịu trách nhiệm?
Nhiều dấu hiệu cho thấy một cuộc khủng hoảng đang diễn ra trong trật tự toàn cầu. Phản ứng quốc tế thiếu phối hợp trong việc đối phó đại dịch COVID-19, suy thoái kinh tế tiếp sau đó, sự hồi sinh của chính trị dân tộc chủ nghĩa và chính sách cứng rắn về biên giới quốc gia, hình như báo trước sự xuất hiện của một hệ thống quốc tế thiếu hợp tác và mong manh hơn. Theo nhiều nhà quan sát, những phát triển này nêu bật sự nguy hiểm của chính sách “nước Mỹ trước hết” của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và việc ông rút lui khỏi vai trò lãnh đạo toàn cầu.
Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch coronavirus, Trump vẫn thường xuyên chỉ trích giá trị của các liên minh và các định chế như NATO, ủng hộ sự tan rã của Liên minh châu Âu, rút khỏi một loạt các hiệp định và tổ chức quốc tế, và quay sang chìu chuộng các nhà độc tài như Tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Ông đặt nghi vấn về giá trị của việc đưa các giá trị tự do như dân chủ và nhân quyền vào trung tâm của chính sách đối ngoại. Việc Trump rõ ràng dành ưu tiên cho chính trị giao dịch tổng số bằng không [có kẻ thắng người thua] chứng minh thêm khái niệm Mỹ đang từ bỏ cam kết thúc đẩy một trật tự quốc tế tự do.
Một số nhà phân tích tin rằng, Hoa Kỳ vẫn còn có thể quay trở lại, bằng cách khôi phục các chiến lược mà Mỹ đã vận dụng, từ cuối Thế chiến II đến sau Chiến tranh Lạnh, để xây dựng và duy trì một trật tự quốc tế thành công. Nếu một nước Mỹ thời hậu Trump có thể nắm lại các trách nhiệm về quyền lực toàn cầu của mình, thì thời đại này — bao gồm cả đại dịch sẽ định tính cách cho nó — chỉ là một sự chệch hướng tạm thời chứ không phải là một bước trên con đường dẫn đến xáo trộn vĩnh viễn.
Dẫu sao, những dự đoán về sự xuống dốc của Mỹ và sự thay đổi trong trật tự quốc tế chẳng có gì mới lạ — và thường xuyên sai lầm. Vào giữa thập niên 1980, nhiều nhà phân tích tin rằng, sự lãnh đạo của Mỹ đang trên đường kết thúc. Hệ thống Bretton Woods đã sụp đổ vào thập niên 1970; Hoa Kỳ phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gia tăng từ các nền kinh tế châu Âu và Đông Á, đặc biệt từ Tây Đức và Nhật Bản; và Liên Xô lúc bấy giờ trông giống như một thực thể trường tồn của chính trị thế giới.
Tuy nhiên, đến cuối năm 1991, Liên Xô đã chính thức tan rã, Nhật Bản bước vào “thập kỷ mất mát” vì sự trì trệ kinh tế và nhiệm vụ hợp nhất tốn kém đã tiêu hết nguồn lực của một nước Đức thống nhất. Trong khi đó, Hoa Kỳ đã trải qua một thập kỷ bùng nổ đổi mới công nghệ và tăng trưởng kinh tế cao bất ngờ. Kết quả là điều mà mà nhiều người ca ngợi là “một thời điểm đơn cực” [a unipolar moment] của bá quyền Mỹ.
Nhưng lần này thật sự khác. Chính các lực tác động làm cho bá quyền Mỹ trở nên vững vàng trước đây ngày nay đang thúc đẩy sự giải thể của nó. Có ba sự phát triển đã từng thúc đẩy trật tự hậu Chiến tranh Lạnh do Mỹ lãnh đạo. Một là, với sự thất bại của chủ nghĩa cộng sản, Mỹ không còn phải đối diện với một dự án ý thức hệ toàn cầu quan trọng nào có thể cạnh tranh với Mỹ. Hai là, với sự tan rã của Liên Xô và cơ sở hạ tầng của các định chế và quan hệ đối tác của chế độ Xô Viết, các quốc gia yếu hơn không còn lựa chọn đáng kể nào ngoài việc hướng tới Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây nhằm bảo đảm hậu thuẫn quân sự, kinh tế và chính trị. Và ba là, các nhà hoạt động và phong trào xuyên quốc gia đang truyền bá các giá trị và chuẩn mực tự do vốn đã củng cố trật tự tự do.
Ngày nay, những động lực tương tự đã quay lại chống Hoa Kỳ: Một chu kỳ độc hại làm xói mòn quyền lực Mỹ đang thay thế chu kỳ tốt lành đã từng củng cố nó. Với sự trỗi dậy của các cường quốc như Trung Quốc và Nga, các dự án chuyên quyền và phi tự do đang cạnh tranh với hệ thống quốc tế tự do do Mỹ lãnh đạo. Các nước đang phát triển, và thậm chí nhiều nước phát triển, có thể tìm kiếm những cường quốc bảo trợ mới, thay vì tiếp tục phụ thuộc vào sự hào phóng và hậu thuẫn của phương Tây. Và các mạng lưới xuyên quốc gia phi tự do, thường là cánh hữu, đang ra sức chống lại các quy tắc và các tín lý của trật tự quốc tế tự do mà trước đây dường như không thể bị lung lạc. Nói tóm lại, vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ không chỉ thoái hoá, mà nó đang rã rệu. Và sự xuống dốc này không có tính chu kỳ mà là vĩnh viễn.
THỜI ĐIỂM ĐƠN CỰC ĐANG BIẾN MẤT
Thật có vẻ lạ lùng khi ta nói về một sự xuống dốc vĩnh viễn của Mỹ khi Mỹ chi tiêu một ngân sách quốc phòng nhiều hơn so với bảy đối thủ tiếp theo kết hợp lại và duy trì một mạng lưới các căn cứ quân sự vô song ở nước ngoài. Sức mạnh quân sự đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra và duy trì thế ưu việt của Hoa Kỳ trong thập niên 1990 và những năm đầu của thế kỷ này; không một quốc gia nào khác có thể nới rộng những bảo đảm an ninh đáng tin cậy trên toàn bộ hệ thống quốc tế.
Nhưng sự thống trị của quân đội Mỹ ít phụ thuộc vào ngân sách quốc phòng — trên thực tế, chi tiêu quân sự của Mỹ đã giảm trong thập niên 1990 và chỉ gia tăng đột biến sau vụ tấn công 11 tháng 9. Ưu thế quân sự của Mỹ phụ thuộc nhiều hơn vào một số yếu tố khác như sự biến mất của Liên Xô như một đối thủ cạnh tranh, sự gia tăng lợi thế công nghệ mà quân đội Mỹ hưởng được và việc hầu hết các cường quốc hạng hai trên thế giới sẵn sàng dựa vào sức mạnh Hoa Kỳ thay vì xây dựng lực lượng quân sự của riêng mình. Nếu sự trỗi dậy của Mỹ như một cường quốc đơn cực chủ yếu phụ thuộc vào sự giải thể của Liên Xô, thì sự kéo dài của tính đơn cực đó trong thập niên tiếp theo là do việc các đồng minh châu Á và châu Âu đồng tình chấp nhận vai trò bá quyền của Mỹ.
Nếu ta chỉ nói về khoảnh khắc đơn cực thì sẽ làm lu mờ thêm các đặc điểm quan trọng của chính trị thế giới đã hình thành nền tảng cho sự thống trị của Mỹ. Sự tan rã của Liên Xô cuối cùng đã khép lại cánh cửa của dự án duy nhất về trật tự toàn cầu có thể cạnh tranh với chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa Mác – Lênin (và các phó sản của nó) hầu hết đã biến mất như một nguồn cạnh tranh ý thức hệ. Cơ sở hạ tầng xuyên quốc gia liên hệ nó — các tổ chức, các tập quán và các mạng lưới, bao gồm Hiệp ước Warsaw, Hội đồng Tương trợ Kinh tế và chính bản thân Liên Xô — tất cả đều sụp đổ từ bên trong. Không có sự hỗ trợ của Liên Xô, hầu hết các quốc gia liên kết với Moscow, các nhóm nổi dậy và các phong trào chính trị phải quyết định hoặc bỏ cuộc, hoặc gia nhập liên minh với Hoa Kỳ. Vào giữa thập niên 1990, chỉ còn lại một khuôn khổ nổi bật cho các quy tắc và chuẩn mực quốc tế, đó là hệ thống các liên minh và định chế quốc tế tự do thả neo tại Washington.
Hoa Kỳ và các đồng minh của mình — được gọi tắt là phương Tây — cùng nhau hưởng độc quyền bảo trợ trên thực tế [a de facto patronage monopoly] trong thời kỳ đơn cực này. Với một số trường hợp ngoại lệ hiếm hoi, phương Tây đã cung ứng nguồn an ninh quan trọng duy nhất, các lợi ích kinh tế, hậu thuẫn chính trị và tính hợp pháp cho nhiều quốc gia. Các nước đang phát triển không còn có thể dùng đòn bẩy chính trị với Washington bằng cách đe dọa quay qua Moscow hoặc đưa ra nguy cơ bị cộng sản chiếm chính quyền để giúp họ khỏi phải tiến hành cải cách trong nước. Sự bành trướng nhanh chóng sức mạnh và ảnh hưởng của phương Tây không có gì cản trở đến mức nhiều nhà hoạch định chính sách đã tin vào chiến thắng vĩnh viễn của chủ nghĩa tự do. Hầu hết các chính phủ đều thấy rõ không có một phương án thay thế khả thi nào khác.
Không có nguồn hỗ trợ nào khác, các nước càng có nhiều khả năng tuân thủ các điều kiện của viện trợ phương Tây mà họ nhận được. Các lãnh đạo độc tài phải đối mặt với sự chỉ trích quốc tế nghiêm khắc và các yêu sách nặng nề từ các tổ chức quốc tế do phương Tây kiểm soát. Vâng, các cường quốc dân chủ tiếp tục bảo vệ một số quốc gia chuyên chế (như Ả Rập Saudi giàu dầu mỏ) khỏi những yêu sách như vậy vì lý do chiến lược và kinh tế.
Và các nền dân chủ hàng đầu, kể cả Hoa Kỳ, chính họ cũng vi phạm các quy tắc quốc tế liên quan đến nhân quyền, dân quyền và các quyền chính trị, đáng kể nhất là dưới hình thức tra tấn và giam giữ tù nhân một cách khác thường [ở những địa phương nằm ngoài luật pháp Mỹ] trong cái gọi là cuộc chiến chống khủng bố. Nhưng ngay cả những ngoại lệ đạo đức giả này cũng đã củng cố quyền bá chủ của trật tự tự do, bởi vì chúng châm ngòi cho sự lên án mạnh mẽ giúp khẳng định các nguyên tắc tự do và bởi vì chính các quan chức Hoa Kỳ cũng phải tiếp tục lên tiếng cam kết các quy tắc tự do.
Trong khi đó, số lượng mạng lưới xuyên quốc gia ngày càng mở rộng — thường được mệnh danh là “xã hội dân sự quốc tế” — đã chống đỡ cho một kiến trúc mới xuất hiện của trật tự quốc tế hậu Chiến tranh Lạnh. Các nhóm và cá nhân này đóng vai trò những người lính chân chính của bá quyền Mỹ bằng cách truyền bá các quy tắc và tập quán tự do rộng rãi. Sự sụp đổ của các nền kinh tế kế hoạch tập trung trong thế giới hậu cộng sản đã mở đường cho các làn sóng tư vấn và nhà thầu phương Tây giúp mang lại các cải cách thị trường, đôi khi có hậu quả tai hại, như ở Nga và Ukraine, nơi trị liệu sốc do phương Tây hậu thuẫn [Western-backed shock therapy] đã làm cho hàng chục triệu người trở nên bần cùng trong khi tạo ra một lớp đầu sỏ giàu có, những người đã biến tài sản nhà nước trước đây thành các đế chế cá nhân. Các tổ chức tài chính quốc tế, cơ quan quản lý chính phủ, ngân hàng trung ương và các nhà kinh tế đã nỗ lực xây dựng một sự đồng thuận của giới chóp bu [an elite concensus] ủng hộ thương mại tự do và sự chuyển dịch vốn qua các biên giới quốc gia.
Các nhóm xã hội dân sự cũng tìm cách lèo lái các nước hậu cộng sản và đang phát triển theo mô hình dân chủ tự do phương Tây. Các toán chuyên gia phương Tây đã tư vấn cho các chính phủ về việc thiết kế hiến pháp mới, cải cách pháp lý và hệ thống đa đảng. Các nhà quan sát quốc tế, hầu hết trong số họ đến từ các nền dân chủ phương Tây, đã theo dõi các cuộc bầu cử ở các nước xa xôi.
Các tổ chức phi chính phủ (NGO) ủng hộ việc mở rộng quyền con người, bình đẳng giới và bảo vệ môi trường, đã tạo được liên minh với các nhà nước và các cơ quan truyền thông có thiện cảm. Công việc của các nhà hoạt động xuyên quốc gia, các cộng đồng học thuật và các phong trào xã hội đã giúp xây dựng một dự án tự do bao trùm lên các nỗ lực hội nhập kinh tế và chính trị thế giới. Trong suốt những năm 1990, các lực lượng này đã giúp tạo ra một ảo tưởng về một trật tự tự do vô địch dựa trên bá quyền toàn cầu của Mỹ . Ảo ảnh đó bây giờ đã bị rách nát.
(Còn tiếp)
_____
Tác giả: Alexander Cooley là Giáo sư Chính trị học Ngạch Claire Tow tại Barnard College và là Giám đốc Viện Nghiên cứu Harriman tại Columbia University. Daniel H. Nexon là Phó Giáo sư tại Phân khoa Chính quyền tại Trường Nghiệp vụ Nước ngoài Edmund A. Walsh tại Đại học Georgetown. Hai ông là tác giả cuốn “Exit From Hegemony: The Unraveling of the American Global Order“ (Chấm dứt bá quyền: Sự rã rệu của trật tự toàn cầu Mỹ).
Việc thực hiện các thủ tục luật pháp để có thể tịch thu tòa tháp vẫn còn chưa được xây dựng xong, hứa hẹn sẽ là một tiến trình tốn kém, có khi dầm dề cả năm trời, nhất là với Trump, một người nổi tiếng chuyên lợi dụng luật pháp để kéo dài các vụ án tranh chấp và gây mệt mỏi cho đối phương. Có vẻ như mọi việc sẽ trở nên đơn giản hơn bằng cách dàn xếp riêng để đi đến những thỏa thuận giữa hai bên.
Ngày 28 tháng 7 năm 2010, luật sư của Trump, Deutsche Bank và FIG thông báo cho tòa án biết rằng, họ đã đạt được một thỏa thuận riêng với nhau. Tuy nhiên, những chi tiết về sự thỏa thuận ấy không được tiết lộ.
Nhưng hồ sơ thuế liên bang của Trump, cũng như những văn kiện vay nợ nộp tại quận hạt Cook (Illinois) đã cung cấp đầu mối cho những gì đã xảy ra: Trump được tha một món nợ khoảng 270 triệu đô la. Đó là một ân huệ hết sức rộng rãi mà ít có công ty hay cá nhân nào có thể mong đợi được nhận, nhất là khi họ không phải nộp đơn xin tuyên bố phá sản để được luật pháp bảo vệ khỏi sự xâu xé của các chủ nợ.
Trước khi Trump cho thấy dấu hiệu không thể trả được nợ, FIG đã hy vọng có thể nhận lại hơn 300 triệu đô la từ công ty của Trump: 130 triệu tiền vốn cho vay và 185 triệu tiền lời cộng với lệ phí hoàn nợ.
Nhưng FIG và các thành viên đối tác – gồm Dune Capital của Steven Mnuchin, cùng với Cerberus Capital Management, đồng CEO của công ty là Stephen A. Feinberg – ông này sau đó trở thành người gây quỹ chính cho Trumpvà khi Trump đắc cử, đã giữ chức chủ tịch một hội đồng cố vấn cho tòa Bạch Ốc – đã nhanh chóng nhận ra rằng, mong đợi ấy là vô vọng.
Cuối cùng, FIG bằng lòng chỉ nhận lại 48 triệu đô la, số tiền này Trump đã chuyển cho công ty vào tháng 3 năm 2012, theo lời những người biết rõ câu chuyện.
Hồ sơ thuế của Trump đã khai báo khoản nợ được tha này. Năm thuế 2010, công ty 401 Mezz Venture của Trump khai đã được hủy181 triệu đô la tiền nợ. Hai năm sau, một công ty bảo trợ cho dự án tòa tháp Chicago của Trump, đã khai nhận được khoản nợ tha khác trị giá 105 triệu đô la. Tổng số hai khoản nợ tha này hầu như bao trọn được số tiền Trump đã không thể hoàn lại cho FIG như ký kết.
Ở nhiều khía cạnh, sự kiện nói trên cho thấy một sự lặp lại những gì đã xảy ra ở sòng bài Atlantic City một thập niên trước: Một chu kỳcủa những món nợ không thể hoàn trả rồi sau đó tìm cách làm cho những chủ nợ mệt mỏi phải mở cho ông ta một lối thoát.
99 triệu đô la cuối cùng
Các công ty của Trump cũng nhận được sự dễ dãi về khoản nợ họ vay của Deutsche Bank.
Thỏa thuận 2010 đã cho Trump thêm hai năm để bán các đơn vị gia cư, các căn hộ của tòa tháp và chỗ đậu xe để hoàn trả các món nợ, theo Steven R. Schlesinger, luật sư đại diện cho tổ hợp Trump trong vụ án ở Chicago, cho biết.
Tính đến năm 2012, Tổ Hợp Trump thu về được 235 triệu đô la để trả nợ cho các đơn vị tài chính trước đây họ đã mua lại khoản vay gốc từ Deutsche Bank. Theo tài liệu từ tòa án, trong số này bao gồm nhiều ngân hàng, các đơn vị quản lý tài sản ở Mỹ, Đức, Ái Nhĩ Lan và Trung Quốc.
Nhưng sau đó, theo những người liên quan, Trump vẫn còn nợ 99 triệu đô la. Ông ta sẽ tìm khoản tiền ấy ở đâu ra để trả?
Mặc dù Deutsche Bank đã thề sẽ không bao giờ làm ăn giao dịch với Trump nữa, nhưng người con rể của Trump là Jared Kushner đã giới thiệu ông ta với viên quản lý tài sản cá nhân của mình đang làm việc ở ngân hàng Deutsche Bank là Rosemary Vrablic. Bà Vrablic, với sự ủng hộ của các sếp lớn trực tiếp, đã đồng ý tái thiết lập sự giao dịch với Trump.
Năm 2012 , văn phòng của bà Vrablic đã cho Trump vay hai món nợ với sự thế chấp của tòa tháp Chicago: Một món gần 54 triệu đô la và món kia, 45 triệu đô la, căn cứ trên những văn kiện vay nợ nộp tại quận hạt Cook. Theo những người biết chuyện, Trump đồng ý chịu trách nhiệm cá nhân cho hai khoản nợ mới vay này.
Số tiền vay nói trên ngay lập tức được dùng để hoàn trả 99 triệu đô la Trump còn thiếu từ món nợ gốc liên quan đến tòa tháp Chicago. Nói cách khác, một chi nhánh của Deutsche Bank đã cung cấp cho Trump đủ tiền để trả nợ cho một nhánh khác cũng thuộc về Deutsche Bank.
Theo một người có cơ hội xem xét các tài liệu lưu trữ ở quận hạt Cook, mùa xuân kế tiếp Tổ Hợp Trump đã trả lại được 55 triệu đô la. Như vậy món nợ còn lại 44 triệu đô la. Cũng theo các tài liệu lưu trữ, năm 2014, Deutsche Bank bằng lòng cho Trump vay thêm 24 triệu đô la và mở rộng thời hạn trả đến năm 2014. Tính chung, đến thời điểm này, Trump nợ ngân hàng 69 triệu đô la. Đến tháng 5/2016, ông ta hoàn trả được 24 triệu đô la.
Vào lúc ấy, món nợ tòa tháp Chicago chỉ là một trong những mối quan hệ Trump có với Deutsche Bank. Văn phòng của bà Vrablic còn cho công ty của Trump vay 125 triệu đô la để thực hiện các công việc sửa sang cho khu sân golf Doral và 170 triệu đô la khác cho việc tân trang tòa nhà Bưu Điện cũ ở Washington thành một khách sạn quốc tế nguy nga tráng lệ. Trump cũng lấy tư cách cá nhân để bảo đảm cho các món nợ nói trên.
Những sự bảo đảm ấy có lợi cho Trump. Bởi vì chúng sẽ được xem là những khoản đầu tư trong kinh doanh nhằm mục đích khai thuế, có nghĩa là sự bảo đảm ấy sẽ làm tăng thêm những lỗ lã trong kinh doanh mà Trump sẽ dùng để khai khấu trừ, tránh việc phải trả thuế thu nhập trong tương lai. Những hồ sơ khai thuế của Trump cho thấy, ông ta đích thân bảo đảm cho việc hoàn trả tổng số nợ là 421 triệu đô la.
Phần lớn số nợ trên thuộc về Deutsche Bank. Tính đến cuối năm 2018, Trump và công ty còn nợ ngân hàng này 330 triệu đô la.
Giảm thiểu thuế lợi tức phải đóng
Khi kết toán tổng số thuế phải đóng hàng năm, sở thuế IRS yêu cầu người trả thuế phải xem những khoản nợ được tha như là thu nhập bị đánh thuế. Viên chưởng lý của New York, Letitia James đang điều tra liệu Trump có làm đúng như luật thuế đòi hỏi hay không.
Theo tài liệu thuế của Trump mà New York Times có được, Trump nhận được khoảng 287 triệu đô la nợ được tha, và ông ta đã tìm cách tránh né việc trả thuế lợi tức cho hầu như gần trọn số thu nhập nợ tha nói trên.
Trump báo cáo 40 triệu đô la thu nhập nợ tha (income from canceled debts) trong năm 2010. Nhưng với những lỗ lã từ doanh nghiệp, bao gồm 30.8 triệu đô la lỗ từ dự án tòa tháp Chicago – có nghĩa là ông ta không có thu nhập trả thuế (taxable income) trong năm đó.
Trump tránh né việc trả thuế trên khoản 104.8 triệu đô la thu nhập nợ tha bằng một cách mà sau này sẽ làm tăng thuế ông ta phải trả. Thông thường, ông ta có thể khấu trừ tỉ lệ hao mòn của tòa tháp trong một số năm (depreciation) cho đến khi giá trị của tòa tháp – sau khi trừ đi những giá trị hao mòn đã khai mỗi năm – chỉ còn $0. Thay vào đó, ông ta chọn khấu trừ một lần 104.8 triệu đô la như luật thuế cho phép lựa chọn.
Còn về khoản nợ tha khác trị giá 141 triệu đô la, Trump lợi dụng một điều luật về thuế thông qua sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, cho phép thu nhập nợ tha được hoãn không phải trả thuế trong 5 năm, sau đó lại được rải đều ra trong 5 năm để khai trả thuế. Từ năm 2014 cho đến 2018, mỗi năm Trump khai 28.2 triệu đô la thu nhập nợ tha.
Kết quả, những lỗ lã từ các hoạt động doanh nghiệp đã giúp xóa đi phần lớn thu nhập nợ tha mà Trump đã nhận được. Ông ta không trả đồng thuế nào cho năm 2014; trả $641,931 cho năm 2015; và sau khi nhận được những tín chỉ ưu đãi thuế (tax credit), chỉ trả $750cho năm 2016 và 2017. Tuy nhiên, không được rõ năm 2018 Trump đã trả bao nhiều tiền thuế.
Những món nợ sắp đáo hạn
Cũng giống như một số các doanh nghiệp khác, tòa tháp Trump International Hotels & Tower ở Chicago, ở một vài phương diện, đã được hưởng lợi do chức vị tổng thống của chủ nhân.
Chẳng hạn như, hồi năm ngoái, một công ty hàng không đang chạy áp lực hành lang với chính phủ Trump để ký kết hợp đồng đã tổ chức một sự kiện ở tòa tháp Chicago này. Và theo báo cáo của Washington Post, Trump đã tham dự một buổi tiệc gây quỹ hồi tháng 10 năm 2019 tại khách sạn ở Chicago, đem lại khoảng $100,000 cho công ty của ông ta.
Nhưng vận may của tòa tháp chọc trời Chicago ngày càng khô quắt lại. Năm ngoái, trang The Real Deal đưa tin, những cửa hàng bán lẻ của tòa tháp vẫn trống trơn, không có khách thuê. Doanh thu đi xuống, từ 67 triệu đô la năm 2014 xuống còn 50 triệu đô la năm 2018 và lợi nhuận thu về được đang từ 16.3 triệu còn chỉ 1.8 triệu trong cùng một thời kỳ.
Khó khăn vẫn tiếp tục gia tăng cường độ trong năm 2020, đại dịch coronavirus buộc các nhà hàng phải đóng cửa và các nhà hàng của Trump ở Chicago cũng nằm trong số đó. Gia đình Trump đang tìm sự giúp đỡ tài chính từ Deutsche Bank và một số nơi khác.
Deutsche Bank đề nghị cho các công ty của Trump tạm ngưng trả tiền lời trên các khoản nợ vay với ngân hàng. Tổ Hợp Trump cho rằng, đề nghị của Deutsche Bank không được rộng rãi cho lắm nên quyết định từ khước.
Các món nợ sẽ đáo hạn vào năm 2023 và 2024.
(Hết)
______
Các Tác Giả: David Enrich, Russ Buettner, Mike McIntire và Susanne Craig
– David Enrichlà biên tập viên về điều tra doanh nghiệp. Ông là tác giả tập sách “Dark Towers” nói về Deutsche Bank và Donald Trump.
– Mike McIntire là phóng viên điều tra của NYT, đã đoạt giải Pulitzer về phóng sự điều tra sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016; McIntire còn là tác giả của nhiều bài báo nghiên cứu đi sâu vào vấn đề tài chính của các cuộc tranh cử, các vấn đề súng ống bạo lực và tình trạng tham nhũng của hoạt động thể thao ở các trường đại học.
– RussBuettnerlà phóng viên điều tra của NYT. Năm 2019, Russ và các đồng nghiệp Susanne Craig và David Barstow, đã được trao giải Pulitzer về công trình điều tra phá vỡ huyền thoại của Trump tự cho mình là một tỉ phú tay trắng làm nên (self-made billionaire). Đồng thời, công trình này cũng đã nhận được giải thưởng George Polk Award 2018 về báo cáo chính trị. Trước đó, Russ cộng tác với báo New York Daily News và New York Newsday.
– Susanne Craig là một phóng viên điều tra của NYT. Bà chuyên nghiên cứu về sự kết hợp giữa chính trị, tiền bạc và quyền lực chính quyền. Bà đã từng nhận được nhiều giải thưởng trong sự nghiệp báo chí của mình, bao gồm giải Pulitzer năm 2019 với Russ Buettner và David Barstow. Bà Craig phụ trách báo cáo hoạt động của Wall Street cho NYT và hiện là trưởng văn phòng NYT ở Albany. Trước đó, bà làm việc với báo Wall Street Journal và báo Globe and Mail ở Canada.
Cộng đồng gốc Việt trong mắt truyền thông dòng chính
Nhã Duy
31-10-2020
Hoạt động chính trị nội bộ cộng đồng gốc Việt vốn không được truyền thông dòng chính để tâm, ngoại trừ dăm báo chí địa phương vẫn thường đưa tin về các ứng viên gốc Việt ra tranh cử hay thắng cử vào các chức vụ dân cử địa phương trong mỗi mùa bầu cử.
Được xem là một cộng đồng sắc tộc ủng hộ cuồng nhiệt tổng thống Donald Trump trong vài năm qua, những xáo trộn , chia rẽ trong cộng đồng cho đến các cuộc tuần hành đầy cờ quạt của những nhóm người gốc Việt đóng vai như đang đại diện cho cả cộng đồng gốc Việt tại Hoa Kỳ diễn ra đó đây cũng không được giới truyền thông địa phương đưa tin, dù thể nào họ cũng có biết đến.
Nhưng kể từ những vụ ồn ào, công khai phản đối phong trào “Black Lives Matter”, các vụ phỉ báng nhắm các dân biểu gốc Việt thuộc đảng Dân Chủ hay việc hành hung, tấn công những người tuần hành ôn hòa ủng hộ Phó tổng thống Joe Biden, giới truyền thông đã có những bài báo nhắc đến cộng đồng gốc Việt nhiều hơn, phân tích về sự chia rẽ trong cộng đồng cùng lý do ủng hộ Donald Trump bằng những nhận xét và lời lẽ có thể tạo ra cái nhìn không mấy gì thiện cảm nơi độc giả.
Trong bài báo “Cuộc tranh chức tổng thống giữa Trump và Biden rực cháy những vết thương cũ trong cử tri Mỹ gốc Việt” (Among Vietnamese American voters, the Trump-Biden presidential race inflames old wounds) vào ngày 19/10/2020, tờ Seattle Times viết rằng: “Trong khi những người Mỹ gốc Việt được xem là chẳng có một tác động quyết định mấy đến cuộc bầu cử, sự đối kháng giữa họ là một phần của sự chia rẽ chính trị lớn hơn của quốc gia“.
Ký giả Nina Shapiro mở đầu bài báo bằng câu: “Họ bị gọi là những kẻ phản bội, là những tên cộng sản và là đồ chó, theo kiểu sỉ nhục thông thường của người Việt“, để mô tả cách những người gốc Việt ủng hộ Trump đã vu khống và xúc phạm đến những người gốc Việt khác đang ủng hộ Joe Biden. Bài báo nêu ra những xung đột chính trị trong cộng đồng gốc Việt nhưng không khó để nhận ra kỹ thuật báo chí nhằm tạo nên một ấn tượng xấu về những hành vi quá khích và kém văn minh của những người gốc Việt ủng hộ Trump ngay từ đầu.
Trang DCist tại Washington DC thì tường thuật cuộc tập hợp của những người gốc Việt ủng hộ Joe Biden tại trung tâm thương mại Eden vùng Virginia đã bị những người Việt ủng hộ Trump khiêu khích thô bạo, xem như chỉ có họ mới được độc quyền bày tỏ thái độ chính trị. Nó diễn ra như đã xảy ra tại Quận Cam hoặc vụ những người gốc Việt hành hung một người đàn ông Mỹ tại Seattle vài tuần trước. Liệu độc giả bản xứ sẽ nghĩ gì về những thái độ hung dữ và phản dân chủ như vậy?
Báo Houston Chronicle tại Texas không đưa tin về những cuộc tuần hành ủng hộ Donald Trump rầm rộ của cộng đồng gốc Việt tại đây nhưng đã đưa tin về một thương gia gốc Việt bị tấn công, bị nhận lời hăm dọa “treo cổ” khi gắn bản ủng hộ phong trào “Black Lives Matter” tại khu Bellaire của người Việt vài tháng trước.
Tờ báo này tiếp tục tường trình về cuộc tuần hành của một nhóm nhỏ người gốc Việt ủng hộ Joe Biden vào ngày 10/10 và đến ngày 28/10 vừa qua lại tiếp tục đưa thêm một bài báo khác, dù đăng hình nhóm “cờ vàng” ủng hộ Trump nhưng lại viết rằng: “Khu vực đô thị Houston là nơi tập trung đông đảo dân tị nạn Việt Nam, nhiều người có tư tưởng bảo thủ xem Trump là nhà lãnh đạo chống cộng mạnh mẽ. Nhưng cộng đồng Mỹ gốc Việt đang tách ra với những tiếng nói mới có quan điểm cấp tiến, phù hợp hơn với cộng đồng gốc Á nói chung…” .
Không chỉ những tờ báo địa phương lớn như vậy đưa tin, mà cơ quan truyền thông quốc gia như NBC cũng vừa có bài viết mang tựa đề “Ai là những người Mỹ gốc Á vẫn còn bỏ phiếu cho Trump bất kể luận điệu “Virus Tàu” của ông ta?” (Who are the Asian Americans still voting for Trump in spite of his ‘China virus” rhetoric?) vào ngày 27/10 vừa qua để nêu đích danh cộng đồng gốc Việt và viết rằng, “dù họ cũng không tránh khỏi những vụ kỳ thị do cách gọi tên này“.
Trang Conversation trong bài báo “Why some Vietnamese Americans support Donald Trump” thì không ngần ngại gọi cộng đồng gốc Việt là trong số “những cộng đồng kỳ thị chủng tộc” (racialized communities). Bài báo này kết luận rằng, làn sóng người gốc Việt thế hệ thứ nhất tin rằng, chính sách của Trump với Trung Cộng phục vụ cho mối quan tâm của họ về Việt Nam nên giả lơ với những khía cạnh rối reng trong chương trình nghị sự quốc gia và đối ngoại của Donald Trump.
Và rồi ngày 30/10 hôm nay, trong bài báo “Sự ủng hộ Trump đang xé nát các gia đình gốc Việt” (Support for Trump is tearing apart the Vietnamese American Families) trên trang VOX, nhắc lại việc một nhóm người gốc Việt không thuộc khu vực cử tri lại vào tấn công dân biểu Trâm Nguyễn tại Massachusetts hay thương gia Lê Hoàng Nguyên tại Houston khi họ bày tỏ sự ủng hộ phong trào “Black Lives Matter” để trình bày về lý do ủng hộ của cộng đồng Việt với Donald Trump. Trong phần kết, tác giả giải thích rằng, “đàng sau những rào cản ngôn ngữ và văn hóa đã làm xa biệt những người gốc Việt lớn tuổi, bây giờ là có thêm một tấm đệm chính trị thô cứng bắt nguồn từ lòng căm hận, hiểu lầm và chấn thương tâm lý“.
Đồng ý hay không với những phân tích, nhận định của một số bài báo này thì có một thực tế cần nhìn nhận rằng, chúng đã ít nhiều vẽ ra chân dung của một cộng đồng di dân thiểu số đang xung đột nặng nề với nhau, căm ghét người Dân Chủ, chứa chất lòng kỳ thị đến các cộng đồng bạn, ích kỷ với người di dân tị nạn khác và cuồng nhiệt ủng hộ Donald Trump trong mắt độc giả bản xứ và các cộng đồng bạn. Hệ lụy cùng cái giá phải trả cho thái độ này ra sao là một vấn đề lớn hơn, sẽ cần nhìn nhận lại sau cuộc bầu cử.
Cộng đồng gốc Việt ắt đã hiểu quá rõ với nhau về những điều kể trên. Tuy nhiên các bài báo này cũng đã có thể nêu thêm một điểm quan trọng khác nữa là, khi một cộng đồng sống bằng cảm thức chính trị lưu xứ hoang tưởng, đặt những lợi ích không có thật cho mối tương quan giữa cố quốc với cục diện quốc gia nơi mình đang cư ngụ, thì điều này có thể biến cộng đồng đó trở thành một cộng đồng lạc loài, xa lạ với xu hướng chính trị chung tại quốc gia đó. Họ chưa hiểu rằng, chỉ có sự tích cực dự phần vào nền chính trị sở tại, rồi dùng thực lực và ảnh hưởng đó mà tạo ra được các tác động mong muốn mới thực sự là điều hữu hiệu, chứ không phải từ những ảo tưởng mù quáng.
Đó là hiện trạng của những người trong cộng đồng Việt đang ủng hộ Donald Trump bằng lý do thiếu khả tín và hoang tưởng là “đánh Tàu, diệt Cộng”. Cho dù đa số người dân Mỹ, từ giới giáo chức, y tế, văn nghệ sĩ, thể thao, các nghiệp đoàn nhân công cho đến những người Cộng Hòa, hàng cựu tướng lãnh quân đội, an ninh quốc gia, giới khoa học gia, chuyên gia kinh tế… đang lên tiếng phản đối Donald Trump mạnh mẽ hơn, đồng thời nồng nhiệt kêu gọi bỏ phiếu cho Joe Biden trong những ngày cuối cùng này, thì những người Việt này vẫn chưa nhận ra mình đang lẻ loi, ngược giòng.
Không gánh xiếc rong nào có thể diễn mãi dăm trò hề, những ồn ào, lố bịch nào rồi cũng phải đến hồi kết thúc và tan theo cùng số phận của lãnh tụ bất xứng mà họ cuồng mê sau ngày bầu cử. Để còn lại là những người cấp tiến và chân chính trong bất cứ độ tuổi nào sẽ cùng một thế hệ trẻ năng động, tài ba và can đảm tranh đấu cho lẽ phải, sẽ cùng đứng ra tạo dựng lại chân dung một cộng đồng gốc Việt tiến bộ, hòa ái và tích cực hơn trong mắt người bản xứ cùng các cộng đồng bạn.
Trước khi vào câu chuyện xử lý rác ở HN, tôi kể hầu các bạn một câu chuyện cũng liên quan đến… rác.
Số là cách đây có đến ngót 20 năm rồi. Tại một thành phố cách HN không quá xa có bãi rác bị quá tải. Trời nồm, nóng ẩm, hơi từ bác rác bốc lên ngùn ngụt, dân quanh đó không chịu được, thế là chặn xe…
Lãnh đạo TP thì quan liêu, không đi kiểm tra và nghe Sở MTĐT báo cáo rằng: “Có kẻ xấu kích động và có thể có cả… thế lực thù địch“. Còn bãi rác được thiết kế đúng, xử lý ô nhiễm tốt…
Đã gọi là “có kẻ xấu kích động”, lại có cả “thế lực thù địch” thế thì gay to, quá nguy hiểm? Thế là TP điều CSCĐ xuống và chuẩn bị “sẵn sàng” tấn công, nếu như dân vẫn ra chặn xe rác.
Dân biết chuyện, bèn tổ chức “rào đường kháng chiến” và tình thế căng như dây đàn. Giải quyết không nổi, CATP báo cáo lãnh đạo Bộ CA, còn UBND TP báo cáo chính phủ! Chính phủ giao Bộ CA giải quyết. Bộ CA giao cho một đồng chí Tổng Cục trưởng.
Ông nhận nhiệm vụ và đi về TP nọ. Nhưng ông đi một mình, còn các sĩ quan tham mưu đi sau và ông ra thẳng bãi rác… Rồi ông gặp một số bà con đang gác chặn xe hỏi chuyện kỹ càng sau đó mới vào TP. Ông vào Ủy ban và gặp Bí thư, Chủ tịch và một số phó CT nữa…
Không cần nghe mọi người trình bày, ông yêu cầu Chủ tịch và Giám đốc mấy Sở “đưa” ông ra bãi rác. Đến lúc này mới lòi ra cả Chủ tịch TP và Giám đốc Sở MTĐT, Sở TN, cả Giám đốc CA… chưa ai tới bãi rác cả.
Hóa ra tất cả chỉ ngồi ở nhà và nghe báo cáo. Ra bãi rác vào lúc gần trưa, nắng oi, bầu không khí như đặc lại và ngạt thở vì mùi rác. Các cán bộ đi theo chịu không nổi và nằn nèo xin ông cho về.
Đến lúc này, ông mới quắc mắt: “Các anh mới ra đây chưa được nửa giờ mà đã chịu không nổi. Vậy người sống quanh đây hàng năm rồi, họ chịu sao thấu? Chả lẽ họ phải quen mùi rác này à? Tôi đề nghị Sở MTĐT và Công ty vệ sinh môi trường mang rác về trụ sở Ủy ban mà đổ, để xem các anh có chịu được không?“
Đến lúc này mọi người mới biết thâm ý của ông và không ai còn cãi được một lời. Vụ việc sau đó được xử lý cực nhanh: Phun thuốc khử mùi, giảm tải bãi rác. và quan trọng nhất là khẩn trương đưa hàng trăm hộ dân ra khỏi vùng ảnh hưởng. Chuyện xử lý rác đơn giản như vậy.
Vậy bây giờ trở lại chuyện rác Hà Nội?
***
Hôm qua, tôi đã dẫn hầu các bạn câu chuyện về một vị lãnh đạo Bộ CA xử lý rác ở một thành phố. Nay quay trở lại chuyện rác ở Hà Nội.
Cách đây một ngày, tôi vừa xem trên TV thấy tường thuật cuộc đối thoại giữa lãnh đạo TP HN với đại diện cư dân 3 xã quanh bãi rác…
Nghe mà phát chán, bởi vẫn nhưng lời hứa “trơn như lươn” và chắc chắn đây không phải là lần đầu tiên lãnh đạo HN hứa với dân kiểu… sẽ… sẽ… và sẽ! Hứa mà không có thời gian thực hiện cụ thể thì “Hãy đợi đấy” nhé.
Còn Hà Nội, người ta vẫn thích chôn rác, chứ người ta không thích đốt rác… Như đã nói, chôn rác dễ ăn, dễ kiếm chác hơn. Còn ô nhiễm ư? Thì là dân phải chịu, chứ lãnh đạo có phải hít đâu?
Tại sao nói nói là Hà Nội “khủng hoảng quản trị”? Rất đơn giản! Đó là lãnh đạo Hà Nội suốt mấy chục năm qua không có ai giỏi quản trị hành chính, quản trị đô thị cả.
Bằng chứng là họ không biết: Việc nào cần làm ưu tiên làm trước, việc nào cần làm sau?
Lẽ ra phải ưu tiên làm môi trường đô thị trước, phải xây dựng các nhà máy xử lý nước thải, xử lý rác trước khi lo làm Bảo tàng để không ai muốn xem, rồi lát đá đường phố rồi theo kiểu “làm lấy được… Một thành phố bẩn thỉu, ngập ngụa rác, ngập nước thải; thậm chí đến việc đánh số nhà ở nhiều con phố còn không ra hồn- đó là minh chứng rõ nhất cho công tác quản trị của lãnh đạo HN trong khoảng gần 30 năm trở lại đây.
Bây giờ thì mới đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải ở Yên Xá, rồi có một nhà máy xử lý rác với công suất 4.000 tấn do Tập đoàn Thiên Ý của Tàu xây dựng, với thiết bị Tàu, công nghệ châu Âu, nhưng đã được “Tàu hóa”… Chả hiểu nếu TQ xây dựng thì nhà máy có ra hồn không? Việc giám sát chất lượng khí thải sẽ được thực hiện như thế nào? Và một điều quan trọng là “Liệu các công ty MTĐT” có “nhiệt tình đổ rác” cho nhà máy hay không?
Một bộ máy lãnh đạo mà chỉ nặng về hình thức, nặng về “băng rôn, khẩu hiệu”; nặng về “tự sướng” rằng “TP Hòa Bình”… mà không biết dồn lực cho việc nào trước, việc nào sau thì… dân còn khổ?
Để rồi xem, bao giờ thì Hà Nội xử lý được căn cơ chuyện rác thải, nước thải? Xử lý được căn cơ các khu hồ bị ô nhiễm? Xử lý được căn cơ các khu nhà chung cư có từ đến gần 60 năm rồi…
Họ cứ nại ra là khó? Là vướng cơ chế nọ cơ chế kia. Thực ra, chả có cơ chế nào trói được, chỉ có là Muốn làm hay không mà thôi. Một khi họ đặt lợi ích Người dân trước, Doanh nghiệp sau và nữa là đến Nhà nước thì sẽ giải quyết được hết. Còn như với tư duy như hiện nay với giàn lãnh đạo nặng về lý thuyết xuông như hiện nay thì Hà Nội còn lâu mới là cái… cái “đầu” gì?
_____
Cảnh đốt rác ở phường Phú Thượng, Quân Tây Hồ, TP Hà Nội: