Xin thưa với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Bảy vùng kinh tế không phải là át chủ bài!
5-6-2020
I. Con kiến mà leo cành đa
1. Hôm nay (04/6/2020), đọc tin Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp về Phương án phân vùng giai đoạn 2021-2030 để triển khai Luật Quy hoạch mà trăn trở. Không biết bao giờ chúng ta mới tránh được những ‘vi phạm tiên đề’ sơ đẳng.
2. Chính Bộ KHĐT trong quy hoạch 2011- 2020 đã đề xuất để Chính phủ chia 6 vùng kinh tế. Đó là:
1/. Vùng trung du và miền núi phía Bắc (14 tỉnh).
2/. Vùng Đồng bằng sông Hồng (11 tỉnh, thành phố).
3/. Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (14 tỉnh, thành phố).
4/. Vùng Tây Nguyên (5 tỉnh).
5/. Vùng Đông Nam Bộ (6 tỉnh, thành phố).
6/. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (13 tỉnh, thành phố).
Nay lại cũng chính Bộ KHĐT đề nghị chia thành 7 vùng cho giai đoạn 2021-2030. Từ 6 phương án rút xuống còn 2 phương án .
PHƯƠNG ÁN 1:
1/. Đông Bắc (7 tỉnh – Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang).
2/. Tây Bắc (7 tỉnh – Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình).
3/. Đồng bằng sông Hồng (11 tỉnh/thành phố – Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình).
4/. Bắc Trung bộ (5 tỉnh – Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị).
5/. Nam Trung bộ (11 tỉnh/thành phố – Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông).
6/. Đông Nam bộ (9 tỉnh/thành phố – Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh).
7/. Đồng bằng sông Cửu Long (13 tỉnh/thành phố – Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau).
PHƯƠNG ÁN 2:
1/. Vùng Miền núi phía Bắc (10 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La).
2/. Vùng Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ (15 tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Quảng Ninh).
3/. Vùng Bắc Trung Bộ (6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế).
4/. Vùng Nam Trung Bộ (8 tỉnh/thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận).
5/. Vùng Tây Nguyên (5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng).
6/. Vùng Đông Nam Bộ (6 tỉnh/thành phố: Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh).
7/. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (13 tỉnh/thành phố: Thành phố Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau).
3. Chỉ đưa tên một số tỉnh từ vùng này sang vùng kia, chia thành 7 vùng, đổi tên gọi – mà xem là
Thế hóa ra việc phân thành 6 vùng kinh tế trước đây là sai lầm? Bộ KHĐT cho rằng “phương án 6 vùng hiện nay, “đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử” nhưng có nhiều nhược điểm”! Nhiều nhược điểm như thế sao bộ KHĐT trước đây vẫn đề xuất cho Chính phủ để thành lập? Ai đảm bảo 7 vùng kinh tế do Bộ KHĐT đề xuất bây giờ sau ít năm nữa lại không bị chê là “có nhiều nhược điểm”? Chỉ riêng 2 phương án đang đưa ra xem xét (trong 6 phương án đề xuất) cho thấy chẳng có gì “đột phá” ở đây cả. Tách 6 vùng thành 7 vùng hay 12 vùng đi nữa – không làm cho kinh tế Việt Nam lớn nhanh như Thánh Gióng. Phép tách – nhập vùng đang lâm vào tình cảnh “con kiến mà leo cành đa”.
II. Tách – Nhập: Hại nhiều hơn lợi
1. Chúng ta đã chứng kiến đợt nhập tỉnh lớn năm 1975. Đó là thời kỳ có các tỉnh như Hoàng Liên Sơn, Hà Nam Ninh, Bình Trị Thiên, Gia Lai Kontum… Để rồi sau đó lại tách tỉnh – trả lại các tỉnh như trước lúc nhập. Cũng như thế, là tách – nhập các các bộ. Chẳng hạn Bộ Công Thương thành lập ngày 14/5/1951, sau bao nhiêu lần thay đổi lòng vòng, lại quay trở lại Bộ Công Thương ngày 31/7/2007.
2. Việc tách – nhập tỉnh và bộ đưa đến thiệt hại là do các nhân tố hạn chế. Trong đó, một mặt là cách nhìn chủ quan, sau nữa là bị chi phối bởi lợi ích về quyền lực và kinh tế. Việc tách – nhập có khi tồi tệ đến mức chỉ vì ghế ngồi cho một ai đó. Điển hình nhất là ở các Ban. Sự di chuyển cả những cán bộ bị kỷ luật, hay đang chờ bị kỷ luật, đến các Ban trong thời gian vừa qua đã cho thấy nhiều điều phải suy nghĩ.
3. Nói thêm về đợt sát nhập các tỉnh năm 1975. Đây là đợt sát nhập tỉnh xuất phát từ ‘luận cứ’ lấy huyện làm “pháo đài” quản lý (cựu TT Nguyễn Tấn Dũng đã “khởi nghiệp” nhờ chính sách “pháo đài” huyện). Nghĩa là trung ương nắm quyền quản lý trực tiếp đến cấp huyện. Đó là một ‘vi phạm tiên đề’ sơ đẳng. Chính vì ‘phi phạm tiên đề’ nên phải trở về theo cách chia tỉnh cũ. Tác hại của tách – nhập tỉnh và bộ không phải là đối tượng chính của bài viết này nên sẽ không đi vào chi tiết nữa.
III. Vùng kinh tế không phải là át chủ bài
1. Phân chia lại các vùng kinh tế – cũng là một sự ‘vi phạm tiên đề’. Vì nó không mang lại sự “biến đổi chất” trong phát triển kinh tế đất nước.
Vùng kinh tế không phải là một đơn vị hành chính. Vùng kinh tế không phải là một tiểu quốc gia, không phải là một quốc gia tự trị, không phải là một bang, không phải là một đơn vị hành chính trên cấp tỉnh. Do vậy, các vùng kinh tế không có vai trò quyết định trong phát triển kinh tế, trong bảo vệ an ninh, trong quản lý đất nước. Việc chia Việt Nam thành 6 hay 7 vùng kinh tế không mang lại ý nghĩa gì đặc biệt.
2. Không phải chia vùng, mà cơ chế quản lý mới là chìa khóa số 1 để phát triển kinh tế của các tỉnh. Tỉnh nằm vào vùng này hay vùng kia, không quan trọng bằng cơ chế quản lý. Cho nên, điều đầu tiên chính là cách mạng về cơ chế quản lý cho các tỉnh. Vì thế, đề xuất đưa tỉnh Long An từ miền Tây Nam Bộ về miền Đông Nam Bộ không phải là thần dược làm cho Long An giàu lên.
3. Chìa khóa tiếp theo là cách lựa chọn người đứng đầu tỉnh. Nếu có người đứng đầu tỉnh giỏi thì tất tỉnh sẽ phát triển. Vai trò tỉnh trưởng là vô cùng quan trọng trong sự phát triển của mỗi tỉnh.
4. Vấn đề tiếp theo là phân chia vùng xong để làm gì? Không có chính sách cho vùng thì chỉ là hình thức. Nhưng có chính sách cho vùng thì điều hành thế nào? Vùng không phải là một đơn vị hành chính. Không có lẽ lại thành lập một ban quản lý vùng? Ban quản lý này có điều khiển được cấp tỉnh không? Ban quản lý vùng không phải như quân khu trong quân sự. Cuố cùng thì ban quản lý vùng sẽ trở thành một khâu trung gian tiêu tốn tiền bạc mà không đem lại lợi ích gì đáng kể.
5. Cho nên, như đã nói ở trên, chìa khóa số 1 là cải cách cơ chế quản lý cho cấp tỉnh, chìa khóa số 2 là cải cách phương thức chọn tỉnh trưởng. 2 chìa khóa này mới giải phóng được nội lực để các tỉnh trở nên giàu có.
IV. Kế hoạch hóa tập trung là một công cụ đã thất bại
1. Ai cũng phải có kế hoạch. Doanh nghiệp nào cũng phải có kế hoạch. Đó là điều đơn giản.
2. Nhưng kế hoạch hóa tập trung ở các nước thuộc phe Xã hội Chủ nghĩa đã hoàn toàn thất bại. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ của phe Xã hội Chủ nghĩa chính là vì kế hoạch hóa tập trung. Điều này ai cũng rõ.
3. Cho nên Luật quy hoạch vùng rồi sẽ chẳng mang lại được các hiệu quả về kinh tế cho đất nước, ngoài sự tranh cãi, tạo thêm sự lãng phí về thời gian và tiền bạc. Chia Việt Nam từ 6 vùng kinh tế thành 7 vùng kinh tế không phải là phép màu làm cho Việt Nam giàu có.
4. Việt Nam chỉ có 330 km2. Quản lý qua các tỉnh là phép quản lý kinh điển. Đừng bày vẽ tách – nhập và “sáng tạo” ra các đơn vị trung gian.
5. Hãy bỏ mọi thứ kế hoạch hóa tập trung. Kế hoạch hóa tập trung đã thất bại khắp mọi nơi. Đã đến lúc đào sâu chôn chặt nó.
Nhắn gửi
Xin thưa với PTT Trịnh Đình Dũng rằng – phân chia thành 7 vùng không phải là giải pháp làm cho kinh tế Việt Nam phát triển thần tốc. Quy hoạch thành bao nhiêu vùng cũng không mang lại ý nghĩa gì đáng kể. Biện pháp mà Chính phủ cần làm là cởi trói cho các tỉnh được tự do phát huy nội lực. Trong số đó, rất cấp thiết là cải cách cơ chế quản lý và cải cách thể thức lựa chọn người đứng đầu cấp tỉnh. Còn nữa, xin hãy bỏ bớt quy hoạch tập trung đi – Nhất là quy hoạch nhân sự.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét