Việt Nam: Hàng chục ngàn hội vẫn không giúp xã hội mở cửa
Võ Ngọc Ánh
4-6-2020
Việt Nam đang có hàng chục ngàn hội khác nhau trong sự chi phối của các cơ quan, tổ chức thuộc nhà nước. Trong khi người dân không dễ để thành lập hội theo mong muốn của mình. Đây là vấn đề đến lúc cần một giải pháp.
Trong khu vực Đông Nam Á, nền kinh tế Việt Nam được đánh giá có độ mở chỉ sau Singapore. Nhưng về mặt xã hội đảng cộng sản vẫn muốn kiểm soát mọi việc.
Học hỏi từ chính mình
Ngày 16/4 vừa rồi, ông Lê Thành Long, Bộ trưởng, Bộ Tư Pháp thông báo, luật về hội sẽ không được đưa ra thảo luận trong năm nay và cả năm đến. Chính quyền đã nợ người dân luật này từ hiến pháp đầu tiên của họ từ năm 1946 đến nay.
Việt Nam cũng đã phê chuẩn Công ước Quốc tế về các quyền dân sự, chính trị vào năm 1982. Điều 25, Hiến pháp năm 2013 đang áp dụng, quy định, “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Tuy nhiên, người dân vẫn không được tự do lập hội vì chưa có luật. Nhà cầm quyền cố tình nợ, đồng nghĩa với người dân bị cướp đi quyền lợi chính đáng của mình.
Tôi không nghĩ, hiện nay Việt Nam không có khả năng để soạn thảo luật này theo tiêu chuẩn tiến bộ. Lý do nằm ở chỗ, đảng cộng sản lo sợ khi có luật sẽ thách thức sự độc quyền chi phối xã hội của bộ máy cầm quyền hiện nay.
Việt Nam thoát khỏi đói nghèo, trở thành một nước có thu nhập trung bình nhờ bỏ chuyện nhà nước trói buộc, kiểm soát, chi phối mọi hoạt động kinh tế. Sự cởi mở trong quản lý giúp kinh tế Việt Nam phát triển trong hơn 30 năm qua. Mức tăng trưởng của nền kinh tế tỷ lệ thuận với độ mở ở lĩnh vực này của chính quyền Việt Nam.
Việt Nam nên học hỏi chính mình từ việc mở cửa kinh tế để áp dụng mở cửa các lĩnh vực xã hội. Tạo điều kiện trên khung pháp luật cho người dân được quyền tham gia vào các hoạt động của cuộc sống, quản lý quốc gia. Mà trong đó luật về hội là vô cùng cần thiết.
Cân bằng quyền lợi
Việc người dân được phép lập hội độc lập tạo sự cân bằng quyền lợi, quyền lực giữa người dân với nhà nước, đảm bảo sự phát triển hài hòa của quốc gia.
Có luật về hội tiến bộ sẽ phá bỏ sự độc quyền của các hội được thành lập bởi nhà nước như hiện nay. Người dân được quyền chọn lựa tham gia vào hội thích hợp với mục đích, nguyện vọng của họ.
Vì chưa có luật, nên hội nào có tính cạnh tranh với các hội được thành lập bởi nhà nước, phản biện lại nhà cầm quyền phải hoạt động ngoài luật pháp, không được thừa nhận. Người dân không có sự tự do chọn lựa trong việc thành lập, tham gia vào hội, hoặc tổ chức thích hợp để bảo vệ quyền lợi của mình.
Chẳng hạn, Liên đoàn Lao động Việt Nam là đại diện hợp pháp duy nhất của người lao động được phép hoạt động, có tổ chức từ trung ương đến cơ quan, công ty… Tổ chức này có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của người lao động. Trong nhiều năm qua, chưa có cuộc biểu tình đòi tăng lương, cải thiện điều kiện lao động, phúc lợi nào được tổ chức này phát động. Dù đa số các cuộc phản đối, biểu tình của công nhân sau đó đều cho thấy sự cần thiết, buộc bên sử dụng lao động phải đồng ý cải thiện toàn bộ, hoặc một phần.
Điều này cũng đúng tất cả các hội đang được chính quyền ưu ái, như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Sinh viên, Hội Nhà báo, Hội Bảo vệ quyền Trẻ em…
Đôi khi, các tổ chức hội, hiệp hội này được tham vấn trong các chính sách của chính quyền. Tuy nhiên, họ thường không thể phản ánh được tiếng nói, nguyện vọng của đối tượng mình đại diện, nhưng lại thỏa hiệp, phục vụ, trả ơn cho ý chí của đảng cộng sản.
Chính bởi sự độc quyền của các tổ chức mang danh dân sự, thực chất là cơ quan ngoại vi của giới cầm quyền dẫn đến các tổ chức này hoạt động không hiệu quả. Dù nhân sự, trụ sở, tiền bạc của các tổ chức này trong điều kiện Việt Nam không nhỏ.
Do đó, các tổ chức hội đang có, bị nhà nước chi phối có chức năng như một cơ quan trang trí hơn hoạt động thực tiễn. Kiểm soát hơn đảm bảo cho quyền lợi của đối tượng hướng đến.
Hội đang chỉ là công cụ kiểm soát
Tờ trình dự án luật về hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, tháng 10/2015 cho thấy: “Đến cuối năm 2014, cả nước có 52.565 hội (483 hội hoạt động trên cả nước và 52.082 địa phương). Con số các hội hoạt động trên toàn quốc vào năm 1986 có 30 hội, năm 1990 có 100 hội, năm 2002 có 240 hội. Những năm gần đây mỗi năm có khoảng trên 10 hội, hiệp hội có phạm vi hoạt động toàn quốc được cấp phép thành lập.”.
Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (viết tắt, Liên hiệp hội) hiện nay có 142 hội thành viên, 79 hội ngành toàn quốc và 63 liên hiệp hội tại các tỉnh, thành.
Một thành viên của Liên hiệp hội Việt Nam là Liên hiệp hội thành phố Hồ Chí Minh, đến cuối năm 2019, có 48 hội thành viên, với gần 58 ngàn gần hội viên. Số lượng hội thành viên thuộc các liên hiệp hội tỉnh, thành thường không khác nhau nhiều.
Nghị định 45/2010/NĐ-CP đang quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội từ trung ương, đến địa phương. Tuy nhiên trên thực tế để có phép thành lập được hội, hiệp hội thường phải dựa vào các mối quan hệ cá nhân.
Bởi thế, hồi tháng 11/2019, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phải than, “90% thứ trưởng của bộ này trước khi về hưu đều xin thành lập hội, hoặc hiệp hội và xung phong làm chủ tịch.”.
Trước đó, năm 2016, Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội cũng đã nói lên thực tế, “Thứ trưởng cứ về hưu là xin thành lập hội, làm chủ tịch, rồi xin nhà, xin xe, thậm chí xin cả biên chế”.
Vì chưa có luật nên để thành lập được hội thường phải trực thuộc một cơ quan của nhà nước, phải có đơn vị chủ quản, dựa vào các mối quan hệ cá nhân. Vì thế những hội có tên gọi, hoạt động phản biện độc lập với chính quyền sẽ không dễ được thành lập.
Do đó, ở Việt Nam không khó để thành lập được Hiệp hội Bất động sản; Hiệp hội Các nhà đầu tư Công trình giao thông đường bộ; hoặc về chính sách Hiệp hội nghiên cứu, tư vấn về chính sách pháp luật cho hoạt động đầu tư; Hội Trí thức; Hiệp hội Nhà vệ sinh… Tuy nhiên, chính quyền sẽ không cho phép thành thành lập hội dân oan, hội nhân dân đấu tranh chống tham nhũng…
Việc Hội Nhà báo Độc Lập thành lập vào năm 2014, không cần sự cấp phép, lên tiếng nói phản biện độc lập, thách thức quyền lực… đã trở thành cái giai trong mắt của chính quyền. Dẫn đến trang web hoạt động của hội này liên tục bị đánh phá. Phó chủ tịch hội này nhà báo Nguyễn Tường Thụy, bị bắt giam ngày 23/5 vừa rồi. Sáu tháng trước, chủ tịch của hội này, nhà báo Phạm Chí Dũng cũng đã bị bắt.
Ngoài những hội được cấp ngân sách trực tiếp bởi cơ quan chủ quản Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em… Nhiều hội hoạt động được qua sự chia việc từ cơ quan nhà nước có liên quan, hoặc phân việc để làm đầy hồ sơ trước khi trình ký duyệt, ban hành.
Từ năm 2014 – 2019, Liên hiệp hội thành phố Hồ Chí Minh cùng các hội thành viên trực thuộc đã tư vấn, phản biện và giám định xã hội cho 638 dự án về lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường, y tế, giáo dục, giao thông vận tải… tại địa bàn. Đây cũng là cách làm của các hội chuyên ngành thuộc Liên hiệp hội các tỉnh, thành để có kinh phí.
Chất lượng khoa học, chuyên môn trong các tư vấn, phản biện kiểu này thường không cao. Bởi họ không có đủ thời gian, điều kiện để nghiên cứu sâu hơn, hoặc phản biện quá căng để lần sau không được giao. Tôi đã từng tham dự nhiều hội đồng tư vấn, phản biện kiểu này để cảm nhận được điều đó.
Liên hiệp hội Việt Nam có chức năng tập hội đội ngũ trí thức, được giao nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Tuy nhiên, ‘lớp sơn’ tôn trọng, đề cao kiến thức, chuyên môn qua việc cho thành lập các hội, thu hút nhiều hội viên không che được mục đích thật sự của nhà cầm quyền muốn kiểm soát trí thức. Mục đích sau cùng, kiểm soát trí thức lên tiếng nói phản biện độc lập khi các vị này đã về hưu.
Việc chậm trễ trong việc có luật về hội, gây khó khăn trong việc thành lập các hội độc lập chính quyền Việt Nam vẫn đang độc quyền trong cả xã hội dân sự.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét