Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2020

Năm đề xuất về đường sắt trên cao với ông Vương Đình Huệ

Năm đề xuất về đường sắt trên cao với ông Vương Đình Huệ

6-6-2020
Nghe tin ông Nguyễn Đức Chung đề xuất trước UBTV Quốc Hội về sử dụng 100.000 tỷ đồng tiền cổ phần hóa để đầu tư 2 tuyến đường sắt trên cao: Văn Cao – Hòa Lạc trị giá 66.000 tỷ đồng, và Hà Nội – Hoàng Mai trị giá 40.000 tỷ đồng, mà vội bỏ cơm cầm bút để viết bài này. Mong là 5 đề xuất dưới đây lọt được đến tai ông Vương Đình Huệ.
I. LÀM NỘI ĐÔ TRƯỚC KHI LÀM TỪ NGOẠI ĐÔ VÀO
Giao thông Hà Nội sẽ mãi còn ùn tắc nếu không giải quyết bài toán giao thông nội đô trước khi xây dựng các tuyến giao thông từ ngoại đô vào nội đô. Nội đô còn ùn tắc, chưa giải quyết được, sao lại cứ xây dựng các tuyến giao thông từ ngoại đô chở người và phương tiện vào nội đô?
Giao thông nội đô phải đi trước một bước. Nghĩa là phải xây dựng metro hay đường sắt trên cao ở nội đô trước, sau mới mở rộng dần ra ngoài. Hệ thống giao thông – như hoa sen – phải nở từ trong ra.
Hiện nay metro ngầm và đường sắt trên cao trong nội đô chưa xây được ga nào, trong khi đã xây dựng tuyến Nhổn – Văn Miếu và tuyến Hà Đông – Cát Linh. Lại định còn kéo dài Hà Đông – Xuân Mai? Khách từ Hà Đông đến Cát Linh rồi sẽ đi tiếp bằng phương tiện gì? Khách từ Nhổn đến Văn Miếu rồi sẽ đi đâu? Chúng ta đang làm ngược.
II. LÀM VÒNG XUYẾN TRƯỚC KHI LÀM XUYÊN TÂM
Với giao thông nội đô, khi làm metro hay đường sắt trên cao, thì ưu tiên đầu tiên là làm vòng xuyến bao quanh nội đô trước, sau đó mới làm các đường xuyên tâm. Đường vòng xuyến giúp cho chuyển động nhanh chóng đến bất kỳ điểm nào trên vành đai nội đô, từ đầu này sang đầu bên kia thành phố.
Nội đô Hà Nội không lớn. Một đa giác có chu vi khoảng 48 km, có diện tích tương đương với hình vuông 12kmx12km =144km2, là bao quát cơ bản nội đô Hà Nội. Một hình tròn bán kính 6km, đường kính 12km, chu vi 37,68km là bao quanh nội đô Hà Nội.
Đường vòng xuyến không nhất định phải tròn. Mà đó là một hình đa giác (không lồi) bao quanh chu vi nội đô. Một tuyến đường sắt trên cao, có chiều dài xấp xỉ 37,5km của tuyến Văn Cao – Láng – Hòa Lạc là đủ làm tuyến vòng xuyến bao quanh nội đô Hà Nội. Đường vòng xuyến này phải làm đầu tiên. Chúng ta đang làm ngược.
III. CHƯA LÀM TUYẾN VĂN CAO – LÁNG – HÒA LẠC
Trong hai tuyến đường sắt trên cao mà ông Nguyễn Đức Chung đề nghị, dứt khoát chưa làm tuyến Văn Cao – Láng – Hòa Lạc lúc này.
Hiện nay đại lộ Láng – Hòa Lạc không khai thác được 10% công suất. Hòa Lạc vẫn còn thưa thớt dân cư. 10 năm nữa Hòa Lạc vẫn chưa thành khu đô thị lớn. 10 năm nữa đường cao tốc Hòa Lạc – Láng vẫn dư đủ để chở người từ Hòa Lạc về Hà Nội. Sau năm 2030 mới nghĩ đến tuyến đường sắt trên cao Láng – Hòa Lạc.
IV. THUÊ CÁC CÔNG TY VIỆT NAM LÀM
1. Xây dựng đường sắt trên cao đơn giản hơn nhiều so với làm cầu qua sông lớn. Các công ty Việt Nam đã đủ sức làm cầu qua sông lớn (chẳng hạn như cầu trên cao tốc Hải Phòng – Hạ Long). Các công ty nhà nước Việt Nam và các công ty tư nhân Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng đảm nhiệm việc xây dựng đường sắt trên cao. Vingroup sản xuất được ô tô đắt tiền trong vòng 2 năm là một thí dụ về khả năng của các công ty tư nhân Việt Nam.
2. Điều mà các công ty Việt Nam thiếu – thì có thể thuê chuyên gia nước ngoài. Công ty Việt Nam thừa khả năng và đủ hiểu biết để thuê các chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm trong tư vấn, thiết kế và giám sát thi công các tuyến đường sắt trên cao.
3. Để công ty Việt Nam đảm nhận xây dựng tuyến đường sắt vòng xuyến bao quanh nội đô Hà Nội chắc chắn an toàn hơn, đẹp hơn, rẻ hơn nhiều lần so với nhà thầu Trung Quốc xây tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông.
Để thuyết phục ông Vương Đình Huệ trong việc dành cho các công ty Việt Nam xây tuyến đường sắt trên cao, xin khẳng định rằng giá thành 66.000 tỷ đồng dành cho tuyến Văn Cao – Hòa Lạc sẽ không vượt quá 50% nếu để cho tư nhân làm. Đó là chưa kể nếu để cho nhà nước làm thì sẽ còn đội vốn không lồ, và kéo dài thời gian thi công thêm nhiều năm.
4. Khi có chủ trương để cho công ty Việt Nam làm đường sắt trên cao, thì tức khắc sẽ hình thành những liên danh đủ năng lực – cũng giống như mở mặt trận thì sẽ phải hình thành các quân đoàn mới. Cho nên đừng lo và đừng đòi chỉ mặt gọi tên lúc này. Để các công ty Việt Nam làm chính là xây dựng và phát huy nội lực. Có để các công ty Việt Nam làm thì mới đến ngày không phải làm thuê nữa.
5. Chào thầu và thương thảo thầu chứ không phải đấu thầu. Đấu thầu thực ra là một hình thức đầy khuyết tật mà kết quả phải chịu đắt, lại không có được sản phẩm tốt. Trong khuôn khổ bài viết, không giải thích ở đây nguyên nhân dẫn đến các khuyết tật của đấu thầu.
V. THUÊ TỔNG GIÁM ĐỐC DỰ ÁN
1. Dù là công ty nhà nước làm, hay công ty tư nhân làm, thì phía chủ đầu tư Hà Nội đều phải thuê Tổng giám đốc dự án. Thuê Tổng giám đốc dự án là điều bắt buộc.
2. Tổng giám đốc dự án không phải là người phụ trách giao thông Hà Nội, không phải là người phụ trách metro hay đường sắt trên cao của Hà Nội, cũng không phải là ai đó đại diện trong lãnh đạo Hà Nội. Tổng giám đốc dự án phải là người được thuê trong một cuộc đua tự do sòng phẳng.
3. Bỏ ra một khoản tiền chừng 50 000 USD một năm để thuê Tổng giám đốc dự án, trong 5 năm mất 250 000 USD, nhưng TP Hà Nội có thể tiết kiệm được cả nhiều chục triệu USD.
Trường hợp CDC Hà nội nâng giá máy xét nghiệm lên 7 tỷ đồng trong khi giá chào thương mại thực tế chưa đến 1,5 tỷ đồng cho thấy sự lợi hại của Tổng giám đốc dự án.
Khi mà Chủ dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông không biết giá đường sắt trên cao, để phía Trung Quốc thổi nhiều trăm triệu USD, thì mới thấy giá trị của Tổng giám đốc dự án.
4. Trong xã hội rất nhiều người giỏi có thể làm Tổng giám đốc dự án cho UBND TP Hà Nội mà không phải lo lắng về đạo đức và chuyên môn. Họ có thể không làm trong ngành giao thông nhưng họ biết mua đúng thiết bị và đúng giá. Họ có thể không phải đảng viên, không nằm trong số cán bộ chủ chốt, nhưng họ lại mất ăn mất ngủ vì từng đồng bạc lẻ của nhân dân.
5. Hãy chừa ra một cửa MỞ RỘNG để người tài trong nhân dân được quyền phụng sự Tổ Quốc.
VI. GỬI GẮM
1. Đã 3 thập niên từ khi bắt đầu mở cửa, Hà Nội chưa bao giờ có một Thị trưởng giỏi. Từ ông Lê Ất Hợi, ông Hoàng Văn Nghiên, ông Nguyễn Quốc Triệu, đến ông Nguyễn Thế Thảo – chưa có một ông Thị trưởng nào được người dân Hà Nội quý trọng.
2. Hy vọng ông Vương Đình Huệ dẫu mới nhận chức Bí thư Thành ủy Hà Nội, dẫu có ngồi ở vị trí này ngắn hay dài, thì cũng cố gắng mà để lại những dấu ấn tốt đẹp cho Thủ đô Hà Nội.
3. Ở Việt Nam hiện giờ, Bí thư Thành ủy mới là Thị trưởng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét