Không phải cảm xúc, đó là giấc mơ
“Pháp luật là con đường, mà khi nào còn đi trên đó, người công dân vẫn được an toàn tiến bước“. Câu nói khuyết danh này được anh Lương Hữu Phước in, đóng khung và treo ở nơi trang trọng nhất trong căn nhà nhỏ của mình. Đây là bức di ảnh cuối cùng còn lại của anh, ngay cả khi anh chết, nó vẫn ở đó, vẫn ngự trị ở nơi trang trọng nhất.
Chỉ khi tin, hoặc chí ít anh đã từng tin thì câu nói này mới được anh lồng khung treo vào nơi mà mỗi lần bước vào nhà nó có thể đập ngay vào mắt mình. Đã tin thế, sao anh chọn cái chết để giải thoát cuộc đời trần ai, đầy dấu lặng mang tên biến cố của đời mình?
Nếu đã tin, sao anh không tiến thêm vài bước nữa, mà chọn cách dừng lại, dừng lại vĩnh viễn? Có lẽ, anh đã cảm nhận mình không còn an toàn trên con đường mang tên pháp luật, khi mà ở đó, dù đã cố, anh vẫn bị neo vào đời mình bản án đến 3 năm tù giam.
Thế gian tạp màu, lổn nhổn thừa rượu, mứa bia; pha trộm gam màu xám ngắt của ngủ dạ cầu, áo rách… buông câu thở dài trước cái chết của anh: Chắc là cảm xúc tức thời. Không, đó không phải là cảm xúc, đó là giấc mơ, bởi chẳng ai giải quyết mục tiêu dài hạn của đời mình bằng cảm xúc hữu hạn, dù chọn bước tiếp, hay dừng lại như anh.
Nó chính là giấc mơ của anh và anh đã làm công cho giấc mơ của mình suốt 3 năm vướng vào vòng lao lý, để cuối cùng, trước khi quyết định dừng lại, anh nhận ra mình không còn an toàn trong giấc mơ có tên công lý!
Vợ anh, các luật sư thiện nguyện, cả những người cảm thấu được sự vô lý của vụ án viết tiếp giấc mơ thay anh, khi anh đã trầm luân bên kia bờ thế giới. Cái giá anh phải trả cho giấc mơ của mình đắt quá, lớn quá, đau xót quá!
Hình ảnh bà Loan, mẹ tử tù Hồ Duy Hải với tay vào không gian chới với, tuyệt vọng ngay sau thời khắc Hội đồng Thẩm phán TATC tuyên bác kháng nghị của VKSTC chắn chắn sẽ còn ám ảnh nhiều phụ nữ được Thượng Đế ban cho thiên chức làm Mẹ Thiêng Liêng. Lúc bà quỳ xuống, là lúc giấc mơ của bà vỡ vụn, giấc mơ đó đã từng được thắp sáng lên bởi quyết định kháng nghị vững chắc và đầy sức thuyết phục của VKSTC.
Dẫu giấc mơ của bà vốn nhỏ nhoi và nhìn góc nào cũng có thể cảm thông bằng cả trái tim: Con bà được xét xử công bằng. Giấc mơ của bà tưởng chừng như cân đối khi một bên là nặng lượng của tình mẫu tử đất trời; một bên nặng lượng của niềm tin vào công lý.
Không như anh Phước, bà chọn bước tiếp, dẫu không dễ, nhưng thật dễ hiểu, khi 12 năm giữ mạng cho con, người phụ nữ này còn đó sự yêu thương của chị mình; còn đó sự hy sinh cả tuổi thanh xuân không dám quen, không dám lấy chồng, chọn cách đứng bên Mẹ mình để viết tiếp giấc mơ công lý. Dù Hồ Duy Hải con bà, sau 12 năm, vẫn mang phận tử tù!
Ta không thể sống nổi qua ngày mai, nếu không có và không đi cùng giấc mơ của mình. Không có giấc mơ nhỏ hay lớn, chỉ là, ta đã làm công cho giấc mơ của mình bao lâu rồi và cái giá cuối cùng ta phải trả cho giấc mơ ấy.
Người đàn ông như anh Phước, hay người Mẹ như bà Loan, khi bắt đầu đi, họ vô tình giống nhau về giấc mơ của mình: Công lý! Trên con đường ấy, một người đã chọn cách dừng lại, một người chọn cách bước tiếp. Dù chọn dừng lại hay bước tiếp, họ cũng đang mơ và viết thay chúng ta giấc mơ của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét