Dân chủ Pháp trị ở Mỹ
Lê Minh Nguyên
6-6-2020
Nga là một đất nước, được cấu tạo bởi các yếu tố như dân tộc, lãnh thổ, chính quyền.
Liên Xô là một quốc gia ý thức hệ, nó trừu tượng, được cấu tạo bởi chủ nghĩa cộng sản, tức một quốc gia hiện hữu bằng niềm tin vào một hệ tư tưởng. Khi người ta không còn tin vào hệ tư tưởng này nữa thì nó sụp đổ.
Mỹ là một quốc gia được xây dựng bằng Hiến Pháp. Không có Hiến Pháp sẽ không có nước Mỹ, mà có thể có đến vài chục nước khác nhau cho một vùng Bắc Mỹ đa chủng tộc.
Hiến Pháp là nơi gom góp các giá trị cao đẹp của con người để thể chế hoá thành Dân Chủ Pháp Trị (Democracy and The Rule OF Law). Thể chế này gồm có hai yếu tố cốt lõi là Dân Chủ và Pháp Trị. Nếu một trong hai yếu tố này, hoặc cả hai yếu tố cùng bị sứt mẻ thì chất liệu xã hội (social fabrics) của quốc gia “hợp chủng quốc” sẽ bị rạn nứt, dễ trở thành bán độc tài hay độc tài hoặc vỡ nhỏ ra.
Yếu tố Dân Chủ mà nét chính yếu là niềm tin vào bầu cử tự do, trong sáng và công bằng. Nếu niềm tin này bị sứt mẻ, như có sự gian lận, có sự can thiệp của ngoại bang, hay có sự tìm cách hạn chế cơ hội bỏ phiếu của công dân (voters supression)… thì niềm tin vào trụ cột này sẽ bị lung lay, luật chơi bị vi phạm, và thay vào bằng sức mạnh cùng thủ đoạn dơ bẩn, theo đó là sự xuất hiện của những chính khách độc tài.
Yếu tố Pháp Trị mà nét chính yếu là niềm tin vào một xã hội có công lý (social justice), vào nữ thần công lý bịt mắt cầm cân, nam-nữ, mạnh-yếu, nghèo-giàu, sang-hèn đều bình đẳng trước pháp luật. Nếu niềm tin này bị thiếu vắng hay bị xiêu vẹo như sự kỳ thị chủng tộc có hệ thống (systemic racism), sự phân bổ tài sản quốc gia (taxation) không đồng đều, tạo nên khoảng cách chênh lệch giàu-nghèo quá lớn… thì chất liệu xã hội (social fabrics) bị mục rữa, nguy cơ chia rẽ đất nước và các bất ổn dễ xảy ra.
Trong cuốn sách nổi tiếng Trại Súc Vật của ông George Orwel, trong đó các loài thú khác nhau nổi dậy chống người chủ độc tài, với hy vọng xây dựng một xã hội bình đẳng, tự do và hạnh phúc. Những tưởng là thành công, nhưng mục đích đẹp đẽ này đã bị phản bội, trại bị rơi trở lại vào độc tài bởi chú heo Napoleon.
Để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, các con thú cùng nhau làm ra một hệ thống giá trị gồm 7 điều răn của Thú Cầm Chủ Nghĩa:
1. Bất cứ thứ gì đi bằng hai chân là kẻ thù.
2. Bất cứ thứ gì đi bằng bốn chân, hoặc có cánh, là bạn.
3. Không thú nào được mặc quần áo.
4. Không thú nào được ngủ trên giường.
5. Không thú nào được uống rượu.
6. Không thú nào được giết thú nào.
7. Tất cả các con thú đều bình đẳng.
2. Bất cứ thứ gì đi bằng bốn chân, hoặc có cánh, là bạn.
3. Không thú nào được mặc quần áo.
4. Không thú nào được ngủ trên giường.
5. Không thú nào được uống rượu.
6. Không thú nào được giết thú nào.
7. Tất cả các con thú đều bình đẳng.
Nhưng sau đó, heo Napoleon muốn làm độc tài nên thay đổi điều răn số 7 thành: “Tất cả các con thú đều bình đẳng, nhưng có một số thú bình đẳng hơn những con thú khác”. Còn cái khẩu hiệu “Bốn chân tốt, hai chân xấu” cũng được đổi thành “Bốn chân tốt, hai chân tốt hơn” để heo Napoleon liên minh với người.
Ông Orwell ở Anh là người chỉ trích sự độc tài của ông Stalin và quyển sách này ông muốn châm biếm Stalin.
Nước Mỹ, tất cả các viên chức làm việc cho chính quyền, dù là dân sự hay quân sự đều phải thề trung thành và bảo vệ Hiến Pháp, chứ không phải trung thành và bảo vệ lãnh đạo. Với cấp trên, nhất là trong quân đội mà cấp trên cao nhất là tổng tư lệnh tức tổng thống, họ thề tuân thượng lệnh (hợp pháp). Nếu lệnh bất hợp pháp mà họ vẫn thi hành, thì họ phải chịu trách nhiệm cá nhân và có thể bị toà án buộc tội phải ngồi tù.
Dân Chủ Pháp Trị ở Mỹ, đòi hỏi người làm việc trong chính quyền trung thành với một hệ thống chứ không phải với một cá nhân nào dù người đó ở địa vị cao đến đâu, và không để hệ thống giá trị này bị tương nhượng. Tất cả đều phải đứng dưới Hiến Pháp và Luật Pháp.
Ở Việt Nam, giai cấp đảng viên đứng trên hiến pháp và luật pháp, chỉ khi nào bị khai trừ thì luật pháp mới đụng tới được. Luật pháp họ làm ra là để áp dụng cho dân chứ không phải cho họ. Luật pháp của họ là công cụ để cai trị và họ đặt cho nó một cái tên mỹ miều là Nhà Nước Pháp Quyền (Rule BY Law).
Với 244 năm từ ngày lập quốc, nước Mỹ đã trải qua rất nhiều thử thách cho thể chế Dân Chủ Pháp Trị. Trong thời gian qua đã có khá nhiều dư luận phê bình chế độ tổng thống của Mỹ, thậm chí còn tiên đoán rằng nó sẽ sụp đổ. Nhưng lửa không nóng không thử được vàng. Chỉ có những thử thách lớn mới làm cho Dân Chủ Pháp Trị Mỹ được vững chắc hơn và hoàn hảo hơn. Bởi vì Dân Chủ Pháp Trị tạo ra một nền văn hoá chính trị thấm sâu vào máu huyết của toàn dân. Nó trở thành một lề lối sống.
Sóng gió rồi cũng sẽ qua, một chương lịch sử sẽ đóng lại, nhưng quyển sách Dân Chủ Pháp Trị có nguồn cảm hứng từ Hiến Pháp sẽ tiếp tục được viết mãi theo dòng thời gian cùng các thế hệ nối tiếp mở ra về phía trước, vẫn là những trang giấy trắng đợi chờ những nét tinh hoa và những chuyên chở đầy sáng tạo.
Nước Mỹ vẫn là thành phố trên đỉnh đồi, Dân Chủ Pháp Trị vẫn là thể chế tốt nhất cho con người để mưu cầu hạnh phúc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét