Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Tư, 10 tháng 6, 2020

Bản tin ngày 9-6-2020

Bản tin ngày 9-6-2020

BTV Tiếng Dân
9-6-2020
Tin Biển Đông
Báo Ấn Độ, Times of India có bài phân tích về “Mục tiêu chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông”. Bài viết cho biết, mục tiêu của Trung Quốc ở Biển Đông là, thông qua khu vực này để chiếm lĩnh tất cả các khu vực chiến lược xung quanh nó.
Theo tác giả SD Pradhan, cựu Chủ tịch Ủy ban Tình báo Ấn Độ, có 3 khu vực chiến lược đối với Trung Quốc: (1) Biên giới đất liền Trung-Ấn để tiếp cận Ấn Độ Dương; (2) Biển Hoa Đông, tạo áp lực lên Hàn Quốc và Nhật Bản; và (3) Biển Đông, để kiểm soát thương mại, tài nguyên và biến nó thành căn cứ cho việc mở rộng Ấn Độ Dương.
Ông Pradhan nói rằng, trên Biển Đông Bắc Kinh có lợi ích gấp bốn lần, đó là: (1) thiết lập quyền kiểm soát hoàn toàn với đường chín đoạn, (2) bảo vệ chủ quyền của họ ở Biển Đông và Đài Loan, (3) thiết lập bá quyền bằng cách xóa bỏ ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực, và (4) dần dần mở rộng ảnh hưởng của mình ở Ấn Độ Dương.
Ông Pradhan nhận định, Trung Quốc đang theo đuổi các mục tiêu của mình thông qua 3 phương thức, thứ nhất là tuyên truyền rằng khu vực mà họ muốn chiếm giữ thuộc về Trung Quốc; thứ hai là ngăn chặn yêu sách của các bên khác bằng cách phô trương sức mạnh quân sự, và cuối cùng là gây ra sự mất đoàn kết giữa các bên có tranh chấp với Trung Quốc.
Báo Pháp Luật TP.HCM có bài: Biển Đông: Đã đến lúc bộ tứ kim cương hành động. Bộ tứ kim cương (QUAD) gồm Mỹ – Nhật – Úc – Ấn. Bài viết dẫn lời Thiếu tướng Ấn Độ Shashi Bhushan Asthana, bình luận, từ lúc thành lập đến nay, nhóm QUAD vẫn chỉ hoạt động như một diễn đàn đối thoại an ninh giữa bốn nước thành viên thay vì phát triển thành một liên minh quân sự hoàn chỉnh.
Trong tương lai, nếu nhóm này muốn trở thành một đối trọng hiệu quả với Trung Quốc thì bắt buộc phải tăng cường hơn nữa sự hợp tác thực chất, mà ở đây các thỏa thuận giữa Ấn Độ và Úc, đang là viên gạch lót đường.
Hôm qua, Tạp chí National Interest cho biết: Mỹ đang sử dụng hải quân để ngăn chặn Trung Quốc trên khắp Đài Loan và quần đảo Trường Sa. Bài viết cho hay, tàu khu trục USS Russel đã tiến hành quá cảnh tại khu vực giáp ranh giữa eo biển Đài Loan và phía Bắc của Biển Đông đang tranh chấp, nhằm thể hiện sự cam kết của Hoa Kỳ đối với một nền độc lập của Đài Loan và một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Cựu ngoại trưởng Philippines đòi tịch thu tài sản Trung Quốc vì tàn phá Biển Đông. Bài viết hôm 8/6 nói rằng, cựu ngoại trưởng Albert del Rosario đề xuất tịch thu các tài sản của Nhà nước Trung Quốc tại Philippines để bồi thường cho việc ngang nhiên xây đảo nhân tạo khiến Biển Đông bị tàn phá. Số tiền “nợ” có thể lên trên 10 tỉ USD.
Thủ tướng Phúc: “Nếu cột điện biết đi ở Mỹ thì nó sẽ về Việt Nam”
Hôm qua, tại phiên thảo luận của Quốc Hội về tình hình kinh tế xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã “gây choáng” bằng một phát biểu để đời: “Nếu cột điện biết đi ở Mỹ thì nó sẽ về Việt Nam”.
Truyền thông trong nước trích dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Trước đây, sau 1975, một thời gian dài, người ta nói: nếu cái cột điện biết đi thì họ chạy sang Mỹ hết. Còn bây giờ, thực tại nước Mỹ những tháng qua và nhiều nước khác, người ta nói: nếu cột điện biết đi ở Mỹ thì nó sẽ về Việt Nam”.

Ảnh chụp màn hình bài báo của VietNamNet

Phát biểu của ông Phúc nhanh chóng bị xóa bỏ khỏi các trang báo trong nước, nhưng cộng đồng mạng đã nhanh tay lưu lại lời ông và gây bão trên mạng xã hội.
Nhà báo Nguyễn Đức nhận định: “Với câu nói trên, thủ tướng thật sự thiếu nhạy cảm, nói cho vui mồm. Việt Nam chống dịch giỏi – đồng bào về nước tránh dịch là một lẽ thường. Đem sự thành công chống dịch để tự sướng như thế thật hài. Một so sánh quá lố bịch, ngạo mạn!”.
Độc giả Nguyễn Phan bình luận trên Facebook RFA: “Cột điện Mỹ đi VN, nhưng con cháu các quan chức thì nhất định tình nguyện ở lại cho Mỹ bóc lột chứ không chịu về đâu!”
Facebooker Nguyễn Thị Bích Hậu viết: “Mình xác nhận thủ tướng nói đúng nè. Bên Mỹ cột điện đi hết rùi. Hỏng còn mấy. Là vì bà con ở bển họ dùng cáp ngầm không… Nhìn hình nhà cửa tại Mỹ thì sẽ biết thủ tướng nói chánh xác vì chả tìm ra cây cột điện nào hết trơn hà. Tất cả về VN hết rùi nha. Đừng có mà gân cổ lên cãi nữa mệt lắm… VN, cường quốc của cột điện!”

Ảnh minh họa “cột điện có chân”. Nguồn: imgur

Cũng tin người Việt hải ngoại, VOA đưa tin: Hàn Quốc nản vì người Việt bỏ trốn. Bài viết cho biết, Hàn Quốc thông báo tạm dừng tuyển dụng người lao động thuộc 10 địa phương của Việt Nam do tỉ lệ bỏ trốn ở lại nước này quá cao, tương phản với phát ngôn “cột điện biết đi cũng về Việt Nam” của thủ tướng Phúc.
Trang Wikipedia cho biết, từ năm 1975 đến 1997, có hơn 1,6 triệu người Việt Nam được định cư khi bỏ nước ra đi. Trong số đó, hơn 700.000 người là thuyền nhân; 900.000 còn lại được tái định cư theo “Chương trình ra đi có trật tự” (ODP). Bên cạnh đó, Cao ủy Tị nạn Liên Hợp Quốc ước đoán khoảng 200.000 đến 400.000 thuyền nhân Việt Nam đã chết trên biển.
Bộ Giao thông lén lút đề xuất dự luật “thu phí cao tốc cả đời”
Kênh VOV Giao thông có bài: Thu phí cao tốc cả đời, kể cả các BOT hết thời hạn. Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam tại buổi họp báo công bố dự thảo Luật Giao thông Đường bộ, hôm 8/6.
Ông Huyện nói: “Tất cả cao tốc đều là đường có đường song hành rồi, cho nên thu phí đường cao tốc là sẽ thu cả đời, tức là bằng nguồn vốn nào cũng phải thu phí. Kể cả BOT sau này, hết thời hạn hoàn vốn thì Nhà nước sẽ bảo trì, tức là dùng nguồn ngân sách hoặc nguồn vốn khác bảo trì và tiếp tục thu phí”. 
Phản hồi trước thông tin này, trên trang Cộng đồng Otofun, Facebooker Toan Tran Dinh nêu ý kiến: “Ông ấy phát ngôn nhưng lại không hiểu một tý tẹo nào. Đã dùng ngân sách nhà nước tức là tiền thuế của dân sao lại đòi thu tiền? Còn duy tu bảo dưỡng thì hàng năm đã phải đóng phí bảo trì đường bộ rồi”.
Facebooker Trần Dũng thì nhận định: “Ngân sách đang thủng nặng. Sắp tới đủ các thứ thuế sẽ đè đầu đè cổ. Nhiều người muốn quay về thời Pháp thuộc”.
Nhà hoạt động Hoàng Dũng bày tỏ lo ngại về việc không thấy các hội nhóm về Giao thông bàn luận dự luật bóp cổ dân như thế này. Ông Dũng viết: Rất lấy làm tiếc là chỉ còn hơn nửa tháng nữa là kết thúc lấy ý kiến nhân dân, nhưng dường như không có bất cứ một dòng thông tin nào về chuyện này”.
Được biết, dự luật Giao thông Đường bộ sửa đổi đang lấy ý kiến từ ngày 21/4 đến 21/6/2020, được đăng tải công khai trên trang web Bộ Giao thông Vận tải. Tuy nhiên, khi chỉ còn nửa tháng là hết thời hạn lấy ý kiến thì Bộ này mới công bố thông tin trên báo chí. Đây có thể coi là một hành vi lén lút nhằm hạn chế sự thảo luận của người dân về Dự luật.
Quý độc giả có thể tham gia đóng góp ý kiến, yêu cầu sửa đổi quy định này, tại đây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét