Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2019

Greta Thunberg, Donald Trump và câu chuyện bảo vệ môi trường

Greta Thunberg, Donald Trump và câu chuyện bảo vệ môi trường

Jackhammer Nguyễn
26-9-2019

Donald Trump (trái) bị phê bình vì chế nhạo cô bé Greta Thunberg. Nguồn: Economic Times

Greta Thunberg và Donald Trump
Cô bé Greta Thunberg có bài diễn văn đầy cảm xúc tại Liên Hiệp Quốc, buộc tội các nguyên thủ quốc gia, trong đó có ông Trump, đã chẳng làm gì để cứu lấy trái đất.
Bài diễn văn của em đã gây ra tranh cãi, xỉ vả, hoan hô,… suốt mấy ngày nay. Đương nhiên phe hoan hô em là những người đấu tranh vì môi trường hiện nay, cho rằng trái đất đang nóng lên vì người ta xài xăng dầu nhiều quá, đốt rừng nhiều quá. Mà trái đất nóng lên thì nước biển dâng lên, bão tố mạnh lên, con người ta sẽ rất khốn khó.
Xỉ vả em cũng có các nhóm khác nhau. Nhóm ủng hộ ông Trump có lẽ cho là em đã đụng tới lãnh tụ của họ.
Nhóm không ủng hộ ông Trump, nhưng cho rằng em còn bé, biết gì mà nói, bị đám người lớn nào đó lợi dụng.
Nói chung là phe xỉ vả dùng nhiều từ ngữ dữ tợn lắm để mắng cô bé, cha mẹ cô bé, cho họ là thế này thế kia, thậm chí là cộng sản nữa.
Trên trang tin về kinh tế CNBC có một bài phân tích của tác giả Jake Novak, mang tựa đề: Coi chừng chuyện em Greta lên nổi lên như vậy lại có tác dụng ngược cho mong muốn của các nhà hoạt động môi trường.
Tác giả đặt vấn đề là, việc đưa em Greta ra mang quá nhiều tính chính trị. Tác giả đặt câu hỏi, nếu như ông Trump, các vị dân biểu Cộng hòa, các công ty dầu lửa lớn không còn nữa thì liệu việc đấu tranh vì môi trường của những nhà hoạt động môi trường có còn hăng hái nữa hay không?
Tôi nghĩ là ông Novak có lý chứ chẳng phải không. Thoạt đầu, các tổ chức môi trường (mà Greenpeace là một ví dụ) xuất hiện, thì tôi nghĩ họ đều mang tính lý tưởng, nhưng sau đó đụng chạm với cuộc đời thực sự, phải có mưu ma chước quỉ, dần dần họ có những toan tính chính trị.
Ông Novak nêu lên một chuyện tôi thấy cũng đúng phần nào, đó là thị trường sẽ góp phần giải quyết chuyện biến đổi khí hậu, chẳng hạn như khí đốt rẻ hơn xăng thì đâu có ai xài xăng nữa cho tốn tiền, mà gây hại môi trường?
Và nói thì dễ hơn làm. Tôi có một anh bạn cũng rất ý thức chuyện đừng xài nhiều quá vì như vậy chúng ta xài nguồn tài nguyên của trái đất một cách phí phạm. Nhưng tôi thấy anh ấy rất lỉnh ca lỉnh kỉnh nhiều món đồ mà tôi chẳng bao giờ xài, mà toàn bằng nylon, cái thứ vật chất rất hại môi trường.
Một chuyện nữa, ông Novak không nêu ra nhưng tôi nghĩ ai cũng thấy, là phải giàu có chút đỉnh thì mới quan tâm tới môi trường được.
Và ông Trump đã khai thác điều đó khi nói với dân đào than ở West Virginia rằng ông ấy sẽ ưu tiên công việc đào than của họ hơn là nghĩ tới chuyện môi trường. Dân miền này do mỏ than bị đóng cửa, cuộc sống vất vả, đâu có đầu óc đâu mà nghe chuyện bảo vệ môi trường, họ nghe Donald Trump thôi. Cũng nhờ vậy mà ông Trump đã thắng lớn tại West Virginia.
Trái đất nóng lên?
Nhưng câu hỏi lớn hơn câu chuyện của ông Novak là có biến đổi khí hậu hay không? Hay nó chỉ là một cái trò Tàu (Chinese Hoax) mà ông Trump lặp đi lặp lại hồi tranh cử 2016.
Trái đất có một lớp khí quyển bảo vệ chúng ta mọi thứ nguy hại từ vũ trụ, trong đó có cả nhiệt lượng, phải trả về vũ trụ một phần chứ nếu không thì quá nóng. Nhưng khi mà khí CO2 bốc lên nhiều quá do đốt nhiên liệu, phá rừng,… thì nó lại tạo thêm một lớp vỏ như một cái nhà kiếng (greenhouse) giữ lại nhiệt lượng, làm cho trái đất nóng lên. Lớp CO2 này đóng vai như cái kiếng xe hơi, ta mà kéo lên kín mít trong ngày nóng bức thì bên trong nó trở nên hầm hập nóng.
Nhưng giải thích thế nào khi lịch sử trái đất lại có những giai đoạn gọi là băng hà, lạnh đi rất nhiều?
Người ta giải thích rằng khi khói bụi mù mịt (thời xưa khi chưa có con người, nhưng cũng có khói bụi là do núi lửa phun) thì nhiệt lượng lại bị bắn ngược ra ngoài không có ở trên mặt đất nữa, làm cho trái đất lạnh đi, gọi là hiệu ứng Albedo.
Như vậy ta có hai hiệu ứng Greenhouse và Albedo trái ngược nhau làm trái đất nóng lên, lạnh xuống trong quá khứ.
Thế thì có vẻ như nhũng người quan niệm rằng nóng lạnh là chuyện của Chúa là đúng rồi? Bây giờ nó nóng lên, sau đó nó lại lạnh xuống có sao đâu?
Tôi nghĩ là họ có thể đúng, nhưng quên tính tới một điều là chuyện nóng lên lạnh xuống đó tính bằng thời gian cả triệu năm, trong khi chỉ cần nóng lên vài độ, đại dương dâng lên ào ào thì con người mất tích rồi, còn đâu mà chờ tới khi trái đất lạnh xuống.
Khi ông thầy tôi giảng những chuyện greenhouse và albedo cho tôi nghe (ông là một người Do Thái chính thống, rành Thánh Kinh) nói cái gì quá đáng cũng không được, làm ăn kinh tế kiểu cao bồi đỏ rực, khai thác tối đa tài nguyên thì chắc là không tốt rồi, nhưng mà bảo vệ môi trường kiểu xanh lè, thì đâu có việc nữa đâu mà làm. Mà hơn nữa, thị trường, như ta đã thấy cũng góp phần giải quyết chuyện môi trường.
Nhìn em Greta đọc diễn văn, tôi nghĩ có thể các nhà môi trường phe của em là quá xúc động, nhưng sự xúc động đó cũng có thể gây nên ảnh hưởng, làm cho người ta ý thức hơn, từ đó mới thúc đẩy cái cách người ta tiêu xài, các công ty mới chạy theo cách tiêu xài ấy, tạo điều kiện cho thị trường giải quyết chuyện môi trường.
Vấn đề của chính quyền ông Trump hiện nay là không tạo nên một thị trường thân thiện với môi trường như thế, mà lại dẹp bỏ nhiều luật không cho phép những nhà sản xuất xâm hại môi trường được đưa ra dưới thời ông Obama. Một thị trường như vậy vẫn tạo nên được việc làm, nhưng ông Trump lại cho phép các nhà sản xuất cắt chi phí bằng cách thải chất bẩn ra môi trường nhiều hơn.
Ông đã dành … 15 phút đến dự thượng đỉnh môi trường ở New York vừa qua, không biết ông làm thế là có thực tâm lắng nghe các nhà môi trường hay không?
Vâng, có thể chuyện nóng lạnh là chuyện của Chúa, nhưng cả triệu năm, còn đời con người ta chưa đầy trăm năm, em Greta và thế hệ của em đâu thể chờ cả triệu năm ấy của Chúa!
Jackhammer Nguyễn, từ San Francisco

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét