Dự án cao tốc Bắc Nam
1. Đấu thầu trong nước cao tốc Bắc Nam: Phải tính đến khả năng mạo danh doanh nghiệp Việt
Nhà nước cần phải có những ràng buộc nghiêm khắc, chặt chẽ, không được à uôm nếu không chất lượng sẽ không tốt…
Tiến sĩ Trần Đình Thiên |
Ảnh minh hoạ.
Như VnEconomy đưa tin, Bộ Giao thông Vận tải vừa quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế và điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án PPP thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông.
Trao đổi với VnEconomy về quyết định bất ngờ của Bộ Giao thông Vận tải, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng việc huỷ đấu thầu quốc tế cao tốc Bắc – Nam phía Đông của Bộ Giao thông Vận tải thể hiện sự thay đổi chủ trương chính sách của Bộ này. Trước kia Bộ này đã đưa ra đấu thầu quốc tế để thu hút nhà đầu tư quốc tế. Tuy nhiên không ít ý kiến thể hiện lo ngại việc nhà đầu tư Trung Quốc trúng thầu, họ nổi tiếng trong việc bỏ thầu giá thấp nhất để được tuyển, sau khi thực hiện lại đội giá lên nhiều lần.
“Tôi hoan nghênh Bộ Giao thông Vận tải thay đổi huỷ đấu thầu quốc tế tập trung đấu thầu rộng rãi trong nước. Tôi tin các doanh nghiệp, nhà đầu tư tư nhân trong nước hoàn toàn có đủ điều kiện để xây dựng tốt cao tốc Bắc – Nam này”, ông Lê Đăng Doanh bình luận.
Khẳng định quyết định này của Bộ Giao thông Vận tải là đúng đắn, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho biết, một mặt sẽ tránh được những rủi ro về nhà đầu tư nước ngoài vào làm để xảy ra hậu quả như đường sắt Cát Linh – Hà Đông, gây thiệt lớn cho nền kinh tế. Thứ hai là đảm bảo được yếu tố về an ninh quốc phòng. Nhưng quan trọng hơn cả là quyết định này tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp nội địa lớn lên.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Trần Đình Thiên cũng cho rằng nhà nước cần phải có những ràng buộc nghiêm khắc, chặt chẽ, không được à uôm nếu không chất lượng sẽ bị hỏng.
“Khi làm cao tốc thì luật chơi phải rõ ràng, phải tính đến lợi ích của các bên gồm doanh nghiệp, nhà nước và người tham gia giao thông. Các trạm thu phí, giá phí, thời gian thu phí phải tính toán để không xảy ra tình trạng như thời gian vừa qua các dự án BOT gây búc xúc dư luận, rủi ro cho doanh nghiệp và nhà nước cũng bị thiệt hại”, ông Thiên lưu ý.
Trước ý kiến lo ngại nhà đầu tư trong nước khi tham gia đầu tư cao tốc Bắc – Nam có thể bị doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm, góp vốn mua cổ phần, chi phối làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ dự án, ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, Tiến sĩ Trần Đình Thiên cho rằng cái này phải quy định rõ. Bộ Giao thông Vận tải phải đưa ra điều kiện một doanh nghiệp trong nước tham gia là thế nào? Chứ không thể có việc chỉ đội tên doanh nghiệp trong nước.
“Phải có hình thức chế tài nghiêm chỉnh. Khi đưa ra quy định chỉ để cho nhà đầu tư Việt Nam thì cũng phải tính đến có khả năng mạo danh doanh nghiệp Việt Nam hay không”, ông Thiên nói.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh thì cho rằng, việc góp vốn mua cổ phần dẫu sao vẫn là công ty Việt Nam, là pháp nhân Việt Nam, cơ quan chính quyền Việt Nam vẫn có thể kiếm soát được một cách hiệu quả. Còn khi bị mua đứt rồi thì việc xử lý pháp nhân nước ngoài khác với pháp nhân trong nước.
Còn theo chuyên gia xây dựng Đỗ Thuỵ Đằng, vốn của các doanh nghiệp trong nước rất hạn chế, do đó, khi chuyển sang đấu thầu trong nước, Bộ Giao thông Vận tải phải tính đến việc chia nhỏ các gói thầu ra để nhà đầu tư có thể tham gia.
“Các doanh nghiệp Việt Nam thừa sức làm những đường cao tốc. Chúng ta cũng đã từng làm nhiều đường cao tốc rồi. Nếu anh đã biết số vốn của Việt Nam chỉ có chừng này thì phải chia nhỏ các gói thầu ra, mỗi gói thầu có giá trị ít thôi thì có cần 100% vốn Việt Nam cũng thừa. Mặc ai đó nói là tủn mủn; miễn sao có thêm nhiều doanh nghiệp nội địa tham gia đấu thầu và có thể trúng thầu”, chuyên gia Đỗ Thuỵ Đằng nói.
8 dự án xây dựng tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 theo hình đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT, gồm: Mai Sơn – quốc lộ 45, quốc lộ 45 – Nghi Sơn, Nghi Sơn – Diễn Châu, Diễn Châu – Bãi Vọt, Nha Trang – Cam Lâm, Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Đồng Nai.
Dự kiến tổng mức đầu tư 8 dự án này 104.070 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư Nhà nước 40.360 tỷ đồng dành cho giải phóng mặt bằng, tái định cư.
K.L.
_____2. Căng thẳng Biển Đông phải tính chuyện ở đất liền
TP - Trước quyết định của Bộ GTVT hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế, PV Tiền phong đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan xung quanh vấn đề này.
Đến tháng 7/2019, trong 51 nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu 7/8 đoạn cao tốc Bắc - Nam, nhà đầu tư Trung Quốc và liên doanh doanh nghiệp Việt - Trung áp đảo. Chỉ có 8 nhà đầu tư Hàn Quốc. Nhà đầu tư Việt Nam rất lép vế. Đồ họa: Quyền Thành
Hủy dù ảnh hưởng nhưng cần thiết
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, bà rất ủng hộ quyết định của Bộ GTVT, và luôn tin DN Việt đủ sức làm cao tốc Bắc - Nam, miễn có các điều kiện hợp lý và thời gian để doanh nghiệp (DN) bàn bạc, liên kết. Trong lần mời sơ tuyển hồi tháng 5 vừa qua, do thời gian ngắn (chỉ 2 tháng nhận hồ sơ), nên nhiều DN nói không đủ thời gian bàn bạc, thỏa thuận liên kết tham gia đấu thầu. Trong khi đó, các DN Trung Quốc lại tham gia nhiều, do họ đã có sự chuẩn bị trước.
Trong bối cảnh hiện nay, theo bà, quyết định của Bộ GTVT sẽ mang tới điều gì?
Trong bối cảnh Biển Đông vẫn căng thẳng, Trung Quốc gây hấn rồi đưa ra các tuyên bố ngang ngược về bãi Tư Chính của Việt Nam. Do đó, chúng ta cũng phải tính cả câu chuyện trong đất liền.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, hiện có một số người đang nhầm lẫn cam kết của Việt Nam về mua sắm công trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Theo bà Lan, trong WTO, Việt Nam không tham gia hiệp định về mua sắm chính phủ. Việt Nam chỉ tham gia ký hiệp định về mua sắm chính phủ trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), và FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU). Do đó, Việt Nam chỉ cần đảm bảo cạnh tranh trong mua sắm chính phủ với doanh nghiệp tới từ các quốc gia tham gia 2 hiệp định này. Còn với các quốc gia thành viên WTO và các hiệp định FTA khác, Việt Nam không có nghĩa vụ phải đảm bảo cạnh tranh, mà có quyền ưu tiên doanh nghiệp trong nước.
|
Lẽ ra, Bộ GTVT và các bộ, ngành phải tính trước các tình huống, để không đấu thầu quốc tế rồi phải hủy khi dư luận đã lên tiếng góp ý. Quyết định hủy chào thầu quốc tế có thể ảnh hưởng tới tín nhiệm quốc gia, vì DN nộp hồ sơ ngoài từ Trung Quốc, còn có nhiều DN tời từ Hàn Quốc, Pháp... Do đó, Bộ GTVT cũng cần có những giải thích rõ ràng, hợp lý, và khẳng định thay đổi này không phải chủ trương chung của Việt Nam trong kêu gọi đầu tư nước ngoài. Đây là bài học để Bộ GTVT và các cơ quan Chính phủ rút kinh nghiệm, thận trọng và cân nhắc hơn ở các dự án sau này.
Vấn đề của đất nước, cần lòng tự tôn dân tộc
Vấn đề với nhà đầu tư trong nước là thiếu năng lực tài chính, trong khi ngân hàng cho vay làm BOT giao thông đã khá cao, khó cho vay thêm nhiều, để giải quyết điểm nghẽn đó theo bà cần làm gì?
Trước tiên cứ đấu thầu trong nước để tạo điều kiện cho DN Việt. Cũng mong DN cố gắng, tích cực, xem đây là vấn đề của đất nước, lòng tự tôn, tự cường dân tộc, không chỉ câu chuyện lợi ích kinh doanh. Ngoài ra, cũng cần giám sát, đặc biệt về vốn, công nghệ để tránh tình trạng DN đứng tên Việt Nam, nhưng vốn, công nghệ lại từ nước ngoài đưa vào. Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài cũng có lưu ý, giám sát để ngăn chặn tình trạng đội lốt trong nước, hay mua bán thầu.
Ngoài ra, các DN cũng cần chứng minh năng lực của mình, để ngân hàng tin tưởng cho vay vốn, hoặc người dân tin tưởng đóng góp qua hình thức trái phiếu. Với tinh thần yêu nước, tôi tin rằng người Việt sẵn sàng mua trái phiếu dự án, nhưng nhà đầu tư phải có năng lực, trách nhiệm để người dân có thể tin tưởng được. Đặc biệt nhà đầu tư nội cần tránh tình trạng mập mờ như các dự án BOT giao thông thời gian qua, làm mất niềm tin của người dân.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
Cần tôn trọng ý kiến dân
Như bà đã nói, vừa qua các dự án BOT giao thông để lại không ít điều tiếng, với các đoạn BOT thuộc cao tốc Bắc - Nam, chúng ta cần làm gì để tránh điều đó?
Muốn tránh tai tiếng cho các dự án tương lai, cần xác định rõ vấn đề của dự án BOT hiện tại là gì, ở đâu? phải chăng cơ quan nhà nước và nhà đầu tư đã bỏ qua người dân? Khi làm dự án BOT, hay khi đặt trạm thu phí không hỏi ý kiến người dân bị tác động, cơ quan quản lý và nhà đầu tư nhập nhèm để làm, nên người dân phản đối. Do đó, không chỉ với cao tốc Bắc - Nam, với bất kể dự án BOT nào cũng cần minh bạch, tôn trọng ý kiến người dân, và luôn cho người dân quyền lựa chọn. Cao tốc Bắc - Nam có lợi thế là đã có các tuyến khác song song để người dân chọn. Tại cao tốc thực hiện thu phí kín, ai đi người đó trả tiền.
Trong tương lai, việc thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài vào các dự án hạ tầng rất cần thiết, và Bộ KH&ĐT đang xây dựng Luật PPP, với đề xuất Chính phủ bảo lãnh tỷ giá, doanh thu tối thiểu, theo bà cần luật hóa ra sao để đảm bảo bình đẳng giữa DN trong và ngoài nước?
Các quy định trong Luật PPP cần được áp dụng cho cả DN trong và ngoài nước, đặc biệt là về ưu đãi. Tránh tình trạng DN nước ngoài được bảo lãnh tỷ giá, doanh thu, nhưng DN trong nước lại không được hưởng. Thậm chí, do DN Việt mới phát triển vài năm gần đây, trong môi trường kinh doanh còn nhiều khó khăn, nên phải được hưởng ưu đãi cao hơn nhà đầu tư nước ngoài tới từ các nước phát triển.
Cảm ơn bà!
_____3. Đấu thầu trong nước Dự án cao tốc Bắc Nam: Vì quyền lợi dân tộc?
Nhà báo Hồ Bất Khuất chia sẻ ý kiến của ông sau khi Bộ GTVT, vào ngày 24/09/19 thông báo chỉ đấu thầu trong nước 8 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam. Courtesy: Ảnh chụp màn hình Facebook Ho Bat Khuat
Sau khi Bộ Giao thông-Vận tải (GTVT) công khai số nhà đầu tư tham gia sơ tuyển 8 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam, trong đó nhà đầu tư Trung Quốc chiếm 16, Hàn Quốc 5, Pháp 2… người dân và các chuyên gia kinh tế đều lên tiếng về việc nhà thầu Trung Quốc “phủ sóng” cao tốc Bắc Nam.
Sau một thời gian đón nhận nhiều luồng ý kiến khác nhau về dự án này, ngày 24/9, Bộ GTVT chính thức tuyên bố chỉ đấu thầu trong nước với 8 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam phía Đông.
Dư luận nói gì trước thông tin vừa nêu?
Chính phủ lắng nghe dân
Trong số rất nhiều ý kiến chia sẻ qua mạng xã hội niềm hân hoan trước thông tin của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, vào ngày 24 tháng 9, xác nhận với truyền thông rằng chỉ đấu thầu trong nước với 8 dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc-Nam, nhà báo Hồ Buất Khuất bày tỏ trên trang Facebook cá nhân rằng Chính phủ đã biết nghe dân khi hủy đấu thầu quốc tế Dự án cao tốc Bắc-Nam.
Vào tối cùng ngày, nhà báo Hồ Bất Khuất còn lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do:
“Theo tôi thấy đấy là một dấu hiệu phản biện xã hội, nhất là các ý kiến được bày tỏ qua mạng xã hội, thì Chính phủ cũng đã lắng nghe. Đương nhiên là Chính phủ thì người ta nói chung như vậy, nhưng có một số người nghe rồi dần dần người ta thuyết phục. Hơn nữa, tôi thấy trong dân chúng, người ta gần như thống nhất là nếu để cho nhà thầu nước ngoài vào thì không có lợi cho an ninh quốc gia. Chính vì vậy, Chính phủ đã thông qua một quyết định mà tôi cho là sáng suốt và đây là tin vui nhất từ Chính phủ trong thời gian gần đây.”
Đài RFA ghi nhận quả đúng là “một tin vui” cho người dân Việt Nam, nhất là những người dân gồm nhiều thành phần trong xã hội đã từng thiết tha lên tiếng cũng như ký tên vào kiến nghị thư để kêu gọi Chính phủ Việt Nam không cho đấu thầu quốc tế vì lo sợ các nhà thầu Trung Quốc sẽ “chiếm” Dự án cao tốc Bắc-Nam - một trong những dự án trọng điểm của đất nước, khi hệ lụy trước mắt từ Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông do vay vốn và nhà thầu Trung Quốc đảm trách là một minh chứng rõ ràng nhất.
Bên cạnh đó, cũng không ít ý kiến còn cho rằng động thái mới của Bộ GTVT được xem như thêm một phản ứng của Hà Nội đối với Bắc Kinh, sau khi vào cuối tháng 8 có thông tin cho biết Việt Nam dự định trở thành quốc gia ASEAN đầu tiên cung cấp mạng 5G mà không dùng kỹ thuật của Tập đoàn Trung Quốc Huawei, trong bối cảnh hai quốc gia láng giềng “4 tốt-16 chữ vàng” đang xảy ra căng thẳng leo thang ở bãi Tư Chính ngoài Biển Đông.
Theo tôi thấy đấy là một dấu hiệu phản biện xã hội, nhất là các ý kiến được bày tỏ qua mạng xã hội, thì Chính phủ cũng đã lắng nghe. Đương nhiên là Chính phủ thì người ta nói chung như vậy, nhưng có một số người nghe rồi dần dần người ta thuyết phục. Hơn nữa, tôi thấy trong dân chúng, người ta gần như thống nhất là nếu để cho nhà thầu nước ngoài vào thì không có lợi cho an ninh quốc gia. Chính vì vậy, Chính phủ đã thông qua một quyết định mà tôi cho là sáng suốt và đây là tin vui nhất từ Chính phủ trong thời gian gần đây.
Nhà báo Hồ Bất Khuất
|
Nỗi lo vẫn còn đó
Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam chạy dọc theo phía Đông của Việt Nam sát với biển Đông kéo dài từ tỉnh Lạng Sơn đến tỉnh Cà Mau, có chiều dài 2.109 km. Dự án Cao tốc Bắc-Nam bao gồm 11 dự án, trong đó có 3 dự án là đầu tư công và 8 dự án còn lại sẽ được xây dựng theo mô hình hợp tác công tư (PPP). Tổng mức đầu tư của Dự án cao tốc Bắc-Nam là 118.000 tỷ đồng, trong đó Nhà nước Việt Nam góp vốn 55.000 tỷ đồng cho ba dự án đầu tư công; hỗ trợ toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng và góp một phần vốn xây dựng công trình để bảo đảm tính khả thi của dự án. Dự án được dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025.
Kể từ khi thông tin về Dự án cao tốc Bắc-Nam được phổ biến rộng rãi trên phương tiện truyền thông, từ tháng 3 năm 2019 cho đến nay, dư luận trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm vì những ý kiến đóng góp từ giới chuyên gia cho đến những người dân với Chính phủ Việt Nam rằng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng về “yếu tố Trung Quốc” trong dự án này.
Mặc dù vậy, hồi đầu tháng 6 vừa qua, Bộ Giao thông-Vận tải cho biết đối với 8 dự án thành phần theo hình thức đối tác công-tư sau khi áp dụng hình thức đấu thầu quốc tế đã được nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia bao gồm 24 nhà đầu tư Việt Nam, 16 nhà thầu Trung Quốc, 5 Hàn Quốc,1 của Pháp, 1 Singapore và 1 từ Philippines.
Diễn tiến tiếp theo vào ngày 4 tháng 9, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định với báo giới rằng kết quả nhà đầu tư trúng thầu tuyến cao tốc Bắc Nam “không thể công bố do đây là tài liệu mật”.
Tuyên bố này của ông Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông làm dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ trong dư luận. Và tuyên bố mới nhất vào ngày 24/9 cũng của thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã phần nào làm “yên lòng” dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng ban lãnh đạo thực hiện nghi lễ khởi công cao tốc Cam Lộ-La Sơn ngày 16/09/19. Courtesy of Bộ Giao thông-Vận tải
Thế nhưng, Đài RFA ghi nhận vẫn còn đó những ý kiến lo ngại một số các nhà thầu tại Việt Nam không thể làm tốt cho dự án trọng điểm cao tốc Bắc-Nam. Chẳng hạn như Tổng Công ty Thành An là một công ty trúng thầu tuyến cao tốc Cam Lộ-La Sơn, dự án đầu tiên trong 11 dự án thành phần của Dự án cao tốc Bắc-Nam vừa được khởi công hôm 16 tháng 9. Tổng Công ty Thành An từng nằm trong danh sách mà Thanh tra Chính phủ trong năm 2018 thanh tra liên quan Dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến lo ngại các nhà thầu Việt Nam không đủ nguồn vốn và có thể sẽ vay vốn Trung Quốc với những ràng buộc phải mua nguyên vật liệu của các công ty Trung Quốc hay phải để cho công ty của Trung Quốc tham gia vào Dự án cao tốc Bắc-Nam.
Từ Sài Gòn, Kỹ sư Xây dựng Trần Bang, người từng khẳng định với RFA rằng những công ty tại Việt Nam có đủ khả năng để xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam, vào tối ngày 24 tháng 9 nói rằng vẫn tiềm ẩn “Yếu tố Trung Quốc” trong các công ty Việt Nam trúng thầu Dự án cao tốc Bắc-Nam nếu như nguồn vốn, cổ phần (cổ phiếu)... không minh bạch, cũng như không được giám sát tốt. Kỹ sư Trần Bang nhấn mạnh:
“Các công ty đấu thầu phải công khai minh bạch; tức là quá khứ đã từng làm qua những công trình gì và tiến độ, chất lượng, thậm chí nguồn vốn và năng lực của công ty cũng phải công khai…thì đó mới là đấu thầu công khai. Chứ không thì chỉ giảm một phần nào đó (phản đối của người dân), thậm chí là che đậy.”
Trong khi đó, từ Paris, Pháp quốc, ông Nguyễn Gia Kiểng, cựu Phụ tá Tổng trưởng Kinh tế của Việt Nam Cộng Hòa, một nhà quan sát tình hình kinh tế thế giới cho rằng quyết định của Bộ Giao thông-Vận tải chỉ đấu thầu trong nước là quyết định theo chiều hướng đúng với điều kiện:
Các công ty đấu thầu phải công khai minh bạch; tức là quá khứ đã từng làm qua những công trình gì và tiến độ, chất lượng, thậm chí nguồn vốn và năng lực của công ty cũng phải công khai…thì đó mới là đấu thầu công khai. Chứ không thì chỉ giảm một phần nào đó (phản đối của người dân), thậm chí là che đậy.
Kỹ sư Trần Bang
|
“Điều mà chúng ta cần phải làm là nên chia ra hàng vài chục khúc hay cả trăm khúc và mỗi khúc trao cho một công ty khác nhau. Có thể có những công ty có điều kiện thuận lợi vì có khả năng nên có thể được trúng thầu nhiều khúc. Điều đó là không nên đấu thầu cả dự án đường cao tốc Bắc-Nam cho một công ty. Không có vấn đề đó mà phải chia ra làm nhiều khúc và mỗi khúc phải đấu thầu riêng.”
Liên quan những ý kiến lo ngại, ông Nguyễn Gia Kiểng nêu lên quan điểm cá nhân rằng:
“Thế còn những dư luận lo ngại, ví dụ như nói công ty của Việt Nam không đủ sức đấu thầu thì điều đó có nghĩa là từ trước đến giờ họ không phải là những công ty xây dựng đúng nghĩa và nếu vì thiếu vốn mà họ phải mua hay mua chịu của Trung Quốc một số vật liệu thì đó là nợ giữa Trung Quốc đối với một công ty tư nhân của Việt Nam. Dân tộc và đất nước Việt Nam không có trách nhiệm cho việc đó.”
Đối với nhà báo Hồ Bất Khuất thì ông khá là lạc quan, vì:
“Thông tin như thế là có, nhưng tôi nghĩ riêng với cao tốc Bắc-Nam thì sẽ khác và không như thế được vì dư luận xã hội, người ta tập trung và chú ý cũng như sự giám sát của người dân sẽ tăng lên.”
Một số những người quan tâm đến Dự án cao tốc Bắc-Nam mà Đài RFA tiếp xúc đều đồng quan điểm rằng trước dấu chỉ Chính phủ Việt Nam lắng nghe ý nguyện của người dân thì họ hy vọng Dự án cao tốc Bắc-Nam sẽ được xây dựng trên tinh thần minh bạch, công khai vì dự án này không chỉ mang ý nghĩa về mặt kinh tế, mà còn mang ý nghĩa sâu sắc về mặt chính trị, ngoại giao, đó là sự đồng lòng và đồng thuận giữa chính quyền và nhân dân Việt Nam.
Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-government-listen-to-public-opinions-in-north-south-highway-project-09242019132535.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét