Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Hai, 30 tháng 9, 2019

Tin môi trường: Ô nhiễm từ Bắc vào Nam

Tin môi trường: Ô nhiễm từ Bắc vào Nam

BTV Tiếng Dân
30-9-2019
Báo Tiền Phong đưa tin: Ô nhiễm Hà Nội lên ngưỡng tím, chuyên gia cảnh báo không tập thể dục buổi sáng. Từ chiều tối 28/9 đến sáng 29/9, TP Hà Nội tiếp tục trong tình trạng ô nhiễm không khí rất nghiêm trọng, với chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở một số điểm đo đã vượt qua ngưỡng đỏ, ngưỡng ảnh hưởng sức khỏe tất cả mọi người, sang ngưỡng tím, rất có hại cho sức khỏe mọi người. 
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch VN khuyến cáo, người dân hạn chế ra ngoài vào giờ cao điểm ô nhiễm, các trường học hạn chế hoạt động ngoài trời. Người dân hạn chế đi tập thể dục buổi sáng.
Nhiều điểm ô nhiễm không khí lên ngưỡng tím, ngưỡng rất có hại cho sức khỏe mọi người vào sáng 29/9 ở TP Hà Nội, theo ghi nhận của Hệ thống PAMAir. Ảnh: TP
Trang Gia Đình VN đặt câu hỏi: Ô nhiễm không khí báo động ở Hà Nội khi nào kết thúc?  Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN&MT TP Hà Nội nhận định, chất lượng không khí tại Hà Nội sẽ vẫn duy trì ở mức kém trong vài ngày tới và phải chờ khi nào có các đợt không khí lạnh, gió mùa Đông Bắc thì AQI mới được cải thiện. Con người cứ trông đợi thời tiết chuyển biến mà tự mình không thay đổi thì vòng lẩn quẩn ô nhiễm ngày càng trầm trọng.
Báo Giáo Dục VN có bài: Hàng triệu dân Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh khổ vì nước bẩn, không khí ô nhiễm. Hà Nội, thủ đô nhà nước CSVN ngày càng ô nhiễm, còn ở TP HCM, kết quả quan trắc 30 vị trí môi trường trong tháng 9 cho thấy, chất lượng không khí từ ngày 3 đến 20/9 có sự gia tăng đột biến của các chất ô nhiễm như bụi lơ lửng, NO2, SO2, CO… trong các ngày 18 đến 20/9. Cao nhất là ngày 20/9, nồng độ bụi lơ lửng tăng gấp 2,19 lần, NO2 tăng 1,41 lần, CO tăng 1,4 lần.
Về chất lượng nước, “tại một số chung cư tại Hà Nội, người dân đang rất bức xúc với tình trạng nước sinh hoạt bẩn vàng khè, cáu bẩn”. Còn ở miền Nam, chất lượng nước sông Đồng Nai từ Hóa An và Cát Lái “đang bị ô nhiễm vi sinh rất nghiêm trọng và đang bị ô nhiễm nhẹ dầu mỡ. Nước của sông Sài Gòn cũng đang bị ô nhiễm vi sinh cao”.
Người dân thành Hồ bì bõm lội nước
VietNamNet đưa tin: Triều cường chưa chạm đỉnh, người Sài Gòn đã bì bõm tìm đường về nhà. Chiều ngày 28/9/2019, triều cường tại các vùng hạ lưu sông Sài Gòn – Đồng Nai lên nhanh, khiến nhiều tuyến đường tại quận 1, quận 2, Bình Thạnh, quận 12, chìm ngập trong nước. “Địa bàn quận 2 là nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất của triều cường. Hàng loạt tuyến đường như Xa lộ Hà Nội, đường Song Hành, Lương Định Của ngập nặng có nơi hơn nửa mét khiến hàng loạt xe máy chết máy phải dẫn bộ”.
Dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, hiện nay mực nước đỉnh triều tại các trạm Phú An (sông Sài Gòn), Nhà Bè (kênh Đồng Điền) đều đang dâng cao. Dự báo từ ngày 30/9 đến 1/10, triều cường đạt mức 1,65 – 1,70m (trên báo động III từ 0,15-0,20m) vào lúc 5 – 7 giờ và 17-19 giờ.
Đường Song Hành ngập sâu hơn nửa mét, chiều 28/9. Nguồn: VNN
Nhà nghiên cứu môi trường Nguyễn Đạt An phân tích“Nếu biết đường phố ở Miami, bang Florida (Mỹ) hiện đang đối mặt với King Tides (Thủy triều Vua)… do biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng, thì cũng không nên lấy làm lạ gì tình hình triều cường đang xảy ra tại Sài Gòn mấy hôm nay… Đó hoàn toàn không phải do mưa to hay quy hoạch sai gì cả, vì những khu vực bị ảnh hưởng thuộc vùng quận thấp trũng”.
Facebooker Kirk Norring trong nhóm Arctic News lưu ý: Một yếu tố quan trọng của biến đổi khí hậu mà hiện nay người ta ít để ý đến, là hiện tượng La Nina. Nếu El Nino là “pha làm nóng” của Trái Đất, tạo nên các cơn bão nhiệt đới mạnh ở các đại dương, thì La Nina là “pha làm mát”. Lúc trước, La Nina có thể kéo dài từ 7 tới 10 năm, thì bây giờ thời hạn của một đợt La Nina chỉ còn tính bằng tháng. Trong khi El Nino xuất hiện ngày càng nhiều.
_______

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét