Tin Biển Đông: Chuyển động lạ của Hải Dương 8
BTV Tiếng Dân
30-9-2019
Vào khoảng 6h24’ sáng ngày 28/9/2019, tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 đã lại rời Đá Chữ Thập, bắt đầu tiến vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Trang Dự án Đại Sự Ký Biển Đông lưu ý, lần này tàu Hải Dương 8 hướng về phía Bắc và đi rất chậm, đường đi hoàn toàn khác so với 3 lần “khảo sát” trước đó. Vào lúc 18h50’ ngày 29/9, trang Dự án Đại Sự Ký Biển Đông cập nhật tình hình thực địa ngày 29/9/2019.
Bài viết phân tích, “tàu Hải Dương Địa Chất 8 vẫn đang đi rất chậm rãi như không có gì phải vội, tiến về phía bắc theo một đường thẳng, cùng với sự hộ tống của ít nhất hai tàu hải cảnh 33111 và 46303, và có thể là cả tàu 3501, vốn đã bật AIS khi rời Đá Chữ Thập, cho thấy đi cùng hướng với nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8, nhưng sau đó đã tắt AIS”.
Hiện có 3 khả năng: 1. Tàu Hải Dương 8 vẫn “khảo sát” giống 3 lần trước, vì hiện tàu này vẫn đi rất chậm; 2. Cũng là “khảo sát” nhưng mục tiêu của nhóm tàu Hải Dương 8 nằm xa hơn về phía bắc, chứ không phải Bãi Tư Chính nữa; 3. Nhóm tàu Hải Dương 8 đang trở về đảo Hải Nam, kết thúc các hoạt động xâm phạm Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam.
Khả năng thứ 3 khó xảy ra nhất vì “tình hình ở lô dầu 06.1 vẫn chưa hề giảm nhiệt. Như muốn truyền tải thông điệp, hai tàu hải cảnh hiện đại và được trang bị vũ khí hạng nặng của Trung Quốc là tàu hải cảnh 31302 và hải cảnh 37111 đã thường xuyên bật AIS trong những ngày qua, cho thấy chúng đang ở cự ly rất gần với giàn khoan Hakuryu-5 và tàu hỗ trợ giàn khoan, có những lúc chỉ 2-3 hải lý”.
Trang Dự án Đại Sự Ký Biển Đông phân tích việc đánh dấu chủ quyền: Trung Quốc tuần tra tại các thực thể đang bị tranh chấp. Bài viết dẫn thông tin do Tổ chức AMTI thống kê, xác định, có 14 tàu hải cảnh Trung Quốc phát tín hiệu qua hệ thống nhận dạng tự động (AIS) khi đang tuần tra qua khu vực Nam Biển Đông trong năm qua. Dĩ nhiên Trung Quốc vẫn còn các tàu “dân quân biển” không bật AIS nhưng tham gia các hoạt động quấy phá.
Bài viết lưu ý trường hợp tàu Hải cảnh 3308, một tàu tuần tra Hải cảnh Trung Quốc thuộc lớp Shucha II: Từ tháng 9/2018 đến tháng 9 năm 2019, tín hiệu AIS cho thấy tàu 3308 đi tuần tra xung quanh bãi Cỏ Mây, bãi Scarborough, và cụm bãi Luconia. Ngoài ra nó còn tham gia quấy rối các hoạt động dầu khí của Việt Nam ở lô 06.1 và hộ tống tàu thăm dò của Trung Quốc ở phía bắc.
Facebooker Đặng Sơn Duân đưa tin: “Trung Quốc mới đây âm thầm lắp đặt một cấu trúc nửa nổi nửa chìm ở gần đảo Hữu Nhật thuộc nhóm Lưỡi Liềm ở quần đảo Hoàng Sa. Thông báo chỉ mới được Cục Hải sự tỉnh Hải Nam đưa ra sau khi việc lắp đặt được hoàn tất. Giàn nửa nổi nửa chìm này dài 63 mét, ngang 25 mét, cao 14,2 mét, gồm hai mô đun”.
Một độc giả cho biết, giàn nửa nổi nửa chìm đó còn có tên gọi khác là giàn tự nâng, có chức năng khoan thăm dò. Giàn nửa nổi nửa chìm này của Trung Quốc, dù được quảng cáo là sử dụng nhiều công nghệ hiện đại, là dự án nghiên cứu có tính “đột phá”, cũng chỉ phục vụ mục đích khoan thăm dò.
Phó Thủ tướng không dám gọi tên Trung Quốc
Báo Thanh Niên đưa tin: Việt Nam mang vấn đề biển Đông ra Liên Hợp Quốc. Phát biểu trước Đại hội đồng LHQ đêm 28/9, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đã nhắc đến “sự cố nghiêm trọng xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán” của Việt Nam trên biển Đông thời gian qua, nhưng trái với sự mong đợi của người dân Việt Nam, PTT Minh vẫn không dám gọi tên Trung Quốc!
Ông Minh chỉ nói: “Việt Nam đã rất nhiều lần lên tiếng, bày tỏ quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, bao gồm cả sự cố nghiêm trọng xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trong vùng biển của chúng tôi – được xác định bởi UNCLOS. Các bên liên quan cần kiềm chế các hoạt động đơn phương có thể làm phức tạp tình hình hoặc gây leo thang căng thẳng trên biển”.
Mặc dù dân mạng bất mãn vì Phạm Bình Minh ‘không dám nhắc tên Trung Cộng’ tại Liên Hiệp Quốc, thế nhưng báo trong nước không nhắc đến chi tiết quan trọng này, mà vẫn hết lòng đề cao công lao ngài Phó Thủ tướng. Một thông điệp không có danh tính người nhận thì bất cứ ai cũng có thể bỏ qua, Việt Nam như thế thì còn trông mong gì quốc tế giúp đỡ vụ Biển Đông?
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh bình luận: “Đã xác định được thủ phạm xâm phạm chủ quyền của VN ở biển Đông: Lào. Hãy tự kiềm chế nghe Lào!” GS Phạm Quang Tuấn viết: “Thực ra ông Phạm Bình Minh cũng ‘công bằng’ đấy chứ. Ông ta đả kích Mỹ mà không nói tên nước Mỹ, phản đối Tàu mà không nói tên Tàu! Có điều, phản đối cấm vận Cuba thì cũng như là gọi đích danh nước Mỹ rồi!”
***
Bài của TS Trần Công Trục trên báo Giáo Dục VN: Cảnh giác trước thâm ý “rút mà không rút” của Trung Quốc trên Biển Đông. Bài viết phân tích chiến lược “xâm lược mềm” của Trung Quốc ở Biển Đông, tạo ra các tình huống “sự đã rồi”, buộc các nước giáp Biển Đông phải chấp nhận sự hiện diện của Trung Quốc, lợi dụng các hoạt động “dân sự” để quấy phá, gây áp lực lên hoạt động thăm dò, khai thác của các nước ASEAN ở Biển Đông. Hơn nữa, ngay chuyện Trung Quốc xây căn cứ trên Đá Chữ Thập đã xâm phạm lãnh hải Việt Nam.
Tàu sân bay Mỹ lại ‘chọc giận’ Trung Quốc khi đi vào Biển Đông, theo BBC. Chỉ còn 3 ngày trước khi Trung Quốc tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Quốc Khánh, tàu sân bay USS Ronald Reagan tiến hành các hoạt động ở khu vực Biển Đông đang tranh chấp, gần các đảo nhân tạo của Trung Quốc. Người phát ngôn của Đệ Thất Hạm đội từ chối xác nhận vị trí tàu này, nhưng cho biết, tàu sân bay USS Ronald Reagan đang tiến hành hoạt động thường nhật.
_____
Mời đọc thêm: Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đưa vấn đề Biển Đông ra Đại hội đồng LHQ (Zing). – Phó thủ tướng nêu vấn đề Biển Đông tại Liên Hợp Quốc (VNE). – Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu vấn đề Biển Đông tại Đại hội đồng LHQ (VNN). – Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nêu vấn đề Biển Đông tại Liên Hợp Quốc và đưa 5 đề xuất quan trọng (PNTP).
– Biển Đông: Ngoại trưởng Việt Nam cảnh báo căng thẳng leo thang (RFI). – Tàu sân bay Mỹ xuất hiện ở Biển Đông ngay trước quốc khánh Trung Quốc (RFA). – Báo Nhật Bản: Tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan xuất hiện ở Biển Đông (VTC). – Mỹ điều tầu sân bay tuần tra Biển Đông trước ngày Quốc Khánh Trung Quốc (RFI).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét