Hoan hô vài Uỷ viên Thường vụ Quốc hội
Nguyễn Đình Cống
Tác giả gửi BVN
Quốc hội VN mang tiếng là “Tổ chức bỏ phiếu của Đảng với đa số nghị gật”, nhưng thỉnh thoảng cũng có được vài ý kiến mới mẻ.
Nghị gật chủ yếu gồm 2 loại. Một số có hiểu biết kém nhưng được chọn theo cơ cấu, họ chỉ là những cái máy bấm nút khi bỏ phiếu theo lệnh ở trên. Môt số khác tuy có hiểu biết chút ít nhưng đã là ”cán bộ” trong cơ quan lãnh đạo của Đảng hoặc chính quyền, họ đến họp QH cho qua chuyện, bấm nút bỏ phiếu những việc mà họ đã biết, đã nghe ở nơi khác.
Quốc hội, thỉnh thoảng cũng có được vài ý kiến mới mẻ. Đó là ý kiến từ số ít những đại biểu có trí tuệ, có dũng cảm. Phải chăng họ ở trong số đại biểu chuyên trách.
Ngày 14 tháng 9- 2019, tại phiến họp 37, Ủy ban Thường vụ QH đã đưa ra, thảo luận “Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội”.
Trong “Dự án” có 2 ý kiến làm tôi chú ý. Đó là: 1- Nâng số ĐBQH chuyên trách lên cao hơn (hiện nay dưới 35%). 2- Hạn chế số cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước. đồng thời ở trong QH.
Tuy vậy, nghe đâu cả hai đề xuất đó đều không được đa số, không được thông qua. Thế thì hoan hô cái gì. Thưa rằng, hoan hô người đề xuất, hoan hô người tán thành. Tuy bây giờ họ còn là thiểu số, nhưng đó là mầm mống của tiến bộ, là hạt giống của tương lai.
Nhà nước VN cần được Dân chủ hóa. Việc này tốt nhất là được diễn biến trong hòa bình, mà nơi bắt đầu từ Quốc hội. Đảng muốn tạo một QH bù nhìn để dễ giật dây. Nhân dân cần một QH thực sự đại diện. Đó là mâu thuẫn lớn. Giải quyết mâu thuẫn này phải từ hai phía. Quan trọng và quyết định là từ phía nhân dân. Nhân dân cần có giác ngộ về Nhân quyền và Dân quyền, cần đoàn kết đấu tranh buộc Đảng phải trả lại quyền của Dân trong việc lựa chọn người đại diện. Đó là việc “Lập Quyền Dân”. Từ phía Đảng thì hy vọng vào một số có thiện chí, không quá ngoan cố chống lại xu thế Dân chủ hóa đất nước.
Toàn dân (kể cả đảng viên) cần thấy rõ trách nhiệm vô cùng quan trọng trong việc bầu Quốc hội, vận động thực hiện phương châm “Không biết không bầu”, tẩy chay những người lạ mà mình không biết rõ, từ nơi khác được Đảng đem đến để ép cử tri nhận làm đại diện. Đồng thời cổ vũ việc tự ứng cử.
Nhân dân đã bị Đảng tước hết nhiều quyền chính đáng, còn quyền bầu cử người đại diện lại bị lợi dụng để thi hành dân chủ giả hiệu. Hãy biến cái giả hiệu này thành dân chủ thực sự bằng cách chỉ bầu cho người mà mình biết rõ và tín nhiệm. Không bầu cho người mình không biết, không bầu cho người không có năng lực, được xếp đặt theo cơ cấu cho đủ thành phần..
Về ứng cử. Những người có nguyện vọng đại diện cho dân, có trình độ, như các trí thức, các luật sư, các nhà hoạt động trong các tổ chức xã hội dân sự, các cá nhân có năng lực hoạt đông chính trị rất nên tự ứng cử và vận động tranh cử. Việc này đã được thầy giáo Lê Trọng Hùng và một số người đề xuất, đã được dư luận hưởng ứng. Tôi sẽ ứng cử.
Hiện nay có 3 điều vô lý trong bầu cử cần bãi bỏ, thứ nhất là cấm vận động, thứ hai là hạn chế danh sách, thứ ba là Mặt trận TQ giữ toàn quyền lập danh sách.
Cấm vận động là quy định trong Đảng, ẩn dưới điều cấm chạy chức chạy quyền, cấm vận động, mua chuộc. Quy định này tuy phần nào hạn chế được một chút tiêu cực của những kẻ cơ hội, đang nắm giữ chức quyền, nhưng rất tai hại cho những tài năng, những tinh hoa trong quần chúng. Những người này phải qua vận động tranh cử mới có khả năng thể hiện mình để cử tri biết, xem xét, lựa chọn.
Hạn chế danh sách, thí dụ đơn vị i được bầu 5 đại biểu thì chỉ được lập danh sách từ 7 đến 8 ứng viên. Để làm gì ? Để tập trung phiếu, để tuyên truyền rằng người trúng cử có tỷ lệ phiếu cao và rất cao. Người ta làm được việc này là do dân trí còn thấp, là dân chủ giả hiệu. Hãy đề ra tiêu chuẩn rõ ràng, công khai và lập danh sách ứng viên gồm đầy đủ những người đủ tiêu chuẩn. Khắc phục việc chọn ra số ít người trong một danh sách dài là bình thường mà thiên hạ đã làm nhiều.
Việc Mặt trận hiệp thương lập danh sách. Nói là hiệp thương cho có vẻ dân chủ, thật ra là thực hiện độc quyền, là để loại bỏ những ứng viên tự do mà Đảng không ưa, không phải là con bài của họ. Việc lập danh sách chỉ cần do Ban bầu cử làm.
Còn hơn một năm nữa mới đến kỳ bầu cử mới. Thường vụ QH đã có thảo luận về sửa đổi Luật tổ chức QH. Chắc rằng sẽ đưa ra thông qua trong kỳ họp toàn thể. Mong rằng những Đại biểu QH có lương tri, có trình độ và dũng cảm sẽ có những đóng góp xác đáng vào sửa đổi Luật, để cho cuộc bầu cử thực sự trở thành ngày hội của toàn dân thực hành dân chủ.
Ý kiến trên đây là của một công dân. Hy vọng rằng nó đại diện được cho đông đảo cử tri, Mong được mọi người hưởng ứng.
N.Đ.C.Tác giả gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét