Bản tin ngày 21-9-2019
Tin Biển Đông
Kể từ ngày 18/9/2019, ngày Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Bãi Tư Chính và kêu gọi Việt Nam chấm dứt các hoạt động ở khu vực này, suốt hai ngày qua, phía Việt Nam vẫn chưa có hành động gì, kể cả mở miệng đáp trả những tuyên bố láo xược của Cảnh Sảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Trong khi lãnh đạo Việt Nam không dám lên tiếng phản đối Trung Quốc, nhưng báo chí “lề đảng” thường mượn lời các giới chức và chuyên gia Mỹ để lên án Trung Quốc. Báo Sài Gòn Giải Phóng có bài: Lên án các hành động gây hấn của Trung Quốc ở biển Đông. Bài báo dẫn lời TNS Bob Menedez của đảng Dân Chủ nhấn mạnh, “cần phải kiểm soát các hành động của Trung Quốc gây phức tạp tình hình biển Đông cũng như việc Trung Quốc tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ mục đích quân sự”.
Về những diễn biến leo thang ở Bãi Tư Chính: Người dân Việt Nam ‘chờ tin chính phủ’, BBC đưa tin. TS Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách Pháp luật ở Hà Nội, chia sẻ với BBC rằng, người Việt Nam hiện đang “rất sốt ruột”: “Họ rất mong muốn chính phủ Việt Nam cần phải có những động thái mạnh mẽ hơn nữa trên trường quốc tế”.
Ông Giao bình luận: “Cũng rất may là đã có những tiếng nói từ bên ngoài, mà có thể nói đầu tiên là Hoa Kỳ, lên tiếng những hành vi áp chế xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế cũng như là quyền khai thác tài nguyên của Việt Nam”. Càng may hơn nữa là người Mỹ việc gì ra việc nấy, không hề để bụng những giọng điệu tuyên truyền ở Việt Nam đến giờ vẫn kết tội và lăng mạ “Mỹ – Ngụy”.
Trang Dự án Đại sự ký Biển Đông cập nhật tin tức về tàu Hải Dương Địa Chất 8 vẫn tiếp tục xâm phạm chủ quyền VN ở Bãi Tư chính. Bản tin cho biết, lúc 19h50 tối 20/9/2019, Hải Dương 8 “vào cách đảo Phú Quý khoảng 56 hải lý và cách bờ biển Phan Thiết gần khoảng 100 hải lý. Nhưng những vòng khảo sát đan kín dày đặc“.
Ở khu vực lô dầu 06.1, các tàu hỗ trợ hoạt động giàn khoan này vẫn hiện diện, cho thấy giàn khoan Hakuryu-5 vẫn đang hoạt động, dù đã gần một tuần trôi qua sau “hạn chót” 15/9.
Mời đọc thêm: Trung Quốc sẽ có những hành động mạnh mẽ hơn ở Bãi Tư Chính?(RFA). – Tuyên bố của Trung Quốc về bãi Tư Chính rất lố bịch, trắng trợn (DV). – Trung Quốc có ý đồ tạo ‘thói quen xâm phạm’ biển Đông (PLTP). – Biển Đông, điểm nóng dầu khí, huyết mạch hàng hải, và gì nữa? (TT). – Thượng tôn pháp luật trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông (ANTĐ). – Biển Đông phải là vùng biển hoà bình, hữu nghị, thịnh vượng (LĐ). – Hành động gây rối của Trung Quốc ở Biển Đông vừa được báo cáo lên Hạ viện Mỹ (MTG).
Tội phạm TQ hoành hành ở VN
Ngày 20/9/2019, Cơ quan CSĐT Công an TP Vinh, tỉnh Nghệ An khởi tố 3 người Trung Quốc sang Việt Nam đánh cắp dữ liệu thẻ ATM, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Nhóm tội phạm này gồm Dương Trường Tài, Đặng Thông Thông và Luyện Vũ, cùng ngụ ở tỉnh Giang Tây, TQ, sang VN phạm tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.
Trước đó, chiều 11/9, Công an TP Vinh cùng với Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an và một số đơn vị chức năng đã vào một khách sạn ở TP Vinh bắt giữ 3 nghi phạm trên, thu giữ 333 thẻ ngân hàng do TQ sản xuất; 3 thiết bị điện tử, 2 máy tính xách tay. Trong số 333 thẻ trên có 319 thẻ đã bị nhóm nghi phạm đánh cắp thông tin chủ tài khoản là của người VN, có 22 thẻ đã bị rút số tiền gần 300 triệu đồng.
Mời đọc thêm: Bắt 3 người Trung Quốc trong vụ cài thiết bị điện tử vào máy ATM để trộm tiền (NLĐ). – Bắt 3 người Trung Quốc trong vụ cài thiết bị điện tử “lạ” vào máy ATM để trộm tiền (Soha/TTT). – Bộ Công an khen thưởng Ban chuyên án bắt giữ 3 người Trung Quốc đánh cắp tài khoản ATM (NA). – Cảnh báo chiêu trò rút trộm tiền từ các cây ATM (VTV). – Đà Nẵng khẳng định người Trung Quốc chỉ thuê chứ không sở hữu đất(TT). – Thu hồi giấy phép phòng khám có 2 bác sĩ Trung Quốc hành nghề “chui” (LĐ).
Cập nhật tin VN Pharma
Ngày 20/9/2019, Thanh tra Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế phải khẩn trương kiểm điểm trách nhiệm vụ VN Pharma, báo Thanh Niên đưa tin. Phó Tổng TTCP Đặng Công Huẩn chỉ ra, “Bộ trưởng Bộ Y tế chịu trách nhiệm với vai trò quản lý nhà nước về lĩnh vực dược, Cục trưởng Cục Quản lý dược chịu trách nhiệm với vai trò là người tham mưu, giúp việc cho Bộ trưởng Bộ Y tế; đã để xảy ra những thiếu sót, vi phạm qua các thời kỳ”.
Liên quan đến vụ việc, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã khởi tố 2 vụ án, gồm: Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh xảy ra tại Công ty VN Pharma và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) và các cơ quan liên quan. Riêng vụ án VN Pharma, Viện KSND tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố 12 bị cáo ở khung cao nhất, từ 20 năm tù đến chung thân, còn vụ ở Cục Quản lý dược chưa đưa ra xét xử.
Dự kiến ngày 24/9, TAND TP HCM sẽ mở phiên xử sơ thẩm lần hai vụ án mua bán thuốc ung thư giả xảy ra tại Công ty VN Pharma. Các bị cáo bị thay đổi tội danh từ buôn lậu sang buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh. Phía tòa án thông báo sẽ triệu tập thứ trưởng Bộ Y tế đến phiên xử VN Pharma, theo báo Pháp Luật TP HCM.
Cụ thể, HĐXX quyết định triệu tập 9 thành viên trong hội đồng giám định Bộ Y tế, gần 200 người tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và là người làm chứng. Vào thời điểm vụ án xảy ra ông Cường là cục trưởng Cục Quản lý dược.
Thông Tấn Xã VN dẫn lời Bộ trưởng Bộ Y tế: Sẽ xử lý và kiểm điểm sau vụ VN Pharma. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói: “Trên cơ sở kết luận của Thanh tra Chính phủ về vụ việc VN Pharma, Bộ Y tế dứt khoát xử lý và ủng hộ cơ quan chức năng phát hiện và xử nghiêm đúng việc, đúng người, đúng tội, đúng tội nhưng không oan sai, không bỏ sót”.
Có lẽ bà Tiến nên tự xử mình trước, hoặc tự thú tội trước báo giới, rồi sau đó xử em chồng bà là ông Hoàng Quốc Dũng, từng là Phó TGĐ phụ trách về xây dựng đầu tư của Công ty VN Pharma. Ngoài ra, bà Tiến cũng cần xử con trai của bà là Hoàng Quốc Cường, là người đã làm cố vấn cho VN Pharma, nhận lương 33 triệu/tháng.
“Lò” của Tổng – Chủ có dấu hiệu gọi bà Kim Tiến ra làm củi, nhưng bà không lo mà lo những chuyện như đổi tên trường ĐH Y Dược thành ĐH Sức khỏe. Báo Tuổi Trẻ dẫn lời Bộ trưởng Bộ Y tế: ‘Tôi phát biểu đúng. Đại học Y dược TP.HCM phải đổi tên’. Thời chính quyền cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chứng kiến sự “lên ngôi” của những Bộ trưởng vừa ăn vừa phá, trong đó có bà Kim Tiến.
Mời đọc thêm: Liên quan đến VN Pharma: Yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương, nghiêm túc thực hiện kết luận thanh tra (Thanh Tra). – Vụ VN Pharma: Bộ trưởng Bộ Y tế nói ‘xử đúng người, đúng tội, không bỏ sót’ (TP). – Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Bộ Y tế ủng hộ các cơ quan chức năng trong xử lý vụ việc liên quan đến Công ty VN Pharma (TQ). – Vụ VN Pharma: Tòa án triệu tập Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường (VNF). –Vụ VN Pharma: Triệu tập Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường (TN).
Asanzo vs Sharp Vietnam
Báo Thanh Niên đưa tin: Sharp tuyên bố kiện Asanzo đến cùng vì giả mạo chứng từ sở hữu công nghệ. Chiều 19/9/2019, Tổng giám đốc Công ty Sharp VN Masashi Kubo ký văn bản gửi tới báo chí, khẳng định: “Việc giả mạo chứng từ của Asanzo không chỉ gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu Sharp được gây dựng hơn 107 năm lịch sử bởi Tập đoàn Sharp”.
Cần nhắc lại sự kiện Asanzo tự khẳng định “được minh oan” diễn ra vào ngày 17/9 tại Hà Nội. Lãnh đạo Asanzo đã tổ chức họp báo với tiêu đề “Chúng tôi được minh oan”, để tự khẳng định “được minh oan” với nhiều cơ quan báo chí, đồng thời thông báo tập đoàn bắt đầu hoạt động trở lại sau thời gian đóng cửa. Cuộc họp báo không có mặt bất cứ đại diện cơ quan quản lý nhà nước nào.
Đáng ra việc công bố này phải thuộc về Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Trả lời báo giới, đại diện Ban Chỉ đạo 389 quốc gia khẳng định, không hề biết thông tin gì về cuộc họp báo. Còn Công ty Asanzo công bố trước công chúng “bằng chứng” Asanzo đang sở hữu công nghệ Nhật Bản, là mối quan hệ hợp tác giữa Asanzo và Sharp – Roxy.
Nay, phía Sharp khẳng định: “Việc SRH xác nhận theo thư công bố của Asanzo vào ngày 12.9.2019 là không thể xảy ra. Do đó, chúng tôi tin rằng lá thư xác nhận bởi SRH được công bố bởi Asanzo trong buổi họp báo của họ vào ngày 17.9.2019 là giả mạo”.
Sau khi Sharp Việt Nam tố giả mạo và đòi kiện, Asanzo nói hoàn toàn bất ngờ, theo VietNamnet. Ngay khi lãnh đạo Sharp VN công bố các thông tin trên, đến lượt Tập đoàn Asanzo lập tức phát đi thông cáo bày tỏ “hoàn toàn bất ngờ”. Phía Asanzo khẳng định các văn bản chứng minh “quan hệ” hợp tác giữa Asanzo và Sharp – Roxy đều do “phía đối tác” của họ gửi đến. Asanzo cho biết, “ngay lập tức đã tiến hành liên hệ với đối tác ở nước ngoài để yêu cầu được giải thích”.
Mời đọc thêm: Sharp Việt Nam khẳng định Asanzo ‘giả mạo bằng chứng sở hữu công nghệ’ (TT). – Tập đoàn Sharp Nhật Bản sẽ kiện Asanzo vì giả mạo bằng chứng(Infonet). – Sharp Việt Nam có thể kiện Asanzo (VNE). – Asanzo nói gì khi bị Sharp Việt Nam thông báo sẽ kiện? (PLTP). – Bị Sharp tố giả mạo chứng từ sở hữu công nghệ, Asanzo nói hoàn toàn bất ngờ (TN). – Bị Sharp tố giả mạo bằng chứng, Asanzo nói “hoàn toàn bất ngờ” (NĐT).
Sai phạm ở Bảo hiểm Xã hội VN
Ngày 18/9/2019, TAND TP Hà Nội tiến hành xét xử vụ sai phạm tại Quỹ BHXH VN, cựu TGĐ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Lê Bạch Hồng hầu tòa, Zing đưa tin. Ông Hồng cùng 4 đồng phạm là Nguyễn Huy Ban, cựu TGĐ BHXH VN, Nguyễn Phước Tường, cựu Trưởng ban KH-TC, Trần Tiến Vỹ và Hoàng Hà, đều là cán bộ BHXH VN, bị kết tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo cáo trạng, BHXH VN chỉ được cho phép các ngân hàng của Nhà nước vay vốn. Nhưng vào các năm 2008 và 2009, Nguyễn Phước Tường chỉ đạo Trần Tiến Vỹ và Hoàng Hà lập 14 tờ trình cho Công ty ALC II (thuộc Agribank) vay hơn 1.000 tỷ đồng. Đến cuối năm 2015, BHXH VN vẫn chưa thu hồi được nợ gốc và lãi của Công ty ALC II, lên tới khoảng 1.700 tỉ đồng.
Về diễn biến phiên tòa ngày 19/9, Infonet đặt câu hỏi: Agribank chối bỏ trách nhiệm trả nợ BHXH gần 1.700 tỷ đồng? Đại diện ngân hàng này đã phủ nhận toàn bộ nghĩa vụ trả nợ, dù khi ALC II vay tiền của BHXH, Agribank với tư cách là Công ty mẹ đã có chứng thư bảo lãnh gửi BHXH, trong đó cam kết nghĩa vụ trả nợ, nhưng bây giờ, đại diện ngân hàng này lại khẳng định chỉ “nhận hộ”, “vay hộ”.
Đại diện Agribank thậm chí đổ trách nhiệm cho Ngân hàng Nhà nước: “ALC II là công ty của chúng tôi nhưng thành lập theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước ra quyết định thành lập và là đơn vị phê chuẩn về việc thành lập ALC II”.
Trong phiên tòa ngày 20/9, bị cáo Lê Bạch Hồng bị đề nghị 8-9 năm tù, theo báo Dân Trí. VKS nhận định, “hậu quả của vụ án đến nay là đặc biệt lớn. Tại tòa, các bị cáo thừa nhận có trách nhiệm với sai phạm, nói bản thân không cố ý, không biết ALC II là công ty tài chính… Hành vi của các bị cáo làm tiêu tan bao công sức của người lao động đóng góp vào quỹ bảo hiểm, làm giảm niềm tin của quần chúng nhân dân”.
Mời đọc thêm: Xét xử cựu Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH làm mất tiền bảo hiểm xã hội(TN). – Cựu thứ trưởng Lê Bạch Hồng khai gì tại tòa? (PLTP). – Xét xử cựu Thứ trưởng Lê Bạch Hồng: ‘Bị cáo nghĩ cho ALC II vay là đúng luật’ (VTC). – Xét xử nguyên lãnh đạo BHXHVN: Xác định trách nhiệm với gần 1.700 tỷ đồng bị thất thoát (BNews). – Agribank chối bỏ trách nhiệm trả nợ gần 1.700 tỷ đồng cho Bảo hiểm Xã hội Việt Nam? (KTĐT). – VKS đề nghị tuyên bị cáo Lê Bạch Hồng tối đa 9 năm tù (Zing). – Cựu Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Bạch Hồng bị đề nghị 8-9 năm tù (RFA).
Gian lận thi cử
Ngày 20/9, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đề nghị truy tố 15 cán bộ ở Hòa Bình vì nâng điểm thi trong 2 năm, báo Tiền Phong đưa tin. Theo kết quả điều tra, vào tháng 5/2018, Nguyễn Quang Vinh, cựu Trưởng phòng khảo thí Sở GD&ĐT Hòa Bình đã chỉ đạo cấp dưới can thiệp, nâng điểm bài thi trắc nghiệm cho một số thí sinh thi THPT Quốc gia năm 2018 tại Hòa Bình trước khi quét file ảnh gửi về Bộ GD&ĐT.
Không chỉ thế, trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 tại Hòa Bình, Nguyễn Khắc Tuấn, cấp dưới của Vinh đã xin ý kiến và được Nguyễn Quang Vinh đồng ý nâng điểm bài thi trắc nghiệm cho thí sinh Đinh Ngọc Thảo, là cháu của Tuấn. Điều này góp phần xác nhận nghi vấn của một số người, rằng gian lận đã có từ lâu chứ không phải tới kỳ thi THPT Quốc gia 2018 mới diễn ra.
Zing có bài: Hiệu phó nhận 300 triệu để sửa điểm thi THPT ở Hòa Bình. Đó là trường hợp bị can Đỗ Mạnh Tuấn, cựu Hiệu phó Trường PTDT nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy, thuộc nhóm 15 cán bộ nói trên. Vào tháng 6/2018, Hồ Chúc, GV Trường THPT Thanh Hà, biết Đỗ Mạnh Tuấn là thành viên Ban chấm chi trắc nghiệm nên Chúc đã hẹn gặp Tuấn, nhờ Tuấn nâng điểm thi cho 2 thí sinh.
Bị can Tuấn sau đó đã nâng điểm trót lọt cho 2 trường hợp trên và được Chúc đưa 300 triệu đồng để “cám ơn”. Tuấn còn khai bản thân đã được một số người đưa 750 triệu đồng để nâng điểm cho 6 thí sinh. Tuy nhiên, Cơ quan ANĐT lại cho rằng không đủ căn cứ kết luận phạm tội đưa và nhận hối lộ đối với khoản tiền này.
Mời đọc thêm: Gian lận điểm thi Hòa Bình: Bị can khai nhận “cảm ơn” hơn 1 tỉ đồng sau khi sửa bài nâng điểm (NLĐ). – Gian lận thi cử tại Hòa Bình: Bị can khai đã nhận hơn 1 tỉ để sửa bài nâng điểm (TT). – Gian lận điểm thi Hòa Bình: Bị can khai nhận “cảm ơn” hơn 1 tỉ đồng sau khi sửa bài nâng điểm(NLĐ).
– Gian lận điểm thi ở Hoà Bình: Danh sách chi tiết 7 công an có con được nâng điểm(KT). – Gian lận điểm thi ở Hoà Bình: Kết luận điều tra bổ sung, truy tố 15 bị can (LĐ). – Những chi tiết chưa từng kể trong vụ gian lận thi cử ở Hà Giang (DV). – Gian lận thi ở Hòa Bình: Đề nghị truy tố 2 bị can đưa, nhận hối lộ (TN).
***
Thêm một số tin: Hà Tĩnh: Nghi vấn Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy có hơi men lái ô tô gây tai nạn (DT). – Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa xin nghỉ hưu “vì lý do sức khỏe” (NLĐ). – Vụ tranh chấp doanh nghiệp “rúng động” ở Hà Nội đã ngã ngũ (DT).
– Bắt “bố già”, người cầm đầu vụ hỗn chiến gây náo loạn biển Hải Tiến (LĐ). – Tự hào quá Việt Nam ơi: Khảo sát 63 nước, Việt Nam làm việc nhiều chỉ thua Campuchia và Bangladesh (TT). – Cà Mau ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở ở bờ biển Đông (Tin Tức). – Chuyện chép ngoài vùng trời (TP).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét