Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Hai, 24 tháng 6, 2019

Bản tin ngày 24-6-2019

Bản tin ngày 24-6-2019

Tin Biển Đông
Ngày 23/6/2019, tại Hội nghị cấp cao ASEAN ở Thái Lan, các lãnh đạo ASEAN kêu gọi kiềm chế về Biển Đông và căng thẳng Mỹ – Trung, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Các lãnh đạo ASEAN kêu gọi các nước có tranh chấp ở Biển Đông “tự kiềm chế và tránh những hành động có thể làm phức tạp tình hình thêm, cũng như theo đuổi giải pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế”.
VnExpress dẫn lời Thủ tướng: ASEAN không bỏ qua hành vi đe dọa ngư dân ở Biển Đông. Bàn về vấn đề Biển Đông, ông Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, ASEAN cần ghi nhận “những tích cực bước đầu” trong quá trình đàm phán COC giữa ASEAN và Trung Quốc, nhưng “cũng không bỏ qua các diễn biến trên thực địa như cải tạo đất trái phép, quân sự hóa, cản trở khai thác hợp pháp tài nguyên biển, thậm chí đe dọa đến an toàn tính mạng và tài sản của ngư dân”.
Báo Thanh Niên dẫn lời Ngoại trưởng Malaysia: ASEAN nên cùng thống nhất đàm phán về Biển Đông với Trung Quốc. Ông Saifuddin Abdullah, Ngoại trưởng Malaysia “nhấn mạnh quan điểm của Malaysia về việc không nên thảo luận riêng giữa các nước có tuyên bố chủ quyền”.
Cuộc thảo luận về vấn đề COC không nên song phương, mà nên do cả khối ASEAN tiến hành với Trung Quốc: “Cuộc thương thảo về COC vào cuối năm nay phải được thực hiện bởi ASEAN với vai trò là một khối. Chúng tôi sẽ nhấn mạnh vấn đề này vì đã có một, hai nước ASEAN cố thảo luận với tư cách cá nhân”.
TT Nguyễn Xuân Phúc phê phán TT Lý Hiển Long
Chiều 22/6/2019, bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN tại Bangkok, Thái Lan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê phán phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Ông Phúc cho rằng, những nhận định của phía Singapore về vai trò của Việt Nam trong cuộc chiến với Khmer Đỏ “là không đúng và việc nêu lại những định kiến này làm tổn thương sâu sắc tới Việt Nam và Campuchia”.
Đáp lại, Thủ tướng Lý Hiển Long giải thích, “Singapore không có ý làm tổn thương Việt Nam, chỉ nhắc lại một chương đau buồn trong lịch sử Đông Dương để nhấn mạnh hoà bình, ổn định và thịnh vượng hôm nay không mặc nhiên mà có”. Ông Long lịch sự bảo vệ quan điểm của mình, như ông và Singapore đã lên tiếng lâu nay.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Lý Hiển Long gặp nhau bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN ở Thái Lan ngày 22/6. Ảnh: VGP/TT
Cập nhật tình hình bài viết ngắn của ông Lý Hiển Long đã khơi mào vụ việc: Đến tối 24/6, bài viết vẫn còn trên trang Facebook của ông Long, nội dung vẫn được giữ nguyên, bất chấp các dư luận viên, tuyên truyền viên VN liên tiếp vào phê phán, đe dọa, công kích theo kiểu rất vô học.
Việc Bộ Ngoại giao VN gửi công hàm phản đối Singapore vào đầu tháng 6/2019, rồi cuộc gặp gần đây giữa ông Long và ông Phúc, đều không thể làm phía Singapore thay đổi quan điểm hoặc xin lỗi như yêu cầu của một số người. Và chính quyền của TT Phúc cũng chẳng thể làm gì khác hơn, cho dù Singapore chỉ là một đất nước rộng cỡ TP Sài Gòn, nhưng “vị thế quốc tế” của họ đã không thể làm VN lay động nổi.
Cập nhật: Asanzo, hàng Tàu đội lốt hàng Việt
Báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: Cơ quan chức năng nói gì về vụ Asanzo? Bài viết lưu ý, “một trong những vấn đề lớn trong vụ Asanzo được dư luận quan tâm là khả năng Nhà nước bị thất thu thuế rất lớn”. Một số doanh nghiệp là nhà cung cấp cho Asanzo “không kê khai nộp thuế. Có tình trạng một số doanh nghiệp hoạt động một thời gian thì ngừng hoặc tạm ngừng”.
Trước đó, vào ngày 22/5/2019, Cục Hải quan TP HCM đã trả lời báo Tuổi Trẻ về nghi vấn hàng loạt công ty “ma” nhập hàng từ Trung Quốc cung cấp cho Asanzo. Phía hải quan cho biết, “chưa có căn cứ để xác định địa chỉ đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp nhập khẩu hàng Trung Quốc cung cấp cho Asanzo”là doanh nghiệp “ma”.
VN Review đưa tin: Một số khách hàng yêu cầu điện máy xanh ngưng kinh doanh sản phẩm Asanzo. Tình hình là các cửa hàng kinh doanh điện máy bắt đầu ngừng bán hàng gốc TQ dán nhãn VN của Asanzo. Một số khách hàng cho biết, đến giờ này khi gọi đến Điện Máy Xanh thì nhân viên vẫn khẳng định Asanzo là hàng Việt Nam!
Có người nói rõ, nếu Điện Máy Xanh tiếp tục kinh doanh sản phẩm Asanzo, có nghĩa là tiếp tay cho hàng TQ hủy hoại, lũng đoạn thị trường VN và họ tẩy chay doanh nghiệp này: “Quá sốt ruột trước sự chậm trễ trước sản phẩm Trung Quốc đội lốt hàng Việt, một số khách hàng đã để lại bình luận, thúc giục Điện Máy Xanh ngưng bán sản phẩm Asanzo, nếu không từ nay khi mua sản phẩm nào họ sẽ chọn siêu thị điện máy khác”.
Luật pháp vắng bóng, luật rừng lên ngôi
Hàng trăm cảnh sát trấn áp côn đồ dùng bom xăng, đập phá nhà hàng, đâm chém nhân viên ở biển Hải Tiến, theo báo Người Đưa Tin. Chiều 23/6, cô Nguyễn Thị Hoài, Chủ nhà hàng Hưng Thịnh 1, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, cho biết, nhà hàng của gia đình cô “vừa bị một chủ nhà hàng khác kéo nhóm côn đồ kéo tới đánh, chém, dùng kim tiêm có máu đâm nhân viên và đập phá đồ đạc”.
Một “trận chiến” nhỏ giữa thời bình: “Hàng chục tên côn đồ cầm hung khí như dao, tuýp sắp, bom xăng, xi lanh có máu tới đập phá, chém, ném vào nhà hàng Hưng Thịnh 1. Đặc biệt, một số đối tượng dùng bơm kim tiêm có máu đâm vào người một nhân viên”.
Vụ án giết người chỉ vì chuồng heo ở Quảng Nam: Vụ truy sát 3 cha con: Khởi tố nhóm côn đồ, kêu gọi đối tượng liên quan đầu thú, theo báo Người Lao Động. Ngày 23/6, lãnh đạo công an tỉnh này xác nhận, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố bị can đối với đối tượng Nguyễn Xuân Công về tội “Giết người”, cùng 5 đồng phạm.
Công an tỉnh Quảng Nam nói thêm, “một số đối tượng liên quan đến vụ án mạng này vẫn đang bỏ trốn. Công an đang kêu gọi những đối tượng này đầu thú để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật”.
Vụ giang hồ vây xe chở công an: Rà soát, sàng lọc ít nhất 10 đối tượng, báo Người Lao Động đưa tin. Công an tỉnh Đồng Nai xác nhận, bên cạnh 4 nghi can đã bị bắt, họ đang rà soát ít nhất 6 đối tượng liên quan vụ “giang hồ vây xe chở công an”, đưa vào tầm ngắm để tiếp tục điều tra, xử lý.
CSGT kiện Chủ tịch xã
Báo Thanh Niên đưa tin: CSGT kiện lãnh đạo xã vì bị nhận xét ‘hách dịch’. Theo bài viết, TAND TP HCM dự kiến xét xử phúc thẩm vụ án “yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa nguyên đơn là ông N.T.P đối với 2 bị đơn là Chủ tịch UBND xã Bình Mỹ và bà tổ trưởng tổ 9, ấp 4A, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, vào ngày 20/6. Phiên tòa đã phải tạm hoãn do 2 bị đơn cùng vắng mặt, sẽ mở lại vào chiều 28/6.
Vụ việc như sau: Ông N.T.P là cán bộ đội CSGT Bến Thành, cư trú ở Củ Chi. Theo yêu cầu của BGĐ Công an TP.HCM, năm 2017, ông lấy ý kiến góp ý ở địa phương và nhận được ý kiến ghi trong phần đánh giá như sau: “Ông P. quan hệ với quần chúng chưa tốt, lãng phí, bản thân ông P. không tham gia sinh hoạt tổ nhân dân, có thái độ hách dịch, ỷ quyền, xem thường mọi người xung quanh…”.
Ý kiến của lãnh đạo địa phương nơi ông cư ngụ, đã khiến ông bị hạ bậc thi đua năm 2017. Cho nên ông P “nộp đơn khởi kiện ra tòa yêu cầu bị đơn xin lỗi, bồi thường tổn thất tinh thần cho ông bằng 10 tháng lương cơ bản, tương đương 13 triệu đồng”.
Formosa vẫn còn đặc quyền?
Hơn 3 năm sau thảm họa biển miền Trung VN bị đầu độc bởi nhà máy thép Formosa ở Hà Tĩnh, lãnh đạo Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh và Formosa Hà Tĩnh tổ chức hội nghị phối hợp bảo đảm giữ vững ANTT tại dự án Formosa Hà Tĩnh, báo Hà Tĩnh đưa tin. Theo đó, “BĐBP Hà Tĩnh đã phối hợp chặt chẽ với Formosa Hà Tĩnh và các lực lượng chức năng trên địa bàn nắm chắc tình hình, thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát tại các vị trí, mục tiêu trọng yếu”.
“Thành tích” của BĐBP Hà Tĩnh trong “nhiệm vụ” bảo vệ Formosa: “Chỉ tính riêng từ tháng 5/2018 đến nay, BĐBP tỉnh đã thu thập 127 tin liên quan đến tình hình an ninh trật tự; phối hợp với lực lượng công an và bảo vệ Formosa Hà Tĩnh bắt, xử lý 7 vụ/7 đối tượng. Nhờ sự “tận tâm” này mà Formosa Hà Tĩnh tiếp tục đầu độc vùng biển, bầu trời ở miền Trung.
Lãnh đạo Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh và Formosa Hà Tĩnh ký kết phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT tại dự án Formosa từ nay đến tháng 4/2020. Nguồn: Báo Hà Tĩnh
Tin môi trường
Báo Người Lao Động có bài: Khốn khổ vì thiếu nước sạch. TP Hà Nội “vẫn bị thiếu nước sạch vào những tháng cao điểm mùa hè, mức độ phục vụ dịch vụ còn thấp khi người dân thường xuyên bị ảnh hưởng bởi vỡ ống, cắt nước”. Theo bài viết, gần 3 triệu người dân thủ đô Hà Nội vẫn thiếu nước sạch, do trữ lượng nước ở các sông hồ xung quanh giảm và tình trạng ô nhiễm môi trường nước.
Cụ thể, “hầu hết sông chính ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đều bị ô nhiễm. Ở các KCN, ô nhiễm diễn ra nghiêm trọng hơn. Đặc biệt, mức độ ô nhiễm tăng cao vào mùa khô, khi lượng nước chảy vào các con sông giảm”. Không chỉ nguồn nước mặt mà cả nước ngầm cũng đang bị ô nhiễm.
Báo Lao Động bàn về tình hình ô nhiễm vây quanh vịnh Cửa Lục: Vịnh Hạ Long sẽ rơi vào “nguy hiểm”. Theo đó, Vịnh Cửa Lục nằm phía trên vịnh Hạ Long “đang bị các nhà máy xi măng, nhiệt điện, các cảng than bủa vây. Nếu không kiểm soát được, vịnh Hạ Long vốn đang bị ô nhiễm sẽ rơi vào tình trạng nguy hiểm”, bởi lưu lượng nước lớn được “trao đổi” giữa 2 vịnh này.
Bài báo cho biết, các trụ sở làm việc của TAND và VKSND tỉnh Quảng Ninh “luôn trong tình trạng đóng kín cửa sổ, nhưng hành lang, bàn làm việc… luôn phủ một màu trắng bởi bụi xi măng, clinker của 2 nhà máy xi măng nằm phía bên kia bờ vịnh Cửa Lục”.
Tình bạn Trump – Kim: Trao đổi thư từ
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un nhận lá thư ‘tuyệt vời’ của tổng thống Trump. Sáng 23/6/2019, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA cho biết, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un nhận được thư của Tổng thống Mỹ Donald Trump và mô tả bức thư là rất “tuyệt vời”. Ông Kim rất hài lòng khi đọc thư, nhưng không tiết lộ nội dung cụ thể: “Ông Kim Jong Un sẽ suy nghĩ kỹ về nội dung thú vị của bức thư”.
Trước đó, vào đầu tháng 6/2019, ông Trump cũng nhận lá thư “ấm áp” từ ông Kim và tuyên bố “sắp có những điều tích cực từ Bình Nhưỡng”. Trong khi chính quyền ông Trump chỉ trích vụ Triều Tiên thử tên lửa là vi phạm nghị quyết Liên Hiệp quốc, cá nhân ông Trump “vẫn tin rằng ông Kim sẽ giữ lời hứa không thử tên lửa đạn đạo tầm xa hoặc thử hạt nhân”.
Tiếc là hình hình chung trong ngoại giao Mỹ – Triều lại không hề khả quan như vụ hai ông độc tài làm bạn qua thư: Đàm phán bế tắc, lãnh đạo Mỹ – Triều trao đổi thư từ, theo báo Người Lao Động. Bài viết lưu ý, “việc trao đổi thư nói trên diễn ra giữa lúc đàm phán hạt nhân Mỹ – Triều Tiên đang giẫm chân tại chỗ sau hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa hai nước hồi đầu năm nay”.
Cũng giống như vụ hội nghị thượng đỉnh Trump – Kim vào cuối tháng 2/2019 ở Hà Nội, một “show” diễn được tổ chức hoành tráng nhưng không có kết quả gì, vụ “thư từ” này cũng chỉ là trò diễn của Trump – Kim.
Một người thì từ lâu đã biến Tòa Bạch Ốc thành công ty riêng của mình và bây giờ đang muốn chứng minh mình vẫn “nắm” được Kim (trong khi thực tế ngược lại). Một người là lãnh tụ độc tài cha truyền con nối và thấy diễn cũng chẳng có hại gì, vì có thể tiếp tục câu giờ để phát triển tên lửa hạt nhân.
Trước đó, Trump dọa bỏ tù phóng viên vì một bức ảnh, VnExpress đưa tin ngày 22/6/2019. Ông Trump “đã cho các phóng viên xem một bức thư mà theo ông là do lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mới gửi tới gần đây. Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders đã can thiệp khi một phóng viên chụp ảnh bức thư”. Dù Trump khoe ảnh, nhưng khi phóng viên muốn chụp, lại dọa bỏ tù. Một người như vậy nên rất mê các lãnh tụ độc tài và luôn khen ngợi các lạnh tụ độc tài.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét