Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Tư, 26 tháng 6, 2019

Bản tin ngày 27-6-2019

Bản tin ngày 27-6-2019

Tin Biển Đông
Báo Pháp Luật TP HCM đặt câu hỏi về tình hình Biển Đông: Mỹ – Trung Quốc ngày càng căng thẳng? Vụ Trung Quốc cố tình để lộ dàn chiến đấu cơ J-10 trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, cựu sĩ quan không quân hoàng gia Úc Peter Layton nhận định: Nhiều khả năng đội phi cơ được triển khai, nằm trong giai đoạn diễn tập bước đầu để chuẩn bị cho “sự hình thành vùng nhận diện phòng không (ADIZ)”. 
Trung Quốc tuyên bố ADIZ từ năm 2016, nếu ADIZ được thiết lập, các máy bay đều phải khai báo trước với chính quyền Bắc Kinh, nếu muốn bay qua biển Đông.
Còn chuyên gia Stephen Kuper lưu ý, sự phát triển cả hải quân lẫn không quân Trung Quốc ở Biển Đông, nhất là các cuộc tập trận có sự tham gia của tàu sân bay và việc triển khai các loại vũ khí mới cho không quân, “sẽ tạo thành khung xương cho chiến lược phòng thủ chống xâm nhập/chống tiếp cận mà Bắc Kinh đang theo đuổi ở biển Đông”.
Tàu sân bay Trung Quốc rời Biển Đông, qua eo biển Đài Loan, báo Thanh Niên đưa tin. Báo South China Morning Post dẫn thông tin từ giới chức Đài Loan xác nhận, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc vừa đi qua eo biển Đài Loan vào ngày 25/6. “Tàu sân bay cùng 5 tàu hộ tống đi vào vùng biển này sau khi rời Biển Đông, tiếp tục hướng về cảng Thanh Đảo”.
Trước đó, “nhóm tác chiến tàu Liêu Ninh đi qua eo biển Miyako trước khi đến gần đảo Guam, Philippines và đi vào Biển Đông”. Đến ngày 24/6, các tàu này đi vào khu vực bắc Biển Đông trước khi tiến vào eo biển Đài Loan.
Đề án “Đô thị thông minh”, thạc sĩ Mỹ về làm nhập liệu
Câu chuyện của anh Phạm Quốc Thái đăng trên báo Thanh Niên gây sốc: Du học thạc sĩ, về làm nhập liệu. Nhập liệu là công việc chỉ cần tốt nghiệp THCS là đủ khả năng làm, nhưng việc này được giao cho anh Thái, một người tốt nghiệp thạc sĩ ở Mỹ và được trả lương 2,8 triệu/ tháng. Mức lương không đủ sống, lại chiếm hết thời gian, nên anh Thái phải chạy Grab bike vào buổi tối, kiếm thêm thu nhập.
Anh Thái là một trong sáu thạc sĩ nhận học bổng du học ở Mỹ, do hãng Intel phối hợp với ĐH Arizona đào tạo, phục vụ đề án “đô thị thông minh“. Ngoài anh Thái, năm nhân tài khác gồm: Đào Đoàn Duy, Hoàng Thị Khánh Hà, Hồ Hoàng Hải Nam, Nguyễn Quang Hưng và Lê Phước Trí. Những nhân tài này khi học xong, về nước, bị phân công làm những việc không liên quan đến ngành học, với mức lương trên dưới 3 triệu/ tháng.
Người dân Sài Gòn có lẽ vẫn chưa quên, năm 2015, ông Vũ Quang Hải, con trai Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, 28 tuổi, đã được lãnh đạo Bộ Công Thương điều động về Sabeco, nhận hàm Phó vụ trưởng, làm Thành viên HĐQT, kiêm Phó tổng Giám đốc Sabeco. Dù trước đó, ông Hải giữ chức Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí VN (PVFI), bị lỗ hai năm liên tiếp, nhưng vẫn được giữ chức lớn.
Lãng phí người tài: Lãnh đạo TP.HCM yêu cầu khẩn trương báo cáo, Thanh Niên đưa tin. Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành Hồ, nói, “có một số việc lãnh đạo TP.HCM rất mong muốn, đốc thúc nhưng về bên dưới lại chững lại, thậm chí có tình trạng ‘sở này, sở kia đá qua đá lại’.
Cô Nguyễn Thùy Dương, dân oan Thủ Thiêm, bình luận: “Một cơ chế sai, sai ngay từ đầu, nhân tài không do sát hạch gắt gao, nhân tài không do dân cử, dân bầu. Nhân tài là xin cho bổ nhiệm. Để rồi Thành phố Hồ Chí Minh ‘ngập là một nét đẹp riêng’, để rồi lấp sông, hạ cây biến thành phố thành lò lửa, để rồi dân ‘sống vô gia cư, chết vô địa táng’ ngày càng đông. Cuối cùng ai chịu trách nhiệm, chịu hậu quả cho lỗi cơ chế này đây. Xin thưa ! Mãi mãi là Nhân Dân”.
Vụ án Trương Duy Nhất và Vũ “nhôm”
Bộ Công an mở rộng điều tra vụ án Trương Duy Nhất, VietNamNet đưa tin. Vụ nhà báo Trương Duy Nhất bị bắt ở Thái Lan từ đầu năm nhưng gần đây mới bị khởi tố, Trung tướng Lương Tam Quang nói, trong quá trình mở rộng điều tra vụ án liên quan đến Vũ “nhôm”, Cơ quan CSĐT đã thu thập được “những tài liệu về hành vi của Trương Duy Nhất, đó là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật”.
Theo đó, ông Trương Duy Nhất bị khởi tố về hành vi “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, do có những vi phạm pháp luật liên quan đến quá trình Vũ “nhôm” thu tóm nhà, đất công sản ở TP Đà Nẵng.
Vẫn không rõ ông Nhất bị bắt ở đâu, lúc nào, nhưng theo thông tin chưa được kiểm chứng mà chúng tôi có được từ vài tháng trước, rằng ông Nhất bị di lý sang Lào trước khi bắt đưa về Việt Nam. Mục đích là để tránh tiếng xấu cho chính quyền Thái.
Vụ bắt ông Nhất là một vụ trao đổi giữa các nhà chức trách Thái với Việt Nam. Phía Thái giúp Việt Nam bắt ông Nhất, đổi lại, Việt Nam giúp bắt ba người Thái là Siam Theerawut, Chucheep Chivasut và Kritsana Thapthai. Ba người này trốn sang Lào rồi tìm cách qua Việt Nam. Họ bị cảnh sát biên giới VN bắt giữ làm con tin, trao đổi với Thái để bắt Trương Duy Nhất. Bài viết đăng trên National Post của Canada cũng xác nhận một phần tin này.
Báo Người Việt có bài: Công an CSVN ‘mở rộng điều tra’ vụ ông Trương Duy Nhất. Bài viết nhắc lại vụ đại diện của báo Đại Đoàn Kết ở TP Đà Nẵng, ông Nhất “đã lợi dụng giấy tờ của báo Đại Đoàn Kết để mua nhà đất không qua đấu giá, gây thất thoát lãng phí”. Khu nhà đất số 82 Trần Quốc Toản từng được UBND TP Đà Nẵng bán cho văn phòng báo Đại Đoàn Kết theo diện công sản, rồi thành trụ sở công ty I.V.C mà Vũ “nhôm” và Trương Duy Nhất có phần hùn, rồi sau đó thành nhà ở của Vũ “nhôm”.
Cập nhật vụ Nhật Cường Mobile
Báo Lao Động đặt câu hỏi: Ông chủ Nhật Cường Mobile bỏ trốn, Bộ Công an nói gì?Hơn một tháng sau khi ông Bùi Quang Huy, chủ doanh nghiệp dịch vụ kỹ thuật “sân sau” của ông Nguyễn Đức Chung bị khởi tố về hành vi buôn lậu, Trung tướng Lương Tam Quang chỉ nói: “Đang truy nã toàn quốc và quốc tế đối với Bùi Quang Huy và vụ việc đang tiếp tục điều tra, nên cơ quan Bộ Công an chưa cung cấp cho các cơ quan báo chí”.
Báo Thanh Niên đặt câu hỏi: Để xảy ra các vụ Nhật Cường, Trịnh Sướng, công an địa phương có tê liệt? Bài viết lưu ý, những vụ án hàng lậu lớn gần đây “đều không phải do công an địa phương khám phá, ngăn chặn. Trong đó, vụ buôn lậu liên quan đến Công ty TNHH Nhật Cường là do Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an phát hiện”.
Tướng Quang nói: “Các vụ việc này đang được cơ quan chức năng điều tra, nhưng bước đầu tôi có thể nói hành vi phạm tội diễn ra với nhiều thủ đoạn tinh vi khiến cơ quan chức năng gặp khó khăn trong xử lý”.
Asanzo và sự lừa dối của hàng Tàu dán nhãn Việt
Chiều 26/6, trong cuộc họp báo về tình hình, kết quả công tác công an 6 tháng đầu năm 2019, Trung tướng Lương Tam Quang thông báo, Bộ Công an đang điều tra những nghi vấn liên quan đến Asanzo, VTC đưa tin. Ông Quang nói: “Các đơn vị chức năng Bộ Công an làm rõ tất cả những nghi vấn liên quan đến hoạt động của công ty Asanzo. Nếu có dấu hiệu vi phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật”.
Trước đó, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cùng với Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan kiểm tra, xác minh thông tin vụ Tập đoàn điện tử Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản TQ rồi gắn nhãn xuất xứ VN để bán ra thị trường VN.
Bộ Công an rà soát các doanh nghiệp nhập hàng Trung Quốc dán nhãn Việt Nam, theo báo Thanh Niên. Tướng Lương Tam Quang khẳng định, phía công an “đã chỉ đạo lực lượng chức năng mở rộng việc kiểm tra rà soát, thu thập tài liệu về các doanh nghiệp nhập sản phẩm của Trung Quốc nhưng gắn mác Việt Nam, không riêng Asanzo”. Nếu công an làm được đúng như lời họ nói, đó sẽ là cú “sốc” lớn cho thị trường VN, vốn bị lũng đoạn nặng nề bởi hàng TQ trong những năm qua.
Điện máy Nguyễn Kim thu hồi, đổi mới toàn bộ tivi hiệu Asanzo cho khách hàng, trang Đầu Tư Tài Chính VN đưa tin. Đại diện Công ty Cổ phần thương mại Nguyễn Kim xác nhận, doanh nghiệp này đang triển khai trương trình thu đổi tivi hiệu Asanzo cho khách hàng, thời gian áp dụng chương trình thu đổi sẽ bắt đầu từ ngày 26/6 đến hết ngày 10/7/2019.
Người đại diện này nói: “Khách hàng trực tiếp mang tivi Asanzo (điều kiện hoạt động bình thường, còn nguyên vẹn) kèm theo hóa đơn mua hàng đến bất kỳ trung tâm mua sắm Nguyễn Kim trên toàn quốc, sẽ được đổi tivi thương hiệu bất kỳ đang kinh doanh tại hệ thống”.
VTC có bài: Thực hư nghi vấn nồi cơm điện Sunhouse là hàng Trung Quốc ‘đội lốt’ hàng Việt. Theo đó, “cộng đồng mạng đang bàn tán về hình ảnh một nồi cơm điện nắp liền SHD-8602, tem của siêu thị ghi thương hiệu Sunhouse, xuất xứ Trung Quốc”, trong khi trên nồi lại dán tem chứng nhận “Hàng VN chất lượng cao”.
Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Sunhouse khẳng định, “chiếc nồi cơm điện này 100% là của Việt Nam, được sản xuất tại nhà máy Sunhouse Việt Nam (Công ty TNHH sản xuất đồ gia dụng Sunhouse thuộc Công ty cổ phần tập đoàn Sunhouse)… đây là sự nhầm lẫn của siêu thị”.
Hình ảnh khiến sản phẩm nồi cơm điện Sunhouse bị nghi ngờ là hàng Tàu “đội lốt” hàng Việt. Ảnh: ANTĐ/VTC
Sai phạm ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội
Hà Nội cách chức bí thư, kỷ luật chủ tịch, phó chủ tịch huyện Phúc Thọ, báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin. Cụ thể, ông Hoàng Mạnh Phú, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ; ông Doãn Trung Tuấn, Phó Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ và ông Nguyễn Việt Liên, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ “đã bị kỷ luật do mắc nhiều sai phạm. Trong đó, ông Hoàng Mạnh Phú bị cách tất cả chức vụ trong Đảng”.
Công an Hà Nội vào cuộc vụ kỷ luật cựu Bí thư Phúc Thọ, theo VOV. Đại tá Nguyễn Văn Viện, PGĐ Công an TP Hà Nội cho biết, Thành ủy Hà Nội vừa giao Công an TP “vào cuộc rà soát, xác minh về những sai phạm trên. Hiện, vụ việc vẫn đang trong quá trình rà soát, kiểm tra. Khi có kết quả, Công an TP Hà Nội sẽ báo cáo và thông tin tới các cơ quan báo chí”.
Trang Nhà Báo và Công Luận đặt câu hỏi: Vì sao Bí thư huyện Phúc Thọ bị cách tất cả chức vụ trong Đảng? Bài báo cho biết, trong thời gian làm Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ, ông Hoàng Mạnh Phú đã có sai phạm nghiêm trọng trong quản lý, để xảy ra vi phạm tại một số dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện. “Có dự án vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, để nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm, trong đó có cán bộ, đảng viên bị khởi tố và bắt tạm giam”.
“Cát tặc” lộng hành
Báo Tuổi Trẻ có bài: 7 tàu chở hàng ngàn tấn cát khai thác lậu trên biển Cần Giờ. Nhóm tàu này cùng hàng chục đối tượng khai thác cát lậu bị cảnh sát hình sự và cảnh sát biển bắt tại khu vực biển Bà Rịa – Vũng Tàu sáng 25/6. Các đối tượng khai, số cát trên là do khai thác trái phép tại khu vực Cồn Ngựa, huyện Cần Giờ, TP HCM.
RFA đưa tin: Người dân lại tập trung đánh trống đòi giải quyết vụ khai thác cát gây sạt lở. Có khoảng 50 người dân đã dựng lều, trải chiếu, đánh trống trước trụ sở UBND xã Đông Khê, tỉnh Phú Thọ, yêu cầu giải quyết dứt điểm tình trạng khai thác cát trái phép tại khu vực này sáng 26/6.
Người dân đánh trống trước trụ sở UBND xã sáng 26/6. Ảnh: Người dân cung cấp cho báo VNE
Lãnh đạo xã Đông Khê đã tìm cách giải thích, nhưng “người dân cho rằng chính quyền địa phương bao che và cố tình không xử lý những trường hợp bị người dân phát hiện đang khai thác cát và được báo cơ quan một tuần trước đó”.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét