Bất chấp cảnh báo của Bắc Kinh, Thủ tướng Nhật nêu chủ đề nhân quyền Trung Quốc tại G20
Thiên Thảo
28-6-2019
Bất chấp các cảnh báo thô bạo của Bắc Kinh, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã không ngần ngại nêu lên chủ đề nhân quyền Trung Quốc và biểu tình Hồng Kông với ông Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka.
Hôm 24/6, Bắc Kinh đã phát loa cảnh báo Trung Quốc không cho phép chủ đề biểu tình tại Hồng Kong được nói đến tại G20 và “không nước nào được can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc”. Phát biểu này của Bắc Kinh đã bị những người biểu tình tại Hồng Kông chỉ trích mạnh mẽ và xem nó là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm né tránh áp lực quốc tế về vấn đề quan trọng này tại G20.
Trong vài tuần qua, những người biểu tình ở Hồng Kông đã tổ chức các buổi mít tinh lớn, trong đó buổi mít tinh “G20 Free Hong Kong“diễn ra vào hôm 26/6 đã thu hút hàng ngàn người tham dự nhằm kêu gọi quan chức các nước gây áp lực lên Bắc Kinh tại Hội nghị thượng đỉnh quốc tế.
Trước thềm G20 tại Osaka, khoảng 40 người đã cầm băng rôn có dòng chữ “Save Hong Kong” (Bảo vệ Hong Kong) và “Protect Hong Kong’s Freedoms” (Hãy bảo vệ tự do của Hồng Kong) gần Trung tâm triển lãm Intex, địa điểm tổ chức G20, vào ngày 27/6. Đây được xem là một nỗ lực trực tiếp kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới chú ý đến vấn đề Hồng Kông.
Trong cuộc gặp tối hôm 27/6 với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhấn mạnh tầm quan trọng của một Hồng Kông tự do và cởi mở dưới hệ thống “một quốc gia, hai chế độ”. Nippon News tường thuật rằng ông Abe đã nhắc đến các cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ gây tranh cãi của Hồng Kông.
Đồng thời, Thủ tướng Abe cũng đề cập đến vấn đề nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và các nhóm khác ở Trung Quốc, ông nhấn mạnh sự cần thiết của việc phải tôn trọng nhân quyền và các giá trị phổ quát của nhân loại.
Ông Abe không phải là nguyên thủ quốc gia duy nhất nêu lên chủ đề Hồng Kông vốn bị Bắc Kinh cho là nhạy cảm. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã được 09 thành viên Nghị viện Đức thúc giục bảo vệ quyền tự trị của Hồng Kông khi bà gặp ông Tập tại G20.
Trong một tuyên bố ngày 27/6, 09 thành viên của Ủy ban Nhân quyền và Viện trợ Nhân đạo thuộc Nghị viện Đức đã yêu cầu bà Merkel nêu lên những quan ngại về việc Trung Quốc đang giết chết dần quyền tự trị của Hồng Kông. “Chúng tôi kề vai sát cánh với những người biểu tình ở Hồng Kông, những người chia sẻ các giá trị của chúng ta về tự do dân sự, dân chủ và pháp quyền”, các thành viên của Ủy ban cho biết.
Các nghị sĩ cho rằng cáo buộc chống lại một số người biểu tình là “dấu hiệu cho thấy các quyền tự do dân sự đang bị hạn chế dần” và nó phải “chấm dứt ngay lập tức”. Bên cạnh đó, họ đã lên án cảnh sát Hồng Kông vì đã bắn đạn cao su và hơi cay chống lại người biểu tình và nhà báo xảy ra hôm 12/6, đồng thời yêu cầu một cuộc điều tra công khai về việc cảnh sát sử dụng vũ lực trấn áp người biểu tình.
Trong một diễn biến khác liên quan, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định rằng Tổng thống Donald Trump sẽ nêu lên chủ đề biểu tình ở Hồng Kông với ông Tập Cận Bình tại G20; cả hai nhà lãnh đạo sẽ có cuộc gặp vào ngày mai 29/6.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét