Môi trường xã hội tạo ra cách hành xử của con người
27-6-2019
Con người ta khi lớn lên, bắt đầu bước những bước chập chững “vào đời” là đã bị cái môi trường đó ảnh hưởng vô cùng to lớn trên cách hành xử của họ. Người ta thường bào chữa bằng câu “Ai sống làm sao, mình sống làm vậy”, thật không sai chút nào. Bởi cái việc “mình sống làm vậy” đó nó thủng thẳng, chậm chạp nhưng chắc chắn, đã bào mòn đi những cái hay, những cái tốt đẹp, mà họ được gia đình luyện tập cho ngay từ thuở mới chập chững biết đi.
Nó cứ từ từ ăn mòn cái suy nghĩ, cái tư duy, cái cung cách sống tử tế mà họ đã từng được đào luyện, như những con sóng đánh vào ghềnh đá liên tục không ngừng nghỉ, cho đến một ngày nó chiếm đoạt hoàn toàn, nó thay đổi hết tất cả những nhận thức của con người trong xã hội đó, mà họ không hề nhận thức ra và họ sẽ xử sự như những con robots không cần suy nghĩ.
Xã hội tốt hay xấu lệ thuộc hoàn toàn vào cái cách sống, vào cái lối sinh hoạt, vào sự suy nghĩ của con người sống trong cái xã hội đó.
Ở các nước Tây Phương, ở Singapore, hoặc ở Nhật, việc ném xuống đường một mẩu rác, là chuyện không thể có, không thể tưởng tượng được, không thể chấp nhận được, vì tất cả mọi người sống trong cái môi trường đó không làm như vậy bao giờ. Việc đứng đái ngoài đường là chuyện ngoài sức tưởng tượng của những con người đang sống và sinh hoạt trong cái môi trường văn minh đó là vậy.
Nhưng ngược lại, những điều kể trên, lại được thấy thật bình thường ở xã hội Việt Nam. Nó bình thường đến độ như mặt trời phải mọc ở hướng Đông hoặc ở Việt Nam thì phải có … Cấm Xả Rác và Cấm Đái Bậy vậy. Sự biến đổi này nó không thể có trong ngày một ngày hai, nhưng nó đã ăn mòn trong suốt 44 năm trời dài đằng đẵng, chậm chạp nhưng chắc chắn, cũng như nó đã phải mất hơn 20 năm trời để người dân miền Nam Việt Nam có được cái cách hành xử văn minh như trước thời 1975 vậy.
Một đứa trẻ ở Mỹ, nếu nó mắc đái đến độ không chịu được và nếu phải chọn, nó thà đái ra quần chứ không bao giờ chịu vạch cu ra đái ở góc đường. Bởi từ nhỏ tới lớn, nó chưa từng thấy ai làm chuyện đó và nó cũng chưa từng làm chuyện đó bao giờ.
Cũng thế, người ở những “xã hội văn minh” họ cùng nhau chung vai sát cánh để tạo ra cái sự trong sáng, cái nét tốt đẹp về cái xã hội mà họ đang sống. Họ không khạc nhổ vì chung quanh không ai khạc nhổ bao giờ. Họ không vất ra đường cho dù một cái tăm nhỏ xíu, vì chung quanh không ai làm thế bao giờ. Họ không chửi thề dù cho chỉ một câu chửi thề nhẹ nhàng nhất vì quanh họ, chẳng ai chửi thề. Họ không “ăn to, nói lớn”, không la hét, không kêu réo, không cãi cọ ồn ào nơi công cộng, vì tất cả mọi người trong cái xã hội đó không làm như vậy bao giờ.
Tất cả những sự kiện, những “thay đổi” đó, nó bắt đầu ở sự giáo dục ngay từ trong gia đình nhưng quan trọng hơn nữa là nó được chuyển tiếp qua sự giáo dục ở học đường và ở ngoài xã hội nơi chúng lớn lên. Tuy nhiên điều quan trọng nhất vẫn là do sự “giáo dục trong việc tôn trọng quyền lợi của người khác”. Nó không đi quá xa với cái câu mà chúng ta đã từng được dậy “Muốn người khác làm cho mình điều gì, thì mình phải làm việc đó cho họ trước đã”.
Khi con người sống ở trong một xã hội, một môi trường mà người này luôn tìm mọi cách để “ăn gian” người khác, để “khôn lanh” hơn người khác, để “tài giỏi” hơn người khác thì chắc chắn sẽ chỉ dẫn đến cái kết quả như cái môi trường sống ở Việt Nam hiện nay. Người ở các xứ sở văn minh họ không hơn dân mình ở điều gì, ngoài cái cách sống và xử sự Công Bằng với nhau. Muốn công bằng đến với mình thì phải công bằng khi đối xử với những người chung quanh trước đã.
Họ không chen lấn, không xô đẩy, không cắt ngang cái hàng mà những người đến trước họ đã phải khổ công đứng chờ trước đó. Đó là nhờ cuộc sống tôn trọng sự Công Bằng. Họ không đứng đái, không xả rác, không khạc nhổ, không ồn ào ở những nơi công cộng, vì họ tôn trọng sự sạch sẽ, tánh lịch sự của cá nhân từng con người đang sống và sinh hoạt ở chung quanh họ. Đó cũng là nhờ cái tinh thần tôn trọng sự Công Bằng, không hơn, không kém.
Nó cũng nằm ở lòng Tự Trọng của từng người trong xã hội mà họ đang sống. Cứ từng người, từng phần tử trong cái xã hội đó, làm hạ lòng Tự Trọng của mình đi và khi mà số đông những người khác ở chung quanh chấp nhận nó, thì lẽ đương nhiên ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm, tất cả những con người sống trong cái xã hội đó sẽ dần dà đánh mất đi và không còn biết Ý Nghĩa của lòng Tự Trọng là gì nữa cả.
Họ không thể nhìn ra được điều này, cho đến một ngày, họ bước vào trong một cái xã hội vô cùng xa lạ khác, dẫn đến những cái nhìn, những ánh mắt khinh bỉ từ những người khác, từ những con người đặt lòng Tự Trọng cao hơn họ, như một chú cá đang sống ở một cuộc sống ao tù vẩn đục, được thả vào một giòng sông nước chảy sạch sẽ mênh mông. Có khi chính chú cá ấy cũng phải bị sốc một thời gian dài trước khi hội nhập được vào cái không khí trong lành ở nơi mới đến này.
NỀN GIÁO DỤC, LÒNG TỰ TRỌNG và LỐI SỐNG CÔNG BẰNG là những điều đóng góp quan trọng để tạo ra cái xã hội văn minh của một dân tộc là vậy.
Trước tiên hết, ÔNG BÀ, CHA MẸ và BÀ CON LỐI XÓM chính là CÁI GƯƠNG LỚN NHẤT, ẢNH HƯỞNG NHIỀU NHẤT trên các thế hệ trẻ.
NẾU KHÔNG BẮT ĐẦU TỪ ĐÓ, THÌ TỪ ĐÂU?
Cổ Ngữ của Phi Châu có câu rất hay “It takes a village to raise a child” nghĩa là “Cần cả một ngôi làng để giáo dục một đứa trẻ” là thế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét