Trump cúi đầu trước những yêu sách về Huawei của Tập Cận Bình ở G20
Tác giả: Gordon G. Chang
Dịch giả: Mai V. Phạm
29-6-2019
Lời dịch giả: Đầu tháng 6/2019, bà Christine Lagarde, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế(IMF) đã cảnh báo những biện pháp đáp trả thuế quan giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ kìm hãm tốc độ tăng trưởng của hai nước, cũng như kinh tế toàn cầu. IMF đã kêu gọi Hoa Kỳ và Trung Quốc chấm dứt “cuộc chiến thương mại” sau khi tính toán rằng, cuộc chiến “ăn miếng trả miếng” sẽ khiến kinh tế thế giới mất khoảng 455 tỷ Mỹ kim.
Một số người Việt vì thiếu hiểu biết tưởng rằng chính sách áp thuế của Trump với Trung Quốc giống như việc Trump dùng “tên lửa” bắn vào Trung Quốc, rằng Trung Quốc sẽ đại bại. Chỉ cần có chút kiến thức kinh tế cơ bản cũng nhận ra rằng, nạn nhân lãnh đủ thiệt hạicủa “trade war” chính là các doanh nghiệp và người tiêu dùng của hai nước, đặc biệt người nghèo.
Trong cuộc họp báo G20 tại Osaka vào hôm thứ Bảy, Tổng thống Donald Trump cho biết, Hoa Kỳ sẽ nối lại việc bán sản phẩm cho Huawei Technologies, nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu Trung Quốc.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã đưa Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, vào Danh sách Đen (Entity List – Đây là danh sách của Bộ Thương mại Hoa Kỳ bao gồm các cá nhân, công ty và tổ chức bị nghi ngờ có khả năng gây hại tới an ninh quốc gia Hoa Kỳ). Do đó, nếu không có sự chấp thuận trước của Cục Công nghiệp và An ninh, thì không một công ty nào của Hoa Kỳ có thể bán hoặc cấp phép cho các sản phẩm và công nghệ của Huawei, vốn được quy định bởi Cơ quan Quản lý Xuất khẩu Hoa Kỳ.
Trong vài tuần gần đây, Bắc Kinh đã yêu cầu chính quyền Trump rút lại quyết định đó. Hôm thứ Năm, báo Wall Street Journal tường thuật rằng, việc rút Huawei ra khỏi danh sách đen là một trong ba điều kiện tiên quyết chính của một thỏa thuận thương mại. Hai yêu cầu khác là dỡ bỏ thuế quan mà Trump đã áp đặt theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974 và chấm dứt những nỗ lực yêu cầu Trung Quốc mua hàng hóa của Mỹ vượt quá những gì đã thỏa thuận vào tháng 12/2018.
Các công ty Mỹ đã bắt đầu tuân thủ lệnh cấm của chính phủ, nhưng Intel, Qualcomm và các nhà cung cấp con chip khác đã vận động chính quyền Trump giảm bớt lệnh cấm đối với Huawei, điều mà các quan chức Mỹ tin rằng có thể đe dọa đến an ninh quốc gia Mỹ. Nhằm ngăn chặn gián điệp Trung Quốc, Washington đang nỗ lực thuyết phục các đồng minh không cài đặt thiết bị của Huawei trong các mạng viễn thông 5G sắp được xây dựng.
Tuy nhiên, Trump đã xóa bỏ những nỗ lực này vào thứ Bảy, bằng cách cho thấy việc đưa Huawei vào danh sách cấm chỉ là một chiến thuật nhằm đạt được lợi thế trong cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc.
Khi trả lời câu hỏi của phóng viên tại cuộc họp báo ở Osaka, Trump từ chối xác nhận rằng, ông sẽ đưa Huawei ra khỏi danh sách cấm và đề cập đến một cuộc họp vào Chủ nhật hoặc thứ Ba về vấn đề này. Tuy nhiên, chính Tổng thống Trump đã nói rõ lúc đầu rằng, chính phủ của ông sẽ bán các dòng sản phẩm công nghệ cao cho Huawei.
Hành vi nhượng bộ Huawei này của Trump cũng tương tự với việc hoãn trừng phạt với ZTE – nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn của Trung Quốc. Trump mô tả hành động đưa ZTE ra khỏi danh sách cấm là một “thỉnh cầu cá nhân” dành cho Tập Cận Bình.
Trong những bình luận ban đầu của mình tại cuộc họp báo ở Osaka, Trump nói rằng, vấn đề của Huawei sẽ được quyết định vào cuối cuộc đàm phán thương mại. Dường như quyết định này có liên quan đến những nỗ lực của chính phủ Hoa Kỳ hồi tháng trước, nhằm ngăn cản Huawei bán thiết bị viễn thông cho các nhà điều hành mạng và liên quan đến việc truy tố hình sự của Bộ Tư pháp đối với bà Mạnh Vạn Châu, CEO của Huawei. Hoa Kỳ đã đệ trình yêu cầu dẫn độ bà Mạnh, người hiện đang bị giam giữ tại Vancouver.
Trump cũng cho biết ông sẽ không áp dụng bất kỳ mức thuế bổ sung nào đối với hàng hóa Trung Quốc. Trước đây, ông từng đe dọa sẽ đánh thuế thêm 325 tỷ đô la vào các sản phẩm Trung Quốc.
Thêm vào đó, Trump nói rằng các cuộc đàm phán thương mại sẽ tiếp tục diễn ra và Trung Quốc đã bắt đầu đồng ý mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ.
Nói tóm lại, những hành động của Trump, như ông ta đã nêu chi tiết tại cuộc họp báo ở Osaka, không có gì bất thường. Rõ ràng đó là dỡ bỏ các hành động nhằm tăng cường an ninh quốc gia, để đổi lấy việc Trung Quốc mua sản phẩm chính của Mỹ.
Tổng thống Mỹ có thể nói ông ta không làm như vậy. Nhưng quá rõ ràng rằng Tập Cận Bình vừa cho cả thế giới thấy ai là ông chủ thực sự, bằng cách buộc người đồng cấp của mình phải đáp ứng các yêu cầu được công bố rộng rãi của Tập.
Dường như Trump vừa đầu hàng Trung Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét