Đặc san số 4 - Dấu ấn suy tư và kỷ niệm với trang web “Bauxite Việt Nam”
Tiêu Dao Bảo Cự
T.D.B.C. Tác giả gửi BVN
Ban Biên Tập trang web Bauxite Việt Nam chủ trương kỷ niệm 10 năm thành lập (2009-2019) và đề nghị cộng tác viên viết bài trong dịp đặc biệt này. Mấy năm nay tạm ngừng bút, đây là cơ hội rất tốt để tôi hồi tưởng lại những gì mình đã tham gia cùng trang web Bauxite Việt Nam. Cũng là cách xem lại những dấu ấn suy tư của mình mà trang web đã chuyển tải, đối chiếu với tình hình hiện nay, một cách ngắn gọn nhất, đồng thời cũng ghi dấu kỷ niệm về một chặng đường, với những người cùng thao thức theo vận nước.
Khi trang talawas đóng cửa năm 2010, tôi đã viết những dòng sau đây để chia tay trang web thân yêu này mà tôi đã cộng tác khá lâu:
“talawas như vì sao chói sáng một thời gian rồi vụt tắt. Như một người tình mãnh liệt đến rồi đi. Cảm giác bàng hoàng hụt hẫng tất nhiên phải có. Nhưng không phải tất cả sẽ chấm dứt. Dư âm, dư ảnh, dư hương của talawas sẽ còn lâu dài. Những tư tưởng talawas chuyên chở sẽ còn thấm thía, đi xa trong lòng độc giả đã đến và sẽ đến với talawas trong tương lai nếu nội dung của nó vẫn còn được lưu giữ. Các tác giả của talawas sẽ tiếp nối hành trình của họ trên những con đường mới. Các website khác cùng mục tiêu với talawas vẫn tồn tại hoặc sẽ tiếp tục ra đời thay thế (như Boxitvn mới xuất hiện chưa lâu, cũng đầy trí tuệ, tâm huyết, tính chiến đấu và mang đậm yếu tố trong nước). Tổ quốc Việt Nam của mọi người Việt Nam và cuộc chiến đấu vì đất nước không của riêng ai”.
“Từ biệt talawas, người tình mãnh liệt đến rồi đi”.
Đà Lạt 20/10/2010
(talawas)
Tôi vẫn tiếp nối cuộc hành trình của mình và Bauxite Việt Nam rõ ràng đã là nơi tiếp sức đúng lúc cho talawas, nơi tôi đặt niềm tin và trao gởi suy tư của người cầm bút trước những vấn đề thời cuộc sát sườn cũng như những vấn đề có tính chiến lược cho cuộc đấu tranh vì một ngày mai tự do cho đất nước.
Trong vài năm liên tục, những bài viết của tôi tập trung vào mấy chủ đề: Vai trò của trí thức, cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược, về phong trào sinh viên học sinh và sự hiệp đồng chiến đấu giữa các thế hệ.
Hai bài viết “Phản biện và phản kháng với trí thức Việt Nam” và “Từ kiến nghị, tuyên cáo đến biểu tình và vai trò của trí thức Việt Nam” góp phần phân tích vai trò của trí thức đối với vận nước trong suốt dòng lịch sử. Đặc biệt trong tình hình hiện nay, trí thức ngày càng dấn thân sâu hơn, mang tính trí tuệ và mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên cho đến nay trí thức vẫn chưa có bước đột phá nào, cũng chỉ chủ yếu là khơi nguồn tư tưởng nhưng chưa có sự tiếp sức từ cuộc sống, từ đám đông, từ các tổ chức để mang lại sức mạnh thật sự dẫn đến thay đổi.
Năm 2007 tôi viết bài “Trung Quốc xâm lược Việt Nam, cơ hội vàng cho Đảng Cộng sản Việt Nam” trên talawas khi Trung Quốc tuyên bố thành lập thành phố Tam Sa bao gồm cả Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và ngày 9/12/2007 nổ ra cuộc biểu tình đầu tiên chống Trung Quốc xâm lược ở Hà Nội và Sài Gòn. Năm 2011, tôi lại viết trên Bauxite Việt Nam “Cơ hội vàng - lần thứ hai cho dân tộc và Đảng Cộng Sản Việt Nam” khi ngày 5/6/2011 lại nổ ra những cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược. Tôi muốn nói việc Trung Quốc xâm lược VN sẽ là dịp rất tốt cho Đảng Cộng sản xem lại đường lối chính trị của mình đối với “ông bạn vàng to xác, xấu tính” để giữ độc lập dân tộc, may ra gây lại niềm tin trong nhân dân và chính nhân dân cũng đoàn kết lại để chống xâm lược như bao lần trong lịch sử. Điều này đã không xảy ra. Tôi lại viết tiếp “Toàn dân nghe chăng??? Sơn hà nguy biến!!!” và những câu hỏi cần lời đáp cho mọi người Việt Nam”. Tôi không tìm được lời đáp rõ ràng từ các thành phần trong xã hội mà tôi đã thử liệt kê, gợi ý.
Đây là vấn đề quan trọng bậc nhất đối với đất nước nhưng tình hình thực tiễn cho thấy vẫn chưa có giải pháp nào hữu hiệu được đồng thuận hay thực thi. Trung Quốc ngày nay không thực hiện các cuộc xâm lăng vũ trang như những lần trước mà bằng sức mạnh mềm và những thủ đoạn nham hiểm độc ác qua chính trị, kinh tế, văn hóa…, trong khi đó nhiều người Việt, cả trong và ngoài bộ máy cầm quyền, nhiều lúc vô tình hay cố ý tiếp tay cho kẻ thù. Phải chăng lịch sử hiện nay là một mớ bùng nhùng lẫn lộn trắng đen, phải trái mà nguy cơ chỉ là một cái gì xa xôi ở đâu đó để người ta có thể thờ ơ không quan tâm đến, chỉ biết chạy theo cuộc sống hàng ngày hay tranh đoạt quyền lực và lợi ích bằng mọi giá, kể cả cái giá độc lập dân tộc.
Là một người xuất phát từ phong trào đấu tranh của sinh viên học sinh ở các đô thị Miền Nam trước đây, nhân một số việc liên quan đến thành phần này, tôi viết ba bài: “Truyền thống phong trào sinh viên học sinh tranh đấu: Khôi phục tinh hoa phẩm chất”, “Góp phần giải mã hiện tượng Lê Hiếu Đằng” và “Từ Ngô Kha, soi rọi và giải mã một thế hệ dấn thân”. Đây là một đề tài có tính cách “nhạy cảm”, dễ gây tranh cãi, khó nói khó viết ngay đối với người trong cuộc, trừ trường hợp của Hạ Đình Nguyên với một bài viết rất thấu tình đạt lý “Suy nghĩ cuối năm – Nhân ngày truyền thống phong trào” năm 2012. Tôi muốn xác định “Xét cho cùng, phẩm chất của phong trào SVHS là trong sáng, nhiệt huyết, yêu nước, chống xâm lược, phản kháng trước bất công áp bức, kêu đòi tự do dân chủ hòa bình, chính là phẩm chất của thế hệ trẻ mọi thời đại, cũng là của con người, công dân một đất nước”. Ngày hôm nay, mới chỉ thấy xuất hiện một số ít cá nhân hay nhóm nhỏ thể hiện phẩm chất này, còn đại bộ phận, một lực lượng rất lớn đã bị khống chế hay lái đi lệch hướng theo chiều tuân phục, vị kỷ, thực dụng. Đây chính là điều nhức nhối và cũng là một lỗ hổng rất lớn trong phong trào đấu tranh cho dân chủ.
Dân chủ hóa đất nước, thoát ra khỏi gọng kềm của chế độ toàn trị, chống lại âm mưu xâm lăng từng bước của Trung Quốc là một sự nghiệp lớn của toàn dân, không phải của riêng ai và không một nhóm nhỏ nào có thể thực hiện được. Tôi đã viết ba bài về chủ đề này: “Sự đoàn kết hiệp đồng giữa các thế hệ trong cuộc đấu tranh dân chủ hóa đất nước trên tầm chiến lược”, “Suy nghĩ về việc kiến tạo sức mạnh dân tộc để dân chủ hóa đất nước” (Từ hiện tượng Nguyễn Đắc Kiên và Lời Tuyên Bố của các Công Dân Tự Do) và “Tình hình Việt Nam hiện nay: Phải chăng “Nhân dân nào chính quyền ấy”?
Đây là một vấn đề chiến lược liên quan đến mọi thành phần dân tộc, gồm nhiều thế hệ, hiện là một vấn nạn, một nan đề rất lớn. Nhiều người phê phán, lên án, kêu đòi Đảng Cộng sản phải thay đổi, xóa bỏ vai trò của Đảng, nhưng nếu chính nhân dân không thay đổi (mà có người đã nói quá lên rằng đó là một nhân dân thờ ơ, bạc nhược, thậm chí đớn hèn), thì nhân dân chẳng có sức mạnh nào để buộc Đảng thay đổi và đưa dân tộc đi tới, vẫn mãi dẫy dụa trong vũng lầy không lối thoát.
Đến nay nhìn lại những vấn đề đã nêu, tình hình hầu như không thay đổi mấy. Đã có sự vận động, chuyển động nhưng cơ bản tình hình vẫn là như thế, vẫn là một đống bùng nhùng chưa có cách gỡ. Có thể nói chưa bao giờ đất nước lại ở trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay. Đó là hậu quả của một quá trình dài gây ra bởi nhiều tác nhân chủ quan và khách quan, trong nước và quốc tế mà mỗi người, dù ở bất cứ vị trí nào, đều có phần trách nhiệm. Tuy vậy, tôi nghĩ chúng ta có thể phiền muộn, thao thức nhưng không nên bi quan vì chính lịch sử cũng đã chứng minh không điều gì, hoàn cảnh nào có thể đứng yên hay tồn tại mãi. Chúng ta chỉ có thể tự hỏi mình đã làm được gì, có thể làm được gì dù lớn dù nhỏ, góp phần cho hôm nay và ngày mai tốt đẹp hơn.
Tôi không biết Ban biên tập Bauxite Việt Nam có bao nhiêu người nhưng khi gởi bài tôi thường trao đổi với các anh Nguyễn Huệ Chi và Hoàng Dũng. Tôi nhận thấy Nguyễn Huệ Chi là một trí thức uyên bác, nhiệt tình, kiên định, ẩn dưới một phong cách điềm đạm, có cách suy nghĩ và diễn đạt các vấn đề thấu tình đạt lý. Nguyễn Huệ Chi cùng với nhiều trí thức khác cũng rất trí tuệ và dũng khí lần lượt xuất hiện trên các diễn đàn xã hội đã giúp tôi đánh tan thành kiến đối với “trí thức Bắc Hà” mà tôi đã nhận định một cách chủ quan khi lần đầu ra Hà Nội vào năm 1988. Lúc đó tôi đã viết trong “Hành trình cuối đông”: “Trí thức thủ đô uyên bác, thâm trầm, nhiều suy tư nhưng hình như một không khí lo ngại, dè dặt, bao trùm sinh hoạt của trí thức, văn nghệ sĩ, thiếu cái gì đó như là sự phóng khoáng, nồng nhiệt.
Và những bàn giấy, những viên chức lạnh tanh, an phận, nét mặt không biểu lộ thái độ khi nghe bất cứ chuyện gì. Những con người đã được tôi rèn đến không còn cảm xúc hay hoàn toàn chế ngự được cảm xúc trong bộ máy hành chính nặng nề ngự trị”.
Tôi quen biết Hoàng Dũng từ lâu. Anh cùng xuất thân từ Đại học Sư phạm Huế và đã từng thực hiện đề tài nghiên cứu về nhóm Việt, nhóm hoạt động văn học nghệ thuật ở Miền Nam từ 1965-1975 mà tôi là thành viên. Ban đầu tôi nghĩ anh chỉ là kẻ tham gia thầm lặng vì tư thế giảng viên đại học đương chức của anh, nhưng dần dần Hoàng Dũng đã tiến ra phía trước, trở thành một trong những trí thức đương chức hiếm hoi trong bộ máy nhà nước dám công khai đấu tranh cho dân chủ. Anh làm việc rất mau lẹ, hầu như bất kể giờ giấc, chỉ vài mươi phút sau khi nhận bài là đã có thể trao đổi lại với tác giả, biên tập đôi chút khi cần và lập tức đưa bài lên mạng.
Qua Bauxite Việt Nam tôi đã học hỏi được rất nhiều điều về đủ mọi vấn đề, kể cả những đề tài đi sâu vào chuyên ngành từ những nhà khoa học, các bậc thức giả, những người thầy, người bạn. Đây chính là một kho trí thức khổng lồ, nơi chuyển tải những luận điểm tiên tiến nhất và luôn rừng rực ngọn lửa yêu nước của những người trí thức chân chính trước những vấn đề thời sự cấp bách và lâu dài.
Một trang web không là gì cả nếu người ta không truy cập tới nhưng nếu trang web đó có sức thu hút lớn, mang lại được điều gì quan trọng trong hành trang tinh thần và sự thức tỉnh của dân tộc, đó chính là một viên đá lót đường vững chắc trên con đường dân chủ hóa và phát triển, một ngọn hải đăng cho những con tàu đang vật vã trên đại dương mênh mông sóng dữ.
15/5/2019T.D.B.C. Tác giả gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét