Vũ Kận Veo - Cố ý làm trái
Đại gia địa ốc Tăng Minh Phụng |
Hẳn nhiều người chưa quên vụ đại án kinh tế Tăng Minh Phụng hồi năm 1997, bị tử hình với các tội danh: lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng. Sau này, nhìn lại vụ án, nhiều chuyên gia kinh tế lẫn pháp luật đều đồng tình rằng ông này chỉ phạm mỗi tội "gian lận tài chính" với mức án cho tội này quá lắm là 10 năm.
Mười năm sau, hàng loạt các báo đều đăng việc thi hành án Tăng Minh Phụng có nhiều biểu hiện khuất tất, mang tính chất cưỡng tình đoạt lý. Khi ra tòa, các giám định viên bất động sản (BĐS) đều thống nhất "mỗi mét vuông đất được tính bằng giá ba cây kem Tràng Tiền" (theo lời luật sư biện hộ cho bị cáo đã thốt lên cay đắng tại tòa). Thực tế, các ngân hàng chủ nợ, sau khi được giao lại các BĐS thi hành án đã lãi hàng chục triệu USD chỉ từ việc cho thuê lại các BĐS ấy.
Còn những tội bị quy vào "cố ý làm trái" thì ngay sau đó, luật sửa đổi, các lỗi ấy chỉ còn là các án dân sự thuần túy. Như vậy, ông Tăng Minh Phụng chết chỉ vì những người làm luật hồi ấy mới ở rừng ra, chưa cập nhật những tiến bộ của thế giới.
Cái từ "quy định" nó như một cái vòng kim cô nhiệm mầu, biến ảo khó lường. Như bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc năm 1967 tổ chức khoán hộ bị coi như kẻ tội đồ phá hoại chủ nghĩa xã hội. Nhưng đến sau này, khi đã xác định nền kinh tế đi theo "kinh tế thị trường định hướng XHCN" thì họ lại tâng bốc đó là sự “xé rào khủng khiếp mà vĩ đại” - lời ông Lê Đức Anh khi ký quyết định truy tặng ông Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Hay như ông Võ Văn Kiệt hồi cuối những năm 1970 đã cố tình làm trái các quy định vay vốn ngân hàng, sản xuất và bán hàng theo thị trường chứ không theo kế hoạch nhà nước, để vực dậy các xí nghiệp. Nếu hồi đó ông thua trong Bộ Chính trị thì chắc ông cũng bị như ông Thăng ngày nay, nhưng may là ông thắng, thế là được tâng bốc thành "bí thư xé rào".
Trở về thực tại, bộ luật hình sự 2015 (thay thế BLHS 1999) vẫn còn điều 165 quy định tội danh "Cố ý làm trái quy định nhà nước". Điều này vẫn còn phảng phất nét rừng rú vì nó rất mơ hồ. Bởi luật là luật, chỉ có tội trái luật chứ không có tội "trái quy định", vì quy định là dưới luật. Nhưng ở VN, luật sẽ không thể thi hành nếu thiếu văn bản hướng dẫn, các nghị định, quy định dưới luật. Nó cũng như giả dụ luật quy định "cấm ị bậy", nhưng nếu chưa có thông tư hay nghị định hướng dẫn thì chưa xử được, vì còn phải chờ thông tư quy định hành vi thế nào mới là "ị" và nếu xác định rồi thì phải chờ nghị định hướng dẫn như thế đã "bậy" chưa thì mới xử được.
Chính vì nó rừng rú vậy, để bớt bị quốc tế chỉ trích, bộ luật hình sự sửa đổi năm 2015 có hiệu lực từ 0 giờ ngày 1.1.2018 đã bỏ tội danh này, và thay vào đó là 9 tội danh khác cụ thể hơn chút đỉnh. Nhưng nếu bỏ đi thì vụ án "Đinh La Thăng và đồng bọn" cũng tan theo mây khói. Điều này giải thích vì sao cơ quan cảnh sát điều tra và Viện Kiểm sát phải phối hợp cùng nhau hoàn tất kết luận, đưa vụ án ra truy tố trong thời gian kỷ lục (9 ngày) để kịp trước thời hạn bộ luật hình sự mới sửa đổi 2015 có hiệu lực.
Chỉ có phường thảo khấu mới luôn phải phụ thuộc vào việc "thắng làm vua, thua làm giặc" để gieo rắc nỗi sợ hãi mơ hồ đặng dễ bề thao túng, đổi trắng thay đen mà chẳng cần luật.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét