Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Tư, 31 tháng 1, 2018

Bản tin tối 30-1-2018


Bản tin tối 30-1-2018

Tin Việt Nam

Tin Biển Đông
Báo Thanh Niên đưa tin: Trung Quốc đưa nhiều máy bay vận tải quân sự ra đá Chữ Thập. Bài viết dẫn tin từ trang Sohu.com, rằng: “Một loạt hình ảnh cho thấy một số lượng lớn máy bay vận tải quân sự Y-7 của Trung Quốc ngang nhiên xuất hiện phi pháp tại đá Chữ Thập trên Biển Đông”.
Tác giả cho biết thêm: “Tổng diện tích công trình phi pháp trên đá Chữ Thập lên tới 11 ha với nhà chứa máy bay, công trình ngầm có thể trữ đạn dược, trạm radar tần số cao, nhà chứa tên lửa”.
Báo Người Lao Động có bài: Tại sao Trung Quốc không phản đối tàu sân bay Mỹ thăm Đà Nẵng? Theo đó, ông Gregory B. Poling, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á và Nghiên cứu sinh Chương trình Đông Nam Á thuộc CSIS của Mỹ, phân tích rằng: “Rõ ràng chính quyền Bắc Kinh rất khó có thể đưa ra một động thái, phản ứng quá gay gắt hay quá căng thẳng trước một chuyến thăm hết sức thông thường như vậy”.
Quan hệ Việt – Mỹ
Báo Thế Giới Và Việt Nam bàn về đối thoại Chính trị – An ninh – Quốc phòng Việt Nam – Hoa Kỳ lần thứ 9. Theo bài viết, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Hà Kim Ngọc và Phó Trợ lý Ngoại trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bà Tina Kaidanow đã “ghi nhận những tiến triển tích cực mà hai nước đã đạt được kể từ khi xác lập quan hệ Đối tác toàn diện vào năm 2013; khẳng định năm 2017 tiếp tục là một năm thành công trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ”.
Bên cạnh đó, “hai bên trao đổi về tình hình Biển Đông và tái khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, thương mại không bị cản trở tại Biển Đông, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình”.

tin nhap 20180130181552
Toàn cảnh buổi đối thoại. Ảnh: TG&VN

Báo Người Việt đặt câu hỏi: Việt Nam sắp mua nhiều loại vũ khí của Mỹ?Trong bài có đoạn: “Một phần, Việt Nam có ngân sách quá nhỏ bé về an ninh quốc phòng. Phần khác, lại còn phải ngó chừng về phương Bắc, không muốn cái ông bạn khổng lồ ‘16 chữ vàng’ nổi giận và trả thù. Vũ khí của Mỹ tuy tối tân nhưng mua mới lại quá đắt. Hà Nội nhiều phần chỉ tính tới chuyện mua các loại trang bị ‘cũ người mới ta’ cho họp với khả năng tài chính”.
Báo Đầu Tư đặt câu hỏi: Hoa Kỳ thực hiện Luật cải cách thuế mới tác động thế nào đến Việt Nam? Theo đó, “Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu các vấn đề Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ khuyến nghị về thuế và đầu tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/3/2018”.
Bài báo cho biết thêm về chuyện “rà soát các sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ, nhất là các sản phẩm có hàm lượng nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc để có cảnh báo, khuyến nghị các doanh nghiệp khi Hoa Kỳ áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm này”. Các lãnh đạo CSVN vẫn tin rằng lời “cảnh báo” của họ có trọng lượng, khi Hoa Kỳ đã áp thuế chống phá giá đối với thép Việt Nam có xuất xứ Trung Quốc
Vụ án Phạm Công Danh, Trầm Bê
VOV đưa tin: Đại án Phạm Công Danh: Tiếp tục phần tranh luận của các luật sư. Trong phiên xử sáng nay, LS Lê Thị Tường Vy “hoàn toàn không đồng tình quan điểm của VKS trong việc yêu cầu 3 ngân hàng BIDV, Sacombank, TPBank trả tiền cho Ngân hàng Xây dựng vì không phản ánh đúng vụ án và không phù hợp với các quy tắc kinh tế”.
Theo bà Vy, NHNN đã xác định “những giao dịch cầm cố tiền gửi giữa Sacombank và Ngân hàng Xây dựng là đúng quy định. Giao dịch đã hoàn tất 4 năm và không bên nào có ý kiến gì. Vì vậy Sacombank không phải trả tiền như đề nghị của Viện kiểm sát”.

dai an pham cong danh tiep tuc phan tranh luan cua cac luat su hinh 1
Bị cáo Trầm Bê được dẫn giải tại tòa. Ảnh: VOV

Báo Đất Việt đặt câu hỏi: Vụ Phạm Công Danh: Ngân hàng cho vay đúng quy định? Bài báo trích dẫn ý kiến của LS Vương Công Đức, cho rằng, “không có lý do gì để yêu cầu BIDV, Sacombank, TPBank trả tiền cho VNCB như đề nghị của VKS, đồng thời đề nghị VKS đối đáp về vấn đề này”.
Tác giả lưu ý, “các bị cáo Phạm Công Danh, Phan Thành Mai và Mai Hữu Khương đồng loạt đề nghị HĐXX xem xét thu hồi số tiền 4.500 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Riêng bị cáo Danh khẳng định số tiền 4.500 tỷ đồng hoàn toàn là vật chứng”.
Báo Đất Việt bàn về hành trình lòng vòng của hàng ngàn tỷ nợ cũ của Phạm Công Danh. Theo bài viết, “trước khi gặp Hứa Thị Phấn, Phạm Công Danh đã mắc nợ hơn 4.500 tỷ đồng với các giao dịch hết sức phức tạp”, sau khi tiếp nhận Ngân hàng TrustBank, vốn đã bị bà Phấn rút ruột“tại phiên tòa… Phạm Công Danh không khai gì về các khoản này, mà luôn đánh lạc hướng để biến mình thành ‘nạn nhân’.”
Tác giả cho biết thêm: “Trong tổng số hơn 20.000 tỷ đồng được rút ra từ các hành vi phạm tội trong vụ án ở cả giai đoạn 1, giai đoạn 2, Phạm Công Danh sử dụng trả nợ cá nhân, nợ của Tập đoàn Thiên Thanh, chi tiêu không rõ địa chỉ gần 8.000 tỷ đồng”.
Báo VietNamNet đặt câu hỏi: Đại gia Hứa Thị Phấn vẫn mạnh khỏe, minh mẫn? Theo tin từ Cơ quan điều tra, “khi tới lấy lời khai bà Sáu Phấn ‘luôn ở tình trạng khó tiếp xúc, gọi hỏi không trả lời’, nhưng kỳ lạ là bà ta vẫn có thể ký vào Đơn tố cáo, Đơn kiến nghị và cả Đơn kháng cáo trong vụ án Oceanbank”
Bài báo cho biết thêm: “Hứa Thị Phấn chính là nguyên nhân đẩy Phạm Công Danh, Trầm Bê và 44 bị cáo trong đại án Phạm Công Danh giai đoạn II, đang được TAND TP.HCM xét xử vào vòng lao lý”, trước khi đẩy TrustBank vào tay ông Danh, bà Phấn đã rút ruột ngân hàng này, từ đó tạo nên sự sụp đổ tài chính của Ngân hàng VNCB.
Công an “nhân dân”
Trang Infonet đưa tin: Công an công khai tên người mua bán dâm ở khu vực đông dân cư gây tranh cãi. Theo bài viết, “ngày 30/1, trên facebook lan truyền 1 clip dài ghi lại cảnh Công an thị trấn Dương Đông (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) công bố công khai quyết định xử phạt người mua bán dâm” ngay giữa đám đông, chỗ đường Cách Mạng Tháng Tám, khu phố 10, thị trấn Dương Đông.
Hình ảnh những phiên “đấu tố” thiếu nhân tính của thế kỷ trước đã được tái diễn bởi viên công an “nhân dân”: “Một chiến sĩ công an cầm giấy đọc rõ tên, tuổi, quê quán và vi phạm việc mua bán dâm của toàn bộ những người mua, bán dâm trước đông đảo người lớn, trẻ em”.

Người mua, bán dâm bị công an xã Dương Đông, Phú Quốc làm nhục. Ảnh: internet

Báo Tuổi Trẻ viết: Công an ‘bêu tên’ người mua bán dâm giữa đường?Bài viết dẫn lời LS Phạm Công Hùng, cựu thẩm phán TAND tối cao, nhận định rằng, chuyện “công khai danh tính của người vi phạm hành vi mua bán dâm trước đông đảo người dân như vậy là triệt buộc con đường hoàn lương của người vi phạm”.
Ông Hùng nói thêm: “Có thể hình thức xử phạt là nhẹ nhưng sự miệt thị của cộng đồng là rất lớn, có thể dẫn đến những hậu quả rất lớn về mặt tâm lý, về mặt xã hội. Có thể vì chuyện này mà gia đình họ tan nát, con cái mặc cảm không dám đến trường”.
Chuyện làm luật ở Việt Nam
LS Nguyễn Tiến Lập bàn về cải cách và hệ lụy từ Bộ luật Dân sự 2015. Về “sự dị biệt, không rõ ràng trong pháp luật Việt Nam và hậu quả”, tác giả cho rằng: “mục đích công nhận pháp nhân không rõ ràng, cho nên cũng là doanh nghiệp một chủ sở hữu nhưng công ty TNHH một thành viên được Luật Doanh nghiệp xác định là pháp nhân, trong khi doanh nghiệp tư nhân với các đặc tính về tổ chức, tài sản và hoạt động tương tự thì lại không”.
“Thành quả” từ chuyện “cải cách” BLDS 2015 là: “Các hệ lụy không đáng có cho đời sống xã hội nói chung và việc thực thi pháp luật nói riêng”, “nhờ” cách làm luật “được tiến hành đơn lẻ, thiếu tính tổng thể và đồng bộ” từ bộ máy lập pháp do Đảng Cộng sản kiểm soát ở Việt Nam.
Người dân và “dự án”
Báo Nông Nghiệp Việt Nam có bài: Thất vọng Dự án kè sông Hồng chưa bàn giao đã sụt, nứt. Tác giả dẫn thông tin từ đơn tố cáo của người dân “liên quan đến dự án xử lý cấp bách chống sạt lở bờ hữu sông Hồng tại vị trí K26+00 – K26+600 đê hữu Hồng thuộc địa bàn xã Cam Thượng thi công ẩu, không đảm bảo chất lượng”.
Ông Trịnh Minh Tám, ở thôn Thịnh Thôn, xã Cam Thượng, nhận định về tình hình thi công, rằng: “Cứ cào chỗ nọ đắp chỗ kia. Thậm chí rác rưởi vẫn ở dưới, phía trên lấp đất đen lên. Tôi không hiểu về kỹ thuật, nhưng làm như vậy là không đảm bảo. Thậm chí, có đoạn kè đã bị rịa. Trong khi đó, con nước đang thúc sang bờ hữu, tôi e rằng khi đơn vị thi công rút đi thì bờ kè sẽ trôi xuống sông tất cả”.

Hoàng Mai - Hà Nội: Dân mất ngõ đi vì dự án Khu đô thi mới Đại Kim.
Người dân căng băng rôn phản đối việc chủ đầu tư dự án KĐT mới Đại Kim rào đường, quây tôn ngõ 168 Kim Giang. Ảnh: TN&MT

Báo Tài Nguyên Và Môi Trường đưa tin: Hoàng Mai – Hà Nội: Dân mất ngõ đi vì dự án của liên doanh Hacinco và Vimedimex. Theo bài báo, “chỉ sau một đêm, nhiều người dân ngõ 168 Kim Giang bất ngờ khi thấy con ngõ đi lại lâu nay đã được quây tôn để phục vụ dự án Khu đô thị mới Đại Kim”. Người dân ở đây đã phải “căng băng rôn, khẩu hiệu và lập lán trại để phản đối, ngăn chặn chính quyền địa phương và chủ đầu tư”.
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Tổ trưởng Tổ dân phố 31, phường Đại Kim, chia sẻ rằng: “Người dân rất bức xúc vì chính quyền phường nói một đằng làm một nẻo, thông báo chủ đầu tư sẽ thực hiện quây tôn lúc 7h sáng ngày 19/01/2018, nhưng lại làm lúc 2h đêm”. Vậy là chính quyền địa phương và chủ đầu tư đã chọn thời điểm hành động giống như phường trộm cướp.
Ô nhiễm môi trường ở Việt Nam
Trang Khám Phá đưa tin: 98% người dân Việt Nam phơi nhiễm bụi mịn vượt khuyến cáo WHO. Bài báo dẫn tin từ Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (Green ID), xác nhận trong hội thảo “Chất lượng không khí năm 2017: Hiện trạng và giải pháp”, được tổ chức hôm nay ở Hà Nội. Theo đó, chỉ số chất lượng không khí (AQI) “tại TPHCM có 14 ngày vượt quá quy chuẩn quốc gia và 222 ngày vượt quá tiêu chuẩn của WHO” về ngưỡng an toàn.
Bà Nguyễn Thị Anh Thư, đại diện nhóm nghiên cứu của Green ID, chia sẻ thông tin từ nghiên cứu của WHO: “Ở Việt Nam, có đến 98% dân số đang bị phơi nhiễm với nồng độ bụi PM2.5 (bụi mịn) cao hơn mức khuyến cáo của WHO. Cũng theo WHO, các bệnh tim mạch và đột quỵ là những nguyên nhân phổ biến nhất gây nên tử vong sớm có liên quan đến ô nhiễm không khí”.

98% người dân Việt Nam phơi nhiễm bụi mịn vượt khuyến cáo WHO - 2
Mù khô do ô nhiễm không khí trong những ngày đầu năm 2018 tại TP.HCM. Ảnh: Sở TNMT TP.HCM/KP

Trang Infonet có bài: Quảng Bình: Nguy cơ nhà máy chế biến gỗ uy hiếp 2 hồ nước sạch. Theo bài viết, dự án xây dựng “nhà máy gỗ dăm tại xã Sơn Lộc (huyện Bố Trạch)” của Công ty Thuận Đức có thể “gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ảnh hưởng đến nguồn nước tại hồ chứa nước Vực Sanh và hồ chứa nước Cửa Nghè”, là hai hồ nước đang “cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất, canh tác và chăn nuôi cho hơn 5.000 hộ dân địa phương”
Tác giả cho biết, từ tháng 6/2016, người dân thôn 8, xã Hạ Trạch đã phát hiện dự án xây dựng nhà máy gỗ tại “xã Sơn Lộc, đầu nguồn và cách hồ Vực Sanh khoảng 3km”. Người dân địa phương đã “gửi đơn kiến nghị đến cơ quan, ban ngành tỉnh đề nghị xem xét dừng dự án”. Từ đó đến nay, các cấp lãnh đạo chỉ can thiệp bằng… công văn, người dân xác nhận “trong những ngày qua… luôn có công nhân làm việc xây dựng cho dự án này”.

Hồ Vực Sanh, nơi cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho hơn 5.000 hộ dân đang có nguy cơ ô nhiễm bởi nhà máy chế biến gỗ. Ảnh: Infonet

ANTV bàn về nỗi khổ sống bên dòng sông Đáy ô nhiễm. Bài báo cho biết: “Tình trạng nguồn nước sông Đáy bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhưng người dân vẫn buộc phải sử dụng để tưới rau, cấy lúa, bởi họ không còn sự lựa chọn khác. Không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng rau màu mà vấn đề căn cơ nhất đó là ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe”
“Thành tựu” giáo dục ở Việt Nam
Thầy giáo Nguyễn Minh Thanh phân tích: Chúng ta giờ thua cả Lào, Campuchia về trường Tư thục. Trong bài có đoạn: “Thử ngoái nhìn vào hai quốc gia trình độ phát triển kinh tế đến thời điểm hiện tại thấp hơn Việt Nam là Lào (khoảng 30% sinh viên theo học tại các Đại học tư thục) và Campuchia (khoảng 60%) để thấy tỉ lệ sinh viên theo học Đại học tư thục cao hơn chúng ta rất nhiều”.
Tác giả đặt câu hỏi: “Không lẽ mô hình Đại học tư thục phát triển trên thế giới một cách mạnh mẽ và góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách quốc gia, nhiều Đại học tư thục tinh hoa phát triển được mà chúng ta không làm được?”

Số lượng trường và sinh viên Đại học tại một số nước trong khu vực châu Á. Ảnh do thầy Nguyễn Minh Thanh cung cấp cho báo GDVN

Cô giáo Phan Tuyết viết: Xin Bộ trưởng hãy cho dừng ngay kiểu tích hợp cơ học này. Cô Tuyết viết: “Khối lớp 8, lớp 9 chỉ có 18 tiết Lý, Hóa và Sinh chiếm tới 70 phút nên việc phân công giáo viên dạy để đảm bảo lượng kiến thức hài hòa giữa ba phân môn tạo thuận lợi cho việc kiểm tra, thi là khá khó khăn”
Bài viết dẫn lời một giáo viên giấu tên, chia sẻ: “Nếu chỉ cần nhìn sách giáo khoa đọc cho trò chép, sách nói gì mình nói lại thôi thì giáo viên sẽ dạy được hết. Nhưng để dạy sâu, dạy kĩ, dạy cho học sinh hiểu đúng vấn đề thì khó lắm. Điều này chỉ có giáo viên đơn môn mới có thể đáp ứng”.

Hình minh họa. Ảnh: VTV/GDVN

Báo Giáo Dục Việt Nam có bài: Nâng tuổi hưu, sẽ có nhiều giáo viên “hy sinh” ngay trên bục giảng? Tác giả bàn về hệ lụy mà ngành giáo dục phải hứng chịu nếu đề xuất tăng tuổi hưu để cứu quỹ bảo hiểm xã hội được thông qua, rằng: “Đây là một đề xuất mà nếu được thông qua thì sẽ là một ‘thảm họa’ đối với giáo viên trực tiếp đứng lớp”.
Bởi vì: “Giáo viên cống hiến tới khi về hưu như hiện nay là nữ đủ 55 tuổi, nam 60 tuổi là trung bình khoảng 35 năm cống hiến là đã quá sức chịu đựng của giáo viên trực tiếp đứng lớp”.
Người dân vs BOT
Báo Thanh Niên bình luận: Dân thất vọng vì ‘chủ BOT’ thất hứa. Theo bài viết, “cuối năm 2017, Công ty CP Tasco – chủ đầu tư Trạm thu phí BOT Mỹ Lộc tại Nam Định, đã thống nhất với tỉnh này từ 1/1/2018 sẽ thực hiện giảm phí tại Trạm”. Tuy nhiên, PV báo Thanh Niên xác nhận rằng, “trạm thu phí này vẫn giữ nguyên mức giá như cũ”.
Tài xế Nguyễn Văn Hải chia sẻ rằng: “Tôi đi khắp Bắc Nam, nhưng chưa thấy ở đâu thu 35.000 đồng trở lên cho khoảng 30 km đường, nếu giảm cũng còn khoảng 30.000 đồng/lượt, vẫn là quá cao”.
Chuyện thầy Tây “xúc phạm” Đại tướng
Báo Lao Động đưa tin: Sẽ đề nghị công an vào cuộc nếu Daniel Hauer không đến làm việc theo giấy mời. Theo bài báo, ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng PTTH – TTĐT khẳng định: “Nếu chiều 30/1, thầy giáo người Anh Daniel Hauer vẫn không lên làm việc theo giấy mời của Bộ Thông tin và Truyền thông về những phát ngôn vi phạm pháp luật trên mạng xã hội, cơ quan quản lý sẽ nhờ công an vào cuộc”.
Gần 5 giờ chiều nay, báo Lao Động cập nhật: Ông Daniel Hauer đã đến Bộ TTTT làm việc sau buổi sáng vắng mặt. Tác giả cho biết: Hiện tại, ông Daniel Hauer đang có mặt tại Cục PTTH – TTĐT “để làm việc về phát ngôn đề cập tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tuyển U23 Việt Nam khiến dư luận phẫn nộ”.
Báo Thanh Niên viết: Ông Dan Hauer muốn đến xin lỗi gia đình đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng PTTH – TTĐT chia sẻ rằng: “Ông Dan nói vì thói quen đùa vui cợt nhả của người Mỹ, tuy sinh sống tại Việt Nam đã 5 năm, lấy vợ Việt nhưng vẫn giữ thói quen này, vô tình xúc phạm đến danh nhân Việt Nam. Người phản ứng đầu tiên chính là vợ ông Dan – một phụ nữ Việt Nam cũng là người rất kính trọng Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.

Vợ chồng Daniel Hauer xin được thắp hương xin lỗi Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh 1.
Ông Daniel Hauer tại buổi làm việc. Ảnh; TTVN

Vụ mặc bikini đón đội tuyển U23 của Vietjet Air
Báo Người Đưa Tin viết: Vietjet Air bị phạt 40 triệu đồng vì để người mẫu mặc bikini lên máy bay. Sau khi “Thanh tra bộ VHTTDL thống nhất chuyển vụ việc người mẫu mặc bikini trên máy bay của hãng Vietjet Air (VJA) đón đội U23 Việt Nam đến Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam xử lý vi phạm trong lĩnh vực hàng không dân dụng”, chiều nay, “cục Hàng không Việt Nam đã quyết định phạt hành chính đối với hãng hàng không Vietjet”.
Bài báo cho biết: “Đối với tổ chức: Xử phạt vi phạm hành chính đối với VJA, mức phạt 40 triệu đồng theo điểm c, khoản 6, Điều 22 (Quyết định số 01/QĐ-XPVPHC ngày 29/01/2018 của Chánh thanh tra Cục Hàng không Việt Nam)”.
***

Tin quốc tế

Tình hình nước Mỹ
VOV đưa tin: Mỹ thông báo dỡ bỏ lệnh cấm người tị nạn với 11 quốc gia. Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ, bà Kirstjen Nielsen cho biết, Mỹ sẽ dỡ bỏ lệnh cấm nhận người tị nạn từ 11 quốc gia, thay vào đó là các biện pháp an ninh bổ sung. Lệnh cấm trước đây nhằm hạn chế công dân 11 nước, gồm 10 nước có đa số người Hồi giáo và Bắc Hàn, đến Mỹ tị nạn.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa, bà Susan Collins nói với đài CBS: Quốc Hội có thể đạt được thỏa thuận di trú lưỡng đảng. Theo bà Collins, hiện các nhà lập pháp lưỡng đảng đang thảo luận về vấn đề nhập cư, trong đó có việc bảo vệ những người thuộc diện DACA. Bà Collins cho biết thêm, bà đã nói chuyện với ông Trump. Bà cho rằng khi biết ông Trump muốn gì, sẽ là điều “rất có ích” cho các cuộc thảo luận ở Quốc hội.
Mỹ và thế giới
Mới đây, Mỹ đưa cả Chính phủ Nga vào ‘Danh sách Kremlin’. Danh sách Kremlin (còn gọi là Danh sách Putin), do Bộ tài chính Mỹ đưa ra, trong đó liệt kê hàng loạt quan chức cao cấp và giới tài phiệt Nga. Danh sách này được lập ra theo kế hoạch, nhằm chuẩn bị trả đũa cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016.
Rất nhiều quan chức cấp cao Nga có mặt trong “Danh sách Putin”, tổng cộng 210 cái tên được công bố như: Thủ tướng Dmitry Medvedev, các phó Thủ tướng, Ngoại trưởng Sergey Lavrov cùng tất cả các bộ trưởng và nhiều quan chức cao cấp khác. Tuy vậy, phía Mỹ cho rằng, danh sách trên chỉ nhằm mục đích đe dọa mà không cần trừng phạt thêm Nga.
Ngày 29/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Heather Nauert nói: “Chỉ đe dọa trừng phạt (Nga) là đủ và không cần hành động thêm nữa“. Tuyên bố không trừng phạt thêm Nga của Nhà Trắng đã làm dư luận hết sức nghi ngờ. Công luận Mỹ cho rằng, ông Trump hoặc đang giấu diếm điều gì đó, hoặc không xem xét mối đe dọa từ Nga một cách nghiêm túc. Những cáo buộc về việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016, đã nhiều lần bị ông Trump lờ đi hoặc tìm cách giảm nhẹ.
Trang Soha có bài phân tích: Chính sách của ông Trump tạo ra “ngòi nổ” ở châu Á?. Theo bài viết, chính sách đối ngoại không rõ ràng của Mỹ dưới thời TT Trump, đặc biệt là chính sách ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương, có thể gây ra những hậu quả thảm khốc. Tác giả tập trung phân tích hai khía cạnh “mất ổn định chiến lược” và “đánh mất niềm tin“, trong chính sách đối ngoại mập mờ của Trump ở châu Á- Thái Bình Dương.
Với những chính sách của Mỹ như, rút khỏi TPP, đưa ra các chính sách quá cứng rắn mà kết quả không có, không nhất quán, thay đổi liên tục, không có chiến lược lâu dài. Ngoài ra, Mỹ cũng đánh mất niềm tin từ các đồng minh thân cận, cũng như niềm tin và sự ủng hộ từ các nước trung lập hay thậm chí kẻ thù, về các vấn đề mang tính toàn cầu. Theo các phân tích, rất khó để đánh giá sự “mất mát” của Mỹ ở châu Á- Thái Bình Dương trong năm đầu trên cương vị TT Mỹ của Trump. Bài viết kết thúc: “Chỉ một tai nạn vượt qua kiểm soát có thể sẽ ‘ném đi mọi thứ‘ (ở châu Á)”.
Bá quyền Trung Quốc
Báo Công an TPHCM dẫn nguồn từ BBC đưa tin: Giám đốc CIA: Cũng như Nga, Trung Quốc là mối đe doạ lớn. Ông Mike Pompeo, người đứng đầu CIA cho rằng, Trung Quốc tạo ra dấu ấn ảnh hưởng ngày càng lớn lên thế giới phương Tây vượt qua hẳn cách thức mà Nga đang làm. Theo quan chức này, ngoài Nga thì Trung Quốc cũng là mối đe dọa lớn, thậm chí lớn hơn mối đe dọa từ Moscow.
Giám đốc CIA nói: “Chúng tôi đang tập trung giám sát những hành động ăn cắp thông tin về Mỹ của họ (Trung Quốc)… Giờ đây chúng tôi đang chứng kiến những nỗ lực gây ảnh hưởng của Trung Quốc ở các trường học, bệnh viện, hệ thống y tế, thông qua hoạt động hợp tác đầu tư ở Mỹ cũng như nhiều nơi khác trên thế giới bao gồm ở châu Âu và Anh”. Bắc Kinh chưa có phản ứng về phát biểu này.
TTXVN đưa tin: AU tố cáo Trung Quốc xâm nhập vào hệ thống máy tính tại trụ sở chính. Bài viết dẫn nguồn từ nhật báo Le Monde của Pháp phát hành ngày 29/1. Theo bài viết, Liên minh châu Phi (AU) đã tố cáo Trung Quốc cài các máy nghe lén, xâm nhập hệ thống máy tính của tòa nhà Addis Ababa (trụ sở AU) ở Ethiopia để đánh cắp thông tin và truyền về máy chủ ở Trung Quốc.
Bắc Kinh là “nhà tài trợ” 200 triệu USD và là nhà thầu chính trong xây dựng, cung cấp các thiết bị cho tòa nhà trụ sở chính của AU. Việc Trung Quốc đánh cắp thông tin ở đây đã được phát hiện trước đó khá lâu. Tuy nhiên, với “vai vế” của Bắc Kinh, sự việc bây giờ mới được AU công bố. Phía Trung Quốc đã chính thức bác bỏ tin này. Việt Nam cũng có vài tòa nhà thuộc chính phủ do vốn và các nhà thầu Trung Quốc xây dựng, đơn cử như tòa nhà mới của Bộ Công an.
Tình hình Trung Đông
Ngày 29/1, Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố: Israel đủ khả năng “tự bảo vệ mình” trước Iran. Ông Netanyahu đưa ra tuyên bố cứng rắn này trong cuộc gặp TT Nga Putin tại Moscow. Việc Iran xây dựng một “căn cứ quân sự lớn chưa từng có” với 82.000 tay súng cực đoan ở Syria, nhằm đe dọa Israel, Thủ tướng Netanyahu cho rằng, nước này sẵn sàng tự hành động để bảo vệ mình.
Báo Tiền Phong có bài: Tướng Mỹ đáp trả yêu cầu rút quân khỏi Manbij của Thổ Nhĩ Kỳ. Trước việc Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Mỹ rút quân “ngay lập tức” khỏi thành phố Manbij, miền bắc Syria, Tướng Joseph Votel của quân đội Mỹ tuyên bố: “Việc rút quân khỏi Manbij không phải là điều mà chúng tôi hướng đến”.
Những kẻ không mời ngăn cản lịch sử Syria sang trang, là tựa đề bài viết trên báo Đất Việt. “Những kẻ không mời” mà tác giả nhắm đến ở đây là sự hiện diện của Mỹ và đồng minh ở Syria. Bài viết phân tích nhiều sự kiện diễn ra ở Syria trong thời gian qua, trong đó có sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd ở Afrin, hay việc Mỹ bảo vệ những người đối lập Syria, đòi TT Bashra al-Assad phải từ bỏ quyền lực độc tài.
Tác giả cho rằng, Mỹ và đồng minh cổ vũ làn gió Mùa Xuân Ả-Rập, quyết lật đổ chính quyền hợp pháp tại Syria. Ngoài ra, bài viết cũng quy trách nhiệm cho Mỹ “quyết gây chia rẽ xã hội Syria, nhằm chia tách đất nước Syria“. Với những luận điểm bảo vệ Nga và chế độ độc tài Assad, phản đối, lên án Mỹ và đồng minh, báo Đất Việt đổ vấy mọi trách nhiệm của Moscow gây ra sang phía “đế quốc Mỹ”.
***
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét