Hồ sơ FBI của kẻ “phản động” Martin Luther King, Jr.
By
Posted on 15/01/2018
35 năm qua, hằng năm vào ngày thứ Hai của tuần thứ ba trong tháng Giêng, người Hoa Kỳ có một ngày lễ toàn liên bang để vinh danh ngày sinh của nhà hoạt động dân quyền nổi tiếng, Mục sư Martin Luther King, Jr. Thế nhưng ít ai biết rằng, khi còn sống, ông đã bị chính quyền – đặc biệt là Cục Điều tra Liên bang (FBI) – theo dõi và giám sát chặt chẽ vì những hoạt động đấu tranh chống phân biệt chủng tộc và phản đối chiến tranh Việt Nam.
Năm 1976, một ủy ban điều tra của Quốc hội Hoa Kỳ (Ủy ban điều tra 1976) đã tổ chức hàng chục buổi điều trần tại Thượng viện dưới sự lãnh đạo của Thượng nghị sỹ Frank Church. Ủy ban này đã được thành lập với mục đích làm rõ toàn bộ “cuộc chiến” giữa cơ quan FBI và Mục sư King trải dài suốt gần hai thập kỷ.
Những báo cáo do ủy ban đưa ra đã khiến công luận sửng sốt về những phương pháp theo dõi người dân bất hợp pháp, như lén ghi âm các cuộc điện đàm và cài cắm gián điệp vào các tổ chức dân sự, đã được cơ quan điều tra liên bang hàng đầu thực hiện trong hai thập niên 1950 và 1960.
Trong bối cảnh lịch sử của cuộc Chiến tranh Lạnh giữa Hoa Kỳ và khối Cộng sản quốc tế ở thời điểm đó, những hoạt động xã hội của Mục sư King khiến cho ông bị FBI nghi ngờ là một kẻ thân Cộng và là một người cổ xúy cho các giá trị của chủ nghĩa xã hội. Và mặc dù không có căn cứ pháp lý, nhưng Giám đốc FBI khi đó, J. Edgar Hoover, vẫn kiên quyết tiến hành theo dõi King.
Hoover đã nắm quyền lãnh đạo cơ quan FBI liên tục trong vòng 48 năm. Suốt quá trình đó, hồ sơ về Martin Luther King, Jr. do Hoover trực tiếp chỉ đạo được xem là một trong những tai tiếng lớn nhất trong lịch sử FBI.
Bắt đầu từ cuối thập niên 1950, FBI bắt đầu mở hồ sơ về các hoạt động xã hội của Martin Luther King Jr. và đặt chuyên án này vào chương trình điều tra về “Các vấn đề chủng tộc” (Racial Matters).
Những thông tin về hoạt động cổ xúy dân quyền của King đều bị thu thập. Việc này được FBI thực hiện như là một phần của một chiến dịch lớn và bao gồm rất nhiều cá nhân và tổ chức có các hoạt động về “lĩnh vực chủng tộc” (racial field).
Đến năm 1962, FBI lại mở thêm một chuyên án riêng đối với “đối tượng” Martin Luther King, Jr. nằm trong chương trình COMINFIL. Chương trình COMINFIL được phép điều tra những cá nhân và tổ chức xã hội chính thống tại Hoa Kỳ bị tình nghi là đã có người Cộng sản xâm nhập.
Theo một báo cáo của tổ chức Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) thực hiện năm 2002 thì việc cáo buộc Mục sư King có liên quan đến người Cộng sản là hết sức nực cười, vì King luôn phê bình rất nghiêm khắc tư tưởng của Marx trong các tài liệu của mình. Hơn thế, toàn bộ hồ sơ mà FBI đã thu thập về Mục sư King cũng chẳng đưa ra được bất kỳ bằng chứng gì để cho thấy King và những tổ chức của ông – ví dụ như Hội đồng Lãnh đạo Cơ đốc giáo Miền Nam (SCLC) – có liên quan đến Quốc tế Cộng sản.
Mặc dù là thế, FBI đã theo dõi Mục sư King dưới hai cuộc điều tra nói trên cho đến khi ông qua đời vào năm 1968. Các tài liệu của Ủy ban điều tra 1976 cho thấy, hai cuộc điều tra này đã được thực hiện song song và nhân viên FBI thường xuyên trao đổi thông tin mà họ thu thập được về Mục sư King với nhau.
Ngoài ra, chương trình phản gián nổi tiếng COINTELPRO của FBI trong thời điểm đó còn nhắm đến King như là một đối tượng mà họ nhận định là có thể trở thành “Đấng cứu thế” của người da đen tại Hoa Kỳ, cũng như có tiềm năng khiến cho cộng đồng này mở ra một phong trào vũ trang ngay trong lòng nước Mỹ.
Sau khi hoàn tất cuộc điều tra năm 1976, Quốc hội Mỹ đã kết luận FBI đã đi ngược lại những chuẩn mực về điều tra hình sự và vi phạm các quyền công dân đối với hồ sơ của Mục sư King. Đáng phê phán nhất là các cuộc điều tra hình sự kéo dài hàng chục năm của FBI được thực hiện trong khi họ không có bất kỳ bằng chứng gì để nghi ngờ Mục sư King đã vi phạm pháp luật.
Điều này đã khiến hồ sơ Martin Luther King, Jr. trở thành một vết nhơ rất lớn trong lịch sử hơn 100 năm của FBI.
Để khắc phục hậu quả và thiết lập chuẩn mực mới cho FBI, gần như là ngay lập tức, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ dưới sự điều hành của Tổng chưởng lý Attorney Edward Levi đã ban hành hàng loạt các quy định đặc biệt giới hạn quyền lực của FBI khi tiến hành các cuộc điều tra nội địa đối với công dân Mỹ.
Những quy định nói trên chỉ được nới lỏng sau khi xảy ra cuộc tấn công khủng bố vào tòa tháp đôi ngày 9/11/2001 ở New York.
Cuộc chiến chống khủng bố đã khiến Đạo luật Yêu nước (Patriot Act) được ban hành vào năm 2002 và một số cơ chế bảo vệ các quyền công dân đã bị chính quyền loại bỏ trong vài trường hợp để giúp cho việc điều tra dễ dàng hơn. Nổi tiếng nhất có thể là các điều khoản về việc theo dõi người dân của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), vốn từng bị dư luận lên án rất mạnh mẽ sau khi vụ việc Edward Snowden đổ bể.
Thế nhưng, chính Đạo luật Yêu nước càng khiến cho công chúng thấy được hồ sơ về Martin Luther King, Jr. của FBI là hết sức tồi tệ. Vì ngay cả khi áp dụng – một cách giả định – Đạo luật Yêu nước 2002 và các chuẩn mực được cơi nới trong thời kỳ chống khủng bố sau sự kiện 9/11, thì những gì mà FBI đã làm ra đối với Mục sư King cũng vẫn vi phạm trắng trợn luật điều tra liên bang.
Chuẩn mực hiện nay ở Mỹ dành cho công tác phản gián nội địa (domestic spying) của FBI, là họ phải chứng minh được đã có những dấu hiệu hợp lý (reasonable indication) cho thấy đối tượng cần theo dõi đã, đang, hoặc sẽ tiến hành những hành vi phạm tội hình sự liên bang.
Còn Mục sư Martin Luther King, Jr. đã dùng cả tính mạng của mình để chứng minh là ông đấu tranh chống phân biệt chủng tộc, đòi hỏi quyền bình đẳng của người da màu và người nghèo, và ông là một người phản đối chiến tranh. Những điều đó không bao giờ có thể trở thành các “dấu hiệu hợp lý” để chứng minh khuynh hướng phạm tội ở trong bất kỳ xã hội nào.
Tài liệu tham khảo:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét