Lỗi hệ thống thì nên can đảm thay đổi hệ thống
Lê Minh Nguyên
29-1-2018
Trang An Ninh Online ngày thứ Hai 29/1/2018 ông TS Lê Kiến Thành, con trai TBT Lê Duẩn và là đảng viên Đảng CSVN, có trả lời bài phỏng vấn khá dài và khá lý thú, trong đó ông cho rằng sự sụp đổ của chế độ chính yếu là do sự rệu rã ở bên trong Đảng CSVN mà ra.
“Tôi cứ nghĩ đến Đảng Cộng sản Liên Xô và các nước Đông Âu mà lo sợ. Vì chính họ chứ không phải các thế lực bên ngoài đã làm cho họ bị suy yếu rồi diệt vong”.
“chúng ta nhìn thấy sự lâm nguy ấy do chính chúng ta tạo ra”
“… đây là lần đầu tiên chúng ta đối diện với nguy cơ đe dọa sự tồn vong mà nguy cơ ấy do chính chúng ta tạo ra. Và nó nguy hiểm hơn nhiều”.
“Nghị quyết TƯ 4 Khóa XI… nhắm vào những lực lượng ghê gớm nhất trong Đảng – lực lượng thao túng mọi vấn đề về kinh tế… đẩy quá trình của Đảng đến sụp đổ”.
Ông Thành than thở:
“Buồn vì trong khoảng một thời gian dài chúng ta gần như sống một cuộc đời mà cứ thấy một ông quan to là mặc định rằng đó là nhân vật không bao giờ được động tới”.
Nhưng ông Thành nên hiểu rằng khoảng 200 trung ương uỷ viên là lực lượng thành trì để bảo vệ chế độ, tại sao? Vì đó là bảo vệ cho chính họ và giai cấp đặc quyền đặc lợi của họ, nay nếu “Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy” thì mắc mớ gì họ phải bảo vệ chế độ nữa khi không biết mình bị thảy vào lò lúc nào!?
Ông Thành than rằng, “hệ thống giám sát và chọn lọc con người của chúng ta có vấn đề”.
Đó là lỗi hệ thống do độc tài độc đảng sinh ra, ông cựu chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn An đã từng thú nhận, ông Thành không dám đụng đến hệ thống do cha của ông để lại mà vẫn mơ ước dân chủ độc đảng trị vì, một mơ ước tương tự như “thiên đàng địa giới” của chủ nghĩa cộng sản, tuy ông biết rõ rằng lãnh đạo nên do sự chọn lựa của dân mà ra, nếu người dân không thích thì người dân có thể thay thế họ được qua những cuộc bầu cử trực tiếp và thường kỳ.
Ông Thành công nhận là Việt Nam cần có dân chủ nhưng vẫn mơ ước một hệ thống được designed/chế tạo ra cho mục đích độc tài có thể làm được chuyện đó:
“Tôi nghĩ sự chọn lọc tự nhiên vĩ đại nhất, hữu ích nhất của chúng ta trong hoàn cảnh này chính là xã hội. Nếu ta đẩy mạnh dân chủ cho nhân dân lên, để những người lãnh đạo đó là do nhân dân chọn lọc thì chúng ta sẽ chọn được những vì tinh tú. Tiếc là bây giờ vai trò của người dân trong việc chọn lựa người lãnh đạo hầu như không có”.
“Tôi rất buồn việc một cơ quan dân cử như Quốc hội mà lại có hơn 90% là đảng viên”.
“chúng ta không tin vào người dân”.
Ông công nhận đảng đã mục rữa: “Vào Đảng bây giờ đi kèm với quyền lực và lợi ích… Đảng bây giờ đang ngày càng chứa trong mình những thành phần cơ hội”.
“việc phê và tự phê sẽ hoàn toàn chỉ là hình thức. Sâu mọt trong Đảng sinh ra từ đó”.
“trong lòng dân tộc ta bây giờ, cả đại nghĩa và chí nhân đều bị phân hóa ra”.
Ông Thành lấy kinh nghiệm của chính bản thân ông để phơi bày chế độ đội lốt dân chủ và Đảng hay mỵ dân bằng từ “dân chủ tập trung” để diễn tả sự độc tài toàn diện:
“… tôi là đảng viên, tôi muốn bầu TBT thì bầu như thế nào? Thứ nhất, phải bầu đại biểu của chi bộ nơi tôi đang sinh hoạt đi họp đại hội đảng bộ cấp trên; rồi đại hội đảng bộ cấp trên bầu ra người đi họp đại hội đảng bộ thành phố. Đảng bộ thành phố bầu ra người tham gia Đại hội Đảng toàn quốc rồi những người này bầu ra Ban Chấp hành TƯ…hơn 100 người này bầu ra TBT…4 lần như vậy thì sự dân chủ không còn nữa”.
Và giải pháp ông Thành đề ra để sửa chửa vẫn là độc tài độc đảng: duy trì hiến pháp độc đảng 2013, đảng chỉ định chủ tịch nước, quốc hội giơ tay “Yes, Sir”.
“Khi một người dân muốn bầu ra một ông Chủ tịch nước theo như Hiến pháp thì họ được phép bầu ra ông Đại biểu Quốc hội, ông Đại biểu Quốc hội được ngồi vào Quốc hội và khi TƯ giới thiệu ông Chủ tịch nước thì ông Đại biểu Quốc hội được phép bầu ông Chủ tịch nước. Như vậy, người dân phải bỏ phiếu bầu ông Chủ tịch nước qua một nấc là ông Đại biểu Quốc hội mà thôi”.
Đã là lỗi hệ thống thì ông Thành nên chứng tỏ “con hơn cha cả nhà có phước”, can đảm đứng lên thay đổi hệ thống thay vì than vãn và dằn vật nội tâm mình.
____
Tiến sĩ Lê Kiên Thành: Tôi nói những lời này từ một trái tim yêu Đảng tha thiết!
Tô Lan Hương thực hiện
29-1-2018
Gần 6 năm trôi qua, ngày hôm nay, sau một năm đầy biến động về chính trị của đất nước, với rất nhiều sai phạm được bóc trần…, tôi đã nói với Tiến sĩ Lê Kiên Thành rằng muốn được cùng ông tiếp nối cuộc trò chuyện dang dở 6 năm trước.
Tháng 9-2012, khi Hội nghị TƯ 6 Khóa XI chuẩn bị diễn ra, tôi đã có một cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Lê Kiên Thành về sự suy thoái của một bộ phận trong Đảng, sự lâm nguy của Đảng, sự tồn vong của Đảng – điều mà chính Tổng Bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng đã thừa nhận với tư cách người đứng đầu Đảng trong văn kiện Nghị quyết TƯ 4 Khóa XI.
Bài báo của chúng tôi đã được nhiều đại biểu tham gia Hội nghị TƯ 6 quan tâm. Rất nhiều độc giả đã viết thư chia sẻ sự đồng cảm với chúng tôi về bài báo. Một Ủy viên Bộ Chính trị (BCT) đương nhiệm khi ấy đã nói với Tiến sĩ Lê Kiên Thành rằng bài báo làm ông xúc động. Nhưng rồi Hội nghị TƯ 6 kết thúc, không một ai cụ thể phải chịu thi thành kỷ luật như dự đoán ban đầu, những điều mà chúng ta kỳ vọng ít nhiều trở thành hẫng hụt.
Gần 6 năm trôi qua, ngày hôm nay, sau một năm đầy biến động về chính trị của đất nước, với rất nhiều sai phạm được bóc trần, rất nhiều quan chức “ngã ngựa”, kể cả một cựu Ủy viên BCT như ông Đinh La Thăng cũng không còn là ngoại lệ…, tôi đã nói với Tiến sĩ Lê Kiên Thành rằng tôi muốn được cùng ông tiếp nối cuộc trò chuyện dang dở 6 năm trước.
Nhà báo Tô Lan Hương: Chắc hẳn ông vẫn chưa quên cuộc trò chuyện 6 năm trước – cuộc trò chuyện đầy cảm xúc mà chúng ta đã cùng thực hiện ngay trước thềm Hội nghị TƯ 6 Khóa XI. Tôi vẫn nhớ, năm đó ông đã tràn đầy niềm tin và hi vọng vào sự thẳng thắn và quyết tâm chỉnh đốn Đảng của TBT Nguyễn Phú Trọng nói riêng và của Đảng ta nói chung…
Tiến sĩ Lê Kiên Thành: Chị có biết vì sao 6 năm trước tôi đã hy vọng nhiều thế?
Vì đó là lần đầu tiên người đứng đầu Đảng đã can đảm thay mặt Đảng thừa nhận những tồn tại, những yếu kém trong Đảng, thừa nhận việc chúng ta có sửa chữa được những yếu kém đó hay không, sẽ ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng. Đó cũng là lần đầu tiên chúng ta dám nhìn trực diện vào sự lâm nguy mà chúng ta đang đối diện. Cũng là lần đầu tiên chúng ta nhìn thấy sự lâm nguy ấy do chính chúng ta tạo ra.
Mỗi dân tộc khi đứng trước một sự lâm nguy đều phải có những hành động đặc biệt.
Năm xưa, vua nhà Trần đứng trước vó ngựa xâm lược của Nguyên Mông đã tổ chức Hội nghị Diên Hồng. Cả dân tộc này đã cùng nhau đứng lên chống Mỹ mấy chục năm trước. Thế nên tôi đã rất hy vọng việc can đảm đối diện với sự lâm nguy khi ấy của Đảng và TBT sẽ là một sự khởi đầu cho hành động đặc biệt nào đó.
Trong thời gian thực hiện Nghị quyết TƯ 4, tôi đến gặp nguyên TBT Đỗ Mười. Trong giây phút xúc động không kiềm chế được, tôi nói với ông: “Thưa chú, hôm nay cháu đến xin phép chú, nếu như việc thực hiện Nghị quyết TƯ 4 này không thành công, xin chú cho phép cháu ra khỏi Đảng”. Và thay vì ngăn cản tôi, chú Đỗ Mười im lặng…
– Vậy sau cuộc nói chuyện đó, ông có còn là đảng viên?
+ Đến giờ phút này tôi vẫn là đảng viên. Nhưng việc tôi vẫn là đảng viên không có nghĩa rằng Nghị quyết TƯ 4 Khóa XI năm đó thành công.
Khi ấy, bằng cách nào đó, cuộc trò chuyện của tôi và chú Đỗ Mười đã đến tai một người bạn của tôi, cũng là một người đang giữ trọng trách lớn trong chính quyền.
Cậu ấy hỏi khi chúng tôi gặp nhau: “Lẽ nào anh sẵn lòng từ bỏ con tàu này, từ bỏ con tàu mà ba tôi và ba anh cùng nhiều người khác đã tạo nên bằng bao xương máu? Từ bỏ mà không quan tâm đến vận mệnh của con tàu, mặc kệ nó sẽ dong buồm ra khơi hay chìm đi trong gió bão?”.
Tôi kể với bạn mình: “Năm xưa khi người ta đòi đưa tôi ra khỏi Đảng vì tôi đi làm kinh tế tư nhân, tôi đã đứng trước bàn thờ ba tôi mà nói rằng: nếu người ta không cho con sinh hoạt đảng ở đây thì con sẽ đến bất cứ nơi nào trên đất nước này chấp nhận con là đảng viên. Chừng nào không tìm được nơi đó, con mới chấp nhận ra khỏi Đảng… Nhưng nếu tôi nhảy ra khỏi con tàu mà làm con tàu nổi lên thì tôi sẵn sàng làm việc đó”.
Dù vậy, tôi đã suy nghĩ rất lâu về lời nói của bạn. Và tự thấy có thể sự lựa chọn đó của tôi, nếu trở thành hiện thực, có lẽ chưa hẳn là đúng đắn. Nó sẽ không đúng với sự hi sinh của cha ông. Không đúng với ba tôi, không đúng với những người đồng chí, đồng đội của ba tôi và những người lính đã vì lý tưởng này mà sẵn sàng lựa chọn sự hi sinh.
Ba tôi khi còn sống từng kể đi kể lại một câu chuyện và lần nào kể, ông cũng khóc. Khi ông còn ở trong nhà tù Côn Đảo, có một người đồng chí trước lúc chết đã đưa cho ông manh áo cuối cùng với lời trăng trối: “Tao muốn được làm gì đó cho Đảng mà không còn cơ hội. Mày hãy mặc cái áo này của tao, để tao chết trần truồng, để tao có cơ hội được đóng góp cho Đảng”…
Nếu tôi xin ra khỏi Đảng, nếu trong lúc khó khăn mà tôi lựa chọn rời bỏ cuộc chiến đấu đó, tôi sẽ không đúng với cả chính người bạn tù mà ba tôi kể trong câu chuyện ám ảnh tôi suốt cuộc đời.
– Ý ông là sao khi nói rằng, Nghị quyết TƯ 4 Khóa XI không thành công?
+ Nếu không muốn nói là có phần thất bại!
Tôi xin được một lần, với tư cách một người đảng viên, thẳng thắn nói điều đó.
Năm 2012, đỉnh điểm của Nghị quyết TƯ 4 chính là Hội nghị TƯ 6. Văn kiện Nghị quyết TƯ 4 có viết: “Một bộ phận không nhỏ” đảng viên hư hỏng, thoái hóa, biến chất.
Trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc.
Nghị quyết TƯ 4 Khóa XI như tôi hiểu là cuộc chiến trực diện nhất, quyết liệt nhất nhắm vào những lực lượng ghê gớm nhất trong Đảng – lực lượng thao túng mọi vấn đề về kinh tế mà bản thân việc thao túng đó đang đẩy quá trình của Đảng đến sụp đổ.
Nếu lực lượng ấy còn tồn tại thì chắc chắn sẽ không còn Đảng Cộng sản Việt Nam. TBT Nguyễn Phú Trọng hiểu điều đó khi coi cuộc chiến này là cuộc chiến bảo vệ sự tồn vong của Đảng.
Nhưng chiều ngày 15-10-2012, khi Hội nghị TƯ 6 bế mạc, trong phát biểu cuối cùng, TBT thông báo Ban Chấp hành TƯ quyết định “không thi hành kỷ luật đối với tập thể BCT và một đồng chí trong BCT”.
TBT thừa nhận: “BCT, Ban Bí thư đã nghiêm túc tự phê bình và thành thật nhận lỗi trước Ban Chấp hành Trung ương về những yếu kém, tồn tại trong công tác xây dựng Đảng, những suy thoái, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên như Nghị quyết TƯ 4 đã nêu”.
Nhưng không một cái tên cụ thể nào được nêu ra…
Khi tiếp xúc cử tri ở TP HCM ngày 17-10-2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói về quyết định không kỷ luật một Ủy viên BCT, mà ông gọi là “đồng chí X”: “Chỉ có cân nhắc tình hình hiện nay, cân nhắc lợi hại thì quyết định không thi hành kỷ luật. Như vậy không có nghĩa là BCT không có lỗi, không phải là cá nhân đồng chí X không có lỗi”.
Khi mà cả đất nước bàn luận về việc “đồng chí X” mà Chủ tịch nước Trương Tấn Sang không nói rõ tên là ai, trong mắt tôi, hội nghị đã có phần thất bại rồi.
– Sao chúng ta lại không nhìn nhận đó như một khởi đầu – giống như một viên gạch đầu tiên cho nền móng ngôi nhà sau này, như nhát cuốc đầu tiên của người mở đường cho con đường thênh thang sau này?
+ Dù sao thì Nghị quyết TƯ 4 và Hội nghị TƯ 6 Khóa XI có lẽ là lần đầu tiên xướng danh con người cụ thể nhưng không làm gì được, thậm chí nó còn làm cho người ta e sợ sức mạnh của những cái tên đó hơn.
Nhưng sau Nghị quyết TƯ 4, những kẻ cơ hội nhất với rất nhiều quyền lực trong Đảng, những nhóm lợi ích và cách mà nó vận hành đã bị phơi bày. Cấu trúc, thành phần nhóm lợi ích ấy lộ diện ra, con đường đi của họ lộ diện ra, âm mưu của họ lộ diện ra.
Nó là tiền đề cho những sự kiện mà chúng ta chứng kiến trong 2 năm vừa qua, kể từ sau Đại hội XII đến giờ, khi mà TBT Nguyễn Phú Trọng và những người đang giương cao ngọn cờ làm trong sạch Đảng đang đi từng bước rất vững vàng.
– Ông có bao giờ suy nghĩ về lý do vì sao mà Nghị quyết TƯ 4 Khóa XI đã không đạt được mục đích cuối cùng, dù có sự quyết tâm rất lớn từ TBT?
+ Tôi nghĩ là có nhiều lí do lắm, nhưng một trong những lí do là, nói thế thôi, cái lực lượng cấp tiến muốn làm trong sạch, vững mạnh nội bộ Đảng có thể còn mong manh lắm, trong khi những người cơ hội trong Đảng lại còn quá nhiều.
Nên có thể có rất nhiều người dù muốn đứng về phe cấp tiến nhưng vừa e sợ nhóm cơ hội, vừa không dám tin tưởng rằng cuộc chiến ấy sẽ đi đến tới cùng. Bởi họ hiểu rằng nếu không đi được tới cùng thì số phận của họ có khi lại quay ngoắt trở lại và sự đấu tranh đó lại trở thành thảm họa cho cá nhân họ.
Tôi hình dung nhóm lợi ích kia biết khoét sâu vào nỗi sợ đó của nhiều người, làm lung lạc họ bằng nhiều cách, bằng nhiều hình thức mà có lẽ TƯ chưa công bố ra. Nhưng những đảng viên như tôi hiểu điều đó.
Cũng vì Nghị quyết TƯ 4 năm đó thất bại đã giúp ta hiểu rằng những nhóm lợi ích kia không đơn giản như mình hình dung và chúng ta phải chuẩn bị lực lượng cho cuộc chiến một mất một còn giữa một bên là chính nghĩa và một bên là phi nghĩa trong Đảng. Sẽ có những thành phần mà ta phải cương quyết gạt bỏ như gạt bỏ một chất phế thải mà trong quá trình phát triển, chúng ta đã vô tình sản sinh ra.
– Hội nghị TƯ 6 đã không kỷ luật một Ủy viên BCT là “đồng chí X”, một người mà tôi với ông đều không tiện gọi tên. Nhưng ở Đại hội XII này, chúng ta chứng kiến lời hứa của TBT là sẽ có một cuộc chiến không khoan nhượng với tham ô, tham nhũng, với những quan chức đã bị tha hóa. TBT Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy”.
Và lần đầu tiên trong lịch sử Đảng, một Ủy viên BCT bị cách chức, rồi sau đó bị khởi tố vì những sai phạm về kinh tế. Ông có nhìn đó như là một minh chứng, một tín hiệu đáng mừng cho sự quyết tâm của TBT nói riêng và của Đảng nói chung?
+ Tôi nghĩ là trong một xã hội văn minh, bất kể người đó là anh quét rác, là anh đảng viên thường, hay là Ủy viên TƯ, hay là Ủy viên BCT, hay là hơn nữa, nếu anh phạm sai lầm thì anh phải chịu trách nhiệm cho sai lầm đó trước xã hội, trước luật pháp như nhau.
Nếu đây là lần đầu tiên thì điều đó thể hiện rằng xã hội ta chưa đạt mức văn minh như chúng ta muốn.
Cho nên đừng mừng vì chuyện một người từng là Ủy viên BCT bị đưa ra xét xử, mà phải đáng buồn. Buồn vì trong khoảng một thời gian dài chúng ta gần như sống một cuộc đời mà cứ thấy một ông quan to là mặc định rằng đó là nhân vật không bao giờ được động tới.
Đó không phải và cũng không bao giờ nên là một xã hội mà chúng ta hướng tới. Và tôi cũng nghĩ sẽ không nên cảm thấy mừng rỡ với việc có bao nhiêu người bị cách chức, bao nhiêu người bị bắt bớ, bao nhiêu người bị đưa ra xét xử.
So với việc đó, tôi quan tâm hơn đến việc làm sao một người như ông Đinh La Thăng, với hàng loạt những sai lầm mắc phải lại có thể trở thành Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, trở thành Ủy viên BCT rồi thành Bí thư Thành ủy TP HCM… Về nguyên lý thì những con người với những sai lầm như thế không bao giờ vào được TƯ chứ đừng nói là vào BCT.
Nhưng chúng ta đã để việc đó xảy ra!
Thế thì chỉ có thể kết luận rằng hệ thống giám sát và chọn lọc con người của chúng ta có vấn đề. Chừng nào sự sai lầm về nguyên lý vẫn còn mà chúng ta không sửa chữa hay cố tình không sửa chữa thì bắt được Trịnh Xuân Thanh này tất sẽ có một Trịnh Xuân Thanh khác được sinh ra; đưa ông Đinh La Thăng đi xét xử thì sẽ có một ông Đinh La Thăng khác xuất hiện.
– Liệu có lời giải nào cho bài toán mà ông vừa nói?
+ Thực ra cái đó phải hỏi những người làm công tác tổ chức của Đảng hoặc những người chịu trách nhiệm lớn nhất về việc này thì mới có câu trả lời đầy đủ được.
Nhưng tôi thấy quy trình của chúng ta rườm rà mà không hiệu quả, như một tấm vải thưa để lọt quá nhiều cặn bã. Khi Đảng mới thành lập, nếu là đảng viên, anh có thể chấp nhận là anh phải tù đày dù chưa biết mình có được gì hay không.
Nếu anh là Ủy viên TƯ mà bị bắt thì kiểu gì anh cũng bị xử bắn. Thời đó có một sự chọn lọc tự nhiên đơn giản như vậy đấy, không có quy trình gì cả. Người nào dám chấp nhận cái đó, vì lí tưởng của anh, vì dân tộc của anh thì sẽ trở thành đảng viên.
Tôi nghĩ sự chọn lọc tự nhiên vĩ đại nhất, hữu ích nhất của chúng ta trong hoàn cảnh này chính là xã hội. Nếu ta đẩy mạnh dân chủ cho nhân dân lên, để những người lãnh đạo đó là do nhân dân chọn lọc thì chúng ta sẽ chọn được những vì tinh tú. Tiếc là bây giờ vai trò của người dân trong việc chọn lựa người lãnh đạo hầu như không có.
Đảng đưa ra những lựa chọn của mình và Đảng luôn nghĩ rằng chỉ có những con người mình đưa ra, những con người ở trong Đảng mới là sáng suốt nhất. Còn người dân chỉ làm thủ tục là chấp nhận những con người mà Đảng đã chọn ra, những con người mà Đảng cho là ưu tú. Nên sự lựa chọn của dân bị mang tính hình thức.
Tôi rất buồn việc một cơ quan dân cử như Quốc hội mà lại có hơn 90% là đảng viên. Nhiều người đã quên rằng 90% chiến sỹ nằm lại ở nghĩa trang Trường Sơn không phải là đảng viên, nhưng họ sẵn sàng chết cho Đảng, cho dân tộc!
Cũng như năm xưa, bà mẹ miền Bắc gửi con vào miền Nam đánh giặc, bà mẹ miền Nam đào hầm nuôi cán bộ, họ cũng đâu phải đảng viên, càng không biết thế nào là chủ nghĩa Mác-Lênin, nhưng họ vẫn tin Đảng, tin Bác Hồ, tin vào con đường giải phóng dân tộc. Vì họ cảm nhận đó là điều đúng đắn. Thế thì hà cớ gì ngày hôm nay chúng ta lại ngại ngần khi lựa chọn tin nhân dân mình?
Tôi vẫn tin rằng mục đích của Đảng là đúng đắn, mục đích chung cho dân tộc là đúng đắn. Nhưng cách chúng ta không tin vào người dân thì lại là không đúng đắn, vì thế mà những mục tiêu đúng đắn không thành hiện thực được.
– Trong những năm vừa qua, khi đối diện với sự tha hóa của hàng loạt cán bộ từ thấp đến cao, càng tha hóa thì càng trở nên giàu có, ông có bao giờ tự hỏi, điều gì trong hệ thống của chúng ta đã biến họ thành những con người như thế?
+ Chính tôi cũng tự hỏi điều tương tự.
Năm xưa, nếu anh là đảng viên thì đồng nghĩa với việc anh sẽ dễ bị bỏ tù. Nếu anh là Ủy viên TƯ thì giặc sẽ tìm cả gia đình anh để giết. Vào Đảng ngày ấy là gắn liền với sự hi sinh chứ không có lợi ích. Nên những người đảng viên ngày ấy là những người vì lý tưởng mà dâng hiến.
Bây giờ thì khác! Muốn có vị trí trong bộ máy, anh nhất định phải là đảng viên. Muốn là Bộ trưởng thì phải trở thành Ủy viên TƯ… Vào Đảng bây giờ đi kèm với quyền lực và lợi ích. Cho nên khi mà quy trình chọn lọc của chúng ta không minh bạch và chính xác thì Đảng bây giờ đang ngày càng chứa trong mình những thành phần cơ hội. Mà những thành phần cơ hội đó càng leo cao thì càng gây hại cho đất nước.
Bao nhiêu người có thể đứng vững ở vị trí quyền lực cao mà luôn trong sáng, không vụ lợi nếu như không chịu sự giám sát?
Xưa đến giờ Đảng vẫn lựa chọn phương thức phê và tự phê, nhưng việc phê và tự phê có lẽ chỉ phù hợp với những lớp người làm cách mạng phải vào tù ra tội như cơm bữa. Ở trong nhóm người đó sự phê và tự phê trong sáng vô ngần.
Chứ còn trong một tổ chức mà càng lên cao càng quyền lực, quyền lợi càng lớn, những người cơ hội sẽ chui vào, chứ không phải những người làm việc cho đất nước, vậy mà chúng ta không có cơ chế để phản bác về tư cách của những con người đó và lấy ý kiến của quần chúng rất hời hợt thì việc phê và tự phê sẽ hoàn toàn chỉ là hình thức. Sâu mọt trong Đảng sinh ra từ đó.
– 5 năm trước, TBT nói rằng đang có sự sâu mọt, thoái hóa, làm ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng. Ngày hôm nay, khi theo dõi một cuộc chiến rất quyết liệt mà TBT là người khởi xướng và lãnh đạo để chống lại tham ô, tham nhũng và sự tha hóa trong Đảng, ông nghĩ gì về sự tồn vong của Đảng thời điểm này?
+ Thực ra trong lịch sử của mình, Đảng đã rất nhiều lần đứng trước sự tồn vong, có những lần, nguy cơ bị xóa Đảng đã hiển hiện khi hầu như toàn bộ Ủy viên TƯ bị bắt đi tù. Nhưng những lần đó là do yếu tố bên ngoài, còn đây là lần đầu tiên chúng ta đối diện với nguy cơ đe dọa sự tồn vong mà nguy cơ ấy do chính chúng ta tạo ra. Và nó nguy hiểm hơn nhiều.
Tôi cứ nghĩ đến Đảng Cộng sản Liên Xô và các nước Đông Âu mà lo sợ. Vì chính họ chứ không phải các thế lực bên ngoài đã làm cho họ bị suy yếu rồi diệt vong. Đó là bài học đau đớn nhất, bài học mà nếu ai còn yêu Đảng thì phải suy nghĩ để chúng ta không bao giờ đi theo vết xe đổ ấy.
– Dù sao thì trong thời gian vừa rồi, tôi nghĩ mọi tầng lớp trong xã hội đều hồ hởi, phấn chấn khi nhiều người có vị trí cao trong xã hội bị xử lý cả về mặt chức vụ và pháp luật. Liệu chúng ta có đang vội vàng nếu đã cảm thấy hồ hởi và hi vọng vào những tín hiệu vừa qua?
+ Tôi chỉ cảm thấy bớt lo đi chứ chưa thấy hồ hởi. Bởi vì nếu hiện tượng này không bị chặn lại thì tôi hoàn toàn không hiểu xã hội sẽ đi đến đâu, khi mà dường như mọi thứ xung quanh mà tôi chứng kiến đều đang tồi tệ hơn bao giờ hết và làm cho cả Đảng lẫn dân tộc đều suy yếu.
Bên ngoài có một thế lực ngay gần ta đang trỗi dậy với biết bao toan tính không có lợi cho nước ta, thế mà trong lòng chúng ta dường như đang phân hóa, đang xuống cấp.
Tôi lo lắng vì cái mà chúng ta luôn dùng để thắng kẻ thù bên ngoài như Nguyễn Trãi nói: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”, thì trong lòng dân tộc ta bây giờ, cả đại nghĩa và chí nhân đều bị phân hóa ra.
Cứ nhìn cả hệ thống này, ta sẽ thấy là cái đại nghĩa của dân tộc không còn như vậy nữa, cái chí nhân của người Việt cũng không còn như vậy nữa. Nên khi những người đứng đầu nhìn thấy được sự việc và đứng lên để ngăn chặn những điều không có lợi cho dân tộc thì tôi thấy nỗi lo bớt đi.
Nhưng việc ngăn chặn đó để làm ra được cái mới tốt hơn thì lại chưa có. Nên tôi chưa dám hồ hởi.
– Nếu được góp ý cho Đảng với tư cách là đảng viên, ông sẽ…
+ Đảng muốn vững mạnh, xã hội muốn phát triển thì phải có sự dân chủ trong Đảng một cách tuyệt đối và xã hội cũng phải có sự dân chủ song song.
Khi một người dân muốn bầu ra một ông Chủ tịch nước theo như Hiến pháp thì họ được phép bầu ra ông Đại biểu Quốc hội, ông Đại biểu Quốc hội được ngồi vào Quốc hội và khi TƯ giới thiệu ông Chủ tịch nước thì ông Đại biểu Quốc hội được phép bầu ông Chủ tịch nước. Như vậy, người dân phải bỏ phiếu bầu ông Chủ tịch nước qua một nấc là ông Đại biểu Quốc hội mà thôi.
Nhưng tôi là đảng viên, tôi muốn bầu TBT thì bầu như thế nào? Thứ nhất, phải bầu đại biểu của chi bộ nơi tôi đang sinh hoạt đi họp đại hội đảng bộ cấp trên; rồi đại hội đảng bộ cấp trên bầu ra người đi họp đại hội đảng bộ thành phố.
Đảng bộ thành phố bầu ra người tham gia Đại hội Đảng toàn quốc rồi những người này bầu ra Ban Chấp hành TƯ hơn 100 người, hơn 100 người này bầu ra TBT. Như vậy thì sự dân chủ đã bị vơi bớt đi rất nhiều!
Vì tôi không biết ông đại biểu trên tôi nghĩ gì, rồi ông đại biểu đó cũng không biết cái ông ở trên nữa nghĩ gì… 4 lần như vậy thì sự dân chủ không còn nữa. Tại sao trong Đảng không làm như Quốc hội, là cho đại biểu của địa phương chia thành từng khu vực, bầu thẳng đại biểu đi dự Đại hội Đảng, đại biểu này bầu thẳng TBT. Và khi tôi bầu ông đi Đại hội Đảng, ông ấy phải nói cho tôi biết ông ấy nghĩ rằng ai sẽ là TBT, phải phân tích và thuyết phục được tôi.
Cuối cùng tôi nghĩ, chỉ có dân chủ mới giúp chúng ta thoát khỏi những mắc mớ hiện tại.
– Khi xây dựng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chúng ta mơ đến một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đến bao giờ chúng ta sẽ đi được đến xã hội mà chúng ta mơ ước đó?
+ Khi mà tất cả những người lãnh đạo đảng sẽ là những người giàu cuối cùng của xã hội này, không phải là những người giàu đầu tiên thì chúng ta mới có thể hy vọng đến được cái xã hội mà chúng ta mơ ước.
Có một lần tôi ngồi nói chuyện với chú Đỗ Mười, tôi có hỏi là theo chú thì có đúng không khi mà rất nhiều người lãnh đạo cộng sản của chúng ta bây giờ giàu có?
Chú Đỗ Mười im lặng và tôi nhìn thấy trên vẻ mặt của ông một sự đau khổ ghê gớm. Bản thân ông Đỗ Mười là tiêu biểu của lớp người cũ. Tôi đến thăm ông, thấy ông còn ngồi trên một cái phản gỗ cũ kĩ trong bao nhiêu năm nay không hề thay đổi.
Tôi đến thăm nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh thì cũng thấy ông ngồi ngay bên cạnh một góc tường sứt, người ta trám lại bằng xi măng mà không buồn quét sơn.
Đó là lớp lãnh đạo tiêu biểu mà tôi nghĩ là không có vật chất gì chạm vào họ được, và nếu như còn tiếp tục được lãnh đạo, họ sẽ là những người cuối cùng của đất nước giàu lên được. Họ xứng đáng và hãy gọi họ là những người lãnh đạo cộng sản.
Còn nếu khác đi thì không phải.
– Đến bây giờ ông có còn ý định xin ra khỏi Đảng trong tình huống nào đó? Và ông lựa chọn hành động như nào để là đảng viên tốt?
+ Như tôi đã nói với chị lúc nãy, tôi đã lựa chọn ở lại trên con tàu, với tư cách một người đảng viên yêu tha thiết Đảng này và dân tộc này, để lựa chọn sẵn sàng góp sức mình với tất cả khả năng mà tôi có thể, dù rằng tôi chỉ là một đảng viên bình thường, không có trọng trách gì trong Đảng và chính quyền.
Tôi có những lần thử thách như là 2 lần ứng cử Đại biểu Quốc hội, là những lần mà tôi vùng vẫy để chiến đấu, dù tôi đã thất bại. Ngay cả như cuộc trò chuyện của chúng ta hôm nay, một cuộc trò chuyện vào nửa đêm qua điện thoại, khi tôi và chị cách xa nhau về địa lý, sau khi tôi vừa trải qua một chuyến bay dài, thì trong thâm tâm tôi cũng nghĩ là mình đang làm điều gì đó cho Đảng.
Có những người đọc bài của tôi trên báo thì bảo nói thì lúc nào chẳng được, vấn đề là có hành động được không! Tôi thì nghĩ rằng đôi khi nói cũng là một hành động có ích, chứ không phải nói chỉ là nói.
Tôi cũng cố gắng không làm điều xấu cho Đảng, Còn ở vị trí một doanh nhân, tôi cố gắng đóng góp tạo công ăn việc làm cho xã hội. Nếu mỗi người đảng viên đều cố gắng từ một việc nhỏ thì tôi tin chúng ta sẽ làm được việc lớn.
– Ông có e ngại không nếu những phát biểu quá thẳng thắn của ông hôm nay có thể bị người ta đưa ra bàn tán vì ông đâu chỉ là đảng viên bình thường mà còn là con trai cố TBT Lê Duẩn?
+ Tôi rất mừng là chưa một lần nào phát biểu của mình bị phê bình bởi những người có trọng trách trong chính quyền. Có thể có người thích hoặc không thích, một vài người bạn quan chức còn hiểu lầm là tôi cố tình nói họ, nhưng tôi thì thấy là tôi chưa bao giờ bị ai đó gọi đến và bảo tư tưởng của tôi là không đúng, là chống phá, kể cả những thế lực bên ngoài!
Tôi tin cả những người lãnh đạo Đảng và những người làm công tác tuyên giáo đều cảm nhận được những lời nói này của tôi xuất phát từ một tấm lòng yêu Đảng và yêu dân tộc này.
Mà có lẽ, thậm chí còn yêu hơn nhiều người có chức quyền đang nằm trong hệ thống đó!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét