Việt Nam: Hãy hủy bỏ mọi cáo buộc đối với Nguyễn Văn Oai
Đàn áp ráo riết các nhà vận động nhân quyền
Human Rights Watch (New York, ngày 14 tháng Giêng năm 2018) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu, Việt Nam cần hủy bỏ các cáo buộc về vi phạm lệnh quản chế đối với nhà vận động nhân quyền kỳ cựu Nguyễn Văn Oai và trả tự do cho anh. Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An sẽ xử phiên phúc thẩm vụ án vào ngày 15 tháng Giêng năm 2018.
Nguyễn Văn Oai bị kết án năm năm tù vì vi phạm điều kiện quản chế, theo điều 304 của bộ luật hình sự và chống người thi hành công vụ, theo điều 257 của bộ luật hình sự trong phiên xử hồi tháng Chín năm 2017. Lệnh quản chế đối với anh, có nội dung buộc phải trình báo theo định kỳ với Ủy ban Nhân dân sở tại và hạn chế đi lại, được căn cứ trên một bản cáo trạng và bản án không thỏa đáng về việc anh có liên quan tới một tổ chức chính trị bị cấm ở Việt Nam, là một sự vi phạm quyền tự do nhóm họp và tự do ngôn luận đối với Nguyễn Văn Oai.
Sau khi ra tù, Nguyễn Văn Oai, với quan điểm rằng việc tòa kết tội mình là không phù hợp pháp luật, đã từ chối trình báo việc đi lại và suy nghĩ của mình với Ủy ban Nhân dân địa phương, và đã tham gia biểu tình một số lần trong thời gian này. Khi công an mặc thường phục, và không xuất trình thẻ công tác, đến nhà anh để trao đổi về việc anh bị cho là vi phạm lệnh quản chế, Nguyễn Văn Oai đã cầm gậy gỗ đuổi họ.
“Việc chính quyền trừng phạt Nguyễn Văn Oai mang tính chất trả đũa và không xác đáng,” ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Đáng lẽ Nguyễn Văn Oai không bị xử có tội ngay trong phiên tòa sơ thẩm, và nội dung lệnh quản chế của bản án sơ thẩm thể hiện trực tiếp ý chí muốn kiểm soát suy nghĩ và quyền tự do phê phán, quyền biểu tình của Nguyễn Văn Oai. Đây là biểu hiện mới nhất của chính sách đàn áp không hạn chế nhằm vào những người bất đồng chính kiến.”
Đã từ lâu, Nguyễn Văn Oai, 36 tuổi, tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc và phản đối giam giữ các nhà hoạt động khác. Anh vận động ủng hộ nhà hoạt động pháp lý nổi tiếng Cù Huy Hà Vũ khi ông bị xét xử vào năm 2011. Anh cũng tham gia các hoạt động vì quyền lợi người lao động ở tỉnh Bình Dương.
Anh bị công an bắt hồi tháng Tám năm 2011 ở sân bay Tân Sơn Nhất sau một chuyến đi ra nước ngoài vì tham gia Việt Tân, một chính đảng bị cấm ở Việt Nam. Công an cáo buộc anh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 bộ luật hình sự. Tháng Giêng năm 2013, Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An đưa anh ra xử cùng với 13 nhà hoạt động Công giáo và Tin Lành khác, và kết án Nguyễn Văn Oai bốn năm tù.
Tháng Tám năm 2015, Nguyễn Văn Oai hoàn tất bản án. Sau khi ra tù, anh nói với Ban Việt ngữ đài BBC rằng anh có dự định “góp sức cùng các tổ chức quan tâm tới vấn đề nhân quyền Việt Nam để làm sao cho Việt Nam sớm có nền dân chủ thật sự.” Anh tham gia nhiều cuộc biểu tình phản đối Formosa, công ty thép Đài Loan đã gây ra thảm họa biển nghiêm trọng khi thải chất độc hại ra biển dọc miền trung Việt Nam hồi tháng Tư năm 2016.
Hơn 100 nhà hoạt động hiện đang bị giam giữ ở Việt Nam vì thực thi các quyền tự do cơ bản của họ về chính kiến, nhóm họp, lập hội và tự do tôn giáo. Việt Nam cần phóng thích những người này vô điều kiện và hủy bỏ mọi điều luật có nội dung hình sự hóa hành vi bày tỏ chính kiến ôn hòa, Tổ chức Nhân quyền phát biểu.
“Nguyễn Văn Oai và nhiều người Việt Nam dũng cảm khác đã vận động cho dân chủ và nhân quyền bất chấp những rủi ro về an toàn và tự do cá nhân,” ông Adams nói. “Các nhà tài trợ và đối tác thương mại quốc tế cần gây sức ép để Việt Nam chấm dứt chuỗi hồ sơ đã dài về vi phạm nhân quyền.”
Muốn đọc thêm tin, bài của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền về Việt Nam, vui lòng truy cập:
Muốn đọc thêm thông tin về tù nhân chính trị Việt Nam, vui lòng truy cập:
Muốn có thêm thông tin, vui lòng liên hệ:
Ở San Francisco, Brad Adams (tiếng Anh): +1-347-463-3531 (di động); hay email: adamsb@hrw.org. Twitter: @BradMAdams
Ở Washington, DC, John Sifton (tiếng Anh): +1-646-479-2499 (di động); hay email: siftonj@hrw.org. Twitter: @johnsifton
Ở Bangkok, Phil Robertson (tiếng Anh, tiếng Thái): +66-85-060-8406 (di động), hay email: robertp@hrw.org. Twitter @Reaproy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét