Nhóm Đinh La Thăng bị tố ‘bỏ ra hơn $880,000 thuê truyền thông’
Nguồn:tinkhongle.com
Ông Đinh La Thăng tại tòa. (Hình: VietNamNet)
“Tôi biết Đinh La Thăng có năng khiếu diễn hài và đóng kịch rất tốt, lợi dụng truyền thông để đánh bóng danh phận và việc làm của mình. Chiều hôm qua, tôi ngồi cà phê tại Hồ Đắc Di, nghe bàn bên cạnh bàn tán và nói đến việc dư luận đang nêu lên là nhóm Đinh La Thăng bỏ ra hơn 20 tỷ đồng (hơn $880,000) thuê truyền thông lật lại vụ án nhằm làm mất uy tín của đảng và nhà nước. Tôi giật mình, ngẫm nghĩ lại trên nhiều bài báo, truyền hình, mạng xã hội… đưa tin về vụ án này thời gian qua là có dấu hiệu mất bình thường.”
Đó là những gì Luật Sư Trần Đình Triển, phó chủ nhiệm Đoàn Luật Sư Hà Nội, viết trên trang Facebook cá nhân, trong lúc phiên tòa xét xử vụ “Tham ô, cố ý làm trái” xảy ra tại Tập Đoàn Dầu Khí Quốc Gia Việt Nam (PVN) không có diễn biến mới, do Hội Đồng Xét Xử đang nghị án.
Ông Triển còn ghi về những “hành vi phạm tội” mà ông Thăng đang bị cáo buộc: “Những việc tàn phá đất nước mấy tỷ đô la trong các dự án đầu tư ra nước ngoài bị mất trắng tại Peru và Venezuela… Hoang phí trong mua sắm trang thiết bị và trụ sở làm việc như tại tòa nhà CHANVIT ở đường Trần Duy Hưng, Hà Nội, nhằm che lấp một giao dịch nào đó; việc mua quan bán chức tại đây thì dư luận bàn tán giá tiền triệu đô la. Việc bơm dầu, bán dầu ngoài biển khơi, có hợp đồng và không hợp đồng, số lượng và giá cả,…”
Tiếp đó, ông này đặt những câu hỏi: “Ai đã phớt lờ kết luận của Thanh Tra Chính Phủ về những sai phạm của Đinh La Thăng tại PVN? Những sai phạm của Thăng không những được bỏ qua mà còn được lên chức vụ ngày càng cao. Nhưng bây giờ mới bị truy tố. Thế mà ra tòa, Thăng còn bẻm mép, được một số kẻ ‘bút tiền’ nhơ bẩn nhân cách tung hô. Thế mới biết mặt trận đấu tranh chống tham nhũng của đảng và nhà nước ta gay go, phức tạp, khó khăn biết bao!”
Cũng cần nói thêm, Luật Sư Trần Đình Triển là người từng công kích Luật Sư Võ An Đôn khi ông Đôn bị Đoàn Luật Sư tỉnh Phú Yên tước thẻ hành nghề hồi Tháng Mười Một, 2017.
Thời điểm đó, ông Triển viết trên trang cá nhân: “Về tình đồng nghiệp ‘Một con ngựa đau, cả đàn bỏ cỏ,’ ‘Chị ngã em nâng,’ ‘Lá lành đùm lá rách.’ Tuy nhiên, cũng cần nghiêm khắc với những kẻ hợm hĩnh, phát ngôn bừa bãi, vơ đũa cả nắm khẳng định giới luật sư Việt Nam là vô tích sự và tất cả là chạy án – có nghĩa là đều phạm tội mà chưa bị xử lý. Việc Đoàn Luật Sư tỉnh Phú Yên kỷ luật khai trừ Võ An Đôn ra khỏi Đoàn Luật Sư là đúng; nếu nghiêm khắc hơn thì cần kiến nghị khởi tố Võ An Đôn về hành vi vu khống.”
Trở lại vụ ông Đinh La Thăng, hôm 18 Tháng Giêng, báo Tin Tức của Thông Tấn Xã Việt Nam đăng bài của Tổng Biên Tập Ninh Hồng Nga viết: “Bản án cuối cùng rồi cũng sẽ được đưa ra đúng người đúng tội, công tâm khách quan, theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật. Đối với một bị cáo đã từng là một yếu nhân, từng là một ‘hình mẫu’ của thế hệ lãnh đạo hành động, thì hình ảnh Đinh La Thăng cúi đầu xin lỗi không thể không mang đến những chua xót. Chua xót cho những sai lầm của một cá nhân và sau đó là đau xót cho một ‘hệ thống’ những sai sót, chồng chất và kéo dài.”
“…Các cá nhân phạm tội dĩ nhiên phải chịu đền tội, phải trả giá cho những tội lỗi của mình bằng những phiên tòa xét xử công khai, minh bạch, có lý có tình. Nhưng vấn đề là những sai sót mang tính ‘hệ thống’ gây ra bao hệ lụy nghiêm trọng như trên thì lại chẳng có phiên tòa cụ thể nào xét xử! ‘Lò đã cháy’ ở khắp nơi rồi, không có vùng cấm rồi, người dân đang nức lòng tin rồi. Vì vậy, không có lý do gì, chúng ta không tạo được chiếc ‘lò bát quái’ để xử lý các lỗi ‘hệ thống’ ấy, để ngăn chặn sự sinh sôi nảy nở của mọi tội lỗi từ trong trứng nước, và để không phải lặp lại những trả giá nhãn tiền,” bài của bà Hồng Nga viết.
Báo Dân Việt cho hay: “Trong phiên tòa xét xử vụ án ông Đinh La Thăng và đồng phạm, Hội Đồng Xét Xử đã dành ba ngày để thẩm vấn, năm ngày để tranh luận. Phần tranh luận diễn ra sôi nổi, các luật sư bào chữa được phát biểu nhiều lần để tranh luận với quan điểm luận tội cũng như đối đáp của đại diện Viện Kiểm Sát. Ông Đào Thịnh Cường, phó viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân thành phố Hà Nội, người giữ quyền công tố, đã nói rằng phiên tòa này đã thể hiện được sự dân chủ qua phần tranh luận của các luật sư và đại diện Viện Kiểm Sát. Trong các phiên xử ‘đại án’ trước đó như vụ ‘Bầu’ Kiên (Nguyễn Đức Kiên), Dương Chí Dũng, Hà Văn Thắm… đều không có tình tiết này.”
Theo NV.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét