Nguyễn Thị Oanh - Ông Nguyễn Phú Trọng và cơ hội cuối cùng
Có lẽ trong các đời Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), ông Nguyễn Phú Trọng (NPT) là người vừa may lại vừa xui nhiều nhất!
May là vì vào thời buổi “nhân tài như lá mùa thu” trong ĐCSVN, ông đã ngoạn mục vượt qua mọi đối thủ bằng khả năng“lý luận của người miền Bắc”, để nắm giữ vững vàng vị trí quyền lực cao nhất của đảng. Sau sự ra đi chính thức của ông X vào tháng 4/2016, nhiều người cũng đã nhận ra ông Trọng không hề “lú” như thiên hạ vẫn nhạo!
Thế nhưng ông lại cũng là người xui xẻo nhất, vì phải lãnh đủ hậu quả của sự sụp đổ uy tín nghiêm trọng chưa từng thấy trong lịch sử ĐCSVN. Trước đây, trong thời kỳ chiến tranh lạnh, dưới khẩu hiệu “giành độc lập tự do, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước”, ĐCS đã chiếm giữ được vai trò lãnh đạo độc tôn ở VN. Chiến thắng năm 1975 càng làm cho đảng ngất ngây trong hào quang của “bên thắng cuộc” mà không biết rằng chính khi bước vào thời bình thì những thách thức nặng nề nhất mới bắt đầu... Điều hành và xây dựng để một đất nước phát triển văn minh không hề giống như tham gia một cuộc chiến!
Càng ngày, sự lúng túng, yếu kém và thậm chí dốt nát, duy ý chí của bộ máy lãnh đạo chính quyền càng bộc lộ rõ nét. Thói kiêu căng, tự mãn cũng làm mờ mắt đảng suốt một thời gian dài, để rồi trong khi cứ mải mê gặm nhấm vinh quang từ quá khứ thì đất nước đã tụt hậu so với người ta hàng thế kỷ!
Bên cạnh đó, tham nhũng không còn là tình trạng tồn tại ở “vài cá nhân, vài bộ phận” như lời trấn an quá nhàm của một số lãnh đạo cao cấp nữa, mà đã thật sự “ổn định” thành “quốc nạn”. Còn gì để tự hào khi ngay cả về mặt này, VN cũng “được” đứng ở vị trí 113/176 quốc gia trong bảng chỉ số xếp hạng tham nhũng toàn cầu của Tổ chức Minh bạch Quốc tế? Cũng chưa có thời kỳ nào mà những khái niệm mới như “tư bản đỏ”, “lợi ích nhóm” lại được biết và nhắc đến nhiều như thời nay...
Ông Trọng đã bước lên đỉnh cao quyền lực trong một giai đoạn hỗn mang như thế - giai đoạn mà những căn bệnh mãn tính kinh niên đã tàn phá tận cùng cơ thể đất nước. Lòng dân hoang mang, niềm tin cạn kiệt. Ngay chính trong nội bộ ĐCSVN cũng đã có sự phân hoá và “tự diễn biến”về tư tưởng của các đảng viên.
Chưa có khi nào mà người lãnh đạo cao nhất của đảng lại phải công khai kêu gọi ngăn ngừa tình trạng “chán đảng, khô đoàn, nhạt chính trị” như ông Trọng vừa qua. Có lẽ, hơn ai hết, với cương vị là Tổng Bí thư, ông Trọng là người cảm nhận rõ nhất những nguy cơ đe dọa sự sống còn của ĐCSVN trong giai đoạn hiện nay. “Còn đảng còn mình” luôn là niềm tin bất biến mà đảng đã gieo vào ý thức của các đảng viên.
Nhưng làm sao đảng có thể vững mạnh “trường tồn cùng dân tộc” như mong muốn của ông Tổng Bí thư, khi độc quyền nắm giữ vị trí lãnh đạo đất nước mà lại để đàn sâu tham nhũng đục khoét đến kiệt quệ sức dân và rỗng ruột cả tài nguyên quốc gia? Nguyên nhân sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu chắc chắn luôn là bài học nằm lòng không bao giờ được quên đối với những người lãnh đạo ĐCSVN.
Bởi thế, ông Trọng cần ra tay. Nhưng những cú ra đòn của ông bây giờ liệu có còn kịp để dẫn đến một màn knock-out hiệu quả nhằm khôi phục uy tín cho đảng? Thách thức to lớn nhất là làm sao để chứng minh rằng ông đang thật sự tuyên chiến với tham nhũng, và đây là cuộc chiến vì sự sống còn của đất nước chứ không phải là một cuộc đấu đá thanh trừng phe phái trong nội bộ đảng. Và một khi đã “đặt mồi lửa vào dưới đống củi”, ông có dám đốt hết đám củi mục, không hay lại chỉ đốt được vài thanh đủ cho thấy có khói?...
Nếu để ý sẽ thấy rằng tất cả các vụ việc xử lý hình sự cán bộ trong bộ máy đảng và chính quyền hiện nay, kể cả cỡ ông Đinh La Thăng trở xuống, đều chỉ xuất phát từ lý do kinh tế. Điều này gây ra hai hệ lụy khá tiêu cực:
1- Sự hoang mang và bất mãn ngấm ngầm trong đội ngũ lãnh đạo các cấp, đặc biệt là ở các doanh nghiệp nhà nước.
Ngay cả khi chính bản thân những người này còn cảm thấy họ không được bảo vệ bằng một thể chế pháp luật văn minh, tiến bộ, và sự phán xét giữa công hay tội chỉ là một lằn ranh mỏng manh tuỳ thuộc vào“thời thế” thì việc làm sếp trong các doanh nghiệp Nhà nước ngày nay quả thật nguy hiểm như đi trên dây!
Nhớ một thời, dầu khí từng được xem là một trong những ngành trọng điểm hàng đầu và là “con cưng” của nền kinh tế VN. Kể từ khi khai thác tấn dầu đầu tiên tại mỏ Bạch Hổ vào năm 1986, bình quân mỗi năm thu từ dầu thô luôn chiếm trên 20% ngân sách. Từ khoảng thời gian 2009 đến 2013, khi PetroVietnam có nhà máy lọc dầu, dù bị ảnh hưởng không nhỏ bởi giá dầu thế giới bắt đầu sụt giảm, nhưng thu từ dầu thô vẫn chiếm 13,6% trên tổng thu ngân sách hàng năm. Trong khi đó thu từ tất cả các doanh nghiệp nhà nước (không kể dầu khí) chỉ chiếm khoảng 15-16% ngân sách.
Cho đến khi giá dầu thế giới tiếp tục lao dốc không phanh và chẳng còn hy vọng trở lại thời huy hoàng như ngày xưa thì “con cưng” giờ đây bỗng trở thành “con ghẻ”. Một loạt lãnh đạo các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (tức PetroVietnam) lần lượt bị “sờ gáy”. Các vấn đề làm ăn thua lỗ ở PetroVietnam cũng là khúc dạo đầu khơi mào cho câu chuyện từ Trịnh Xuân Thanh đến Đinh La Thăng. Từ anh hùng trở thành tội đồ chỉ trong nháy mắt...
Dầu khí bỗng trở thành ngành mang nhiều tai tiếng và ẩn giấu những nguy cơ “quá nhanh, quá nguy hiểm”... Tâm lý chán nản, lo âu từ đội ngũ cán bộ lãnh đạo ngành dầu khí ngày nay cũng là tâm trạng chung của nhiều lãnh đạo các ngành kinh tế trọng điểm khác, bởi họ không biết ngày mai khi nào thì đến lượt mình bị phán xét. Càng là doanh nghiệp chủ chốt thì mối lo này lại càng tăng!
2- Giảm sút lòng tin trong dân vào công cuộc chống tham nhũng.
Người dân đang trông mong nhìn thấy các vụ xử lý tham nhũng thật sự ở cấp cao hơn và trong nhiều lĩnh vực rộng hơn, với những động thái quyết liệt, đủ để chứng minh rằng công cuộc chống tham nhũng đang được tiến hành triệt để, không có vùng cấm, đúng như tinh thần “củi tươi vào lò cũng phải cháy” mà ông Trọng đã tuyên bố. Lý do làm ăn gây thất thoát hay thua lỗ trong một vụ đại án chỉ tập trung ở PetroVietnam chưa đủ thuyết phục dân tin vào quyết tâm làm trong sạch đảng của Tổng Bí thư.
Ông Đinh La Thăng là ủy viên Bộ Chính trị đầu tiên bị truy tố và đưa ra tòa khi còn đương chức. Tuy nhiên, sự hả hê của một bộ phận dân chúng đối với ông Đinh La Thăng vẫn là sự hả hê thường thấy dành cho quan chức ngã ngựa, theo tâm lý kiểu “cứ lãnh đạo lâm nạn thì dân thích”, chứ chưa phải là niềm vui được chứng kiến một con sâu béo bị vạch trần vì tham nhũng. Mặt khác, do chỉ “đánh” được ông Thăng về những sai phạm trong quản lý kinh tế, nên việc hạ bệ ông Thăng kèm theo cuộc truy đuổi đắt giá nhân vật Trịnh Xuân Thanh trước đó làm cho dư luận vẫn có lý do để nghi ngờ về động cơ của vụ “đốt củi” này.
Ông Trọng không còn nhiều thời gian. Chắc chắn ông không thể tiếp tục thêm một nhiệm kỳ nữa, và vì thế, điều gấp rút nhất lúc này với ông là phải thực thi thành công kế hoạch “đốt lò” để có thể để lại một dấu ấn quan trọng trong nhiệm kỳ của mình. Nhưng có lẽ chỉ mình ông mới biết chính xác rằng ông muốn đốt gì vào lúc này!
Sẽ là một thất bại đầu tiên cho ông Trọng nếu phiên toà xử Đinh La Thăng và “đồng bọn dầu khí” đang diễn ra không đủ “nội công” để làm cho toàn dân quan tâm đến vụ án, và tán thành bản luận tội những bị cáo này. Không phải vậy nghĩa là người ta ủng hộ ông Thăng, mà như thế có thể hiểu rằng dân chỉ thể hiện sự thờ ơ, như đang xem một vở kịch biết trước hồi kết.
***
Tôi rất muốn tin ông NPT thật lòng đang nỗ lực muốn làm trong sạch bộ máy, diệt trừ tham nhũng, nhằm cứu vãn uy tín và tiếp tục củng cố quyền lực cho ĐCSVN. Nhưng ông đang gặp phải chính mâu thuẫn giữa việc muốn bảo vệ chế độ độc đảng cai trị, và yêu cầu minh bạch hóa để chống tham nhũng - một chỉ dấu bắt buộc phải có ở các quốc gia tiến bộ theo thể chế dân chủ, đa nguyên và tam quyền phân lập.
Tôi rất muốn tin ông NPT thật lòng đang nỗ lực muốn làm trong sạch bộ máy, diệt trừ tham nhũng, nhằm cứu vãn uy tín và tiếp tục củng cố quyền lực cho ĐCSVN. Nhưng ông đang gặp phải chính mâu thuẫn giữa việc muốn bảo vệ chế độ độc đảng cai trị, và yêu cầu minh bạch hóa để chống tham nhũng - một chỉ dấu bắt buộc phải có ở các quốc gia tiến bộ theo thể chế dân chủ, đa nguyên và tam quyền phân lập.
Các thế lực lợi ích nhóm với những quyền lợi kếch xù đang cắm rễ trong bộ máy nhà nước hiện nay mới chính là các “đồng chí” đang gây cản trở lớn nhất cho những nỗ lực của ông Trọng, chứ không phải là “bọn phản động” hay các nhóm “xã hội dân sự” nào khác!
Đã có những người viết bài ca tụng ông NPT như là một nhân vật “thế thiên hành đạo”. Hãy chờ xem với cơ hội cuối cùng hiện nay, ông Trọng sẽ đi vào lịch sử như một nhà lãnh đạo đủ tầm để có thể “thay trời” đổi vận cho đất nước, hay chỉ là một Tổng Bí thư với một nhiệm kỳ nhiều tai tiếng nhất về những cuộc tranh giành quyền lực quyết liệt trong nội bộ ĐCSVN?
P/s: Status thể hiện những suy nghĩ và quan điểm cá nhân của người viết nhân vụ xét xử một ủy viên Bộ Chính trị đầu tiên trong lịch sử ĐCSVN. Vui lòng tôn trọng tôi bằng cách comment nghiêm túc, không chửi bới, thóa mạ và công kích cá nhân. Các comment quá khích cũng sẽ bị buộc phải xóa, vì đó không phải là mục tiêu của tôi khi chia sẻ status này.
FB NGUYỄN THỊ OANH 09.01.2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét