Nguyên do và thách thức trong Giáo Dục Cộng sản Việt Nam
Mai Thanh Truyết (Danlambao) - Nền giáo dục xã hội chủ nghĩa nghĩa hiện nay đang đối mặt với nhiều nghịch lý trong đó có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, từ những yếu tố trên tạo ra rất nhiều thách thức mà những người quản lý đất nước không thể bỏ qua nếu còn mang trái tim Việt.
Theo tin tức trong nước, trong quý 3-2017, cả nước có hơn 1 triệu lao động trong độ tuổi thất nghiệp, trong đó nhóm trình độ đại học trở lên là 237.000 người, tăng 53.900 người so với quý 2, tỉ lệ thất nghiệp của nhóm này là 4,51%.
Vì vậy, những thay đổi cần thiết và rốt ráo với một quyết tâm cải sửa những sai lầm liệt kê dưới đây sẽ là những giây phút sám hối và chuộc tội đối với dân tộc Việt của CSVN.
Bài viết nầy xin được đan cử một số suy nghĩ về tình trạng suy thoái giáo dục ở Việt Nam trong giai đoạn xã hội chủ nghĩa.
Xã hội hóa giáo dục xã hội chủ nghĩa
Chính sách “xã hội hóa giáo dục” đã được khơi mào ngay từ khi Bộ luật Giáo dục ban hành năm 2005 trở đi. Kể từ mốc thời gian nầy, Nhà nước sẽ giữ vai trò quyết định trong việc phát triển công tác giáo dục (mission of education), trực tiếp điều hành sự đa dạng trong các thể loại trường ốc và cơ cấu giáo dục như giáo trình, học cụ, nhân viên giảng huấn v.v…Thêm nữa, Nhà nước còn khuyến khích, khởi xướng, và khích lệ tất cả các tổ chức, gia đình, và mọi công dân quan tâm đến giáo dục... để cùng hoàn thành mục tiêu giáo dục trong một môi trường lành mạnh.
Luật trên lý thuyết rất trong sáng, nhưng có thể nói trong suốt suốt thời kỳ “cai trị” miền Bắc từ năm 1954, cũng như miền Nam sau 30/4/1975, một Đạo luật bất thành văn luôn luôn hiện hữu trong tất cả chính sách giáo dục từ tuyển sinh cho đến việc chọn lựa trường ốc, từ văn bằng tốt nghiệp đại học cho đến việc phân bổ nhiệm sở, thậm chí cho đến lương bổng cùng phụ cấp... cũng còn nhiều phân biệt đối xử.
Đó là chính sách “Hồng hơn Chuyên”.
Khi còn là học sinh, sinh viên, tầng lớp “con ông cháu cha cộng sản” hưởng đủ mọi ưu đãi của nhà trường, nào là được điểm ưu tiên trong các kỳ thi cử nhứt là khi các cậu ấm cô chiêu nầy bắt đầu vào tầng lớp “học sinh, sinh viên nồng cốt”, rồi “đối tượng Đoàn”, Đoàn, rồi đối tượng Đảng, sau cùng là Đảng.
Ngay sau khi tốt nghiệp, các cô cậu Cử lại được điền khuyết vào những vị trí béo bở vừa an toàn cho bản thân, vừa có điều kiện tiếp nối cha ông trong... bước đường vinh thân phì da và tàn phá tài nguyên cùng sinh khí của dân tộc.
Chính chính sách nầy và hệ lụy của nó làm thui chột bước phát triển của tuổi thanh niên, tương lai của một dân tộc. Một khi lý tưởng quốc gia, tình tự dân tộc đã bị đánh mất, tuổi trẻ Việt Nam tương lai sẽ mất phương hướng và Đất và Nước sẽ lùi dần vào bóng tối.
Nghịch lý về số lượng
Mặc dầu số trường ốc, học sinh, sinh viên, thầy cô có tăng trong theo thời gian, nhưng mức tăng trưởng không theo kịp đà gia tăng dân số. Nhu cầu Thầy Cô tăng trưởng và phân bố không đồng đều như dư thừa ở các thành phố và thiếu hụt ở các vùng xa xôi. Vã lại, mục tiêu đào tạo tập trung vào kỹ thuật do đó cả thầy và trò đều khiếm khuyết một số tri thức về xã hội chung quanh…từ đó nảy sinh ra sự “vô cảm” trước những người bất hạnh chung quanh, cũng như nảy sinh ra quá nhiều hiện tượng tiêu cực trong nhà trường và trong các cơ sở hay xí nghiệp.
Thành phần giáo viên ở mọi cấp là một thành phần “bán cháo phổi” bị thiệt thòi nhiều nhất. Chính vì vậy rất nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp không nhận nhiệm sở mà làm nhiều công việc không phù hợp với khả năng của mình. Thí dụ sinh viên tốt nghiệp sư phạm ban Anh ngữ hay Pháp ngữ thường bỏ nhiệm sở đi làm cho các công ty ngoại quốc với lương bổng gấp 10 hay 20 lần cao hơn. Đây là một thất thoát nhân lực và nguyên khí quốc gia không nhỏ.
Nghịch lý về phẩm chất
Giáo dục CSVN nặng về lý thuyết. Học sinh, sinh viên học ngày học đêm, quên cả tuổi trẻ mà phẩm chất vẫn kém. Người thầy vẫn còn áp dụng phương pháp từ chương “đọc, chép” và không có điều kiện hay không muốn cập nhật hóa môn giảng dạy của mình.
Về chương trình giảng dạy quá nặng nề và có nhiều tiết mục chiếm nhiều thời gian học tận mà không cần thiết như Triết học Mác Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Kinh tế chính trị Mác Lênin, Lịch sử đảng CSVN và tư tưởng HCM. Những môn học nầy hoàn toàn không giúp ích được gì trong suy nghĩ của những chuyên viên tương lai trong việc xây dựng và phát triển đất nước. Có chăng các môn học trên sẽ đào tạo ra những “robot” trung với đảng và sống chết với đảng, còn đảng là còn công an... mà thôi!
Hình dung chương trình học lớp 12 có 39,5 giờ trong một tuần, nhưng tiết học thể thao và quân sự học đường chiếm 2 giờ và các giờ sinh hoạt khác như đoàn thanh niên, học tập chính trị qua các môn học kể trên chiếm 10.5 giờ. Do đó, học sinh học chuyên môn thực sự chỉ còn có 27 giờ.
Chính Nguyễn Khoa Đạo, Viện sĩ, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội đề nghị là “phải nhìn thằng vào sự lạc hậu của nền giáo dục Việt Nam so với thế giới và so với nhu cầu của đất nước và thời đại mới”.
Hoặc ông Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Minh Hiển trong một báo cáo về tình hình giáo dục Việt Nam trước quốc hội rằng: “chất lượng giáo dục thấp, phương pháp giảng dạy lạc hậu, chậm đổi mới, kỹ năng thực hành và khả năng tự học của học sinh còn thấp, nạn học thêm hay dạy thêm, bằng cấp giả chưa được giải quyết, cơ chế quản lý giáo dục chưa thích hợp với nền kinh tế thị trường, việc quản lý còn nặng tính quan liêu”.
Phân tích và nhận định quá chính xác, nhưng tình trạng giáo dục vẫn không thay đổi vì một cơ chế đóng băng của đảng, giống như những ngày đầu tiên CSVN nắm quyền cai trị dân, thử hỏi làm sao đất nước không lụn bại được. Thêm nữa, về nạn bằng cấp già, chính cán bộ, đảng viên từ Bộ Chính trị cho đến Trung ương đảng, người người, nhà nhà đều xài bằng cấp giả.
Ngay cả một ông cựu bộ trưởng Giáo dục, Phó thủ tướng, và bây giờ là Ủy viên Bộ Chình trị tốt nghiệp Tiến sĩ ở một trường đại học ngoại quốc trong khi trường đó chỉ được thành lập 9 năm sau ngày ông tốt nghiệp!
Về phương pháp giảng dạy
Có thể nói, hầu hết Thầy Cô ở Việt Nam vẫn còn áp dụng phương pháp giảng dạy “người Thầy là người phát ngôn (speaker) chánh, và học trò là người nghe “listener” chính. Chính phương pháp nầy tạo ra một sự nhàm chán trong học tập và thúc đẩy việc học trong chiều hướng thụ động, học thuộc lòng, và học sinh không cẩn tìm hiểu hay đặt câu hỏi.
Việt Nam cần một phương pháp giảng dạy cách mạng hơn, linh động hơn trong việc đào tạo người thấy trong chiều hướng toàn cầu hóa và sau đó áp dụng cho học trò hầu mong tạo dựng được một sinh khí mới trong giáo dục.
Một nguyên nhân khác trong việc giảng dạy là người Thầy luôn bị áp lực là dạy theo giáo án, giáo trình “một cách mù quáng”, không thể thay đổi ngay cả giáo án có nhiều điểm sai đầy dẫy trong đó. Người viết đã khám phá trong kỳ thi tuyển vào Đại học Sư phạm Sài Gòn năm 1976, đề thi môn hóa học sai trái và thiếu nhiều dữ kiện để lý giải. Khi báo cáo lên “Ông Chủ khảo” trường thi, thì được trả lời thẳng thừng là “đừng nói ra” và buổi thi vẫn tiếp tục như không có chuyện gì xảy ra. Như vậy, người thầy xã nghĩa là một người thầy không còn “nhân vị” nhưng luôn được chế độ gán cho danh hiệu cao quý là “kỹ sư tâm hồn”. Tâm hồn đây phải chăng là tâm hồn của một con cừu Panurge!
Thêm nữa, lớp học quá tải cũng là một nguyên nhân làm cho việc giảng dạy không có hiệu quả và cũng là một thách thức cho người thầy mỗi khí áp dụng một phương pháp giảng dạy mới và tân tiến hơn. Phương pháp học nhóm, kiểm soát liên tục, sinh hoạt học tập ngoài lớp học tạo sự sáng tạo nơi học sinh, sinh viên không thể nào được áp dụng trong điều kiện sinh viên đông đúc như hiện tại được.
Về Giáo viên, Giáo sư, Trường ốc, và Học cụ giảng dạy
Việt Nam hiện đang thiếu nhân viên giảng huấn trầm trọng cả về phẩm lẫn lượng. Rất nhiều người thầy không hội đủ điều kiện chuyên môn để giảng dạy, nhưng vì nhiều lý do khác nhau vẫn được đứng lớp, đôi khi còn được đãi ngộ tốt hơn so với người thầy đúng nghĩa với đầy đủ chuyên môn. Tuyệt đại đa số người thầy xã nghĩa không có điều kiện nghiên cứu, hay không chịu nghiên cứu vì lười, vì có nhiều bận tâm khác v.v... hay nhất là không có khả năng nghiên cứu! Vì thế làm sao họ có thể thăng tiến chuyên môn và truyền đạt kiến thức cho học sinh hay sinh viên được.
Về trường ốc và học cụ giảng dạy, đa số trường ở Việt Nam không có các phòng thí nghiệm, chỉ học “chay” mà thôi. Thư viện để tham khảo cũng là một xa xỉ ngay cả ở bậc đại học.
Xây dựng phòng ốc, tạo điều kiện cho học sinh có một môi trường học tập thích hợp sẽ khuyến khích con em chúng ta trên bước đường học vần, và làm giảm áp lực của người thầy trong việc giảng dạy.
Về việc quản lý nhà trường và chính sách thi cử
Quản lý nhà trường cho đến nay vẫn là một điểm yếu của Việt Nam. Chính vì đặt năng vào sự an toàn của đảng, cho nên việc kiểm soát sinh viên, học sinh và người thầy rất khắc nghiệp. Một chính sách công an trị trong học đường chỉ còn tồn tại ở một và quốc gia độc tài mà thôi. CSVN vẫn luôn luôn muốn cấy chủng tử sợ vào đầu người thầy và trò.
Chính sách thi cử cũng là một hạn chế bước tiến của dân tộc. Chính sách thi vào lớp 10 còn tồn tại; thi vào đại học rất phức tạp... từ đó tạo ra một gánh nặng hành chánh trong việc ra đề thi và tổ chức thi cử. Và cũng từ đó tệ trạng gian dối trong thi cử như bán đề thi, lộ đề thi, đánh “bùa” (phao), giám thị làm lơ, thầy đi ra ngoài... để cho thí sinh mặc tình quay cóp, thậm chí còn rất nhiều cảnh... người đi thi thay thế cho thí sinh. Và cũng cần nói thêm là trong trên 24 ngàn Tiến sĩ hiện diện trên mãnh đất hình chữ S nầy, có mấy “Tiến sĩ” được đào tạo chính thức, nghĩa là “có đi học”, làm nghiên cứu, và viết luận án?
Tham nhũng trong trường học là một vấn đề lớn ở Việt Nam - Giáo viên sợ hãi vì chống lại những sinh viên ăn gian
Thầy Đỗ Viết Khoa vào ngày 10 tháng 12 năm 2008, đã cố gắng xóa bỏ hối lộ và hiện tượng gian lận ở các trường tiểu, trung, và ngay cả đại học ở Việt Nam, nơi các giáo viên được trả lương thấp, và phụ huynh nghèo khó không có khả năng chi trả những chi phí nhập học và chi phí hàng tháng, trong đó có rất nhiều chi phí vô lý được dựng lên do cán bộ quản lý trường.
Trong nhiều năm, Thầy Khoa đã và đang chống lại tội hối lộ và gian lận các trường học trên khắp Việt Nam, nơi các giáo viên và quản trị viên trả lương thấp thường vắt kiệt tiền của những đứa trẻ thậm chí còn nghèo hơn.
Lãnh đạo CSVN đã thông qua luật chống tham nhũng rộng rãi trong năm 2005, nhưng thực hiện không đồng đều. Việt Nam vẫn kém cỏi trong các cuộc điều tra tham nhũng toàn cầu, và đối với người Việt Nam bình thường, những người kho báu giáo dục, tham nhũng trường học có lẽ là điều gây phẫn nộ nhất của tất cả. Rất ít người dám đấu tranh với nó, vì sợ trả đũa.
Thầy Khoa cũng đã từng vi phạm đạo luật mới Hiệu trưởng Lê Xuân Trung sau khi gửi thư cho các quan chức trong nước và địa phương cáo buộc rằng ông HT Trung đã áp đặt những khoản phí không công bằng khác nhau để làm giàu cho nhân viên trường học với chi phí của cha mẹ.
Cũng như, một trong những ưu tư và phàn nàn lớn nhất của Thầy Khoa là "những lớp học thêm" được thực hiện tại trường học và những nơi khác trên khắp đất nước, trong đó các giáo viên dạy học thường xuyên dạy kèm sinh viên để kiếm thêm tiền…
Thầy Khoa nói: "Nếu học sinh không đi học thêm, giáo viên sẽ cho họ điểm kém".
Vợ Thầy Khoa, bà Nguyễn Thị Nga, lo lắng về cuộc thập tự chinh của chồng bà. Bà nói: "Điều này đã gây ra nhiều căng thẳng". "Tôi muốn tất cả mọi người tham gia cuộc chiến chống tham nhũng để chúng tôi không phải là những người đứng cô đơn trong tranh đấu".
Ông nói: "Nhiều giáo viên đang làm cho hình ảnh giáo dục bị ô nhiễm".
Kết quả của cuộc tranh đấu chống tham nhũng và các tệ hại trong giáo dục CSVN là:
- Thầy Khoa bị sa thải khỏi môi trường giáo dục, bị bắt, ngồi tù mấy năm;
- Hiện Thầy Khoa làm nghề tự do, và bị theo dõi thường xuyên vì có nguy cơ gây hại đến... an ninh tổ quốc!
Cái đẹp của giáo dục miền Nam trước 1975
Xin trích từ VietnamNet - Hình ảnh và những tư liệu về giáo dục Miền Nam Việt Nam trước 1975 đang được chia sẻ trên các trang mạng. Mục tiêu giáo dục thời điểm này được xác định là: Phát triển toàn diện mỗi cá nhân; Phát triển tinh thần quốc gia ở mỗi học sinh; Phát triển tinh thần dân chủ và tinh thần khoa học.
Mô hình giáo dục này trong những năm 1970 có khuynh hướng chấp nhận mô hình giáo dục Hoa Kỳ có tính cách đại chúng và thực tiễn.
Hệ thống giáo dục gồm tiểu học, trung học và đại học, cùng với một mạng lưới các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, và tư thục ở cả ba bậc học và hệ thống tổ chức quản trị từ trung ương cho tới địa phương.
Triết lý giáo dục của miền Nam dựa trên 3 nguyên tắc “nhân bản”, “dân tộc” và “khai phóng”.
Mục tiêu giáo dục thời điểm này được xác định là: “Phát triển toàn diện mỗi cá nhân; Phát triển tinh thần Quốc gia ở mỗi học sinh; Phát triển tinh thần dân chủ và tinh thần khoa học”.
Thay lời kết
Trong điều kiện giáo dục ở Việt Nam hiện tại, phẩm chất giáo dục vẫn là chìa khóa mở ra và giải tỏa tất cả những vấn nạn cùng các thách thức cho Việt Nam. Phẩm chất giáo dục phải được cải tổ và khai triển từ bậc giáo dục đại học cho đến trung học đệ nhất cấp.
Chính một cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo CS, GS TS Trần Hồng Quân cũng đã nhiều lần thừa nhận cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân hiện tại chưa thật đồng bộ, sự liên thông giữa các cấp học còn hạn chế. Trong bối cảnh như vậy, điều cấp thiết là phải định hình, tái cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân làm nền tảng cho những đổi mới khác của giáo dục.
Thí dụ về một Dự án: “Giáo dục và đào tạo nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế” vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) do Thủ tướng CS Nguyễn Tấn Dũng ký duyệt và Bộ Y tế là cơ quan thi hành Dự án sẽ được thực hiện từ năm 2014-2019. Tổng kinh phí thực hiện Dự án là 121 triệu USD, bao gồm: - Vốn vay Hiệp hội Phát triển quốc tế thuộc WB (IDA/WB) 106 triệu USD - Vốn viện trợ không hoàn lại của Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ thông qua WB 10 triệu USD; - Và vốn đối ứng 5 triệu USD.
Dự án gồm 4 hợp phần:
1- Cải thiện chất lượng giáo dục nhân lực y tế bậc đại học, cao đẳng thông qua đổi mới tiếp cận dạy và học dựa trên năng lực và cải thiện hệ thống bảo đảm chất lượng giáo dục;
2- Nâng cao năng lực quản lý y tế và quản lý sử dụng nhân lực y tế;
3- Nâng cao hiệu quả hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu thông qua đào tạo, bổ sung các điều kiện và năng lực cần thiết, đồng bộ cho đội ngũ cán bộ y tế huyện và xã;
4- Quản lý dự án.
Lại thêm một dự án liên quan đến giáo dục nữa, trong lúc câu chuyện giáo dục cũng không khác gì hơn vấn đề y tế, ngày 4/11/2013, Tổng Bí thư CS Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) có nội dung về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Mục tiêu của đổi mới lần này là tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về phẩm chất, hiệu quả giáo dục, đào tạo, giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân.
Trên thực tế, chúng ta hãy nhìn vào thực trạng y tế Việt Nam ngày nay sẽ thấy dự án trên được khai triển như thế nào!
Và một thí dụ thứ hai qua chương trình đổi mới là “Đổi mới chương trình sách giáo khoa sau năm 2015”. Dựa theo đề án Đổi mới chương trình-sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015, giai đoạn 2014-2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải hoàn thành việc xây dựng chương trình tổng thể và chương trình môn học thử nghiệm.
Lại một chuyện đổi mới chương trình đào tạo và sách giáo khoa, trong lúc đó, trong quá khứ, hàng năm Bộ vẫn cho in tất cả sách giáo khoa mới cho hệ thống giáo dục từ dưới lên trên, tiêu tốn hàng ngàn tỷ Đồng VN làm bổ béo cho một tầng lớp cán bộ giáo dục mà thôi, thậm chí những sai trái trong sách vẫn còn in hiện rõ trong những năm sau đó.
Nêu ra hai vấn đề cốt lõi cho nam đề Y tế công cộng và Giáo dục, người viết mong mỏi mỗi người con Việt, trong nước và ngoài nước, động não để lý giải bài toán phát triển cho Việt Nam tương lai hầu mang lại một sinh khí mới cho dân tộc.
Đó là một nền y tế công cộng nhằm mưu cầu cho sự an toàn sức khỏe và chữa trị đồng đều cho tất cả người dân, không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt đẳng cấp hay thứ bậc trong xã hội, xóa tan não trạng “xin-cho” do chế độ cấy sâu vào tâm khảm của người dân.
Đó là, một chính sách giáo dục nhân bản, dân tộc, khoa học và khai phóng ngõ hầu hy vọng một ngày nào đó trong tương lai, tuổi trẻ Việt Nam sẽ ngẩng cao đầu ngang tầm với tuổi trẻ thế giới để cùng tạo dựng một xã hội an bình trong đó con người đối xử với nhau trong tình nhân loại, nghĩa đồng bào.
Cần lưu tâm nhiều hơn đối với những dân tộc thiểu số, cũng như thiết lập một chương trình giảng dạy riêng cho họ vì người thiểu số không có điều kiện như trẻ con Việt được nói và nghe tiếng Việt qua miệng lưỡi người mẹ.
Một khi phẩm chất giảng dạy tăng lên, việc học thêm hay học trường tư lập sẽ giảm bớt. Từ đó, tình trạng chênh lệch cán cân kinh tế giữa các thành phần trong xã hội có thể được thâu ngắn hơn qua việc giáo dục phổ cập vào đại chúng.
Sau cùng, chính sách giáo dục xã hội chủ nghĩa cần phải được thay thế bằng một chính sách thông thoáng hơn, không còn bóng dáng công an trong học đường nữa.
Tương lai Việt Nam đi về đâu?
Câu hỏi trên xin dành cho tuổi trẻ Việt Nam, những người sẽ mang lại lá cờ hồng tự do, dân chủ cho Đất và Nước.
Mong lắm thay!
Đầu năm Dương lịch 2018.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét