Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Tư, 3 tháng 1, 2018

Người dân Cuba muốn chủ nghĩa tư bản

Người dân Cuba muốn chủ nghĩa tư bản

Maximilian Wirth
Phạm Nguyên Trường dịch

Không có gì ngạc nhiên, khi hơn một nửa người dân Cuba muốn bỏ nước ra đi, khi có cơ hội. Bảy trong số mười người muốn đến Mỹ. 60 năm sau cuộc cách mạng cộng sản, rõ ràng là người Cuba không những không ghét, mà còn mong muốn xã hội nhiều tư bản hơn và tự do hơn.


Cuba đôi khi được lý tưởng hóa như là mô hình bài tư bản khá thành công. Nhưng trong tháng này, Trung tâm nghiên cứu dư luận quốc gia (NORC) của Đại học Chicago đã công bố công trình nghiên cứu dư luận dân chúng Cuba. Phát hiện của cuộc thăm dò dư luận là rất rõ ràng: Người dân Cuba muốn chủ nghĩa tư bản.
Trước đây chưa từng có thông tin loại này, vì chính phủ Cuba ngăn chặn mọi nguồn thông tin đi vào và đi ra khỏi hòn đảo. Công trình nghiên cứu này, dựa trên các cuộc phỏng vấn trực tiếp 840 người trưởng thành được chọn một cách ngẫu nhiên, cho ta một ý niệm mơ hồ, hiếm hoi về tình cảm của người Cuba đối với hệ thống ở đất nước họ.
Người Cuba nói về Cuba
65 phần trăm người được phỏng vấn nói rằng họ muốn tư nhân hoá nhiều doanh nghiệp hơn và phi tập trung hóa nền kinh tế hơn nữa. 68 phần trăm cho rằng cạnh tranh là biện pháp tích cực để thúc đẩy các ý tưởng và là động lực để làm việc chăm chỉ hơn. Nhiều người Cuba có đầu óc kinh doanh, 56 phần trăm người dân dự định bắt đầu kinh doanh trong vòng 5 năm tới. Để so sánh, 57 phần trăm người Mỹ dự định trở thành doanh nhân. Người dân Cuba đã sẵn sàng và muốn cải thiện cuộc sống của mình, nhưng chính phủ của họ không cho.
Hơn nữa, chỉ có 13 phần trăm người được hỏi nghĩ rằng nền kinh tế Cuba đang hoạt động tốt. Năm ngoái, GDP giảm gần một phần trăm. Venezuela, một trong những ân nhân chính của Cuba, đã buộc phải giảm 60% lượng dầu cung cấp cho Cuba – hậu quả của khủng hoảng kinh tế - ảnh hưởng nặng nề đến GDP của Cuba.
Nền kinh tế tập trung thường xuyên phân bổ sai các nguồn lực, dẫn đến những hậu quả mang tính tàn phá đối với nền kinh tế. Ví dụ, do các quy định của chính phủ mà lái xe taxi kiếm được nhiều tiền hơn là bác sĩ. Các chuyên gia có trình độ học vấn cao hoặc là bỏ nước ra đi hoặc là phải giữ những vị trí thấp hơn hẳn trình độ chuyên môn của họ. Các nhà khoa học thì đi bán kem, các giáo sư trở thành những người bán sách in lậu, còn các giáo viên thì trở thành bồi bàn.
Ngoài ra, tập trung hoá thúc đẩy tham nhũng. Nếu bác sĩ không thể đòi mức giá hợp lý cho việc khám chữa bệnh vì có quá nhiều quy định thì ông ta sẽ trở thành tài xế taxi hoặc phải có khoản “trà nước” thì mới làm. Theo đó, 38 phần trăm người dân Cuba cho rằng tham nhũng là vấn đề nghiêm trọng trong xã hội của họ
Ngay cả xì gà Cuba – đã từng đồng nghĩa với thuốc lá chất lượng cực kì cao - đã xuống cấp về chất lượng, đấy là do không có cạnh tranh và quản lý yếu kém. Trong bảng xếp hạng xì gà của tạp chí Cigar Aficionado, năm 2016, chỉ có ba thương hiệu xì gà Cuba nằm trong top 25. Trong khi đó, Nicaragua có 16.
Từ năm 2010, Cuba đã cho thấy những nỗ lực nhằm phi tập trung hóa nền kinh tế và mở rộng các sáng kiến trong lĩnh vực tư nhân, nhất là trong lĩnh vực du lịch. Các chính sách mới của nước này chứng tỏ có một số thành công, và năm ngoái đã có hơn 4 triệu khách du lịch đến hòn đảo này trong những kì nghỉ lễ. Cứ mười người thì có tám người tin rằng phải mở rộng du lịch, họ hi vọng nó sẽ tạo ra việc làm và thúc đẩy nền kinh tế.
GDP không phải là tất cả
Tuy nhiên, người ta không kì vọng là dưới chính quyền của chủ tịch Raúl Castro sẽ có những cải cách kinh tế sâu sắc hơn. Ngoài ra, trong khi Obama mong muốn cải thiện quan hệ Mỹ-Cuba, thì Trump có thể có quan điểm khắc nghiệt hơn. Do vậy, đa số người dân Cuba có thái độ bi quan, họ không nghĩ rằng kinh tế sẽ phục hồi một cách nhanh chóng.
Nói cho cùng, phúc lợi của nhân dân không chỉ dựa vào GDP. Tỷ lệ người biết chữ và tuổi thọ của người Cuba thường được sử dụng để khẳng định rằng các chính sách của chủ nghĩa xã hội cải thiện được mức sống của người dân, mặc dù của cải vật chất không nhiều. Thực tế đúng là Cuba có tỷ lệ người biết chữ cao nhất thế giới, 99,7%. Tuy nhiên, phần lớn các nước đều đạt mức như thế, một phần ba các nước trên thế giới có trên 95% người dân biết chữ.
Cuba có tuổi thọ cao hơn Mỹ một chút, tuổi thọ trung bình của người Cuba là 79,55, còn Mỹ là 79,16 năm. Tuy nhiên, cả hai nước này đều không đứng đầu bảng xếp hạng, thứ tự là 37 và 39. Như vậy, Việc Hoa Kỳ xếp hạng thấp là đáng chú ý hơn là Cuba xếp hạng cao hơn một chút. Tuy nhiên, người ta nói rằng người Cuab ít quan tâm tới việc tiếp cận với y tế và giáo dục.
Các vấn đề xã hội khác được coi là cấp bách hơn. 51 phần trăm người dân Cuba nói rằng tội phạm là vấn đề nghiêm trọng. Ngoài ra, người ta cho rằng sự can thiệp của chính phủ vào đời sống cá nhân là nghiêm trọng. 41% phàn nàn về việc không truy cập được mạng Internet, 76% cho rằng họ phải giữ mốm giữ miệng và họ không thể diễn đạt một cách tự do. Có thể hiểu được. Trong tuần này, nhà lãnh đạo ủng hộ dân chủ, Eduardo Cardet, đã bị kết án ba năm tù giam vì đã chỉ trích chính phủ trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh.
Không có gì ngạc nhiên, khi hơn một nửa người dân Cuba muốn bỏ nước ra đi, khi có cơ hội. Bảy trong số mười người muốn đến Mỹ. 60 năm sau cuộc cách mạng cộng sản, rõ ràng là người Cuba không những không ghét, mà còn mong muốn xã hội nhiều tư bản hơn và tự do hơn.
Raul Castro đã thông báo rằng ông ta sẽ không tái ứng cử chức chủ tịch vào năm 2018. Lúc đó, chế độ mới sẽ lắng nghe nguyện vọng của người dân, hi vọng thế.

----------------------

Maximilian Wirth là trợ lí nghiên cứu ở Washington D.C.
Nguồn: https://fee.org/articles/cubans-want-capitalism/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét