Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Sáu, 5 tháng 1, 2018

Mạng người nào không quý?


Mạng người nào không quý?

5-1-2018

Từ trái: Đặng Văn Hiến, Ninh Viết Bình, Hà Văn Trường nắm chặt tay nhau sau khi nghe tòa tuyên án. Ảnh: Minh Quý/ Zing

Tòa sơ thẩm tuyên Đặng Văn Hiến án tử vì Hiến bắn chết 3 bảo vệ công ty Long Sơn. Trước khi 3 bảo vệ này chết, đã có người chết vì bị công ty Long Sơn cướp đất, đánh người. Có những người may mắn không chết nhưng thương tật suốt đời.
Với tôi, mạng người nào cũng quý, miễn là họ không vi phạm pháp luật đến mức phải chết!
Tôi dĩ nhiên không chấp nhận hành vi tước đoạt 3 mạng người của Hiến dù đưa Hiến ra đầu thú. Nhưng tôi cũng không thể chấp nhận việc xâm hại tài sản, sức khỏe và tính mạng người khác mà các bảo vệ công ty Long Sơn do Nghiêm Xuân Thiên Sửu cầm đầu gây ra.
Càng không chấp nhận được cách chính quyền địa phương tại huyện Tuy Đức, Đak Nông vô cảm: giao đất sai quy định (theo bản đồ, chưa đo đạc thực tế), được gọi điện báo tin “có đánh nhau to” trước đó nhưng không can thiệp kịp thời, thậm chí có cán bộ biến chất đã đánh dân khi dân lên tố cáo tội phạm,.v.v..
Đơn thư lên xã, lên huyện, lên tỉnh đều rơi vào im lặng.
Ngay cả Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình xuống tận nơi thị sát và ra chỉ đạo ngừng cưỡng chế mà sự việc đau lòng vẫn xảy ra.
Nghĩa là địa phương có những cán bộ không coi quốc pháp ra gì!
Sự vô pháp ấy bị chỉ thẳng mặt trong cuộc họp an dân với đầy đủ ban bệ của Ủy ban, Mặt trận, công an, quân đội,… Dân đã hỏi: “Nếu vợ ông mang thai và bị bảo vệ công ty Long Sơn đánh tới chết thì ông có để yên không?”. Vị phó chủ tịch UBND huyện cúi đầu… Và đó chỉ là 1 trong rất nhiều vụ đã diễn ra trước ngày nổ súng.
Gặp nhiều người, nghe nhiều câu chuyện uất ức, nhìn từng vết sẹo lồi lên hay cái đầu bị “vạt” gần phân nửa vì rựa bén đã khiến tôi ám ảnh. Ngoài ám ảnh về nỗi đau của họ, tôi còn ám ảnh với câu hỏi của dân: “Nếu nhà báo rơi vào tình cảnh chúng tôi thì sao?”
“Nếu là mình, thì sao?”- tôi tự hỏi.
Nếu chính tôi bị vây bởi 30 người ném đá vào nhà để tôi không thể xông ra cứu tài sản gia đình mình đổ mồ hôi tạo dựng và mất đi thì tương lai vợ con mịt mờ… Thì tôi có chống lại đám cướp ấy không?
Nếu ông già 94 tuổi bị 2 bảo vệ to khỏe lôi vào gốc cây để trở gậy đập vào ngực phun máu, giờ vẫn ho dốc vì đòn đau ấy là ông nội tôi…. Thì tôi sẽ phản ứng ra sao?
Nếu người đàn bà mang thai 7 tháng đã “chết vì cưỡng chế của công ty” kia là vợ mình và những cú đạp thẳng vào bụng ấy diễn ra trước mặt mình… Thì tôi còn đủ giữ bình tĩnh không?
Nếu một thời gian dài bị đánh đập và chứng kiến người thân bị đánh đập. Nếu một thời gian dài bị cướp bóc và chứng kiến người thân bị cướp bóc. Có súng trong tay và bắn giỏi, tôi sẽ làm gì?
Hôm qua có rất nhiều comment kiểu “Ra đầu thú chi để giờ bị tuyên tử hình. Thà cầm súng bắn được thằng nào hay thằng ấy.”- một lối suy nghĩ tàn nhẫn và ngu muội. Hãy đặt mình vào người thân của những người bị tước đi sinh mạng hay sức khỏe. Họ đâu có tội tình gì!
Trong phiên tòa sơ thẩm, có gia đình nạn nhân đã xin giảm án cho Đặng Văn Hiến. Nhà họ rất nghèo và cũng đau đớn vì mất con nhưng họ đã cư xử nhân văn hơn rất nhiều người kêu gọi công lý bằng máu người khác.
Khoa học chứng minh con người nào có suy nghĩ cũng từng nghĩ đến việc mình chết như thế nào và có ý định giết chết người khác ra sao ít nhất 1 lần trong đời. Nhưng rõ ràng những hung thủ giết người vẫn luôn là số rất rất ít.
Khi nảy sinh ý định tước đoạt mạng sống một ai đó, xin nhớ cho, mạng người nào cũng quý!
Kể cả là tước đoạt mạng sống bằng một phán quyết của tòa…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét