CƠ HỘI TỴ NẠN CỦA VŨ "NHÔM"?
Thời gian ngắn vừa qua, ghi nhận một xu hướng rõ rệt của các quan chức VN khi bị "ngã ngựa" là kiếm đường tẩu ra nước ngoài, lợi dụng các cơ chế bảo vệ nhân quyền quốc tế và hệ thống xét xử thiếu chuẩn mực pháp quyền tại Việt Nam để kiếm một suất "tỵ nạn chính trị" nhằm tránh bị trừng phạt.
Thông tin báo chí quốc tế loan tải, Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") trong hành trình đào tẩu đang bị tạm giữ ở Singapore, đã thuê luật sư làm hồ sơ xin tỵ nạn chính trị ở một quốc gia Châu Âu và chống lại việc bị dẫn độ về Việt Nam.
Cơ hội xin được tỵ nạn chính trị của Vũ "nhôm" có thật sự khả quan hay không khi đối chiếu với cách vận hành của hệ thống pháp luật và chính trị bảo vệ cho người tìm kiếm tỵ nạn?
Có thể nói, tình trạng pháp lý của Vũ "nhôm" hiện tại là khá bi đát, ông ta chưa được cơ quan Cao ủy tỵ nạn cấp quy chế "người tỵ nạn" để được Liên Hợp Quốc bảo vệ theo Công ước về vi thế của người tỵ nạn 1951. Ông ta cũng đang ở một quốc gia ngoài Châu Âu, ngay cả khi một quốc gia Châu Âu nào muốn rước Vũ về cũng không phải là điều đơn giản vì Singapore-nơi đang tạm giữ Vũ không dễ dàng để Vũ rời khỏi Singapore trước áp lực đòi dẫn độ ở Việt Nam.
Vũ "nhôm" không phải là một người có cống hiến xuất chúng cho nhân loại, hay chịu cảnh đày ải cuộc đời như "đoạn trường tân thanh" để làm lay động sự quan tâm của Cao ủy tỵ nạn Liên hợp Quốc, các quốc gia Châu Âu, hay các tổ chức nhân quyền Phi chính phủ để họ lên chiến dịch "giải cứu Vũ nhôm". Tất cả họ dễ dàng "dị ứng" khi nhìn thấy các bằng chứng rõ ràng được phát tán trên mạng về việc Vũ đã có thành tích vơ vét công sản quốc gia và lũng đoạn kinh tế ở Đà Nẵng.
Con đường xin tỵ nạn và đến định cư ở một quốc gia ở Châu âu, bằng con đường pháp luật về bảo vệ người tỵ nạn xem ra có vẻ là ngõ cụt đối với Vũ, vì Vũ khó lòng đáp ứng được tiêu chuẩn là "người tỵ nạn" theo Công ước về vị thế người tỵ nạn 1951.
Theo nhóm luật sư của Vũ cho biết, hồ sơ xin tỵ nạn của Vũ đang nhắm đến nước Đức, với lý do đưa ra Vũ sẽ hợp tác phục vụ cho công tác điều tra của nước Đức về vụ án Trịnh Xuân Thanh. Có thể nói đây là khe cửa nhiệm mầu duy nhất để biến Vũ nhôm thành một người "rất đặc biệt" đối với phía Đức để phía Đức quan tâm và can thiệp.
Nói thẳng ra là phía Vũ "nhôm" đang đề xuất cho một sự "đổi chác" với phía Đức. Vũ sẽ hợp tác điều tra vụ Trịnh Xuân Thanh và cung cấp thông tin tình báo mà Vũ đang nắm giữ, phía Đức có thể cấp quy chế tỵ nạn tạm thời cho Vũ đến nước Đức để khai thác các thông tin mà Vũ đang có.
Hiện vẫn chưa biết phía Đức quan tâm đến đề xuất của Vũ ở mức độ nào, nhưng cửa ải khó qua nhất mà Vũ phải vượt qua là cánh cửa Singapore. Trong cuộc chiến pháp lý và chính trị tay 3 giữa Việt Nam-Singapore-và Quốc gia muốn tiếp nhận Vũ, Vũ vẫn không có đồng minh tiếp sức, dò đường chỉ lối cho mình trong hành trình nguy cấp ấy, ngoài mấy vị luật sư mà Vũ phải trả tiền.
Bài học rút ra dành cho các quan chức đương thời, đừng bao giờ biến mình thành kẻ thù của xã hội dân sự và nhân quyền, nếu muốn dành cửa hậu tìm đường thoát thân.
FB Phạm Lê Vương Các.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét