Chuyện các binh sĩ VNCH bị Trung Quốc bắt giữ sau hải chiến Hoàng Sa 1974
Võ Hà
18-1-2018
Ngay sau khi cuộc hải chiến diễn ra, Ngoại trưởng VNCH lên án Trung Quốc: “đã xâm chiếm các phần lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa và bắt đi một cách trái phép 121 binh sĩ của Quân lực VNCH”.
Sự kiện Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ngày 19.01.1974 đến nay vẫn để lại những xúc cảm khi Tết đến, cũng là một thời điểm cái Tết đến cận kề lúc bấy giờ khi vụ tranh chấp này xảy ra. Đặc biệt, những năm gần đây khi tình hình tranh chấp Hoàng Sa nói riêng và trên biển Đông nói chung càng phức tạp trong một bối cảnh mới, đã đặt ra những câu hỏi có nên hay không nên công nhận là người có công với Tổ quốc đối với những chiến sĩ Hải quân của chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH) lúc bấy giờ đã chiến đấu và bỏ lại thân thể của mình ngoài vùng biển Hoàng Sa?
Dù câu trả lời như thế nào đi chăng nữa, bài viết này đề cập đến việc trao trả các binh sĩ VNCH bị Trung Quốc bắt giữ, thông qua nguồn tư liệu báo chí đương thời, sẽ làm rõ tính chính nghĩa về chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo này và ý chí bảo vệ chủ quyền có tính kế tục lịch sử của chính quyền đương thời.
Ngay sau khi cuộc hải chiến diễn ra, Ngoại trưởng VNCH lên án Trung Quốc “đã xâm chiếm các phần lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa và bắt đi một cách trái phép 121 binh sĩ của Quân lực VNCH, vì vậy Trung Cộng (cách gọi Trung Quốc của báo chí miền nam trước 1975 – NV) phải có nhiệm vụ trả tự do ngay cho các người này, chứ không cần phải có một thời gian nào đó thuận tiện” (1). Dưới áp lực về ngoại giao và tổ chức Hồng Thập Tự quốc tế, Trung Quốc đã tiến hành trao trả tổng số 48 tù binh(2), nhưng không được trao trả 1 đợt mà thành 2 đợt và tổ chức trong im lặng.
Đợt thứ nhất được trao trả vào ngày 31.01.1974 có 5 tù binh, “gồm 4 chiến sĩ VNCH và 1 người Mỹ tại Shumchun thuộc biên giới tỉnh Quảng Đông và Hương Cảng” (3). Đợt thứ hai vào ngày 17.02.1974 có “43 tù binh VNCH vừa được Trung Cộng thả hôm Chủ nhật có thủy thủ Lý Chánh Hùng người Việt gốc Hoa” (4). Trong số đó “có 13 hải quân, 23 chiến sĩ địa phương quân, 4 chiến sĩ công binh và 3 nhân viên khí tượng thuộc Đài khí tượng Hoàng Sa” (5). Trong đợt trao trả thứ nhất, chỉ có 5 tù binh (trong đó có 1 người Mỹ), đồng nghĩa với việc liên quan đến quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ, điều này sẽ tác động quyết định đến việc Trung Quốc cần trao trả càng sớm càng tốt. Trong lần trao trả thứ hai, “có thủy thủ Lý Chánh Hùng người Việt gốc Hoa. Vì anh ấy là tù binh duy nhứt nói được Hoa ngữ nên anh đã làm thông dịch viên cho tù binh VNCH. Thủy thủ Lý Chánh Hùng nói rằng anh không muốn ở lại Hoa lục vì mỗi ngày anh và các đồng đội phải trải qua 3 tiếng đồng hồ tuyên truyền chính trị của Trung Cộng mặc dù Trung Cộng cho ăn uống khá” (6), nghĩa là Trung Quốc cần giam giữ tù binh trong thời gian lâu hơn và có người Hoa để “tuyên truyền chính trị” nhằm xuyên tạc những sự thật lịch sử. Và, vô hình trung làm lộ rõ sự “bất chính” của Trung Quốc đối với sự kiện hải chiến tại quần đảo Hoàng Sa năm 1974.
Bên cạnh đó, thái độ của Trung Quốc và tổ chức Hồng Thập Tự quốc tế muốn quá trình trao trả tù binh càng yên lặng càng tốt với lý do là vì sự tế nhị của biến cố Hoàng Sa. Các nhà báo của VNCH đi theo đoàn thực hiện trao trả, các báo tại Trung Quốc cũng như báo quốc tế đã không được phép tiếp cận các tù binh. “Hồng Thập Tự quốc tế muốn việc thả tù càng yên lặng càng tốt. Số người tiếp đón phái đoàn không quá 10 vì hệ thống an ninh tại phi trường Kaitak (7) được tăng cường tối đa, không một ai vô phận sự cần thiết được lọt vô khu vực phi cơ hàng không Việt Nam đậu, kể cả các nhà báo tại Hương Cảng (tức Hồng Kông). Khoảng hơn 10 phóng viên Việt Nam tháp tùng phái đoàn đi đón các chiến sĩ VNCH đã bị “giam lỏng” gần 2 giờ đồng hồ. Phái đoàn viên phi hành vào nhà ga được các nhân viên tại đây hỏi han lung tung về chuyến bay đặc biệt này. Khi đó họ mới vỡ lẽ ra, vì từ trước họ chỉ biết hôm nay có cuộc trả tự do tại biên giới Trung Cộng, Hương Cảng, chớ không hay gì về vụ đón người của Việt Nam Cộng hòa” (8). Căn cứ vào thái độ của các nước có liên quan, vào số lần, sự im lặng bất thường và “tuyên truyền chính trị” đối với tù binh cho thấy đằng sau đó là sự “e dè”, “bất chính” của Trung Cộng khi bị lên án vì dùng vũ lực xâm chiếm Hoàng Sa, đồng thời đó là thái độ của Mỹ muốn sự việc nhanh chóng được khép lại trong “lặng lẽ” một khi Mỹ có được một thế cấn bằng tạm ổn ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Ngược lại, chính quyền VNCH muốn “đường đường chính chính” việc trao trả tù binh phải diễn ra công khai và được báo chí xâm nhập để chứng minh tính “chính nghĩa” và là một “nạn nhân” như thế nào. Việc này VNCH không thể làm theo ý mình vì việc trao trả tù binh diễn ra trên ở Trung Cộng và do họ quyết định thời gian, địa điểm. Tuy nhiên, chính quyền VNCH đã chứng minh tính “chính nghĩa” bằng cách khác là tổ chức đón tiếp các chiến sĩ tham chiến khi về Việt Nam và thưởng cho họ một cách nồng hậu, các chiến sĩ trở thành đại diện cho ý chícủa Việt Nam trong việc chiến đấu để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Trước hết là đối với các chiến sĩ chiến đấu trở về nhưng không bị bắt làm tù binh, thì ngày 30.1.1974 (số này không nằm trong 48 tù binh bị Trung Quốc bắt giữ, mà nằm trong tổng 121 như đã trình bày ở trên), “tuần dương hạm Lý Thường Kiệt về tới Sài Gòn và được đón tiếp trọng thể tại bến Bạch Đằng với sự tham dự của nhiều thân nhân thủy thủ đoàn. Đề đốc Trần Văn Chơn, Tư lệnh Hải quân VNCH đã trao Anh Dũng Bội tinh cho Trung tá Lê Văn Thứ, Hạm trưởng HQ.16 cùng một số sĩ quan, hạ sĩ quan và đoàn viên thủy thủ. Các nữ sinh cũng choàng vòng hoa chiến thắng và sau đó các thân nhân thủy thủ đoàn được mời lên thăm chiến hạm” (9). Đối với các tù binh được trao trả, khi về đến Sài Gòn, có “một buổi lễ tiếp đón vô cùng long trọng sẽ được Phủ TUDV (Tổng ủy Dân vận) phối hợp với Tổng cục CTCT (Chiến tranh Chính trị) và các Tòa Đô chánh tỉnh Gia Định, với sự tham dự các đoàn thể sinh viên học sinh của các Hội đồng dân cử, các thân hào nhân sĩ tổ chức ngay tại phòng khách Danh dự phi trường Tân Sơn Nhất” (10).
Đồng thời, để “tưởng thưởng những chiến sĩ Hải quân can trường chiến đấu tại Hoàng Sa, Bộ Ngoại giao có một phái đoàn do ông Nguyễn Hoàn, Tổng Thư ký Bộ Ngoại giao hướng dẫn đã đến Bộ Tư lệnh Hải quân trao tặng một ngân phiếu một triệu đồng cho các thương binh và gia đình của tử sĩ Hải quân tham chiến tại Hoàng Sa ngày 19.01.1974 vừa qua. Cũng trong dịp này, ông Hoàn đã ca ngợi tinh thần chiến đấu anh dũng, lòng hy sinh quả cảm cũng như sự chiến thắng vẻ vang của các chiến sĩ Hải quân (…) để bảo vệ chủ quyền và sự bảo toàn lãnh thổ của VNCH. Ngoài ra, để ghi ơn các anh hùng tử sĩ can đảm đã ngã gục lại hải đảo Hoàng Sa trong chiến trận vừa qua, tên tuổi của một số anh hùng có thể sẽ được chính quyền chấp thuận cho đặt tên một số đường phố tại Thủ đô” (11).
Như vậy, thông qua những thông tin mà báo chí lúc bấy giờ đề cập việc trao trả binh sĩ đã nói lên hai vấn đề: Một là, chính quyền VNCH có những phản ứng mạnh mẽ để khơi dậy tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ Hải quân, thể hiện sự đồng thuận cao giữa chính quyền và các chiến sĩ cùng như các tầng lớp khác nhau trong xã hội đối với việc bảo vệ chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa. Hai là, thông qua thái độ của Trung Quốc trong việc lợi dụng giam giữ các binh sĩ để tuyên truyền lén lút “bất chính” về chủ quyền của họ tại Hoàng Sa, đồng thời họ muốn sự việc diễn ra trong im lặng, là “việc đã rồi”, để giữ nguyên tình hình nhằm thực hiện chính sách bành trướng của mình trong bối cảnh tình hình thế giới lúc bấy giờ.
Võ Hà (Hội KHLS TP. Đà Nẵng)
===
[1] “Ngoại trưởng Bắc đòi trao trả ngay 121 binh sĩ quân lực Việt Nam Cộng hòa bị Trung Cộng bắt giữ”, Tia Sáng, ngày 28.01.1974.
[2] Con số 121 mà chính quyền VNCH đưa ra bao gồm tù binh, mất tích và bị trôi dạt trên biển chưa liên lạc được, chính quyền VNCH đưa ra như vậy bao hàm cả ý nghĩa đấu tranh ngoại giao, trên thực tế VNCH chưa thống kê được số lượng binh sĩ mất tích trên biển nên gộp chung lại thành số lượng tù binh. Trung Quốc thông báo chỉ giữ 48 tù binh.
[3] “Sau vụ Hoàng Sa, Quân lực Việt Nam Cộng hòa đặt trọng tâm vào nội lực bảo vệ Trường Sa – Phú Quốc”, Tia Sáng, ngày 31.01/.1974. Người Mỹ này tên là Gerald Emil Kosh, 27 tuổi làm việc cho Bộ Quốc phòng Mỹ đang giữ nhiệm vụ liên lạc với Hải quân Việt Nam tại Đà Nẵng, tới Hoàng Sa ngày 15.01 trong một chuyến công tác thường lệ.
[4] “Mỹ đang giúp Việt Nam Cộng hòa trinh sát quần đảo Hoàng Sa, 43 chiến sĩ bị Trung Cộng bắt đã về tới Sài Gòn”, AP, ngày 17.02.1974.
[5] Boeing 727 của H.K.VN sẽ đi Hồng Kông sáng 17.2 tiếp đón”, Tia Sáng, ngày 18.02.1974.
[6] “Mỹ đang giúp Việt Nam Cộng hòa trinh sát quần đảo Hoàng Sa, 43 chiến sĩ bị Trung Cộng bắt đã về tới Sài Gòn”, nđd.
[7] Phi trường Kaitak thuộc địa phận Hương Cảng (Hồng Kông), nằm giáp biên giới Shumchun (Quảng Đông).
[8] “Chuyến đi đón 5 binh sĩ do Trung Cộng thả: cả phái đoàn bị Giam lỏng ở sân bay Kaitak”, Điện Tín, ngày 02.02.1974.
[9] “Sau vụ Hoàng Sa, Quân lực Việt Nam Cộng hòa đặt trọng tâm vào nội lực bảo vệ Trường Sa – Phú Quốc”, Tia Sáng, ngày 31.01.1974.
[10] “Boeing 727 của H.K.VN sẽ đi Hồng Kông sáng 17.2 tiếp đón”, nđd.
[11] “Bộ Ngoại giao tặng các chiến sĩ Hải quân tham chiến đảo Hoàng Sa một triệu đồng”, Tía Sáng, ngày 16.02.1974.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét