Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Tư, 17 tháng 1, 2018

Bất nhân chồng bất nhân !!!

Bất nhân chồng bất nhân !!!

bxvnWed 6:19 AM


Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 283 (15-01-2018)

Đầu xuân 2018, giữa lúc mọi người đang mong ước, hy vọng và cầu chúc cho nhau những gì tốt đẹp trong năm mới, thì phán quyết mà Tòa án tỉnh Đắk Nông công bố hôm 3-1-2018 đối với ba nông dân Đặng Văn Hiến (47 tuổi, tử hình), Ninh Viết Bình (35 tuổi, 20 năm) và Hà Văn Trường (32 tuổi, 12 năm) bị cáo buộc “giết người”, quả đã làm cho công luận rúng động, phẫn nộ cũng như làm cho bầu trời nước Việt thêm vô vọng và u ám.

Phiên tòa này kết thúc vụ án khởi đầu từ cuộc xung đột giữa dân chúng xã Quảng Đức, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông với nhân viên Công ty Long Sơn hôm 23-10-2016, dẫn tới việc ba người chết, 13 người bị thương, tất cả đều là nhân viên Công ty, do bàn tay của 3 người vừa bị tuyên án. Thế nhưng công luận đã đứng về phía 3 nông dân này.

Mọi sự phát xuất từ việc Long Sơn được nhà cầm quyền tỉnh Đắc Nông theo nguyên tắc “đất đai thuộc sở hữu toàn dân nhưng nhà nước quản lý và làm chủ”  giao 1.079 hecta đất tại Tiểu khu 1536 để thực hiện “dự án nông lâm nghiệp” mà chẳng cần đo đạc thực địa và xem xét thực trạng. Do đó công ty Long Sơn đã tổ chức trục xuất mà không bồi thường cũng chẳng hỗ trợ những gia đình nông dân đang cư trú và canh tác trên phần công thổ mà chính quyền đã giao cho họ. Chính vì thế dân chúng ở Quảng Đức đã đôn đáo ngược xuôi xin cứu xét, nhưng tỉnh chẳng xét, huyện chẳng màng! May nhờ báo chí tường thuật, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã đến tận nơi, yêu cầu nhà cầm quyền ngăn chặn hoạt động cưỡng chế - thu hồi đất của Long Sơn để kiểm tra lại.

Điều mỉa mai là chỉ thị của Phó thủ tướng cũng bị huyện và tỉnh coi thường, khiến Long Sơn càng mạnh tay tiếp tục điều động xe chuyên dụng và người của mình dỡ bỏ nhà cửa, hủy diệt vườn tược (tiêu, điều, cà phê) trên phần đất được giao. Trong quá trình này, “công nhân” của Công ty (thực chất là côn đồ được thuê mướn) đã đánh đập, gây thương tích cho nhiều nông dân chỉ vì họ đã bảo vệ nhà cửa, vườn tược của họ. Có thanh niên bị rựa vạt mất gần nửa hộp sọ, may không chết nhưng mang dị tật suốt đời; có phụ nữ mang thai 7 tháng bị trụy thai do “công nhân” đạp vào bụng… Rốt cuộc, dân Quảng Đức đã quyết định tự cứu bằng cách tự vũ trang với súng tự tạo. Trong đợt cưỡng chế - thu hồi ngày 23-10-2016, sau khi bị 30 “công nhân” Long Sơn hành hung vì ngăn cản công ty dỡ nhà, phá vườn của mình, anh Đặng Văn Hiến đã lấy súng tự tạo, bắn hai phát chỉ thiên để cảnh cáo, nhưng đám người ấy vẫn lao đến ném đá… Có thêm sự hỗ trợ của Ninh Viết Bình (tiếp đạn), Hiến chĩa thẳng súng vào đám đông bóp cò…

Bản án tử hình dành cho Đặng Văn Hiến bắt nguồn từ những nguyên do nào? Trước hết, đó là vì anh đã dám trực tiếp chống lại quyết định về đất đai của nhà cầm quyền địa phương, và gián tiếp chống lại quy định về đất đai của đảng (địa chủ độc nhất và tuyệt đối trên mảnh đất hình chữ S này). Thứ đến là nỗi sợ hãi của đám lãnh đạo: không tử hình sẽ tạo nên tiền lệ, dẫn đến bạo loạn chống đối việc ăn cướp đất đai của giới chức địa phương khắp cả nước (mà nổi cộm lúc này là ở Đồng Tâm và Thủ Đức). Tiếp nữa, công ty Long Sơn đã dùng mọi phương tiện kể cả tiền bạc để tác động lên các nhân sự quyết định về bản án, như trước đây họ đã tự tiện thành lập và huấn luyện một đội quân cưỡng chế tàn bạo mà chẳng sợ quan chức và luật lệ nào cả. Cuối cùng, án tử hình sẽ che lấp trách nhiệm của chính quyền bản địa và tội lỗi của Long Sơn. 

Nhưng nguyên nhân sâu xa của vụ việc chính là chủ trương tạm gọi là “tam hữu độc quyền” và “tam quyền độc hữu” của Đảng CS. Bằng mọi giá, đảng phải nắm cho được vật chất của toàn thể đất nước, tinh thần của toàn thể nhân dân và (nhờ đó) nắm quyền lực trên toàn thể xã hội. Chính sách “sở hữu toàn dân về đất đai” chính là phương tiện để không có tài nguyên nào của đất nước mà đảng không thể sở hữu, tài sản nào của công dân mà đảng không thể chiếm đoạt. Vụ Đan viện Thiên An từ 107 héc-ta bị tước còn 5, vụ dân Đồng Tâm bị lấy cả trăm héc-ta vì “lý do quốc phòng”, và bao nhiêu vụ tham nhũng công sản, đục khoét công khố trong loạt phiên tòa thanh trừng nội đảng lúc này là những thí dụ điển hình. Chủ trương “đàn áp khốc liệt và tuyên án nặng nề” (đối với tất cả những ai đòi nhân quyền và dân chủ, sự thật và công lý, nghĩa là tố cáo tội ác và sai lầm của đảng, giành lại quyền lực và quyền lợi cho nhân dân) đều chỉ nhằm mục đích bắt tất cả tâm ý của toàn dân phải lụy phục đảng, để đảng muôn năm trường trị. Bên cạnh đó và phụ lực vào đó, chủ trương “tam quyền độc hữu” (hay “tam quyền phân công”) đã thay thế “tam quyền phân lập”. Bởi lẽ nếu có sự tách biệt rạch ròi giữa lập pháp (làm luật), hành pháp (quản lý, điều hành theo qui định pháp luật), tư pháp (điều tra, truy tố, xét xử độc lập, không bị chỉ đạo bởi tổ chức đảng), để cả ba giám sát lẫn nhau thì làm gì mà có những bản án bất công và bất nhân giáng xuống Đặng Văn Hiến, Ninh Viết Bình, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga, Nguyễn Văn Oai, Nguyễn Văn Hóa… Thế mà trong khi “tam quyền phân lập” được nhân loại xem là nguyên tắc cần tôn trọng và thực thi để bảo đảm công bằng xã hội thì đảng lại thù ghét nó đến mức tháng 11-2017, đã ban hành Quy định 102 QĐ/TW, nhấn mạnh sẽ khai trừ hết thảy những đảng viên đòi thực thi định chế này.

Chồng chất lên những bất nhân vừa nói chính là nhiều quy định trong Bộ luật Hình sự sửa đổi vừa có hiệu lực từ hôm 1-1-2018. Theo Bộ luật mới này, các tội danh "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" (Điều 79 luật Hình sự cũ), "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam" (Điều 88 luật Hình sự cũ) và "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" (Điều 258 luật Hình sự cũ) mà lâu nay bị quốc dân lẫn quốc tế kết án vì mơ hồ, khắt khe, lạm dụng, củng cố đảng, đều được giữ lại nhưng thay đổi số thứ tự, và đặc biệt còn thay đổi về hình phạt cho mỗi tội danh này.

Hôm 4-1-2018, trả lời đài BBC từ Sài Gòn, Luật sư Đặng Đình Mạnh phát biểu: "Điều đáng nói nhất là Bộ luật Hình sự tu chính bổ sung thêm sự chế tài trong cả trường hợp "chuẩn bị phạm tội" mà luật Hình sự cũ chưa từng quy định. Cụ thể, tội danh "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" thuộc Điều 79 luật Hình sự cũ nay là Điều 109 luật Hình sự tu chính, bổ sung thêm Khoản 3: "Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt từ 1 năm đến 5 năm tù”. Tương tự, tội "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam" thuộc Điều 88 luật Hình sự cũ nay trở thành Điều 117 luật Hình sự tu chính, cũng bổ sung thêm Khoản 3: “Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt từ 1 năm đến 5 năm tù”. Đối với tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" thuộc Điều 258 luật Hình sự cũ nay là Điều 331 luật Hình sự tu chính, thì quy định tại Khoản 2 "Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm" sửa thành "Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm".

Luật sư Mạnh bình luận thêm: "Sự thay đổi khái niệm này vẫn tiếp tục giữ quan điểm điển chế Điều 258 theo hướng định tính mơ hồ, bởi lẽ thế nào là "gây ảnh hưởng xấu?" Việc bổ sung thêm sự chế tài đối với cả trường hợp "chuẩn bị phạm tội" của các hành vi theo Điều 79, 88 (Luật Hình sự cũ) bị cho là có thể phương hại đến chế độ, một đàng cho thấy thái độ ngày càng khắt khe, quyết liệt hơn của chế độ, muốn dập tắt hành vi ngay từ trong trứng nước; đàng khác cũng cho thấy một thực tế rằng các hành vi này ngày càng có vẻ phổ biến, phát triển hơn, "gây nguy hại" nhiều hơn! Tóm lại, thay vì thúc đẩy thay đổi xã hội theo hướng tích cực tiệm cận hơn với các chuẩn mực của thế giới văn minh xung quanh ta, thì việc tu chính pháp luật theo hướng khắt khe hơn không phải là giải pháp của vấn đề”.

Tưởng cũng nên nhắc lại rằng cách đây nửa năm, hôm 21-06-2017, một ngày sau khi Quốc hội CS thông qua Bộ luật Hình sự tu chính, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) cũng đã phát biểu rằng: đáng lẽ phải hủy bỏ những điều luật nói trên, vốn thường được vận dụng để trừng phạt các hành vi thực hiện quyền tự do nhóm họp, lập hội và ngôn luận, giờ đây nhà cầm quyền lại bổ sung thêm các hình phạt nặng nề hơn nữa. Nghĩa là các blogger và các nhà hoạt động nhân quyền từ nay có thể bị phạt tù tới 5 hay 7 năm chỉ vì chuẩn bị phê phán nhà nước hay sắp sửa tham gia một tổ chức chính trị độc lập không được đảng phê chuẩn. HRW cũng kết án Điều 19 khoản 3 buộc luật sư phải vi phạm tính bảo mật giữa người bào chữa và thân chủ, nghĩa là các luật sư sẽ trở thành chỉ điểm cho nhà nước, và thân chủ sẽ không có lý do gì để tin tưởng luật sư của họ. Ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền lúc đó có nói: “VN coi mọi ý kiến phê phán hoặc phản đối chính phủ hay Đảng CS là vấn đề “an ninh quốc gia”; điều này sẽ tước bỏ mọi cơ hội bào chữa pháp lý thực sự trong các vụ việc như thế”. Rõ ràng là sự bất nhân của CS đã đi đến chỗ được luật hóa, trở thành quái đản trước con mắt của loài người.

Toàn thể đất nước cũng đang tưởng niệm một vụ việc bất nhân khác, xảy ra cách đây nửa thế kỷ. Đó là việc CS bất chấp lời hứa ngưng bắn, văn hóa dân tộc, ý nghĩa thiêng liêng của ngày Tết  đã tấn công 41 thành phố, thị xã và 72 quận lỵ của Việt Nam Cộng hòa, kể cả Sài Gòn và Huế ngay đêm Giao thừa tết Mậu Thân 1968. Tiếng pháo đã chen lẫn tiếng súng! Bia rượu đã hòa vào máu đỏ! Thịt heo bánh tét đã trộn lẫn với thịt người! Tội ác bất nhân này còn kéo dài gần cả tháng sau đó, nhất là tại Huế, nơi CS đã giết chết từ 6 đến 7 ngàn thường dân gồm viên chức hành chính, bác sĩ kỹ sư, tu sĩ linh mục, tiểu thương lao động, sinh viên học sinh… bằng những hình thức man rợ như dùng báng súng, cuốc xẻng bửa đầu, cột thành chùm chôn sống, xả súng liên thanh và ném lựu đạn vào đoàn người bị trói chặt… Thế mà nay CS vẫn tự hào đó là một chiến thắng lừng lẫy, “từ chủ trương đúng đắn và sáng suốt, nhờ nghệ thuật quân sự VN biết nắm bắt thời cơ để chủ động tiến công địch”. Thói bất nhân bất nghĩa, giết hại đồng bào không ghê tay này đã bắt đầu […] với cuộc Cải cách ruộng đất, sau đó là xâm lăng VNCH khiến 4 triệu người thiệt mạng, tàn sát hơn 100 ngàn quân cán chính chế độ cũ, đẩy hàng triệu Đồng bào ra biển khơi mà một nửa vong mạng, gây nạn dân oan hàng chục triệu người sống dở chết dở, giết oan hàng trăm người dân bị bắt bắt vào đồn… Một chế độ giết người như thế còn xứng đáng để tồn tại sao?

Ban biên tập
Bán nguyệt san Tự do Ngôn luậngửi BVNBVN không có chủ kiến gì về quan điểm và sắc thái ngôn từ thể hiện trong bài. 




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét