Việt Nam phản đối Trung Quốc tập trận tại Hoàng Sa
Việt Nam cực lực bác bỏ hành động của Trung Quốc và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa.
Đó là tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng, vào chiều ngày thứ Ba, 5 tháng Chín.
Tuyên bố này nhắm vào cuộc tập trận bắn đạn thật của Trung Quốc diễn ra từ 28 tháng Tám đến ngày 4 tháng Chín, tại khu vực cửa Vịnh Bắc Bộ.
Khu vực tập trận được nói là chỉ cách bờ biển Quảng Nam Đà Nẵng của Việt Nam 75 hải lý, và không xa khu vực mỏ khí đốt Cá Voi Xanh mà Việt Nam và công ty Exxon Mobile của Mỹ sẽ khởi động khai thác vào tháng 11 tới đây.
Trước đó, Việt Nam đã lên tiếng nói rằng hết sức quan ngại về cuộc tập trận này, và cho biết Bộ ngoại giao Việt Nam đã gặp Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội để trình bày quan điểm của Việt Nam về vụ này.
Đáp trả lại lời tuyên bố của Việt Nam, hôm nay thứ Tư 6 tháng Chín, phát ngôn nhân Bộ ngoại giao Trung Quốc ông Cảnh Sảng nói rằng khu vực tập trận nằm trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc.
Ông nói thêm rằng các bên có liên quan nên nhìn cuộc tập trận một cách bình tĩnh và có lý lẽ, nhưng ông không nói rõ các bên liên quan là nước nào.
Trước đó, trong lúc cuộc tập trận đang diễn ra, Bắc Kinh có nói rằng cuộc tập trận diễn ra trong khu vực đặc quyền kinh tế của Trung Quốc, xung quanh quần đảo Tây Sa, tên mà Trung Quốc gọi quần đảo Hoàng Sa.
Xin được nhắc lại là quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đoạt từ tay hải quân Việt Nam Cộng Hòa của miền Nam Việt Nam vào năm 1974, và chiếm đóng quần đảo này trong suốt thời gian qua.
Trong thời gian đó Việt Nam cũng liên tục tuyên bố Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Đây là một quần đảo nhỏ với những đảo san hô và bãi cạn, mà theo phán quyết của tòa trọng tài quốc tế ở Hà Lan vào năm ngoái, thì chỉ có thể có 12 hải lý chủ quyền vùng nước xung quanh mà thôi chứ không có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý như các lục địa và đảo lớn.
Trung Quốc tuyên bố rằng phán quyết này không có giá trị với họ.
Ngoài ra khu vực tập trận của Trung Quốc cũng nằm ở vùng được gọi là Cửa Vịnh Bắc bộ, nơi Việt Nam và Trung Quốc chưa thương lượng xong về ranh giới giữa hai bên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét