Các trại tỵ nạn người Rohingya bên bờ ‘thảm họa y tế’
Tổ chức Bác sĩ Không Biên giới (MSF) hôm 21/9 lên tiếng cảnh báo các trại tị nạn của người Rohingya ở biên giới giữa Bangladesh và Myanmar đang trên bờ vực của thảm họa về sức khỏe cộng đồng.
Hiện đang có hơn 420.000 người Hồi giáo Rohingya đang trú ngụ tại trại tị nạn Cox’s Bazar. Đây là những người chạy từ bang Rakhine của Myanmar sang Bangladesh để tránh chiến dịch mà Liên Hiệp Quốc gọi là thanh lọc sắc tộc của quân đội Myanmar nhắm vào người thiểu số Rohingya.
MSF cho biết họ tiếp nhận những người lớn chạy đến trại tị nạn mỗi ngày và họ đều có nguy cơ bị chết vì thiếu nước. MSF đánh giá đây là điều hiếm gặp ở người lớn và cho thấy tình trạng khẩn cấp ở khu vực này.
MSF cũng cho biết tình trạng vệ sinh tồi tệ ở trại tị nạn khi nước bẩn và phân trôi nổi khắp các lán trại vì thiếu nhà vệ sinh. MSF vì vậy cảnh báo phải có một trợ giúp nhân đạo cỡ lớn cho Bangladesh để tránh thảm họa sức khỏe công cộng.
Bangladesh thúc giục lập an toàn khu cho người Rohingya
Trong khi đó, Thủ tướng Bangladesh hôm 21 tháng 9 tại Linee Hiệp Quốc ở New York lên tiếng kêu gọi việc thiết lập những khu vực an toàn do Liên Hiệp Quốc giám sát ở ngay trong Myanmar để bảo vệ người Hồi giáo Rohingya.
Bà Sheikh Hasina nói tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc rằng những người Rohingya cần phải được trở về nhà của mình an toàn và được tôn trọng. Bà cũng cáo buộc giới chức Myanmar đã rải bom ở biên giới để gnawn cản người Rohingya trở về.
Bà Hasina đưa ra kế hoạch 5 điểm cho việc thiết lập các khu vực an toàn như vậy tại Myanmar.
Tuy nhiên việc thiết lập các khu vực an toàn do Liên Hiệp Quốc giám sát phải được Hội Đồng Bảo An chấp thuận. Trung Quốc là một thành viên của Hội đồng và có quyền phủ quyết nếu không chấp nhận. Trung Quốc hiện cũng là nước ủng hộ quân đội Myanmar mạnh mẽ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét