Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Hai, 25 tháng 9, 2017

Lương tối thiểu tại Việt Nam: Đầy nghịch lí!

Lương tối thiểu tại Việt Nam: Đầy nghịch lí!

bauxitevn6:58 AM

Thụy Khanh
Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách định nã đại bác vào đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam hay sao? Nếu lương phải liên quan năng suất lao động thì cán bộ Nhà nước và đảng viên cộng sản chết đói hết à?
Bauxite Việt Nam
Lương tối thiểu tại Việt Nam không liên quan gì năng suất lao động
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), Việt Nam đã chứng kiến mức tăng lương tối thiểu tương đối nhanh trong những năm qua. Lương tối thiểu tăng ở mức trung bình hằng năm đạt hai con số trong giai đoạn 2007-2015, vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người và chỉ số giá tiêu dùng. Cũng trong giai đoạn này, tốc độ tăng lương tối thiểu cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động. Cụ thể, tỉ lệ lương tối thiểu trên năng suất lao động đã tăng từ 25% (năm 2007) lên 50% (năm 2015).
Xu hướng này không giống như các quốc gia khác như Trung Quốc, Indonesia hay Thái Lan. Khoảng cách giữa tăng trưởng lương tối thiểu và tăng trưởng năng suất lao động ở Việt Nam đã dãn rộng nhanh hơn so với các quốc gia khác.
Lương tối thiểu tại Việt Nam có tốc độ tăng nhanh hơn năng suất lao động
Theo TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR, lương phải gắn liền với năng suất lao động "nhưng tại Việt Nam, lương tối thiểu đã tăng liên tục và không liên quan gì năng suất lao động cả". Ông Thành cho rằng lương tối thiểu tăng cao hơn năng suất lao động sẽ khiến việc phân phối hướng về người lao động nhiều hơn. Điều này làm giảm động lực của vốn, giảm tích lũy tư bản, giảm động lực đầu tư và quá trình mở rộng sản xuất kinh doanh, gây ảnh hưởng trong dài hạn. 
Theo phân tích của VEPR, trong giai đoạn 2004 - 2015, năng suất lao động của Việt Nam đã tăng khá nhanh (đạt 4,4%), tuy nhiên tốc độ tăng trưởng của lương trung bình còn nhanh hơn, đạt 5,8%. Điều này ngược với các nước như Trung Quốc (tốc độ tăng năng suất là 9,1%, tốc độ tăng lương trung bình là 8,8%), Indonesia (tốc độ tăng năng suất là 3,6%, tốc độ tăng lương trung bình là 2,6%), Singapore (tốc độ tăng năng suất là 1,8%, tốc độ tăng lương trung bình là 1,2%)…
Tăng trưởng lương trung bình tại Việt Nam cũng cao hơn tăng trưởng năng suất lao động
"Trung Quốc đang đi theo con đường của Nhật Bản trong những năm 60, duy trì tiền lương thấp hơn năng suất. Điều này giúp tăng lợi nhuận của giới chủ, tăng tích lũy tư bản. Việt Nam không làm được điều này. Việt Nam điều chỉnh lương cao hơn năng suất lao động, do đó động cơ tăng trưởng kinh tế trong dài hạn sẽ bị giảm và các vấn đề về đầu tư sẽ nảy sinh. Chúng ta cứ tăng lương tối thiểu để làm hài lòng một tầng lớp quần chúng rất đông đảo, nhưng chúng ta không đếm xỉa gì đến ảnh hưởng với kinh tế, vậy thì chúng ta sẽ như thế nào" - ông Thành đặt câu hỏi.
Lương tối thiểu không thể bảo vệ người lao động
Theo phân tích của TS Futoshi Yamauchi - chuyên gia kinh tế Ngân hàng Thế giới, một cách tổng quát, tăng lương tối thiểu sẽ làm tăng lương trung bình. Theo đó, lương tối thiểu tăng 1% thì lương trung bình tăng 0,32%. Lương tối thiểu cũng tác động đến lao động và lợi nhuận. Cụ thể, lương tối thiểu tăng 1% thì lao động giảm 0,13% và tỉ lệ lợi nhuận (lợi nhuận/doanh thu) giảm 2,3 điểm %. Ở mức độ doanh nghiệp, tăng lương tối thiểu khiến tốc độ tăng trưởng lao động suy giảm. Doanh nghiệp càng sử dụng nhiều lao động, tốc độ giảm càng mạnh. Chẳng hạn với doanh nghiệp có 100 lao động, nếu lương tối thiểu tăng 1% thì tăng trưởng lao động giảm 0,2% (con số này ở doanh nghiệp có 50 lao động là 0,1%). Hệ quả tất yếu của việc này là chi phí đầu tư cho máy móc tăng lên. Ví dụ với doanh nghiệp dệt may có cường độ vốn 50 (ví dụ giá trị sổ sách tài sản cố định là 6,3 tỉ đồng, 125 lao động), khi lương tối thiểu tăng 1%, đầu tư cho máy móc tăng 2,4%. Như vậy, các phân tích này đã cho thấy khi lương tối thiểu tăng, lợi nhuận doanh nghiệp sẽ bị co lại. Phản ứng với điều này, doanh nghiệp có xu hướng cắt giảm lao động và tăng cường đầu tư máy móc để thay thế.
Ở khía cạnh khác, TS Nguyễn Tiến Dũng - Trường ĐH Kinh tế - Trường ĐHQG Hà Nội, cho biết: một cách tổng quát, người lao động trình độ học vấn thấp, không có hợp đồng lao động và không có bảo hiểm xã hội thường nhận lương thấp hơn lương tối thiểu. Ngoài ra, hệ thống lương tối thiểu hiện tại cũng không bao gồm nhóm thiệt thòi và dễ tổn thương trong xã hội.
Bình luận về các phân tích này, TS Nguyễn Đức Thành nói: "Chúng tôi đã chứng minh được rằng các doanh nghiệp có khuynh hướng cắt bỏ lao động khi lương tối thiểu tăng. Còn với các doanh nghiệp không tuân thủ đầy đủ quy định lao động (về bảo hiểm), họ không cắt giảm lao động nhưng cũng sẽ không tăng lương… Chúng ta nghĩ rằng lương tối thiểu là để bảo vệ người lao động nhưng thực tế khi tăng lương tối thiểu thì nhiều người lại bị đẩy ra khỏi thị trường lao động". TS Thành nhấn mạnh: "Lương tối thiểu không có khả năng bảo vệ những người không nhận lương tối thiểu. Hệ thống bảo hiểm và hệ thống hỗ trợ việc làm của chúng ta phải thiết kế theo kiểu khác, không sử dụng lương tối thiểu như một triết lí để bảo vệ người lao động nữa. Bởi anh đã vô tình đẩy nhiều người lao động ra khỏi thị trường và anh không bảo vệ được những người bị đẩy ra đó".
Cơ sở xác định tiền lương tối thiểu chưa phù hợp
Theo TS Nguyễn Tiến Dũng - Trường ĐH Kinh tế - Trường ĐHQG Hà Nội, cơ chế xác định tiền lương tối thiểu hiện nay đang có vấn đề.
Thứ nhất, cách xác định tiền lương tối thiểu bằng cách đo lường mức sống tối thiểu của người lao động là không hợp lí. "Mức sống tối thiểu là một khái niệm tương đối và có thể thay đổi theo thời gian. Việc xác định mức sống tối thiểu mà không tính đến mức sống cụ thể trong nền kinh tế nói chung cũng như trong các khu vực khác của nền kinh tế có thể dẫn đến xác định quá cao mức sống tối thiểu. Từ đó dẫn đến xác định tiền lương tối thiểu cao".
Thứ hai là chúng ta không rõ ràng trong việc xác định tiền lương tối thiểu. "Việc các tổ chức khác nhau tham gia Hội đồng Tiền lương quốc gia (sử dụng các tiêu chí khác nhau để đánh giá hay đưa ra các phương án tiền lương) làm giảm khả năng dự báo cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp thường không biết quy trình xác định tăng lương nên khi Chính phủ công bố mức điều chỉnh vào cuối năm, họ gặp rất nhiều khó khăn" - TS Dũng nói.
T.K

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét