Tiểu thuyết liên tưởng hiện thực xã hội bị đình chỉ vì 'mô tả đen tối'
bauxitevnSun 8:12 AM
Bìa sách "Mối Chúa" bị cấm phát hành ở Việt Nam (ảnh chụp màn hình Dantri.com.vn)
Một cuốn tiểu thuyết lấy cảm hứng từ các sự kiện nổi cộm trong đời sống xã hội Việt Nam trong thời gian qua vừa bị Bộ Thông tin và Truyền thông ra lệnh đình chỉ phát hành vì mô tả hiện thực một cách “đen tối, u ám”.
Một nhà phê bình văn học từ Hà Nội nói với VOA rằng ông thấy những gì mà cuốn tiểu thuyết đó phản ánh là “bình thường” và lệnh cấm lưu hành chỉ có tác dụng ngược.
Tiểu thuyết “Mối chúa” của tác giả Tạ Duy Anh ký dưới bút danh Đãng Khấu, mô tả những hiện thực gợi nhớ đến những vụ việc như vụ ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng, nổ súng vào đoàn cưỡng chế đất, vụ nhà máy thép Formosa ở Hà Tĩnh xả thải, các đại án ngân hàng đang được xét xử...
Theo bản tin của Thông tấn xã Việt Nam thì “Mối chúa” bị đình chỉ do “phần lớn các nhân vật đều thể hiện sự đen tối, vô vọng, đau đớn khi phản ánh những vấn đề nổi cộm trong xã hội hiện nay” và bao phủ tác phẩm là “lòng tham và sự bất chấp pháp luật”.
Ngoài ra, giọng điệu chế giễu sâu cay cũng là một nguyên nhân khiến cho tác phẩm bị chặn lại. Cục Xuất bản, In và Phát hành thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, cho rằng tiểu thuyết này “tô đậm” và “khái quát hóa” tiêu cực xã hội khiến cho “hiện thực trở nên đen tối, u ám”.
Do đó, cơ quan này đã yêu Nhà xuất bản Hội Nhà văn, cơ quan liên kết với Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam xuất bản “Mối chúa”, đình chỉ phát hành “để thẩm định lại nội dung” cuốn tiểu thuyết.
Trao đổi với VOA, ông Phạm Xuân Nguyên, một nhà phê bình văn học ở Hà Nội, nói rằng nhiệm vụ của nhà văn “không phải là tô hồng, cũng không phải bôi đen” mà là “trình bày cảm nhận của mình về hiện thực xã hội”.
Còn nhận định rằng tác phẩm đen tối hay tươi sáng là tùy vào cảm nhận của từng người đọc, ông Nguyên nói. “Có người nói đó là đen tối nhưng tôi cảm nhận không có gì đen tối”.
Khi được hỏi những câu chuyện được tác giả kể lại trong tác phẩm có thể khiến người đọc liên tưởng đến những vụ việc ảnh hưởng xấu đến thanh danh của chính quyền trong thời gian qua, ông Nguyên cho rằng điều đó “pháp luật không cấm”.
“Vụ việc Formosa báo chí đã nói rồi, đã viết rất nhiều rồi, đã đưa công khai rõ ràng rồi. Vụ ông Đoàn Văn Vươn tòa cũng đã xử rồi, ông Vươn cũng đã thụ án xong và đã trở về địa phương lại rồi. Các đại án ngân hàng cũng đang được xét xử. Nhà văn cũng như mọi người khác tiếp nhận những thông tin đó, tổng hợp lại đưa vào tác phẩm của mình, phát triển thêm và xây dựng hình tượng nhân vật thì cũng chẳng sao cả”, ông Nguyên nói.
“Đặt trong hoàn cảnh hiện tại thì độc giả có thể thấy trong tác phẩm những mảng hiện thực, những góc cạnh của đời sống, nhưng tác giả không phải là sao chép mà có sự sáng tạo của ông”.
“Nếu không đưa những cái này vào tác phẩm thì có thể bị phê phán là không bám sát hiện thực, không bám sát cuộc sống”, ông nói thêm.
Theo nhận định của nhà phê bình này thì “Mối chúa” cũng “thể hiện hiện thực tươi sáng” chứ không phải hoàn toàn là u tối.
Ông dẫn lại nhân vật cô gái trẻ xuất hiện ở phần sau của “Mối chúa” có vẻ đẹp trong trắng và luôn hướng về người khác. Nhân vật này khi lên thay người cha làm giám đốc các dự án kinh doanh, đã cho dừng các dự án sân golf khiến người dân mất đất chứ không như cha, chỉ tìm mọi cách để áp đặt dự án và đẩy người dân đến đường cùng.
“Đó là hiện thực tươi sáng chứ cái gì nữa”, ông Nguyên nhận xét.
Theo ông Nguyên thì về danh nghĩa ở Việt Nam không có cơ quan kiểm duyệt các tác phẩm văn chương trước khi xuất bản mà các nhà xuất bản chỉ biên tập và chịu trách nhiệm về sự biên tập của mình sau khi xuất bản.
Ông Nguyên cho rằng công việc biên tập này chỉ nên là để đảm bảo các tác phẩm không phạm vào những điều mà pháp luật cấm, nhưng cũng không tác giả nào “nhè vào chỗ cấm mà viết mà đem tác phẩm đến nhà xuất bản cả”.
“Làm biên tập mà cứ phải nghĩ đến ngăn ngừa cái này cái kia thì không phải là biên tập”, ông nói. “Nhà biên tập không phải là gác cổng, nếu không, chỉ làm nghèo văn chương”.
“Lệnh cấm chỉ phản tác dụng mà thôi. Nó làm giảm, thu hẹp tính đa chiều, đa nghĩa vốn là một đặc tính của văn chương. Nó chỉ càng làm cho người ta tò mò tìm đọc tác phẩm bị cấm, và nếu đó là tác phẩm xấu thật sự thì lệnh cấm chỉ góp phần tạo vinh quang giả tạo cho cái xấu”.
N.L.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét