Cọp chết để da
bauxitevn2:01 AM
Đạo lý và pháp lý là hai "vòng tròn không đồng tâm"; có những hành vi phạm pháp chưa hẳn đã đồng thời "phạm đạo". Đó là lý do mà chúng ta có thể thấy rằng việc bỏ tù Dương Tự Trọng là cần thiết nhưng chúng ta cũng không gay gắt phê phán hành vi che giấu tội phạm vì "hiếu đễ" của ông. Đó là lý do, nếu tòa bỏ tù Bầu Kiên hay Hà Văn Thắm, chúng ta vẫn rất cảm kích với thái độ đàng hoàng, nghĩa hiệp trước tòa của họ.
Từng chứng kiến nhiều doanh nghiệp trở thành nạn nhân chính trị; thậm chí vẫn bị ám ảnh sau gần hai mươi năm chứng kiến sự kiện thi hành án tử hình hai doanh nhân, tôi rất muốn nhắc những người đang làm các "sân sau", khi có xung đột lợi ích chính trị thì quý vị chắc chắn trở thành đích ngắm. Đừng vì kiếm tiền mà trở thành vật hy sinh của những người gần như đã "điều tiết" hết tiền lời của các bạn.
Tôi không bao giờ coi những người như Đinh La Thăng là doanh nhân. Có một số người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước cũng là doanh nhân giỏi; nhưng phần lớn họ là quan chức. Tại sao đã đứng trước vành móng ngựa, Hà Văn Thắm vẫn xin nhận hình phạt cao nhất cho những sai phạm ở OceanBank; trong khi, ngay từ lúc trên đỉnh cao quyền lực những quyết định liên quan đến tiền, Đinh La Thăng lại dùng tiểu xảo để đẩy tội cho em út. Phẩm chất một thủ lĩnh, một doanh nhân không bao giờ như thế. Nếu sợ đối diện với các hình phạt, ngay từ đầu họ đã phải dẫn dắt anh em tránh con đường bất chính; nếu đã lỡ nhúng chàm, họ không bao giờ đẩy hết tội cho những người thừa hành lệnh của mình.
Nhiều người từng tiếp xúc có thể khoái cung cách suồng sã cả rượu chè lẫn tiền bạc của Đinh La Thăng, nhưng (chưa tính đó là tiền dân) khi đánh giá một con người có thực sự nhân nghĩa hay không, phải xem, họ đã đưa những người đồng hành tới chỗ thành công mà an toàn hay nhà tù.
Gần 200 con người của PVN gần hai năm qua mất ăn, mất ngủ, có lẽ thấm thía hơn chúng ta rất nhiều về điều đó. Chẳng mong Đinh La Thăng có chút tinh thần nghĩa hiệp của Bầu Kiên, Hà Văn Thắm, Dương Tự Trọng... Chỉ hy vọng, ông còn chút tình người. Đinh La Thăng biết rõ, 246 tỷ đồng Nguyễn Xuân Sơn gửi qua Ninh Văn Quỳnh vào túi ai; đừng nghĩ để họ lãnh án tử hình thì Thăng có thể ngủ yên phần đời còn lại.
|
Cái 'kết' cay đắng của liên minh PVN - OceanBank
Tiêu Phong
Các bị cáo tại phiên tòa Ảnh: TTXVN
Ai là người đã tạo ra liên minh ma quỷ “đại dương - dầu khí” để giờ đây đẩy hàng loạt cán bộ NH, dầu khí rơi vào cảnh tù tội?
Quyết định buộc tất cả các công ty mẹ - con, cháu - chắt của Tập đoàn dầu khí (PVN) phải gửi tiền và dùng dịch vụ của OceanBank không chỉ gây thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng, mà còn để lại hậu quả đau lòng khi hàng chục lãnh đạo, cán bộ của ngành dầu khí và ngân hàng rơi vào vòng lao lý.
Gửi tiền và “ăn” chênh lãi suất có hệ thống
Gần 1 tháng xét xử, đại án kinh tế OceanBank chứng kiến những giọt nước mắt rơi trước vành móng ngựa của 34 Giám đốc chi nhánh các ngân hàng (NH) thuộc OceanBank, khi chỉ vì lệnh của cấp trên phải chấp hành, chi lãi suất ngoài, vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Phiên xử đến hôm nay cũng đã chứng kiến thêm hàng loạt tình tiết mới, bất ngờ và chua xót. Trong đó có việc Ninh Văn Quỳnh, nguyên kế toán trưởng, Phó tổng PVN; Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường (nguyên thành viên Hội đồng thành viên PVN)... hay các đơn vị thành viên của PVN, cánh chim đầu đàn trong ngành khai thác, chế biến dầu như Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro (VSP); Công ty TNHH MTV lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR); Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP)... đã phải nhận quyết định khởi tố về hành vi nhận tiền chăm sóc ngoài của OceanBank (VSP nhận 24 tỉ đồng, BSR hơn 19 tỉ đồng và PVEP hơn 76 tỉ đồng).
Khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự chắc chắn chưa dừng lại ở đó. Song phía sau bản án, con số thiệt hại nghìn tỉ đồng dư luận không thể không đặt câu hỏi: Ai là người đã tạo ra liên minh ma quỷ “đại dương - dầu khí” để giờ đây đẩy hàng loạt cán bộ NH, dầu khí rơi vào cảnh tù tội?
tin liên quan
Khởi tố 3 vụ án hình sự liên quan đến 'đại án' OceanBank
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố 3 vụ án hình sự lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, liên quan đến đại án OceanBank.
Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giám đốc OceanBank, nguyên Chủ tịch PVN, trước khi bị truy tố với mức án tử hình nhất quyết không khai đã nhận 246 tỉ đồng và chi cho những ai. Song, đúng như những gì mà Luật sư Nguyễn Minh Tâm, bào chữa cho Sơn, phát biểu: Nếu không có chủ trương, quyết định từ “cấp trên”, rõ ràng có “tài thánh” Sơn cũng không dám nhận hết tiền và chi chăm sóc lãi ngoài như vậy. Luật sư Tâm cũng đã trình bày rõ ràng và trưng ra cả văn bản ngày 7.9.2010 do Chủ tịch HĐTV PVN lúc đó là ông Đinh La Thăng ký. Đó là Văn bản số 6943, yêu cầu tất cả các đơn vị thành viên thuộc PVN và các nhà thầu dầu khí mở tài khoản tại OceanBank, thực hiện các giao dịch qua tài khoản tại OceanBank. Ông Thăng thậm chí còn đốc thúc các đơn vị phối hợp với OceanBank thực hiện và phải báo cáo kết quả về tập đoàn trước ngày 15.10.2010.
Văn bản đó trở thành sợi dây siết chặt PVN với OceanBank và nó cũng vô tình trở thành một vũng lầy của ngành dầu khí, NH và nền kinh tế. Nói vậy bởi ở thời điểm 2008 - 2011, kinh tế suy thoái, lạm phát tăng phi mã 18 -20%, thị trường vàng và ngoại tệ sốt nóng, liên tục bất ổn khi giá USD, vàng tăng cao. Đặc biệt, một loạt các NH rơi vào tình trạng thiếu thanh khoản, có nguy cơ đổ vỡ bất cứ lúc nào. Lạm phát cao, trong khi lãi suất tiền gửi chỉ có 14%/năm khiến các nhà băng nhỏ rơi vào cảnh khát vốn. Chính vì vậy mà nguồn tiền gửi của PVN tại OceanBank trở thành phao cứu sinh mà Thắm không thể buông.
Theo lời khai của Hà Văn Thắm và Ninh Văn Quỳnh, trong suốt giai đoạn từ 2009 - 2011, tổng số tiền gửi đã di chuyển từ PVN vào tài khoản OceanBank lên tới 500.000 tỉ đồng. Với cơ cấu tiền gửi chiếm tới 50% tổng vốn huy động của OceanBank, cùng 20% vốn góp tương đương 800 tỉ đồng, PVN lúc này không đơn thuần chỉ là khách hàng ruột của OceanBank.
Nguyên Chủ tịch PVN chịu trách nhiệm gì?
Dòng tiền khổng lồ của PVN lúc đó có thể cứu cả vài nhà băng đang đói thanh khoản. Vấn đề là tại sao PVN lại chọn OceanBank và tại sao nguyên Chủ tịch PVN Đinh La Thăng lại ký văn bản buộc toàn ngành dầu khí phải gửi tiền vào nhà băng của Hà Văn Thắm? Tại tòa, Thắm khai chi 246 tỉ đồng lãi ngoài, chăm sóc khách hàng VIP của PVN, song mới chỉ có Ninh Văn Quỳnh đã thừa nhận nhận 20 tỉ chi tiêu cá nhân.
Vậy số tiền còn lại đã đi đâu và rơi vào túi ai? Liệu có hay không động cơ và mục đích gửi tiền vào OceanBank để “ăn chia” tiền chênh lệch? Câu hỏi này dư luận đang chờ được làm rõ và công khai ở giai đoạn 2, như lời đại diện Viện KSND Hà Nội công bố tại tòa hôm qua.
Cũng cần phải nói thêm rằng, việc gửi tiền của PVN vào OceanBank không chỉ gây ra thiệt hại nặng nề về tiền bạc, tài sản mà nó còn để lại di chứng cho cả nền kinh tế. Là một tập đoàn lớn, sở hữu nguồn “vàng đen” là dầu mỏ của cả quốc gia, song PVN đã biến những lợi thế đó trở thành lợi ích nhóm, biến OceanBank thành “sân sau” đứng ra thu xếp tài chính bằng luật “ngầm” đi đêm lãi suất. Hành vi này đã làm cho cả thị trường tài chính hỗn loạn, các cuộc cạnh tranh ngầm lãi suất liên tiếp diễn ra, khiến lãi suất tăng cao đẩy hàng chục nghìn doanh nghiệp vào cảnh giải thể, phá sản. Nếu không bị phát hiện và xử lý, có lẽ giờ này không biết thị trường tài chính và nền kinh tế sẽ khó khăn đến đâu?
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư, với vai trò là Chủ tịch PVN giai đoạn 2009 - 2011, ông Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy, HĐTV PVN giai đoạn 2009 - 2011; tự ký Văn bản số 6934, ngày 18.9.2008 thỏa thuận tham gia góp vốn với Chủ tịch HĐQT OceanBank mà không thông qua sự thống nhất của HĐTV tập đoàn. Ông Đinh La Thăng còn chịu trách nhiệm trong việc HĐTV ban hành Nghị quyết số 4266/NQ-DKVN góp vốn vượt mức quy định vào OceanBank, trái quy định của luật Các tổ chức tín dụng, gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho PVN.
Theo kết quả điều tra, PVN đã góp vốn vào OceanBank 3 đợt, tổng cộng 800 tỉ đồng. Việc góp vốn của PVN có dấu hiệu vi phạm pháp luật của một số cá nhân trong HĐTV, ban Tổng giám đốc, người đại diện góp vốn và ban kiểm soát. Mất tiền, mất của nhưng thiệt hại nặng nhất mà liên minh PVN - OceanBank gây ra là hàng loạt cán bộ của hai tập đoàn này rơi vào tù tội, gia đình ly tán. Trách nhiệm cá nhân của từng người, từng vị trí đã được xác định và sẽ có bản án đích đáng. Song dư luận băn khoăn rằng vai trò, trách nhiệm hình sự của những người đứng đầu PVN đã ban hành chủ trương lúc đó sẽ được xem xét như thế nào?
T.P.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét