Thái tử đảng và ân oán đất Đà!
bauxitevnMon 2:12 PM
Lê Trọng Hiệp
Ủy ban Kiểm tra trung ương đảng (UBKTTƯĐ) vừa công bố những sai phạm của Thành ủy Đà Nẵng vào đầu tuần này (18-9-2017), khiến Đà Nẵng trở thành tâm điểm của sự chú ý.
Bề ngoài, thành phố này được xem là đất lành, mệnh danh là "thành phố đáng sống nhất nước" nhưng nếu nhìn sâu bên trong với các cuộc đấu đá chính trị ngầm, đây đúng là đất dữ.
Muốn chiếm Việt Nam, thực dân Pháp đã nhắm Đà Nẵng làm mục tiêu đầu tiên. Quyết định trực tiếp can dự vào chiến tranh Việt Nam, Mỹ cũng chọn Đà Nẵng làm nơi đổ quân đầu tiên. Bây giờ, với dã tâm nuốt chửng Việt Nam, bành trướng bá quyền Trung Quốc âm thầm mua hết các vùng đất trọng yếu ở thành phố này.
Sự dữ dội của vùng đất này còn thể hiện ở cuộc đấu đá khốc liệt giữa các ông vua vùng, Năm 2001, Giám đốc Công an Đà Nẵng Trần Văn Thanh tuyên chiến với Chủ tịch UBND Nguyễn Bá Thanh, đến năm 2009 thì Trần Văn Thanh thua trắng, phải nằm trên giường bệnh và đeo bình dưỡng khí ra tòa tại Nhà hát Trưng Vương. Nhưng 6 năm sau thì Nguyễn Bá Thanh bị quả báo, phải đeo bình dưỡng khí từ Mỹ về lại Việt Nam trong cảnh thân tàn ma dại.
Thời gian qua thì Bí thư Nguyễn Xuân Anh hục hặc với Chủ tịch UBND Huỳnh Đức Thơ nhưng hiện cả hai cùng toàn Ban thường vụ Thành ủy bị lôi lên máy chém khi UBKTTƯĐ đề nghị kỉ luật tất cả, không chừa một ai, trong đó đau nhất là Anh.
Anh là con trai trưởng của Nguyễn Văn Chi, cựu Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm UBKTTƯĐ. Khi về hưu vào đầu năm 2011, Chi đã sắp đặt để "cơ cấu" cậu cả của mình làm Ủy viên dự khuyết Trung ương đảng tại Đại hội XI. Lúc này Anh được chú ý như một thái tử đảng đang lên.
Thái tử đảng và hội tiên sĩ dỏm
Anh từng có thời gian du học ở Canada, ngành quản trị kinh doanh, về nước năm 1999 và làm việc tại Ban Quốc tế của Báo Thanh Niên. Trong vòng 8 năm, Anh lần lượt leo từ chân cạo giấy chuyên dịch tin ngoại quốc lên phó ban rồi trưởng ban. Đùng một cái, sau Đại hội X vào đầu năm 2006, khi Chi lọt vào Bộ Chính trị, Anh từ giã nghề báo, chuyển về lãnh địa cũ của Chi để làm quan: Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư trực thuộc Sở Kế hoạch - đầu tư Đà Nẵng. Sau đó Anh lên vù vù: Phó chủ tịch, Phó bí thư, Bí thư Quận ủy Liên Chiểu. Ngày 20-6-2011, Anh trở thành Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng lúc mới tròn 35 tuổi, là người trẻ nhất từng giữ chức vụ này tại Đà Nẵng.
Tháng 7-2013, Anh bị "chơi" khi Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Đà Nẵng tổ chức lấy phiếu tín nhiệm. Trong 16 cán bộ thì Anh có phiếu "tín nhiệm thấp" hàng thứ hai, với 7/48 phiếu. Song thế của Chi còn mạnh nên sau đó, ngày 14-2-2014, Thành ủy Đà Nẵng tổ chức lấy phiếu tín nhiệm nội bộ và đề nghị Anh làm Phó bí thư. Do động chạm phe phái, một số tờ báo thắc mắc là trong nửa năm qua, Anh đã có những thành tích đột phá nào mà từ chỗ không đạt được tín nhiệm cao lại được đưa lên một chức vụ quan trọng hơn?
Anh chẳng có thành tích, kinh nghiệm gì, chỉ hơn đám còn lại ở yếu tố học vấn. Tiểu sử chính thức cho biết Anh có bằng tiến sĩ quản trị kinh doanh nhưng lại giấu nhẹm, không cho biết Anh lấy bằng này ở trường nào và luận án tốt nghiệp viết về cái gì. Bằng tiến sĩ này vẫn tiếp tục là một bí mật cho đến đầu tuần này, khi UBKTTƯĐ công bố tội lỗi của Anh, trong đó có tội "dùng bằng cáp không đúng quy định". Thông tin cho biết Anh theo học cử nhân quản trị kinh doanh tại Humber College (Canada, 1995 - 1998), sau đó họ thạc sĩ (2001 - 2002) và tiến sĩ (2005 - 2006) tại California Southern University (CSU). Chắc sợ bằng của mình bị xếp vào dạng "chuyên tu" hay "tại chức" nên Anh khoe mình là "tiến sĩ hệ chính quy chuyên ngành quản trị kinh doanh".
Chỉ Humber College dẫu không nổi tiếng lắm nhưng vẫn là trường có thực chất, còn SCU chỉ là lò bán bằng, gọi là "diploma mill". Trường này bị wikipedia liệt vào danh sách "đại học dỏm" (List of unaccredited institutions of higher education ) và nêu rõ: "Address is a single family home. It is a degree mill" (Địa chỉ là một căn nhà riêng của gia đình, Đó là một lò bán bằng).
Xác minh bằng của trường CSU không khó, tại sao Đà Nẵng lại chấp nhận một ông tiến sĩ dỏm như Anh? Lí do thật dễ hiểu: ông vua Đà Nẵng lúc đó là Nguyễn Bá Thanh cũng bị tố là tiến sĩ dỏm. Sinh thời, Thanh là Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội của Đà Nẵng. Trang web của Quốc hội có đăng tiểu sử Thanh nhưng rất qua loa. Theo đó, Thanh quê ở xã Hòa Tiến - huyện Hòa Vang - TP Đà Nẵng, vào đảng năm 1980, trình độ học vấn "tiến sĩ". Nhưng Thanh là tiến sĩ ngành gì, học đại học ở đâu, lấy bằng tiến sĩ ở đâu, luận án tiến sĩ về cái gì thì giấu nhẹm. Tin trên các trang lề trái cho biết đây là bằng mua: Thanh biếu ông giáo sư nọ tại Hà Nội một lô đất ở Đà Nẵng và ông này "lo" chuyện tiến sĩ cho Thanh. Nói tóm lại, nói tới bằng tiến sĩ thì Thanh và Anh đều có thể nhìn nhau bằng cái nhìn đầy ý nghĩa rồi nhắc lại câu thơ của Tố Hữu: "Bạn đời ơi, ta đã hiểu nhau rồi!".
Tuy nhiên, Thanh không đỡ đầu Anh vì "đồng bệnh tương lân" chuyện tiến sĩ dỏm này. Quan trọng hơn, Thanh lại chịu ơn Chi, cha của Anh.
Chi cứu Thanh
Năm 2001, Giám đốc Công an Đà Nẵng Trần Văn Thanh ra lệnh điều tra việc rút ruột cầu Sông Hàn và các công trình giao thông khác, khám phá ra chuyện nhà thầu hối lộ một quan chức cao cấp 4,4 tỉ đồng. Không nói ra nhưng ai cũng biết quan chức ấy là Chủ tịch Nguyễn Bá Thanh. Song vụ án chưa tới đâu thì bàn tay lông lá nào đó can thiệp, khiến Trần Văn Thanh bị điều về Bộ Công an giữ chức "chuyên viên cao cấp phụ trách miền Trung và Tây Nguyên". Đuôi trâu không bằng đầu gà, tuy nhiên cái chức này còn tệ mạt hơn vì chỉ là một cái lông đuôi trâu.
Nhưng chuyện chưa hết, 6 năm sau chính quyền Đà Nẵng truy tố Trần Văn Thanh cùng các đồng phạm Đinh Công Sắt, Nguyễn Phi Duy Linh, Dương Ngọc Tiến với tội danh "lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" khiến một "cán bộ lãnh đạo có dấu hiệu bị xâm hại uy tín".
Chuyện bể ra với vụ thiếu tá cảnh sát giao thông Đinh Công Sắt phạm kỉ luật, bị sa thải. Sắt cậy thế nên bỏ tiền ra đầu tư 10 xe tải để chở thuê đất, cát, đá cho các công trình xây dựng. Toàn bộ xe của Sắt được sơn chữ Fe (kí hiệu hóa học của chất sắt) để nhắc các cảnh sát giao thông rằng đây là xe sếp, tha hồ chở quá tải, phóng nhanh… Năm 2005, vì không biết, một nhân viên công an đã "vô tư" phạt xe của Sắt vì tội chở quá tải. Tức giận, Sắt bèn cho người xúc bớt cát trên xe cho đúng với trọng tải yêu cầu rồi lái thẳng đến trụ sở cảnh sát giao thông ăn vạ. Vụ ăn vạ kéo dài hàng tháng trời, bị báo Thanh Niên phanh phui trong loạt bài điều tra dài và cuối năm 2005 Sắt bị sa thải khỏi ngành. Sắt cầu bơ cầu bất, mất lương thiếu tá, mất nguồn thu từ công ty xe tải thì gặp sếp Trần Văn Thanh. Tháng 10-2006, Thanh gặp Sắt đề nghị Sắt giúp Thanh đánh đổ Nguyễn Bá Thanh, Thanh sẽ giúp trở lại ngành. Thanh vừa cung cấp tài liệu, vừa chỉ vẽ đường đi, giới thiệu Nguyễn Phi Duy Linh một người học luật, rành rẽ các thủ tục thưa kiện đến giúp Sắt. Từ tháng 1 đến tháng 4-2007, Sắt viết nhiều đơn tố cáo Nguyễn Bá Thanh tham nhũng tại các dự án như cầu sông Hàn, Công ty Hữu nghị, Cụm cảng hàng không miền Trung, Đồng Nò. Đơn được gởi lên Thủ tướng, Ban phòng chống tham nhũng Trung ương và nhiều tờ báo. Chưa hết, Sắt còn photocopy các đơn kiện này, đi rải nhiều nơi. Một trong những tài liệu này là công văn số 73/KSDT-KT ngày 31-10-2000 do ông Phan Trường Sơn, Phó viện trưởng Kiểm sát kí gửi Viện Kiểm sát tối cao và Bí thư Thành ủy Đà Nẵng lúc đó là Phan Diễn. Nội dung thể hiện kết quả điều tra vụ án Phạm Minh Thông, Giám đốc Công ty Xây lắp và kinh doanh nhà Quảng Nam - Đà Nẵng: tội phạm của Thông dính dáng đến Nguyễn Bá Thanh nhưng bị ém nhẹm. Đầu năm 2007, Sắt ra Hà Nội kiện và gặp Dương Ngọc Tiến, Trưởng Văn phòng Báo Công an TP HCM tại Hà Nội. Sau đó báo này đăng loạt bài "Đà Nẵng, vì sao công dân khiếu kiện kéo dài " nói về việc giải tỏa tại dự án đường Liên Chiểu - Thuận Phước, mở rộng sân vận động Chi Lăng. Sắt lại photocopy bài báo này mang đi rải nhiều nơi. Theo sự hiến kế của Linh, Sắt còn đưa bà nội, bà ngoại ra Hà Nội gửi đơn, làm băng-rôn, khẩu hiệu và kết hợp với nhóm "dân oan khiếu kiện" Đà Nẵng tổ chức khiếu kiện tập thể trong những ngày Quốc hội họp. Các vụ biểu tình mi-ni này diễn ra được 4 lần thì bị ách lại.
Với đảng, gửi đơn kiện còn chấp nhận được nhưng tổ chức biểu tình thì quá trớn. Sự vụ trở thành giọt nước tràn li và nhờ vậy Nguyễn Bá Thanh đã chuyển từ thế bị động thành chủ động. Biết mình thua, Trần Văn Thanh (đang giữ chức Chánh thanh tra Bộ Công an) đã mật báo để Sắt bỏ trốn nhưng không kịp. Tháng 9-2007, Tòa án Đà Nẵng đưa Linh, Sắt, Tiến ra xử. Tại tòa, Sắt khai bị Trần Văn Thanh xúi kiện cho đổ Nguyễn Bá Thanh thì sẽ giúp trở lại ngành. Trước lời khai này, ngày 23-9-2007 tòa đề nghị Viện kiểm sát Đà Nẵng điều tra bổ sung vụ án và truy tố Trần Văn Thanh. Ngày 20-7-2009, Trần Văn Thanh bị tai biến mạch máo não, được 2 bệnh viện của công an xác nhận là không đủ sức khỏe để dự phiên tòa, thế nhưng vẫn phải ra tòa trên xe cứu thương trong tình trạng hôn mê, thở ô-xy và phải truyền dịch. Phe bên kia tố ngược đây là trò dàn dựng để triệt hạ uy tín Nguyễn Bá Thanh, rằng Trần Văn Thanh được một bác sĩ tiêm thuốc gây mê, cho thở ô-xy và truyền dịch rồi cùng một vài người mượn một chiếc xe cấp cứu của Bệnh viện Đà Nẵng để đưa đến nơi xét xử để chụp ảnh rồi đưa tin trên báo.
Ở phiên phúc thẩm, Viện Phúc thẩm II ( thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) tại Đà Nẵng đã kháng nghị Tòa phúc thẩm Đà Nẵng rằng Trần Văn Thanh không phạm tội và cần đình chỉ vụ án. Song Chánh án Trần Mẫn vẫn tuyên bố thiếu tướng Trần Văn Thanh có tội trong vai trò "cầm đầu, đã chủ động hướng dẫn các bị cáo" dù không có bằng chứng. Mẫn là em bà Trần Thị Thủy, vợ của Nguyễn Văn Chi, tức cậu ruột của Nguyễn Xuân Anh.
Nguyễn Bá Thanh toàn thắng nhưng vai chánh án như Mẫn chỉ là hạng tép riu. Nguyễn Bá Thanh đã nhừ xương từ dạo ấy nếu không có Chi, cùng quê Hòa Tiến - Hòa Vang với Thanh. Thời gian đó Chi chịu trách nhiệm cao nhất về việc "bảo vệ chính trị nội bộ" và "kỉ luật đảng" nên chỉ bốc điện thoại gọi có thể "định hướng" vụ án và cách điều tra. Việc Trần Văn Thanh bị điều ra bộ phải có bàn tay của Chi.
Trong cuộc bầu cử Quốc hội Việt Nam khoá 12 vào năm 2008, Nguyễn Bá Thanh bị xét lại tư cách ứng cử viên do những đơn thư tố cáo tham nhũng. Tuy nhiên, sau đó cơ quan có thẩm quyền kết luận là Thanh hoàn toàn trong sạch nên Thanh tiếp tục trúng cử. Ai có thẩm quyền giúp Thanh ngoài Chi? Chi đã giúp Nguyễn Bá Thanh như thế thì Thanh phải dọn đường để cậu cả của Chi là Nguyễn Xuân Anh tiến thân.
Nhưng nay thì Anh sắp bị kỉ luật với những "tội trạng" rất bình thường của chế độ như bằng giả, trên bảo không chịu nghe, đi xe của doanh nghiệp… Việc này phải có bàn tay lông lá nào đó và theo những tài liệu hiện có thì bàn tay này chính là Nguyễn Xuân Phúc.
Phe Nguyễn Xuân Phúc
Nguyễn Bá Thanh quê ở huyện Hòa Vang, từng chết hụt vì "hai thằng Quế Sơn" là Trần Văn Thanh và Nguyễn Quốc Dũng, anh ruột Nguyễn Xuân Phúc.
Khi Trần Văn Thanh làm Giám đốc Công an Đà Nẵng thì Dũng là Viện trưởng Viện kiểm sát Đà Nẵng. Lúc này Nguyễn Bá Thanh là Chủ tịch Đà Nẵng. Bí thư là Phan Diễn, một Ủy viên Bộ Chính trị. Theo công thức này, Nguyễn Bá Thanh chắc mẩm trước sau gì mình cũng sẽ thế Diễn, trước là Bí thư Thành ủy, sau là Ủy viên Bộ Chính trị, đại diện cho miền Trung nghèo khó. Nhưng Trần Văn Thanh và Dũng lại phá, hợp sức để hạ Thanh, đề nghị truy tố Thanh tội nhận hối lộ, ngăn cản giấc mơ này. Hai người này là đồng hương, quê ở huyện Quế Sơn.
Trần Văn Thanh và Nguyễn Quốc Dũng ra tay ngăn cản đường vào Bộ Chính trị của Nguyễn Bá Thanh cũng là tạo điều kiện cho Nguyễn Xuân Phúc, cùng gốc Quế Sơn.
Lúc đó Phúc là Chủ tịch Quảng Nam, một tỉnh nghèo, giới trẻ lớn lên thì đa phần chạy vào Sài Gòn và Bình Dương để làm thuê. Xét về điểm này thì người lãnh đạo Đà Nẵng mới có đủ trọng lượng để đại diện miền Trung bước vào Bộ Chính trị, mà lúc đó Phúc vẫn là phó chứ chưa phải Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam.
Tại Đà Nẵng, Thanh đã xây dựng nên một huyền thoại về mình như một nhà lãnh đạo địa phương quyết đoán, đã nói là làm, đã làm là có kết quả. Cùng lúc, ông chủ tịch tỉnh kề bên cũng biết cách tự lăng-xê và cũng được báo chí để ý với biệt danh "Phúc Quảng Nôm". Không biết chỉ có như vậy hay với đường tắt nào khác hơn, Phúc đã lọt mắt xanh Nguyễn Tấn Dũng, được mời ra Hà Nội làm tổng thanh tra, phó chủ nhiệm, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ rồi phó thủ tướng, thủ tướng. Từ vị trí có nhiều quan hệ với các ủy viên trung ương này, Phúc đã vận động và phổng tay trên chân ủy viên Bộ Chính trị tưởng là sẽ về tay Thanh trong Đại hội XI vào đầu năm 2011. Theo tố cáo của trang "Chân dung quyền lực" thì trước Đại hội XI, Phúc đã mời cơm gần 60 đoàn để bêu xấu rằng Thanh độc đoán, chuyên quyền, không xứng đáng vào Bộ Chính trị. Gì thì gì, nắm cờ trong tay thì Phúc phải phất và do đó phải diệt trừ hậu họa, không cho dư đảng của Nguyễn Văn Chi ngóc đầu lên.
Cần nhớ là vào năm ngoái, ngay sau khi có tin Nguyễn Xuân Anh nhận xe của doanh nghiệp biếu, Nguyễn Xuân Phúc đã tức tốc ra lệnh trả lại. Nay thì chiếc xe quà biếu này trở thành một trong những lí do dẫn đến án kỉ luật của Anh.
Làm chính trị thì tất nhiên không thể không luồn lách và sử dụng thủ đoạn, tuy nhiên cái chính vẫn là thực tài và bản lĩnh của người làm chính trị. Anh không có thực tài, chẳng có bản lĩnh cũng chẳng có mưu mô thủ đoạn gì, lên được là nhờ thế của cha. Gió đã đổi chiều, Chi đã hết thế mà Anh chẳng giỏi chống chọi thì Anh phải đi.
L.T.H.
Tác giả gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét