TUYÊN BỐ DỨT BỎ MỌI LIÊN HỆ VỚI ĐẢNG NGUYỄN PHÚ TRỌNG THAO TÚNG ĐỂ TIẾP TỤC CHIẾN ĐẤU VỚI TƯ CÁCH ĐẢNG VIÊN ĐẢNG LAO ĐỘNG VIỆT NAM, ĐẢNG CỦA HỒ CHÍ MINH
bauxitevn8:38 AM
Tôi là Tương Lai, vào Đảng Lao Động Việt Nam ngày 6.1.1959, đảng do Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo, sau này đổi tên thành Đảng Cộng sản Việt Nam, hôm nay 2.9.2017 tuyên bố dứt bỏ mọi liên hệ với Đảng của Nguyễn Phú Trọng đang thao túng, để tiếp tục chiến đấu với tư cách một đảng viên Đảng Lao Động Việt Nam như ngày tuyên thệ đứng vào hàng ngũ Đảng của Hồ Chí Minh.
Chọn hôm nay, ngày Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố trước thế giới và với quốc dân đồng bào lý tưởng và mục tiêu chiến đấu nhằm xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thể hiện trong Hiến Pháp 1946để đưa ra tuyên bố này là nhằm khẳng định lý tưởng và mục tiêu nhất quán của tôi, không hề là một quyết định nhất thời bởi những nhân tố ngẫu nhiên.
Cách nay 15 năm, trong một tiểu luận chính trị “Chân lý là cụ thể”, đúc kết lại những bài viết của tôi trong vòng 10 năm trước, tôi đã chứng minh là không có cái gọi là “chủ nghĩa Mác Lênin”, mà đó chỉ là sản phẩm của Stalin được làm méo mó thêm qua lăng kính Mao-ít để du nhập vào Việt Nam mà xác định đó là “nền tảng tư tưởng”, là “kim chỉ nam”, để rồi ai có ý định nghiêm túc cần cẩn trọng tìm hiểu từ thực tiễn Việt Nam và thế giới, từ những thành tựu nghiên cứu của giới khoa học quốc tế có uy tín, thì đều bị bịt miệng và quy cho tội phản động, chống đảng.
Trong tiểu luận ấy, tôi đã nghiêm chỉnh và thẳng thắn đề nghị cần trở lại với tên Đảng là Đảng Lao Động Việt Nam, trở lại với tên nước là Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng cho lý luận phát triển của Việt Nam. Ở đó, tôi trình bày rõ tư tưởng Hồ Chí Minh là sự tích hợp và vận dụng nhuần nhuyễn những thành tựu của trí tuệ loài người, trong đó có Phật giáo, Khổng giáo từng hòa quyện với truyền thống dân tộc đã chìm sâu trong kết cấu hạ tầng tâm lý xã hội Việt Nam và chủ nghĩa Mác. Với Mác, Hồ Chí Minh đã thực hiện một tiếp biến, loại bỏ những sai lầm về lý thuyết, giữ lấy những giá trị bền vững qua kiểm nghiệm của thời gian, tiếp thu và vận dụng sáng tạo những tinh hoa tư tưởng đó vào thực tiễn cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người của Việt Nam. Bằng cách đó, tư tưởng Hồ Chí Minh là sự gặp gỡ lịch sử giữa truyền thống và hiện đại trong thế kỷ XX. Tiểu luận ấy tôi đã gửi đến Hội đồng Lý luận TƯ và nhiều vị lãnh đạo song chỉ có hai người có phản hồi và trao đổi trực tiếp là Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Di bút của Đại tướng còn ghi rõ: “Chúc đc Tương Lai có những đóng góp mới vào lý luận của Đảng” Hànội ngày 27/9/2006. Võ Nguyên Giáp Đã ký”.
Kiên trì dấn thân vào cuộc đấu tranh trên bình diện tư tưởng và lý luận một cách công khai, tôi hy vọng bằng sự minh bạch đó, có thể góp phần nhỏ bé của mình cùng với những người khác làm thay đổi thực trạng của hệ tư tưởng giáo điều, bảo thủ đang dìm đất nước trong trì trệ lạc hậu, làm hao mòn sức sống của dân tộc trước một thế giới đang biến động từng ngày. Đấy là lý do để tôi nhẫn nhục tiếp tục ở lại trong Đảng cho dù biết rằng, những Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng, với sự hậu thuẫn trực tiếp của nhà cầm quyền Bắc Kinh đang thao túng Đảng thì không còn gì là Đảng của Hồ Chí Minh nữa. Nhưng cũng lại có một thực tế oái oăm là, hiện nay chưa có một lực lượng chính trị nào đủ mạnh để có thể thay thế được đảng đang nắm quyền bằng hệ thống “chuyên chính vô sản” được cài cắm đến tận cơ sở.
Cho dù vậy, sự phân hóa trong nội bộ các cấp, đặc biệt là ở cấp cao nhất, các nhân tố cấp tiến chống lại sự trì trệ bảo thủ giáo điều cũng là một thực tế. Đó là một tất yếu phổ biến của mọi thực thể sống, luôn diễn ra “cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ tốt tươi” mà Hồ Chí Minh đã viết trong Di chúc. Cái mới sẽ thắng là không gì cản được. Bằng sự đấu tranh của từng đảng viên có lương tri, sự quyết liệt của của cuộc đấu tranh đòi dân chủ, đòi quyền sống trong các tầng lớp nhân dân đang dâng lên ngày càng mạnh mẽ thì những gì đã cũ kỹ, hư hỏng trong bộ máy quyền lực duy trì chế độ toàn trị phản dân chủ sẽ bị lật nhào. Vấn đề chỉ còn là thời gian.
Thế nhưng thời gian không chờ đợi. Càng không suôn sẻ trong sự chờ đợi những gì mình mong muốn. Cho dù đã biết trước những trở ngại to lớn đang chờ đón, tôi cũng không lường trước những thủ đoạn bẩn thỉu mà người ta đã gây ra tầng tầng lớp lớp cho thiện chí phản biện hết sức trung thực và thẳng thắn một cách ôn hòa, không sa vào quá khích cực đoan mà tôi đã bền bỉ thực hiện trong nhiều năm qua. Từ những tham luận công khai trên diễn đàn của Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam mà tôi là ủy viên TƯ suốt hơn 30 năm qua đến những bài viết trên các báo chính thống, những trang mục thường kỳ của một số báo ở trung ương và ở thành phố HCM, tham luận tại nhiểu hội thảo trong đó có Hội thảo “Về Phương pháp luận nghiên cứu chủ thuyết phát triển và tư tưởng Hồ Chí Minh” theo lời mời của Hội đồng lý luận TƯ ngày 6.4.2009, v.v. và nhiều hoạt động lý luận, khoa học khác, tôi đều nhất quán với nguyên tắc đó. Khi bị cấm không được xuất hiện trên các báo chính thống của nhà nước cũng trên nguyên tắc đó tôi viết bài đưa lên mạng trong mục “Mênh mông thế sự” và “Mênh mông thế sự để gió cuốn đi” nhằm chuyển tải những ý tưởng vừa mang tính phản biện, vừa diễn đạt chính kiến và cảm nhận của tôi về thời cuộc.
Cho đến bài “Ngọn lửa vẫy gọi” tôi viết để tưởng niệm Lưu Hiểu Ba, nhà văn Trung Quốc, giải Nobel Hòa Bình vừa qua đời, phải chăng đã động đến “thiên triều” nên đã có “chiếu chỉ” ban ra, lập tức sự cố nảy sinh? Có phải vì thế ma một kịch bản được dàn dựng lộ liễu và bẩn thỉu nhằm bôi nhọ tôi để bằng mọi cách phải “khai trừ” tôi ra khỏi đảng ngay để vừa lòng ai đó theo chỉ thị của cấp trên? Đây chỉ là giọt nước tràn ly. Trò hề này thật hài hước và nhục nhã, tuy bước đầu thất bại nhưng chắc chắn sẽ phải thực hiện trong thời gian tới như một số trường hợp họ đã làm trước đây.
Vì vậy sẽ là ngu ngốc nếu tôi lại tiếp tục nói nói cười cười với những rôbốt vô hồn vô cảm, vừa mới hôm qua tôi đã xúc động nói những lời cám ơn thật lòng vì đã thông cảm vởi bệnh tật đang hành hạ người đảng viên già có giấy miễn sinh hoạt đảng đã đến nhà để trao đổi nội dung viết kiểm điểm gửi cho chi ủy trình bày trước chi bộ chứ không phải trực tiếp đến, thì hôm sau trước toàn thể chi bộ, ông bí thư tội nghiệp đã lật lọng vu khống là tôi không chịu đến, chi bộ cứ việc biểu quyết.
Tôi sẽ không phải viết ra những bịa tạc vu khống khác từ những “cấp trên” đến “chỉ đạo” hội nghị chi bộ thực hiện kịch bản soạn sẵn từ bên trên đã bị mấy đảng viên phản đối, mà chỉ muốn nói rằng, những nhẫn nại nhằm thực hiện thiện chí của tôi đã trở nên quá vô nghĩa. Kể cả sự tự kiềm chế để vẫn viết “Bản trình bày” về nội dung “kiểm điểm” được cho là của cấp trên đưa ra đã tự vạch trần sự lố bịch và lộ liễu những sai lầm về đường lối đối nội và đối ngoại, và đến sự kiện này thì quá hèn hạ. ** Sẽ phung phí thời gian và sức lực để phải tiếp xúc với vô vàn những “rô bốt” đáng thương chỉ biết cúi đầu tuân phục. Đã đến lúc phải dứt bỏ mọi dính líu với mớ hỗn tạp này.
Tôi phải tìm một phương thức đấu tranh mới. Tôi sẽ chiến đấu trong tư thế, và chỉ bằng tư thế đó của một đảng viên Đảng Lao Động Việt Nam của Hồ Chí Minh suốt mấy chục năm qua kể từ lúc vào Đảng cho đến những thời kỳ tha hóa ngày càng trầm trọng của một bộ phận chóp bu thao túng, làm băng hoại uy tín và tính chất trong sáng của Đảng, đặc biệt là từ đại hội X.
Tôi hiểu rõ tôi không hề đơn độc. Trong Đảng còn nhiều đảng viên giữ được lý tưởng và phẩm cách đảng viên Đảng của Hồ Chí Minh, họ đã và đang thầm lặng nung nấu ý chí chiến đấu và bằng những cách riêng của mỗi người đã, đang và sẽ đấu tranh làm cho Đảng trong sạch trở lại, xứng đáng với vai trò lịch sử mà Đảng của Hồ Chí Minh từng có để cùng dân tộc đi tới trong bối cảnh mới. Đương nhiên, trong bối cảnh mới ấy, mục tiêu và phương thức đấu tranh phải thích ứng với đòi hỏi mới của cuộc sống đang thay đổi từng giây từng phút để dẫn tới những đột phá.
Khát vọng xây dựng đất nước của lớp người đã ngoài 80 là những người lót đường như tôi “sẽ được quyết định khi một thế hệ mới sẽ lớn lên...Khi những con người như thế xuất hiện, họ sẽ vứt bỏ tất cả những điều mà theo quan niệm hiện nay họ phải làm: họ sẽ tự biết cần phải làm như thế nào” như F. Engel đã tiên đoán. Những con người như thế đang xuất hiện, và ngày càng nhiều. Chính họ sẽ quyết định cần phải xây dựng một Đảng lãnh đạo thế nào để đưa đất nước vượt khỏi vũng lầy hiện nay, khiến cho dân tộc đang phải đắm chìm trong tăm tối bứt lên trong ánh sáng văn minh, ngẩng cao đầu đi tới như ông cha ta đã từng viết nên những trang sử chói lọi trong thời đại của các vị. Lớp trẻ ấy sẽ quyết định vận mệnh của đất nước, đưa dân tộc bứt lên cùng thế giới.
Với nhận thức đó, tôi tiếp tục dấn bước trong cảm hứng “Hành khúc” của nhà thơ Pháp từng giữ nhịp đập cho trái tim yêu nước trong tôi “Giữa mùa phản phúc. Tối đen tù ngục. Suối đã đục dòng. Chỉ lệ còn trong … Những gì ta yêu phải cứu thoát ra. Tự mình ta, tự mình ta”!
Ngày 2.9.2017
_______
*Tham luận gửi đến Hội thảo ngày 4.6,2009 do thư mời của Hội đồng Lý luận TƯ đã in trong “Tương Lai. Cảm nhận & Suy tư”
**Xem “Bản trình bày 3 điều theo yêu cầu của chi ủy Chi bộ Khu phố 4 ngày 19.8.2017 đính kèm
*** “Quand il arriva la saison. Des trahisons et des prisons. Quand les fontaines se troublèrent. Les larmes seules furent claires… Il faut libérer ce qu’on aime. Soi-même soi-même soi-même” Louis Aragon
*
ĐỂ HIỂU RÕ THÊM “TUYÊN BỐ” ĐÂY LÀ BÀI VIẾT NGÀY 21.8.2017
BẢN TRÌNH BÀY
THEO YÊU CẦU CỦA CHI ỦY
CHI BỘ KHU PHỐ 4, ĐẢNG BỘ PHƯỜNG TÂN PHONG
Tôi là Tương Lai đảng viên Đảng Lao Động Việt Nam, Đảng của Hồ Chí Minh, vào đảng ngày 6.1.1959 (sau này đảng đổi tên là Đảng Cộng sản Việt Nam), trình bày ba vấn đề 1. Tại sao đi biểu tình chống Trung Quốc, 2. Tại sao viết bài đăng trên mạng, 3. Tại sao trả lời đài nước ngoài, theo yêu cầu của Chi ủy (truyền đạt trực tiếp ngày 18.8.2017) như sau:
I. Tại sao tôi đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược. Tạm gợi ba lý do:
1. Chưa nói là đảng viên, chỉ là môt công dân Việt Nam bình thường còn có chút lương tri, không thể không lên tiếng khi đất nước bị xâm lược. Cha ông ta vẫn thường dạy “quốc gia hưng vong thất phu hữu trách”, chỉ những kẻ lòng lang dạ thú mới bình chân như vại khi bọn xâm lược Trung Quốc ngang nhiên vẽ đường “lưỡi bò” xâm phạm chủ quyền lãnh thổ (các đảo của Việt Nam), xâm phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam trên Biển Đông, xây dựng đảo chìm, đảo nổi thành căn cứ quân sự của chúng mà quốc tế thường xuyên lên án để trực tiếp uy hiếp Việt Nam. Sau khi đã cướp đảo tại Hoàng Sa năm 1974, cướp đảo Gạc Ma năm 1988, hiện nay chúng tiếp tục hành vi ăn cướp nói trên, uy hiếp nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của nước ta, tiếp tục tạo ra "chuyện đã rồi" trên thực địa (facts on the ground) như cách chúng đã làm lâu nay trước sự nhân nhượng yếu hèn của những người cam tâm chịu phận chư hầu nhằm nhận được sự bảo kê cái ghế quyền lực đang chiếm được với luận điệu lừa mị “Nếu để xảy ra đụng độ thì có còn được ngồi đây để bàn về Đại hội Đảng được không”!
Chỉ mới hơn một tháng trước đây tên tướng Phạm Trường Long đã ngang ngược nói thẳng vào mặt những người lãnh đạo Việt Nam lời dối trá trắng trợn bất chấp mọi chứng cứ lịch sử đã được quốc tế công nhận rằng, các đảo ở Biển Đông vốn thuộc Trung Quốc mà cha ông chúng đã tuyên bố chủ quyền từ xa xưa. Sự trắng trợn đó Tập Cận Bình cách nay một năm chỉ dám tuyên bố khi rời khỏi Việt Nam sau khi ban chiếu chỉ tại sảnh đường mang tên Diên Hồng trước diễn đàn Quốc Hội Việt Nam, chỉ khi đến phi trường Singapore mới thớ lợ nói ra.
Tướng Phạm còn ngang ngược đòi Việt Nam phải ngừng ngay việc khoan dầu với sự hợp tác của Repsol. Cần biết rằng việc ký kết với Repsol khoan thăm dò không chỉ để khai thác dầu khí, mà còn nhằm khẳng định chủ quyền, với việc đẩy tới những hợp tác với Mỹ và Ấn Độ mang ý nghĩa chiến lược. Và rồi cuối cùng yêu sách của họ Phạm đã được những người cầm quyền Việt Nam lẳng lặng chấp nhận!
Chỉ cần còn một giọt máu hồng của lòng yêu nước và tinh thần tự tôn dân tộc lưu chảy trong huyết quản, không một người Việt Nam có lương tri nào không thấy căm hận và xấu hổ trước nỗi nhục này.
2. Trên đây là chuyện vừa xảy ra. Nếu gợi lại sự đàn áp của bộ máy bạo lực các cỡ đi liền với sự lừa mị, bịp bợm của bộ máy tuyên truyền được mở hết công suất để cấm không một ai được nhắc đến cuộc chiến tranh xâm lược theo lệnh của Đặng Tiểu Bình xua hơn 60 vạn quân Trung Quốc đánh vào sáu tỉnh biên giới phía Bắc tàn sát dã man dân thường, người già, trẻ con, máu của họ thấm đẫm suốt vùng biên cương. Chẳng những thế, “theo lệnh trên”, để vừa lòng người “đồng chí cùng chung ý thức hệ XHCN” theo mật ước Thành Đô, người ta đang tâm đục bỏ bia dựng trên mộ liệt sĩ, đập tượng nữ anh hùng chống xâm lược vừa được dựng ở sân trường ở Lạng Sơn để giáo dục lòng yêu nước cho học sinh, đàn áp đánh đập dã man những người xuống đường phản đối Trung Quốc xâm lược nhân kỷ niệm ngày nổ ra cuộc chiến tranh biên giới… Đi liền đó là kỷ luật, treo bút, thậm chí bắt giam những nhà báo dám đề cập đến đề tài được gọi là “nhạy cảm” này.
Sau chiến tranh biên giới phía Tây Nam do Pôn Pốt gây nên theo kế hoạch và chỉ huy của cố vấn Trung Quốc ngay sau khi Việt Nam chưa kịp hàn gắn vết thương chiến tranh bởi hai cuộc chiến kéo dài ngót 30 năm và cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, bọn xâm lược Trung Quốc liên tục từng bước lấn chiếm, cướp đảo, xây đảo nổi thành các căn cứ quân sự trên Biển Đông thuộc vùng chủ quyền của Việt Nam và những vùng còn đang tranh chấp. Tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng, chủ quyền đất nước bị đe dọa nghiêm trọng.
Hãy chỉ nói đến Gạc Ma, nơi ghi sâu tội ác của Trung Quốc xâm lược, nỗi đau không bao giờ nguôi trong trái tim Việt Nam. Ấy thế mà khi có ý kiến đề xuất là nên thương lượng với Trung Quốc để cử người đến đảo Gạc Ma (nơi quân xâm lược Trung Quốc đang chiếm đóng) tìm hài cốt chiến sĩ ta bị lính Trung Quốc sát hại thì Nông Đức Mạnh nói tỉnh bơ: “Cứ để họ nằm ở đấy có sao đâu”!
Liệu có sự trơ tráo, nhẫn tâm nào hơn nữa không từ miệng một người đã từng 8 năm làm Chủ tịch Quốc hội, 8 năm làm Tổng Bí thư? Đấy là chưa cần nói đến nhân cách vô luân, cướp bồ của con trai, bị con gái gửi thư lên Bộ Chính trị và các cấp kiện vì bố đã chà đạp lên phong tục tập quán của dân tộc, dùng quyền Tổng Bí thư để đưa vợ vừa cưới nhằm thoát khỏi phá sản, chẳng những thế ả ta lại được “bầu” làm đại biểu Quốc hội. Chỉ cách đây mấy hôm đã có bài viết “BOT cứu “đệ nhất phu nhân bằng tiền ai” vạch rõ Đỗ Thị Huyền Tâm sau khi về làm vợ Nông Đức Mạnh thì “từ chỗ nợ như chúa chổm, tay đã chạm tới hơi lạnh của còng, chỉ cần nhận được hai dự án BOT, các khoản nợ "nghìn tỷ" trở thành tiền lẻ. Hãy nhìn phòng khách trọc phú của vợ chồng bà Tâm hiện nay” thì rõ. Nhưng, chính ông ta lại vẫn đều đều xuất hiện trong những nơi diễn ra nghi lễ quốc gia trang trọng nhất với tư cách một nguyên Tổng Bí thư, kể cả lúc phát động rồi tổng kết cuộc vận động “Học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh”!
Vậy thì, một người đảng viên có chút liêm sỉ phải xấu hổ và đau đớn vì Đảng của Hồ Chí Minh sáng lập và xây dựng đã từng là niềm tự hào bởi những tấm gương hy sinh quên mình vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, kháng chiến, chống giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước thì nay đã sa đọa đến cỡ ấy, chả nhẽ vẫn cúi đầu câm lặng được sao? Chỉ đưa ra một ví dụ điển hình cho sự sa đọa mà ai cũng thấy, chứ đâu chỉ một Nông Đức Mạnh được sự hà hơi tiếp sức của Trung Quốc để ngồi chồm chỗm trên cái ghế quyền lực cao nhất nhằm ngoan ngoãn thực thi mọi mưu toan của “thiên triều”! Còn bao nhiêu Nông Đức Mạnh nữa?
3. Cái truyền thống “buôn vua” của Lã Bất Vi trong lịch sử Trung Quốc là chiêu độc quen thuộc của Tàu từ xưa tới nay. Trong thời đại của văn minh kỹ thuật số thì độc chiêu ấy được biến tướng dưới nhiều hình thức mà thâm độc nhất và cũng bịp bợm nhất với mệnh đề “đồng chí cùng chung ý thức hệ XHCN” được thăng hoa trong “16 chữ vàng” lừa mị. Một ví dụ vừa dẫn ra ở trên cũng tạm đủ cho điều này.
Cùng với độc chiêu đó là những dự án đầu tư của Trung Quốc. Và “Vốn đầu tư của Trung Quốc là vấn nạn lớn cho Việt Nam” là cảnh báo của ông Trương Ðình Tuyển, nguyên bộ trưởng Thương Mại, tại buổi thảo luận về những vấn đề liên quan tới kinh tế vĩ mô trong quý 1 năm nay vừa tổ chức tại Hà Nội chiều 10 Tháng Tư năm 2017. Ấy thế mà, các dự án đầu tư của Trung Quốc đang tăng với tốc độ đáng ngờ:
Từ đứng thứ chín trong số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 1,029 dự án, tổng vốn dự trù khoảng hơn $7.8 tỷ trong sáu tháng đầu năm 2014 mà Cục Ðầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế Hoạch - Ðầu Tư công bố, thì trong hai tháng đầu năm 2017 đã nhảy lên đứng đầu nhóm 61 quốc gia trình dự án đầu tư vào Việt Nam là Singapore và kế đó là Trung Quốc. Đáng chú ý là các dự án có vốn của Trung Quốc đều đi kèm với điều kiện nhân lực lao động Trung Quốc dẫn đến tình trạng “tiền đi đến đâu, người tới đó”.
Có những dự án Trung Quốc mang theo hàng chục ngàn lao động, dẫn đến nguy cơ tạo áp lực xã hội và kể cả xung đột văn hóa đối với người bản địa. Hơn nữa có trời mà biết trong những lao động ấy bao nhiêu là những người được cài đặt để không chỉ “lao động”, chưa nói đến một bài tính khủng khiếp hơn là họ sẽ tìm cách cưới vợ Việt Nam và rồi đám “cháu ngoại” có bố là người Tàu này sẽ thành những “công dân” thế nào đây? Đây là một âm mưu bành trướng của Trung Quốc mà cả thế giới đều cảnh giác. Việt Nam sẽ là nạn nhân trực tiếp với những hệ lụy khó lường.
Hiện Trung Quốc đang nắm trong tay và thao túng hàng loạt công trình trọng điểm của Việt Nam: Đường ống nước Sông Đà 2, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, bô xít Tây Nguyên, đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, nhà máy nhiệt điện Duyên Hải I, Nhiệt điện Vĩnh Tân, nhà máy giấy Lee & Man và ung nhọt Fomosa… Ngoài ra họ còn đầu tư vào các vùng kinh tế trọng yếu của Việt Nam: Khu Kinh tế Vũng Áng – Hà Tĩnh, Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hảỉ, toan tính lập dự án ngay đèo Hải Vân, "Nơi được xem như cánh cửa của vịnh Đà Nẵng, có thể nhìn thấu bán đảo Sơn Trà – và được coi như mắt thần Đông Dương nên mọi hoạt động về quân sự ở Đà Nẵng đều phơi ra trước mắt” như lời ông tướng tư lệnh quân khu 5 nói!
Thế là, cùng với điểm chốt ở đèo Hải Vân, cũng như Formosa ở miền Trung, Bắc Kinh đang âm mưu biến Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải, Trung tâm Nhiệt điện Sông Hậu và Nhà máy giấy Lee & Man thành ba căn cứ quân sự sinh hóa liên hoàn, để từ đó vừa kiểm soát vùng biển phía nam Việt Nam vừa kiểm soát sông Hậu, tuyến giao thông đường thủy huyết mạch nối liền Biển Đông đến biên giới Việt Nam - Campuchia.
Như vậy là, cùng với các dự án gây ô nhiễm, thảm sát môi trường tại những địa điểm chiến lược trọng yếu ngay trên đất Việt Nam như Bauxit Tây Nguyên, thải bùn đỏ chế ngự vùng sườn phía Tây, xương sống Việt Nam; Formosa, xả thải một vùng biển bao la Miền Trung, và kiểm soát cảng nước sâu Sơn Dương, gieo rắc thảm họa kéo dài hàng chục năm cho cư dân các tỉnh Miền Trung.
Rồi nhà máy Lee & Man, xả thải làm chết hệ sinh thái và môi trường nông, ngư nghiệp sông rạch, đưa đến nguy cơ mất trắng nguồn nước ngọt và triệt tiêu toàn bộ nguồn lợi thủy sản Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, nơi có hệ thống sông rạch chằng chịt thông nhau trong vòng trên 40 ngàn cây số vuông, với 20 triệu người sinh sống tại đây, Lee & Man cũng đang xây một cảng quốc tế chuyên dụng ngay bên bờ sông Hậu. Phải nói thêm rằng, kỹ nghệ giấy lạc hậu của Lee & Man không chỉ gây lãng phí và làm ô nhiễm nguồn nước ngọt vốn đang khan hiếm tại vùng Đồng Bằng Cửu Long, mà còn làm ô nhiễm sông rạch qua việc xả nước thải hóa học khổng lồ, mỗi năm sẽ xả ra môi trường đến 28.500 tấn xút (NaOH). Thảm họa môi trường này sẽ hủy hoại vùng trọng điểm chiếm trên 70% diện tích thủy sản, 40% sản lượng nuôi trồng và 60% sản lượng xuất cảng của toàn Việt Nam.
Xin lưu ý thêm là, cùng với vấn nạn vừa nêu, kỹ thuật lạc hậu của Trung Quốc đi liền với mưu toan xảo quyệt của họ cũng là một tai họa tiềm ẩn khó lường. Xin chỉ nêu một ví dụ: ba đoàn tàu mà Trung Quốc chuyển giao lắp ráp cho đường sắt Cát Linh – Hà Đông được áp dụng hệ thống giám sát và điều khiển công nghiệp tự động SCADA. Hệ thống SCADA này đã bị Đội ứng cứu khẩn cấp không gian mạng các hệ thống điều khiển công nghiệp của Mỹ (ICS-CERT) cảnh báo vì có chứa lỗ hổng có thể bị khai thác tấn công từ xa. Một kẻ tấn công không cần kỹ năng cũng dễ dàng xâm nhập và chiếm quyền điều khiển của SCADA.
Khi đã cài hệ thống này rồi thì chỉ một nút bấm đủ để “trả đũa” hoặc “răn đe” đối phương khi không chịu cúi đầu tuân phục. Vậy mà người ta đã vội vã ký hợp đồng mua lại đoàn tàu được cài đặt hệ thống nói trên. Liệu có phải số tiền “lại quả” quá to khiến cho ai đó dễ dàng đánh đổi tính mạng của dân bằng cách biện hộ rằng sẽ có lợi lớn từ “điều kiện vay dễ dãi” của Trung Quốc?
Làm sao có thể kể hết được thảm họa mà Trung Quốc đã, đang và sẽ gây nên trên đất nước chúng ta. Mà đâu phải chỉ chúng ta nói lên điều này, “Chết bởi Trung Quốc” (Death by China) là một cuốn sách được viết ra đã gây tiếng vang lớn trên thế giới, tác giả của nó là Peter Navarro, người đã được mời đứng đầu Hội đồng Thương mại Quốc gia của Mỹ tại Nhà Trắng (NTC).
Gợi ra những điều trên liệu đã tạm đủ để nói lý do vì sao tôi quyết liệt chống lại âm mưu và hành động đen tối và trắng trợn của nhà cầm quyền Trung Quốc chưa? Biểu tình chống Trung Quốc chỉ là một hành động nhỏ (và thật ra tôi cũng chỉ mới tham gia có ba cuộc, trong đó một lần các bạn trẻ công kênh tôi lên để nói thẳng vào Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc phố Hai Bà Trưng), còn là trực tiếp phát biểu trong cuộc mittinh trước thềm nhà Hát lớn Thành phố, và dưới chân tượng Đức Thánh Trần bên bến Bạch Đằng trên đường Tôn Đức Thắng.
Hành động chống Trung Quốc xâm lược của tôi chủ yếu là viết thư phản đối gửi trực tiếp cho Nguyễn Phú Trọng, là ký vào các bản Tuyên Bố, các Thư Ngỏ mà tôi có tham gia chỉnh sửa với dụng ý làm rõ lên ý của Chủ tịch Hồ Chí Minh “mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần yêu nước lại sôi nổi, nó sẽ kết lại thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước va lũ cướp nước”*. Và để tăng thêm tính công phạt, tôi luôn nhấn mạnh Hồ Chí Minh đặt “lũ bán nước” trước “lũ cướp nước”.
Vì xét đến cùng, dù muốn dù không, chúng ta phải sống với Trung Quốc như ông cha ta đã từng sống. Chúng ta kính trọng nhân dân Trung Hoa với nền văn hóa vĩ đại mà họ từng có. Cho nên chúng ta thiết tha muốn có tình hữu nghị cùng sống trong hòa bình với nhân dân Trung Quốc. Vừa rồi tôi đứng ra làm lễ tưởng niệm Lưu Hiểu Ba, người Trung Quốc được trao giải Nobel Hòa Bình, cũng vì lẽ đó.
Nhưng để có điều đó thì phải nuôi dưỡng trong huyết quản dòng máu quật cường không chịu khuất phục của ông cha ta, nhân tố quyết định nhất để dân tộc chúng ta tồn tại và phát triển cho đến hôm nay. So với những Đặng Tiểu Bình, Tập Cận Bình thì những triều đại Đường, Hán, Tống, Nguyên, Minh, Thanh tổ tiên của chúng xưa kia, cũng nham hiểm và hung bạo đâu có kém.
Thế nhưng, bằng bản lĩnh của một dân tộc “Thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc” mà Trần Bình Trọng đã là biểu tượng bất tử cho khí phách đó. Bằng khí phách đó, bằng tinh thần quật khởi, truyền thống quý báu nhất của dân tộc ta, ông cha chúng ta đã hóa giải mọi hiểm nghèo trước kẻ thù truyền kiếp chưa bao giờ nguôi mộng bành trướng, tranh thủ mọi thời cơ thuận lợi để cướp nước ta. Thời cơ mà chủ nghĩa bành trướng Đại Hán tận dụng và khai thác triệt để thường là nhằm khi triều chính của Việt Nam đổ nát, tranh giành chém giết, thanh toán lẫn nhau để chiếm ngôi. Nhân dân thì mệt mỏi điêu linh trong cuộc tranh bá đồ vương đó. Lấy cớ ủng hộ vương triều đã thần phục đang có nguy cơ bị lật nhào, chúng tranh thủ đưa quân xâm lược vào vì đã có lực lượng hậu thuẫn từ bên trong.
Chính vì lẽ đó mà Hồ Chí Minh đòi hỏi phải thấy sự nguy hiểm bội phần của lũ bán nước tiếp tay, nội ứng cho lũ cướp nước. Vì vậy, tôi không chỉ đi biểu tình, mà tôi chống bọn xâm lược Trung Quốc chủ yếu bằng những bài viết nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của dân tộc để góp phần vạch mặt lũ bán nước và lũ cướp nước hiện nay. Chỉ đáng tiếc là tuổi cao sức yếu, tôi chưa viết được nhiều để thường xuyên vạch trần tội ác của lũ bán nước và phơi bày rõ hơn nữa dã tâm và các thủ đoạn nham hiểm của lũ cướp nước Trung Quốc để nói rõ với nhân dân Trung Quốc và bạn bè trên thế giới… Sắp tới sẽ còn phải cố gắng hơn nữa.
II. Tại sao tôi phải viết bài đăng trên mạng? Điều vừa nói là một lý do, và là lý do chủ yếu. Để thật tường minh, trình bày ba điều sau đây:
1. Tôi là một nhà giáo, một người làm nghiên cứu khoa học, vừa nghiên cứu vừa giảng dạy. Để làm việc đó, tôi phải thể hiện chính kiến, tư tưởng và những tìm tòi suy nghĩ của mình trên bài viết đăng trên Tạp chí chuyên ngành, đồng thời cũng đăng trên các tạp chí khác và báo tuần, báo ngày để chuyển tải những điều đó đến đông đảo công chúng nhằm kiểm tra những đúng sai và ý nghĩa thực tiễn của nghiên cứu. Vì vậy tôi viết cho rất nhiều báo và tạp chí. Từ những năm 60,70, 80 của thế kỷ trước tôi chủ yếu viết cho báo Nhân Dân thời Hoàng Tùng làm Tổng Biên tâp, báo Tiền Phong thời Nguyễn Thanh Dương làm Tổng Biên tập, báo Đại Đoàn Kết thời Nguyễn Tiêu làm Tổng Biên tập, trung bình mỗi tháng tôi viết cho mỗi tờ báo này hai bài, cùng với báo là nhiều tạp chí khác (như Tạp chí Tổ Quốc, Tạp chí Tia Sáng, Tạp chí Cộng Sản, Tạp chí Thanh Niên, Tạp chí Văn hóa - Nghệ thuật, Tạp chí Thế Giới Mới…), nhiều báo khác như báo Tuổi Trẻ, báo Thanh Niên, báo Pháp Luật TPHCM, bào “Người Đại biểu Nhân dân” (sau đổi tên thành “Đại biểu Nhân dân)
Xin dừng lại nói vài điều với báo “Người Đại biểu Nhân dân”, tờ báo của Quốc hội thời Hồ Anh Tài làm Tổng Biên tập. Sau một thời gian đăng bài của tôi, báo mở hẳn một mục “Đàm luận sáng thứ hai” do tôi đảm nhận, mỗi tuần một bài chính luận. Thời kỳ này đã hai năm liền tôi nhận được giải thưởng báo chí loại “Giải đặc biệt” do Báo trao tặng, và lần thứ hai cũng “Giải đặc biệt” này được trao cho ba tác giả, một là Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội, một nữa là Hòa thượng Thích Chơn Thiện, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Phật Giáo Việt Nam, đại biểu Quốc hội và một nữa là tôi (đây là lần trao tặng thứ hai). Đến thời ông Nguyễn Phú Trọng về làm Chủ tịch Quốc hội thì mục “Đàm luận sáng thứ hai” bị xóa bỏ, tiếp đó tôi bị cấm không được xuất hiện trên báo, không chỉ trên tờ “Đại biểu Nhân dân” mà còn bị cấm đăng bài trên tất cả các báo trong cả nước (theo lệnh miệng?!)
2. Tôi phải kể dài dòng như trên để giải thích thật tường minh vì sao tôi phải viết bài đăng trên mạng. Viết là một nhu cầu sống của tôi. Đặc biệt là với hoàn cảnh riêng, tôi chủ yếu phải ngồi nhà, thì viết là một cách tham gia vào sinh hoạt xã hội, gắn kết với cộng đồng, giao lưu tư tưởng với đồng chí, đồng nghiệp, đồng bào. Viết cũng là cách góp phần vào cuộc đấu tranh mà một người đảng viên chân chính phải dấn thân. Vào tuổi ngoại 80, đã có thể “lão giả an chi” để vui thú nhàn tản, song với tôi, tôi không muốn và không thể sống như vậy.
Đương nhiên mỗi người có một cách quan niệm về cuộc đời, một chọn lựa về cách sống và tôi tôn trọng mọi cuộc sống lương thiện. Nhưng, càng gần đất xa trời, tôi lại càng muốn sống sao cho trọn vẹn với sự nghiệp tôi đã dấn thân từ thuở còn thiếu niên gần 70 năm trước đây, để cho những ngày còn lại vẫn có thể góp thêm chút ít cho đời. Không có gì to tát, song không phải tự xấu hổ với chính mình để lương tâm thanh thản khi nằm xuống. Chỉ đơn giản thế thôi.
Bị cấm không được viết cho các báo “lề phải”, cũng là cắt nguồn nhuận bút, đồng thời cắt mối liên hệ của tôi với công chúng, đây là một khó khăn mà tôi phải vượt qua. Chiêu bẩn đánh vào cái dạ dày thì đành chịu, tuy không phải là không ảnh hưởng đến cuộc sống, nhưng quan trọng hơn là người ta tưởng rằng có thể cắt đứt sợi dây nối liền tôi với công chúng. Họ nhầm. Sự ngăn chặn đó càng thôi thúc tôi phải vượt qua.
3. Vượt qua bằng ngọn lửa trí tuệ bùng cháy trong tim, không những không để cho tắt đi mà là càng bùng cháy mạnh mẽ hơn. Để làm điều đó, hàng tuần tôi viết “Mênh mông thế sự” kèm theo mục “Điểm tin đáng đọc” để gửi cho những người bạn cùng chí hướng khao khát thông tin song ít, hoặc chưa có kỹ năng và điều kiện truy cập thông tin qua máy vi tính.
Cách này là một cố gắng góp phần trợ giúp thanh lọc bớt những nhảm nhí, nhiễu loạn thông tin, giúp tiếp cận được những thông tin mà theo tôi là đáng đọc. Đương nhiên là đọc để có thông tin với tinh thần phê phán, chấp nhận hay vứt bỏ, và chủ yếu là để không bị ngộ độc thông tin trên mạng. Tôi làm việc này một mình, tự chịu trách nhiệm với chính mình để đỡ mất thì giờ trao đổi thảo luận, một phần vì điều kiện sức khỏe, một phần vì tôi thấy tự do và thoải mái không phải lệ thuộc vào ai cả, cũng là cách tập thể dục cho bộ óc! Khi đã chuyển lên mạng rồi thì nó thuộc quyền người đọc, muốn sử dụng ra sao, chuyển thêm cho ai đọc thì đó là việc của công chúng. Thậm chí có người thêm vào đó mục lục hoặc cài đặt những file thư giãn để chuyển cho bạn bè thì đó là quyền của họ.
Gần đây, do sức khỏe sút kém, tôi không viết được đều kỳ hàng tuần, mà chỉ viết khi sức khỏe cho phép nên tôi đổi lại tên “Mênh mông thế sự để gió cuốn đi” vừa gửi theo cách cũ, vừa cài trên facebook theo dạng “cho tất cả mọi người” (public). Nhưng do điều kiện về sức khỏe, nhất là về đôi mắt, tôi không sử dụng tính năng trao đổi, nhận xét (comment), trả lời… như người sử dung facebook thường làm mà chỉ đưa bài viết lên mạng, ai đọc thì đọc.
Đương nhiên, tôi chịu trách nhiệm về những điều mình viết, rất công khai và minh bạch. Chính vì công khai và minh bạch nên sự thậtđược nói lên một cách rõ ràng, trung thực và thẳng thắn. Mà đã là sự thật thì nó có sức mạnh của chính nó, không ai có thể khuynh loát, cưỡng ép và đàn áp. Tôi nghĩ vậy và đã làm như vậy.
Tôi sẵn sàng tranh luận với bất cứ ai, từ ông Tổng Bí thư mà tôi đã gửi thư ngỏ đưa ra những nhận định của tôi và yêu cầu trả lời (đáng tiếc là cho đến nay chưa có bất cứ hồi âm nào) cho đến bất cứ ai muốn phê phán, bắt lỗi hay không đồng tình. Tôi quan niệm rằng tranh luận công khai và sòng phẳng là một hành vi văn minh của những người có học, có văn hóa.
III. Tại sao tôi trả lời đài nước ngoài? Tạm gợi ra ba lý do:
1. Đã qua rồi cái thời đóng chặt cửa tự nhốt mình vào trong cái vỏ ốc của sự mù lòa và thiển cận. Đất nước đang mở cửa để tìm đường đến với thế giới văn minh, đến với những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đang tiến như vũ bão và được tính tình bằng giây. Thế kỷ XXI là thế kỷ của nền kinh tế trí thức và nền văn minh trí tuệ. Vì vậy, những ai còn chần chừ tin rằng tương lai sẽ chỉ là sự tiếp tục đơn giản của quá khứ sẽ sớm thấy mình bị hụt hẫng trước sự thay đổi. Họ sẽ buộc phải nghĩ lại rằng sẽ phải đi đến đâu và bằng cách nào để đi đến đó khi mà đã qúa muộn để tránh được điều không thể tránh khỏi.
Hội nhập là tiền đề của phát triển. Để hội nhập, không thể kiêng kỵ sự tiếp xúc với bên ngoài. Đương nhiên, bản lĩnh của người chủ động đến với thế giới quyết định cách tiếp xúc ấy. Tôi tự thấy mình có đủ bản lĩnh để không làm xấu hổ cho đất nước khi tiếp xúc với thế giới bên ngoài, trong đó bao gồm việc giao lưu với giới truyền thông nước ngoài. Trả lời phỏng vấn của đài nước ngoài như đài BBC, RFI, RFA, VOA, Bloomberg, Kyodo, v.v. là việc tôi làm thường xuyên với ý thức rằng đây là một cách góp phần làm cho thế giới hiểu về Việt Nam, thực thi sứ mệnh của một người trí thức biết tự trọng và tự tin. Tự trọng và tự tin mình là người Việt Nam, dám ngẩng cao đầu, không chịu để cho người ta coi thường.
Chỉ xin dẫn ra một ví dụ: tháng 6 năm 1989 tôi đến dự một Hội thảo khoa học tại trường Đại học Quốc gia Australia (ANU), ngồi chờ ở sân bay Bangkok chiều ngày 8.6.1989 cùng Phan Đình Diệu sẽ đi họp về Hội nghị Toán học ở Ấn Độ. Diệu bảo tôi: “Mình thì không sao vì chuyên môn Toán, nhưng cậu là Xã hội học, thế nào đến sân bay Sidney cũng sẽ bị họ phỏng vấn về chuyện đàn áp đẫm máu ở Thiên An Môn vừa xảy ra đấy”. Tôi đang suy nghĩ thì thấy anh bạn làm việc ở Ngoại giao cũng vừa bước vào phòng chờ, tôi tranh thủ hỏi ý kiến anh ta. Thất vọng vì câu trả lời: “Anh cứ nói là mình chưa biết, thế là ổn”!
Tôi nghĩ, là Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, sự kiện Thiên An Môn xảy ra đã 4 ngày (ngày 4.6.1989) mà mình nói là chưa biết thì nhục quá. Thế thì còn “xã hội học” cái nỗi gì, còn ra thể thống gì nữa trước con mắt của bạn bè thế giới! Và rồi quả như lời tiên đoán của Phan Đình Diệu, cùng đón tôi ở sân bay, ngoài một người bạn trong Ban tổ chức Hội thảo còn có phóng viên và họ vồn vã hỏi ngay: “Với tư cách của một Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, nước láng giềng của Trung Quốc, ông bình luận thế nào về sự kiện Thiên An Môn?”. May mà tôi cũng đã kịp chuẩn bị trong đầu để nói với họ những điều cần nói, vừa phải, đủ ý song không quá khích để chạm nọc ông láng giềng khốn nạn rất khó chơi, nhưng cũng không thể ba phải hoặc theo đuổi luận điệu nịnh Tàu.
May nhất là, trong nội dung hội thảo, người ta dành hẳn một buổi không có trong chương trình để trao đổi, tranh luận và ra một thông báo lên án cuộc thảm sát Thiên An Môn. Còn nhớ hôm ấy, GS Carl Thayer, người hiện nay là chuyên gia hàng đầu và là nhà bình luận nổi tiếng về tình hình Biển Đông, Trung Quốc và Việt Nam, ngồi cạnh tôi. Chính Thayer đã đọc tham luận lên án cuộc thảm sát Thiên An Môn, xem đó là một vết nhơ trong lịch sử đương đại mà Trung Quốc không thể nào gột sạch. Nếu tôi lẩn tránh không dám bày tỏ thái độ khi phóng viên hỏi thì không hiểu Thayer sẽ nhìn tôi với con mắt thế nào, liệu tôi còn đủ tư cách một nhà khoa học Việt Nam tham gia Hội thảo nữa không?
2. Vì vậy, để thế giới hiểu về Việt Nam, hiểu về người trí thức Việt Nam, tôi không chỉ trả lời đài nước ngoài, mà còn chủ động tiếp xúc với giới ngoại giao nước ngoài mà tôi có dịp gặp gỡ quen biết. Tôi đàng hoàng và công khai mời họ đến nhà để, quanh tách trà nói chuyện được cởi mở và thân tình hơn.
Nhiều người đã trở thành bạn thân của tôi như ông Gile Lever, Đại sứ Vương quốc Anh tại Hà Nội đã bốn lần đến thăm và nói chuyện thân mật với tôi mỗi lần ông ấy vào Sài Gòn và hai lần mời tôi đến tư dinh của ông ở Hà Nội ăn sáng nói chuyện khi tôi có dịp ra Hà Nội trong năm 2016, 2017. Ông Tổng Lãnh sự Pháp Fabrice Maurière, rồi người kế nhiệm Emmanuel Ly-Batallan cũng nhiều lần đến thăm tôi tại nhà riêng và mời tôi đến tư dinh ăn sáng nói chuyện. Nhiều người khác như Đại sứ Thụy Sĩ Andrej Motyl mà tôi rất quý mến, Đại sứ Canada David Devine đã có mối quan hệ thân tình với tôi. Ông Ted Osius, Đại sứ Mỹ cũng đã mời tôi đến gặp nói chuyện tại Hotel Legend trên đường Tôn Đức Thắng, v.v. và nhiều người bạn nước ngoài khác ở các sứ quan và tổng lãnh sự quán cũng như các chuyên viên.
Tôi cũng tiếp nhiều nhà báo đến phỏng vấn tại nhà như Thomas Fuller của The New York Times, Bruno Philip của Le Monde, Kazuo Nagata của The Yomiuri Shimbun, Nobuhiro Okuma của Kyodo News, Kyrstin Oanh của Bloomberg News…
Nêu lên một cách cụ thể như vậy là để nói rõ sự công khai, minh bạch và đàng hoàng của tôi, hiểu rõ mình phải làm gì để giữ gìn thể diện quốc gia, vì lợi ích của đất nước mà có ứng xử đúng đắn và tế nhị để bảo toàn danh dự cho bản thân với tư cách một nhà khoa học, đồng thời biết tranh thủ thiện chí của các nhà báo quốc tế đối với nhân dân mình, đất nước mình sao cho có lợi nhất. Đây là một cố gắng rất nhọc nhằn chứ không phải là chuyện thù tạc thoải mái như có người lầm tưởng. Đương nhiên là nhọc nhằn với người tự biết mình phải làm gì cho đất nước mình và không hổ thẹn với lương tâm.
3. Một vài bài viết của tôi đăng trên báo hoặc tạp chí nước ngoài cũng có chút ít tác dụng nào đó, đáng tiếc là tôi không viết được nhiều. Có tờ báo đã tìm cách chuyển nhuận bút cho tôi như tờ The New York Times, tôi đã chuyển đến Quỹ Cứu Trợ của Báo Tuổi Trẻ, chỉ có điều là quá hiếm hoi và cũng không đáng là bao. Vấn đề là nếu mình có được tiếng nói trên trang báo của những tờ báo lớn của nước ngoài có ảnh hưởng rộng như The New York Times ở Mỹ, Le Monde ở Pháp hay Asahi Shimbun của Nhật, The Times của Anh, v.v. thì tác động của nó đến thế giới sẽ rất mạnh mẽ. Đáng buồn là chúng ta chưa có được điều đó.
Một tiếng nói chững chạc và đúng mực như câu trả lời của nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại Giao Nguyễn Mạnh Cầm cho đài VOA ngày 19.8.2017 vừa rồi về vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình, quốc tịch Hà Lan lên Tòa án quốc tế đòi chính phủ Việt Nam phải bồi thường ít nhất là 1 tỷ 3 đôla vì đã “bội ước” có ý nghĩa lớn đối với diện mạo Việt Nam trên bình diện pháp lý quốc tế mà cách hành xử theo “luật rừng” đáng xấu hổ bị Nhà nước Đức lên án đang làm nhem nhuốc trước thế giới. Câu trả lời đó như sau:
“Mọi chuyện bây giờ tùy thuộc theo cán cân công lý. Không có cách nào khác hơn… Bất luận phán quyết cuối cùng của Tòa trọng tài như thế nào thì đây sẽ là một vụ kiện để lại nhiều bài học kinh nghiệm cần phải rút ra.
Đất nước đang trên đường hội nhập vào đời sống mọi mặt của quốc tế. Chúng ta phải tuân thủ những hiệp định, những thỏa thuận đã ký với quốc tế. Chỉ có cách đó mới bảo vệ được hình ảnh một Việt Nam đổi mới và cải cách, không chỉ vì lợi ích của chính mình, của Việt Nam, mà còn vì lợi ích của các đối tác quốc tế khác, bất luận đó là cá nhân hay quốc gia”.
Liệu câu chuyện nói trên có trả lời được câu hỏi tại sao tôi trả lời đài nước ngoài chưa nhỉ?
Kết luận
Tôi trình bày như vậy cũng đã quá dài tuy vẫn chưa đủ. Song tôi đã thấm mệt và quá căng đầu vì phải viết ra những điều mà đáng ra chẳng cần phải viết. Vào lúc này, tôi lại lẩn thẩn nghĩ rằng có lẽ cứ theo cái triết lý lười biếng “lão giả an chi”của cụ Khổng e lại đỡ mệt. Thế nhưng nếu truy suất gốc gác của triết lý này thì té ra lại là nói lên cái chí của Khổng tử khi trả lời học trò “xin thầy cho chúng con biết cái chí của thầy”. Và Khổng Tử trả lời “Lão giả an chi, bằng hữu tín chi, thiếu giả hoài chi”. (Luận Ngữ. Thiên Công Dã Tràng) Nếu thế thì đây đâu phải là triết lý lười biếng! Ngược lại, là một tuyên ngôn tỏ rõ định hướng đạo lý, mong muốn cải tạo xã hội đấy chứ: “Ta muốn người già thì được an vui, bạn bè tin cậy nhau, trẻ em được chăm sóc vỗ về”.
Có người cho đó là một ảo tưởng. Đúng vậy. Nhưng cái ảo tưởng từ thời cổ đại ấy mới đẹp làm sao, liệu đến hôm nay, khi ở xã hội tươi đẹp của thời kỳ “rực rỡ nhất lịch sử Việt Nam” này như ông Tổng Trọng có lần phởn chí nói ra thì người già đang sống ra sao, bạn bè tin cậy nhau như thế nào (xin khỏi mở rộng khái niệm bạn bè ra vì khó đo đếm, chỉ dừng lại vỏn vẹn mười mấy người trong Bộ Chính trị đã “tin cậy” nhau tuyệt vời đến cỡ nào!), rồi trẻ em được chăm sóc vỗ về ra sao thì mới thấy cái ảo tưởng của cụ Khổng của mấy ngàn năm trước đây là vĩ đại, vì nó nói lên cái khát vọng muôn đời của con người.
Trước hết là khát vọng của người có học muốn góp phần cải tạo xã hội, vun đắp cho đạo lý làm người. Đương nhiên, không thể dẫm lên vết chân cụ Khổng mà lần theo con đường mòn quá nhỏ hẹp khi thời đại đã đổi thay. Tuy vậy, thà đốt lên một que diêm nhỏ nhoi còn hơn chịu bó gối nhìn bóng tối. Ai đó nói rất đúng thế giới phải chìm đắm trong đau khổ không chỉ vì tội ác của những kẻ xấu, mà còn là vì sự im lặng của những người tốt.
Và tôi, thì tôi tâm niệm lời của Mác “Chỉ có súc vật mới quay lưng lại nỗi đau khổ của đồng loại để chăm lo riêng cho bộ da của mình”. Tôi muốn mình là một con người, dù là một con người nhỏ bé, còn nhiều khiếm khuyết, nhưng dứt khoát không thể là một con vật.
Vì vậy,
tôi phải đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược,
tôi phải không chịu để cho người ta bịt miệng, mà quyết nói to lên chính kiến và tư tưởng của mình, lên án lũ bán nước và lũ cướp nước, góp phần thức tỉnh những ai còn bị mơ hồ trước những thủ đoạn bịp bợm, lừa mị đang làm ô nhiễm và đầu độc môi trường xã hội,
tôi phải nói to lên với thế giới khát vọng cháy bỏng của nhân dân tôi đang khát khao ánh sáng của tự đo dân chủ mà Hồ Chí Minh đã nêu lên trong Tuyên ngôn Độc lập 2.9 năm 1945.
Vì, tôi là đảng viên của Đảng do Hồ Chí Minh sáng lập, tổ chức và lãnh đạo. Tôi đang ở trong Đảng để góp phần đấu tranh chống lại sự tha hóa, trước hết là sự tha hóa quyền lực, nhằm làm cho Đảng trong sạch trở lại, với nhận thức rằng “Sự tha hóa quyền lực tất yếu sẽ dẫn đến sụp đổ chế độ chính trị. Nếu sự tha hóa ấy không dừng lại và lành mạnh hóa thì sụp đổ là không thể khác, chỉ còn là vấn đề thời gian. Sự sụp đổ ấy chính là tự đổ, không phải do ai phá và cũng không ai cản nổi” như nguyên phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Ngọc Hoàng viết trên tạp chí Tuyên giáo gần đây. Sự tha hóa quyền lực đó chưa hề dừng lạicàng chưa hề “lành mạnh hóa”, hơn nữa, lại đang được đẩy tới một cách hối hả, diễn biến những ngày qua cho thấy rõ điều đó.
Vì vậy, đúng “chỉ còn là vấn đề thời gian”, và thời gian đang ủng hộ chúng ta, những người vững tin vào tính tất yếu của quy luật vận động, tin vào chân lý của cuộc sống, mà đã là chân lý thì “không ai cản nổi”.
Ngày 21.8.2017
T.L.
Tác giả gửi BVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét