Quốc tế kêu gọi trừng phạt Myanmar vì đàn áp người Rohingya
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế Human Rights Watch vào ngày 18 tháng 9 lên tiếng kêu gọi thế giới áp dụng lệnh trừng phạt lên quân đội Myanmar vì đã đẩy khoảng hơn 400.000 người Hồi giáo Rohingya ra khỏi nước này trong một chiến dịch được Liên Hợp quốc gọi là ‘thanh lọc sắc tộc’.
Tuyên bố của tổ chức này đề nghị Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc và các nước quan tâm nên áp đặt lệnh trừng phạt và cấm bán vũ khí đối với quân đội Myanmar, đồng thời phong tỏa tài sản và cấm đi ra nước ngoài những quan chức quân đội Myanmar có liên quan đến chiến dịch thanh lọc.
Lời kêu gọi này được đưa ra giữa lúc Đại hội đồng Liên Hợp quốc chuẩn bị họp ở New York để bàn về vấn đề khủng hoảng ở Myanmar.
Đợt khủng hoảng mới ở Mynamar bắt đầu từ ngày 25 tháng 8 ở bang Rakhine khi một nhóm những người Rohingya nổi dậy tấn công vào một số đồn cảnh sát và doanh trại quân đội Myanmar, giết chết 12 người.
Quân đội Myanmar sau đó đã đáp trả và khiến hơn 400.000 người Rohingya phải chạy đi lánh nạn sang nước láng giềng Bangladesh.
Hãng tin Reuters hôm 18 tháng 9 cho biết hàng trăm người tị nạn Rohingya tiếp tục đến Bangladesh bằng thuyền nhỏ trong các ngày chủ nhật và thứ hai. Những người này cho biết quân đội Myanmar đã đốt phá nhà cửa và giết hại người Rohingya. Nhiều người tị nạn còn cho biết có những thường dân là người theo đạo Phật ở bang Rakhine cũng tham gia những cuộc tấn công nhắm vào người Rohingya.
Các tổ chức nhân quyền quốc tế cho biết các hình ảnh vệ tinh cho thấy khoảng 80 làng của người Hồi giáo tại bang Rakhine đang bị cháy và xác nhận thông tin các bằng chứng về những vụ đốt phá của người theo đạo Phật đối với làng và nhà cửa của người Hồi giáo Rohingya.
Chính phủ Myanmar bác bỏ những cáo buộc này và đổ lỗi cho những kẻ nổi dậy Hồi giáo đã gây ra bạo lực tại bang Rakhine.
Myanmar hiện cũng không cho các nhân viên trợ giúp nhân đạo và phóng viên vào khu vực đang xảy ra chiến sự.
Người Bangladesh biểu tình hỗ trợ sắc dân Rohingya
Trong khi đó tại thủ đô Dhaka, Bangladesh, khoảng 20.000 người Hồi giáo theo đường lối cứng rắn đã xuống đường tuần hành để phản đối bạo lực chống lại người Rohingya ở Myanmar.
Những người biểu tình mặc áo trắng hô to khẩu hiệu Thượng đế là toàn năng. Họ tập trung bên ngoài một nhà thờ hồi giáo lớn nhất Bangladesh và dự định sẽ bao vây tòa đại sứ của Myanmar tại Bangladesh.
Trước đó, vào thứ 6 tuần trước, khoảng 15.000 người biểu tình ở Bangladesh đòi hỏi chính phủ phải có chiến tranh với Myanmar nơi người theo đạo Phật chiếm đa số, vì tội diệt chủng đối với người Hồi giáo Rohingya.
Trước khi bạo lực xảy ra ở Myanmar hôm 25 tháng 8, đã có ít nhất khoảng 300.000 người tị nạn Rohingya ở Bangladesh, trong các trại tị nạn có điều kiện tồi tệ trên biên giới với Myanmar.
Chính phủ Ấn Độ muốn trục xuất người Rohingya vì lo ngại an ninh
Toà tối cao Ấn Độ hôm 18 tháng 9 bắt đầu xem xét một khiếu nại phản đối quyết định của chính phủ trục xuất khoảng 40.000 người Hồi giáo Rohingya từ Myanmar vì lo sợ những người này là mối đe dọa cho an ninh của Ấn Độ.
Khiếu nại này được nộp lên tòa hôm thứ sáu tuần trước thay mặt cho 2 người Rohingya hiện đang sống ở một trại tị nạn ở New Dehli sau khi chạy trốn khỏi Myanmar khoảng 5 đến 6 năm về trước.
Khiếu nại này được đưa ra sau khi một quan chức chính phủ Ấn Độ hồi tháng trước cho biết chính phủ nước này sẽ trục xuất hết tất cả những người Rohingya, kể cả những người đã được đăng ký với Liên Hợp quốc.
Phát biểu tại tòa tối cao hôm 18 tháng 9, ông Mukesh Mittal, một giới chức cao cấp của Bộ Nội vụ Ấn Độ nói tòa phải cho phép chính phủ thực hiện quyết định trục xuất vì lợi ích rộng lớn hơn của quốc gia vì một số người tị nạn Rohingya đến Ấn Độ có hồ sơ cực đoan. Ông này nói một số người Rohingya từng tham gia du kích quân ở Myanmar cũng đang hoạt động rất tích cực ở một số bang của Ấn Độ và được xác định là mối đe dọa rất nghiêm trọng và tiềm ẩn đối với an ninh quốc gia.
Những người Rohingya nộp đơn khiếu nại bác bỏ thông tin cho rằng họ có liên quan đến những tổ chức Hồi giáo quá khích.
Theo thống kê của Liên Hợp quốc, hiện có khoảng 16.000 người Rohingya được đăng ký ở Ấn Độ, nhưng còn rất nhiều người chưa được đăng ký. Chính phủ Ấn cho biết con số người Rohingya không có giấy tờ là 40.000 người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét