Đồng Tâm: Hội nghị chống tham nhũng và hai thông điệp
bauxitevn8:20 AM
Nguyễn Đăng Quang
Chiều chủ nhật 27/8/2017 vừa qua, người dân Đồng Tâm đã họp Hội nghị bài trừ tham nhũng, mà họ gọi là “Hội nghị Công dân” để biểu thị tinh thần quyết tâm, đồng lòng nhất trí chống bọn tham nhũng, diệt giặc nội xâm, bảo vệ đất đai và cuộc sống yên bình, cho dù có phải đổ máu hoăc hy sinh tính mạng! Hội nghị đã kêu gọi công luận và các cơ quan báo chí, truyền thông trong và ngoài nước, lên tiếng đồng tình, ủng hộ họ trong cuộc đấu tranh này. Cuộc họp đã thu hút hàng trăm đại diện người dân thay mặt cho hơn 9.000 cư dân trong xã tham dự. Nhiều người dự Hội nghị ví đây như một “Hội nghị Diên Hồng” thu nhỏ của thời đại @ trong thế kỷ XXI ngày nay!
Hội nghị đã gửi đi 2 thông điệp: Thông điệp thứ nhất là Biên bản Hội nghị gửi các tổ chức Xã hội Dân sự trong nước, kêu gọi họ ủng hộ và đồng hành cùng bà con Đồng Tâm trong cuộc đấu tranh giữ đất, chống giặc nội xâm. Nhưng thông điệp thứ hai mới là chuyện đáng bàn. Thông điệp này là Thư của Hội nghị gửi các Sứ quán nước ngoài ở Hà Nội (Đoàn Ngoại giao) và Cơ quan đại diện các Tổ chức quốc tế ở Việt Nam, kêu gọi họ giúp đỡ cuộc đấu tranh đang diễn ra của bà con Đồng Tâm bằng cách mời họ đóng vai trò trung gian giám sát việc thực thi bản “Cam kết 3 điểm” ngày 22/4/2017 của ông Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung với người dân Đồng Tâm!
Đây quả là một hiện tượng mới, một cách làm rất sáng tạo của bà con nông dân xã Đồng Tâm. Nếu tôi nhớ không nhầm, thì đây là lần đầu tiên những người nông dân Việt Nam gửi văn bản chính thức kêu gọi các Cơ quan Đại diện Ngoại giao nước ngoài và các Tổ chức Quốc tế ở Việt Nam đứng ra làm trung gian giám sát việc thực thi các cam kết giữa những người Việt Nam với nhau, cụ thể trong trường hợp này là bản “Cam kết 3 điểm” của ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội với công dân của mình! Người dân Đồng Tâm buộc phải tiến hành bước đi này, tôi nghĩ, có lẽ là một điều bất đắc dĩ. Nếu chính quyền nghiêm chỉnh thực thi những điều đã cam kết, tôi nghĩ người dân sẽ vui lòng và chẳng ai muốn “vén áo cho người xem lưng”, càng không muốn “quốc tế hóa” một vấn đề nội bộ vốn chỉ là cam kết giải quyết tranh chấp đơn thuần giữa các bên Việt Nam với nhau! Hẳn phải có lý do và nguyên nhân sâu xa gì đó khiến họ phải cầu cứu đến sự giám sát trung lập, khách quan của quốc tế? Phải chăng những người dân yếu thế này đã cạn kiệt niềm tin, chẳng còn chút hy vọng, trông cậy nhỏ nhoi nào vào chính quyền, nên buộc họ mới làm vậy?
Cuộc sống của người dân Đồng Tâm sau biến cố 15/4/2017 đang êm ả trôi qua, bởi vụ việc đã được người đứng đầu thành phố tuyên bố khép lại. Nhưng đâu phải vậy! Cuối tháng 7/2017, UBND TP Hà Nội công bố một kết luận thanh tra đầy sai trái và bất nhẫn, khiến cho cuộc sống nơi đây dậy sóng. Tình hình càng trở nên bất an khi CAHN và Cục Điều tra Hình sự-BQP liên tục triệu tập hàng loạt công dân xã Đồng Tâm (trong đó có cả cụ Lê Đình Kình đang dưỡng thương và con trai là Trưởng thôn Hoành Lê Đình Công), yêu cầu họ phải bỏ công ăn việc làm, vượt quãng đường dài 50km đến trình diện CQĐT! Việc triệu tập này cho dù có đúng luật, nhưng cách triệu tập là thiếu tình người! Nếu các CQĐT muốn thu thập thông tin, tiến hành điều tra phục vụ cho vụ án nào đó, họ hoàn toàn có thể về xã Đồng Tâm, mời các công dân này ra trụ sở UBND xã để làm việc, thực hiện công tác thu thập tin tức, điều tra chứng cứ! Người dân nói sẽ sẵn sàng hợp tác nếu CQĐT về xã Đồng Tâm làm như vậy. Thử hỏi có khôn ngoan và thành tâm không khi buộc người dân phải trình diện CQĐT khi họ chưa phải là can phạm, và đặc biệt giữa 2 bên còn đang ngờ vực nhau nặng nề?
Theo thiển nghĩ của tôi, việc bắt buộc phải làm và phải làm trước tiên, đó chính là CAHN và Cục ĐTHS-BQP phải tiến hành gặp gỡ, làm việc với toàn bộ 38 quan chức và CSCĐ – những viên chức bị người dân Đồng Tâm buộc phải bắt giữ hôm 15/4/2017 – yêu cầu tất cả họ phải viết tường trình chi tiết xem quá trình họ bị người dân Đồng Tâm bắt giữ, đối xử với mình ra sao, để đi đến kết luận, khẳng định xem người dân Đồng Tâm đối xử với họ thế nào, có ai bị đánh đập, tra tấn dã man không, có bị bỏ đói, bỏ khát không? Việc này cần làm kỹ và làm gấp. Nếu tất cả họ đều khẳng định được người dân đối đãi tử tế, nhân hậu, thì CQĐT nên khép lại vụ án đã khởi tố hôm 13/6/2017 bằng cách tuyên đình chỉ vụ án, kết thúc điều tra, vì vụ việc không để lại hậu quả nghiêm trọng gì! Theo tôi, đây là cách khép lại vụ việc nhạy cảm này một cách khôn ngoan, đồng thời mở ra một lối thoát danh dự cho mọi bên theo nguyên tắc WIN-WIN, tức các bên cùng thắng, không có bên nào thua cả! Tuyệt đối không cố chấp, vì đây là DÂN, có phải là ĐỊCH đâu? Nếu có thua, thì là thua dân, người sinh ra ta và đóng thuế nuôi ta, có gì đâu mà phải nhục, phải không các bạn?
Hà Nội, ngày Quốc khánh 2/9/2017.
N.Đ.Q.
(P/s: Xin mời xem các văn bản đính kèm.)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét